You are here

Quang Tôn và ký ức "Thất cầm"

Tác giả: 
Diên Khánh

"Thất cầm" là nhóm nhạc của bảy nghệ sĩ guitar nổi tiếng ở Hà Nội từ năm 1972, đã trở thành một nhóm nhạc huyền thoại, những thành viên của nhóm hiện không còn đông đủ. Nhưng với nghệ sĩ Quang Tôn - một thành viên tham gia sáng lập nhóm luôn luôn cảm thấy nhớ thời của mình. Ông ước được trở lại ngày đó, nhưng thời gian, tuổi tác không phải lúc nào cũng chiều lòng người. Để đỡ nhớ, Quang Tôn đã thường xuyên ôm đàn một mình...

Tản mạn với người say

Nghệ sĩ Quang Tôn sinh năm 1938 tại phố Hàng Gai - Hà Nội. Ông công tác ở báo Hà Nội Mới. Năm 1999, ông nghỉ hưu. Quang Tôn yêu những con phố và lúc nào cũng muốn gắn bó với phố phường. Phố phường cũng đã yêu những người như Quang Tôn thời trai trẻ, bởi họ đã mang đến phố phường, đến những trái tim trẻ Thủ đô những âm điệu của nhạc, một món ăn tinh thần đầy ý nghĩa.

Nghệ sĩ Quang Tôm say sưa chơi đàn.

Tôi không biết phố phường sẽ còn lại gì, nếu như không còn những người dạy guitar, những cô cậu sinh viên mơ màng ôm đàn trong công viên. Đem chuyện này hỏi Quang Tôn, ông cho biết: Phố sẽ rất buồn. Bởi ông đã từng nói, tiếng nhạc làm cho người ta bớt ác hơn, làm người gần người hơn, làm cho con người có thể cảm nhận được cái hay cái đẹp của cuộc sống. Vậy thì, phong trào học guitar nên được các đối tượng học sinh, sinh viên, kể cả công chức gìn giữ.

Quang Tôn quá yêu guitar và những nốt nhạc bổng trầm, có thể vì thế mà ông nhớ từng vị trí ngày trai trẻ ông và các bạn ngồi ôm guitar hát. Vào thập niên 1960 và 1970, khi Trịnh Công Sơn ôm đàn guitar cho Khánh Ly hát, hay cặp Lê Uyên - Phương cũng với cây đàn guitar duy nhất đệm hát thì hình ảnh cây guitar càng quyến rũ hơn. Những chàng trai như Quang Tôn ngày đó cũng trở nên "tài tử", đáng yêu hơn khi ôm guitar ngoài phố, trên sân khấu hay ở bất cứ dưới tán cây bên công viên nào. 

Tôi có thể hình dung ra khung cảnh lúc đó, rất nhiều cô gái vây quanh một anh chàng đẹp trai nào đó, với mái tóc bồng bềnh, đôi mắt mơ màng chơi những bản nhạc về tình yêu. Quang Tôn ít nói về chuyện riêng tư của mình, nhưng tôi chắc chắn ông đã từng được nhiều thiếu nữ yêu và họ từng mơ màng về một mái ấm.

Đến với guitar, Quang Tôn học và tìm hiểu rất kỹ, rất bài bản về loại nhạc cụ này. Nhưng ông đã gặp phải một trở ngại lớn, từ năm 1970, những ngón tay ở bàn tay phải của ông mắc chứng viêm đa khớp, bị cứng lại. Bên tay trái thì nhẹ nhàng hơn. Ông đã được hai bác sĩ tài ba, có tiếng châm cứu và mổ để chữa trị, nhưng bệnh tật chẳng thuyên giảm bao nhiêu. 

Dầu vậy, Quang Tôn đã vượt qua trở ngại đó, để là một tín đồ, một người chơi guitar thành thục. Niềm đam mê của ông không những chẳng thuyên giảm và còn hăng hái hơn. Cứ như, không có guitar thì ông không thể sống được. 

Quang Tôn cho biết, thuở đầu tân nhạc của đất nước Việt Nam có mấy nhạc cụ như mandolin, guitar, violin, piano, kèn saxophone, trumpet… thì cây đàn guitar là phổ thông nhất. Vừa có thể một mình solo guitar, có thể vừa tự đệm đàn cho mình hát hay cho người khác và có thể chơi chung trong một ban nhạc. Cũng có thể học vài tháng và ôm đàn gẩy từng tưng hoặc có thể tiến xa hơn để trở thành một danh cầm và giá tiền để mua nó cũng không quá đắt. 

Cây guitar có thể chơi bất cứ chỗ nào, trên xe, ngoài trời, trong nhà, trên sân khấu, nhất là ở những buổi họp mặt, cắm trại, cây đàn 6 dây này thật nổi bật, thật dễ mến.

Ký ức "Thất cầm"

Mấy chục năm qua đi, nhiều người dân Hà Nội còn nhớ rất rõ hình ảnh của nhóm "Thất cầm" mỗi khi lên sân khấu họ say sưa thế nào. Họ có 7 người, gồm Hải Thoại, Quang Tôn, Đặng Quang Khôi, Đỗ Trường Giang, Vũ Bảo Lâm, Nguyễn Tỵ, Phạm Văn Phúc và từ năm 1972, họ đã "truyền lửa" cho giới trẻ yêu guitar thêm say sưa với loại nhạc cụ này.

Nghệ sĩ Quang Tôn (ngoài cùng bên trái) và các nghệ sĩ nhóm Thất Cầm.

Nhóm bảy người có từ năm 1955 và thường xuyên luyện tập cùng, chơi cùng nhau bên hồ Hoàn Kiếm, các công trường ở Thủ đô, các đường phố và nhiều gia đình yêu thích guitar. 

Nghệ sĩ Quang Tôn bảo rằng, nhóm "Thất cầm" tề tựu được là do cái duyên như từ tiền kiếp. Niềm đam mê và những khát vọng tuổi trẻ đã gặp nhau, những chàng trai đến và bổ sung cho nhau, rồi làm nên một "Thất cầm" huyền thoại như người Hà Nội đã từng biết, từng yêu mến. 

Trước đó, guitar hầu như chỉ là một nhạc cụ dùng đệm, nghệ sĩ Tạ Tấn cũng mới chơi độc tấu một số bài đơn giản, thì từ khi "Thất cầm" xuất hiện, guitar ở Việt Nam đã được đưa lên ở tầm cao hơn vì nó có khả năng độc tấu, có thể chơi được độc lập.

Nghệ sĩ Quang Tôn nói rằng, vào thời ông còn trẻ, phong trào guitar ở miền Bắc chưa có gì đặc biệt. Lúc đó đĩa hát về guitar rất hiếm, sách vở bài bản cũng hiếm, thi thoảng có người bạn ở nước ngoài mang đĩa về thì những nghệ sĩ như ông mới được nghe các nghệ sĩ nước ngoài chơi các tác phẩm của họ.

Đầu năm 1973, nhóm đã có cơ hội thu thanh trên sóng của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Lần đầu tiên thính giả cả nước biết đến tên nhóm với những tiếng đàn guitar điêu luyện làm say lòng người. Tên nhóm "Thất cầm" hay còn gọi là "Thất tinh ghita Hà Nội" chính thức có từ ngày đó. Những nghệ sĩ trẻ hăng hái chơi nhiều hơn, cho thỏa niềm đam mê của tuổi trẻ, không cần lợi lộc, họ liên tục được thu và phát lên sóng. 

Năm 1974, nhóm được mời chơi trong một buổi sinh hoạt guitar tại trụ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được các nhạc sĩ Văn Ký, Phan Huỳnh Điểu, Đỗ Nhuận rất hài lòng và ủng hộ. Nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1974, Hội Nhạc sĩ đã tổ chức một đêm biểu diễn guitar tại CLB Đoàn kết. 

Đêm nhạc đã thu hút nhiều người yêu nhạc, khán giả nhiều đến nỗi không còn chỗ ngồi. Đêm diễn thành công rực rỡ, gây nên một sự kiện âm nhạc cho thành phố Hà Nội. Ngay sau sự kiện này, Hội Nhạc sĩ quyết định đưa nhóm ra rạp Công Nhân tổ chức liền 3 đêm nữa và thiếu vé để bán. 

Những người yêu guitar chen chúc đứng ở phố, ngồi trên tường chăm chú nghe. Không ít nghệ sĩ có tiếng như Thái Thị Liên, Trọng Bằng, Hoàng Giác… cũng đến dự. Thời gian này, Hội Nhạc sĩ quyết định thành lập CLB Guitar cổ điển, nòng cốt là nhóm "Thất cầm", liên tục có những đêm diễn phục vụ người hâm mộ Thủ đô.

Mê hoặc quần chúng bằng tiếng đàn

Là một người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, Quang Tôn thấy muốn mê hoặc được quần chúng bằng tiếng đàn thì phải khổ công luyện tập để tạo ra những âm thanh có sức sống, lay động được tâm hồn người. Ngày nhóm "Thất cầm" được Hội Nhạc sĩ Việt Nam quyết định thành lập thành CLB guitar, ông có nhiều dịp biểu diễn cho công chúng. Ông cũng thường phải xuống đường phố luyện tập khuya để khỏi ảnh hưởng đến gia đình, hàng xóm. 

Đến năm 1985, nhóm "Thất cầm" đi vào thoái trào do kinh phí và các nghệ sĩ phải bận bịu với công việc. Họ đã thành lập CLB Guitar Cổ điển Hà Nội với ý nghĩ, nên có một chỗ để cho giới trẻ sinh hoạt, biểu diễn và học tập. Giờ thì những người nghệ sĩ trẻ Hà Nội coi sóc nó, CLB đang hoạt động tốt, thu hút nhiều giới trẻ tham gia. Tiếng đàn guitar vẫn có sức quyến rũ đến si mê đối với tầng lớp thanh niên, trí thức.

Ngày xưa, giới trẻ chưa bị mê hoặc bởi rop, rock hay hip-hop… như bây giờ, thì âm nhạc thế giới đến với họ chủ yếu qua các tác phẩm cổ điển. Nghệ sĩ Quang Tôn cho hay: "Thời đó, theo phong trào và cũng là niềm đam mê của giới trẻ, họ tìm đến chúng tôi học guitar nhiều lắm, như để bồi bổ thêm tâm hồn mình. Họ học tập say sưa và hầu như không nghĩ mình học để đi kiếm tiền. Chơi guitar cũng là thú chơi tao nhã, thanh tao, bổ ích. Khi trang bị cho mình những ngón guitar, cũng giống như trang bị cho quả tim của mình những bản nhạc sinh động của cuộc đời".

Mỗi con người đều có những cuộc chinh phục, những thú vui của mình. Với Quang Tôn, ông yêu guitar và âm nhạc không chỉ còn là thú vui nữa. Nó biến thành niềm đam mê thuần khiết và du dương lắng đọng, bởi thế ông đã chinh phục nó, làm chủ những nốt nhạc và quan trọng hơn, khi ôm đàn, ông làm chủ được âm thanh và làm nó ngân lên muôn điệu. Giờ nhóm "Thất Cầm" còn bốn người sinh sống và dạy đàn ở Hà Nội, là Quang Tôn, Phạm Văn Phúc, Vũ Bảo Lâm, Nguyễn Tỵ. Dù các ông đều ở tuổi hơn 80, nhưng chất nghệ sĩ và khả năng guitar vẫn rất tuyệt vời. 

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.