You are here

Quỹ Học bổng âm nhạc Nguyễn Thiện Đạo ra mắt quốc tế

Những ngày cuối tháng 8/2020 đánh dấu việc Quỹ học bổng mang tên nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo chính thức ra mắt, nằm dưới sự quản lý của Fondation Roi Baudouin (King Baudouin Fondation), Vương quốc Bỉ.

Quỹ học bổng âm nhạc Nguyễn Thiện Đạo đã được mở ra từ năm 2018 và đã hỗ trợ cho nhiều dự án âm nhạc, nghệ thuật quốc tế của các nghệ sĩ thuộc nhiều trường phái âm nhạc khác nhau. Nhưng đến năm 2020, việc ra mắt chính thức mang một ý nghĩa nhấn mạnh hơn nữa: phát động lời kêu gọi các dự án âm nhạc Đông-Tây, đặc biệt kết nối giữa Pháp và các nước châu Á.

Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo (1940-2015), đến Pháp vào năm 13 tuổi, sau đó đã vào Nhạc viện Quốc gia Paris và đến năm 1967, trở thành học trò của nhà soạn nhạc danh tiếng Olivier Messiaen, tốt nghiệp hạng nhất của Nhạc viện Paris về sáng tác, từ đó dấn bước vào sự nghiệp âm nhạc cho đến ngày ông mất. Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo đã có 94 tác phẩm âm nhạc theo trường phái cổ điển đương đại, kết hợp dàn nhạc giao hưởng kinh điển của phương Tây và nhạc cụ của châu Á, đặc biệt Việt Nam, thậm chí với âm thanh từ mọi chất liệu cuộc sống: tiếng gió, tiếng chuông, giọng đọc thơ, thiên nhiên,… Với những buổi biểu diễn kết hợp âm nhạc – thị giác – vũ điệu trên các sân khấu lớn như Nhà hát Opéra Paris, Unesco,… cũng như tại nhiều nước trên thế giới, nhất là Nhật Bản (ông đã được Nhật hoàng tiếp kiến), nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo là một trong những người Việt Nam hiếm hoi được ghi tên vào từ điển Le Petit Larousse, Le Petit Robert, Who’s Who. Ông cũng nhận được nhiều huy chương, bằng khen từ chính phủ Pháp cũng như chính phủ Việt Nam.

Quỹ học bổng âm nhạc Nguyễn Thiện Đạo là ước mơ của ông khi còn sống, xuất phát từ sự biết ơn đối với những người đã dìu dắt mình trong sự nghiệp âm nhạc, nên ông cũng mong muốn hỗ trợ lại những nghệ sĩ, tài năng trẻ kết nối âm nhạc Đông-Tây như con đường mình đã đi. Những nghệ sĩ, tài năng Việt Nam được khuyến khích tham gia cho học bổng này để có thể hòa nhập cùng dòng âm nhạc thế giới.

Quỹ văn hóa Fondation Roi Baudouin (King Baudouin Fondation) là một quỹ quốc tế có trụ sở tại Vương quốc Bỉ, được thành lập vào năm 1976 nhân dịp 25 năm trị vì của vua Bỉ Baudouin (thời gian trị vì: 1951-1993). Từ năm 2015 đến nay, Quỹ văn hóa Fondation Roi Baudouin (King Baudouin Fondation) được Hoàng hậu Mathilde, vợ vua Philippe, bảo trợ. Quỹ văn hóa này đã thực hiện rất nhiều dự án quốc tế về sức khỏe, giáo dục, di sản và văn hóa, dấn thân xã hội,… tại Mỹ, châu Âu, và châu Phi. Quỹ học bổng âm nhạc Nguyễn Thiện Đạo hiện do Fondation Roi Baudouin quản lý với những quy chuẩn quốc tế và tinh thần cởi mở, tôn vinh tài năng.

Thông tin học bổng bằng tiếng Anh và Pháp, mở rộng cho tất cả mọi người, mọi quốc tịch, trong độ tuổi từ 18 đến 35, không giới hạn mức học bổng, miễn là hồ sơ đúng tiêu chí của Quỹ và có mục đích phát triển nghệ thuật Đông-Tây. Hồ sơ của các thí sinh được gửi đến Quỹ học bổng sẽ được một hội đồng chuyên môn thẩm định.

Hồ sơ thông tin bằng tiếng Anh và Pháp:

Tiếng Anh

Tiếng Pháp 

Hy vọng sẽ có nhiều nghệ sĩ, tài năng trẻ Việt Nam tham gia lời phát động này và nhận học bổng từ một quỹ quốc tế mang tên của một người Việt Nam – nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo.

Thông tin thêm về tiểu sử nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo (1940-2015):

Nguyễn Thiện Đạo là nhà soạn nhạc thuộc dòng Nhạc cổ điển đương đại (Contemporary classical music), là nhà soạn nhạc Việt Nam đầu tiên tiên phong trong dòng nhạc này, là học trò cưng của Olivier Messian – một trong nhà soạn nhạc nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Ngoài âm nhạc, ông cũng là người đam mê nghiên cứu văn hóa Việt Nam nói riêng và Đông-Tây nói chung.

Một vài cột mốc quan trọng:

Năm 13 tuổi ông sang Pháp, trở thành sinh viên Nhạc viện quốc gia Paris vào năm 1963. Ông tốt nghiệp hạng nhất khoa sáng tác với tác phẩm Thành đồng tổ quốc.  

Năm 1969, tại Festival nghệ thuật quốc tế Royan, Nguyễn Thiện Đạo là tên tuổi Việt Nam nổi lên như một hiện tượng trong nghệ thuật hàn lâm thế giới với tác phẩm Tuyến Lửa – một bản anh hùng ca về cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân Việt Nam.  

Năm 1982, ông được ghi tên vào từ điển Le Petit Larousse, được định nghĩa là nhà soạn nhạc của văn minh Đông-Tây.  

Năm 1983, ông được Hàn lâm viện Nghệ thuật Pháp trao Giải thưởng danh giá André Caplet cho toàn bộ tác phẩm của mình.  

Năm 1984, ông được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Chevalier des Arts et des Lettres (Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương).  

Năm 1995, ông được trao Giải thưởng quốc tế Gian Carlo Menoti và được ghi vào từ điển Le petit Robert.  

Năm 2005, ông vinh dự được trao giải thưởng Vinh danh nước Việt.  

Năm 2008, ông được Ban chỉ đạo Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc đề nghị viết một bản nhạc cho Đại lễ Vesak. Buổi trình diễn hết sức thành công vì quy mô hoành tráng và đưa kinh Phật vào lời hát giao hưởng.  

Sự nghiệp sáng tác nhạc của ông gồm 94 tác phẩm độc tấu, giao hưởng, opéra,… phần lớn do các Chính phủ ở châu Âu đặt viết, được biểu diễn nhiều nơi trên thế giới. Tên ông đã xuất hiện trong 70 công trình nghiên cứu âm nhạc.  

Buổi biểu diễn vở Mỵ Châu-Trọng Thủy ở Nhà hát Opéra Paris, với họa cảnh và thiết kế mỹ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng, hoặc buổi trình diễn tại Nhật và được Nhật hoàng tiếp kiến sau đó,… là một trong những sự kiện thể hiện tài năng của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo trên thế giới.

Ở Việt Nam, dòng nhạc cổ điển-đương đại của ông vẫn khá mới mẻ và rất kén người nghe vì độ phức hợp về kỹ thuật trình diễn lẫn ý nghĩa sâu sắc trong ngôn ngữ âm nhạc (ông thường dùng những nốt rất cao và rất thấp liên tục nhau, các nốt nhạc phức tạp, và xen lẫn nhiều dòng nhạc trong một tác phẩm như giao hưởng và rock,..). Nhận định của giới chuyên gia phê bình âm nhạc: Mỗi nốt nhạc của Nguyễn Thiện Đạo đều có ý nghĩa tồn tại của nó, và đều cố gắng vượt ngưỡng giới hạn âm nhạc thuần túy.  

Cuộc đời và tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã được giới thiệu trong nhiều sách và chương trình truyền hình tại Pháp và Việt Nam. Ông thầm lặng trao hàng ngàn học bổng âm nhạc cho các trường Nhạc viện, các sinh viên nghèo tại Việt Nam, và sinh viên tài năng tại các Nhạc viện tại Pháp.  

Ông mất đột ngột vào cuối năm 2015, khi vừa phát hành quyển truyện Sống lửa do ông sáng tác và viết xong bản Linh Giác. Với bản Linh Giác, ông chưa kịp chính tay mình chỉ huy dàn nhạc ngay; vì vậy, trên bảng tên được đặt tại ngôi nhà của ông đã có những nốt nhạc trích từ tác phẩm cuối cùng này của ông.    

Không hề là ngẫu nhiên cho thành công kéo dài cả cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo dù tên tuổi ông vang dội ở nước ngoài và rất ít được biết tại Việt Nam. 

Hiện nay, tại nhiều Nhạc viện ở Paris và các thành phố tại Pháp có học bổng mang tên Nguyễn Thiện Đạo để giúp các sinh viên học nhạc, dù quốc tịch nào, miễn có mơ ước và tài năng có thêm nguồn học bổng trợ giúp việc học.

Hình ảnh & Hồ sơ: Quỹ âm nhạc Nguyễn Thiện Đạo

(Nguồn: https://media-99.com/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.