You are here

R.Strauss và Duet concertino cho clarinet và bassoon

Tác giả: 
Mai Hạnh

Richard Strauss, 1922 - Ferdinand

Điệu vũ biến chú gấu thành hoàng tử

Richard G. Strauss (1864 - 1949) là một nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nghệ sĩ piano và violon kiệt xuất người Đức. Được coi là nhà soạn nhạc hàng đầu của cuối thế kỷ 19, ông được mô tả là người kế thừa Richard Wagner và Franz Liszt. Cùng với Gustav Mahler, ông đại diện cho Đức trong số các nhạc sĩ thuộc trường phái Lãng mạn muộn. Strauss nổi danh bởi khả năng phối khí tinh tế cùng cách vận dụng hoà thanh mới mẻ, thể hiện trong hàng loạt tác phẩm ở nhiều thể loại, cả ở khí nhạc, thanh nhạc và opera.

Một trong những ví dụ chứng minh cho tài sắp xếp, phối hợp các âm sắc nhạc cụ của Strauss là bản Duet concertino cho clarinet và bassoon TrV 293. Ông không sử dụng đầy đủ biên chế dàn nhạc giao hưởng để đệm cho hai cây solo, mà chỉ dùng khối đàn dây và harp. Bên trong khối dây, Strauss lại tách thành hai nhóm: nhóm soli (gồm các trưởng nhóm của mỗi nhóm nhạc cụ violon, viola, cello và contrebass), và còn lại là nhóm tutti - gần như cách chia nhóm nhạc cụ của hình thức concerto grosso thời Baroque. Những ô nhịp mở đầu chương 1 dịu nhẹ như một lớp sương mỏng sớm mai một phần nhờ cách xếp riêng biệt: mỗi nhạc cụ chỉ do một người chơi (trừ viola có thêm cây thứ hai).

Trong thư cho Burghause - nghệ sĩ kèn bassoon mà ông gửi gắm trình diễn, Strauss đã mô tả về ý tưởng ông định hình khi viết tác phẩm, nửa đùa nửa thật:

- Một nàng công chúa đang khiêu vũ vào một buổi sáng nọ, chợt hãi sợ vì thấy có chú gấu bắt chước nhảy theo.

Và nhạc sĩ đã truyền tải ý tưởng đó thật: khung cảnh câu chuyện mở ra ngay từ 9 ô nhịp đầu tiên của chương 1 - những cây đàn dây solo mở ra không gian của buổi bình minh thanh nhã, êm ả, và giai điệu trải dài, ngọt ngào của cây clarinet khắc hoạ điệu múa độc diễn của một nàng công chúa.

Tiếp theo là âm hưởng tương phản của bassoon nối vào, trầm thấp và nặng nhọc, đại diện cho chú gấu rừng. Chú xuất hiện khiến cho công chúa phát hoảng - cây clarinet vút lên một âm thanh cao chói ở cường độ rất mạnh fortissimo, như diễn tả trạng thái sợ hãi của nàng. Chú gấu lặc lè xoay sở theo nhịp múa, nhưng lại quá vụng về mà vẫn rất cố gắng - âm điệu cây bassoon đi từng nét ngắn, nhát gừng, nhưng vẫn kiên trì, liên tục không ngơi.

Trong thư, Strauss cũng viết tiếp, trêu bạn:

- Cuối cùng, nàng đã dẫn dắt chú gấu và nhảy cùng chú. Nhờ vậy, chú gấu biến thành một chàng hoàng tử. Thế nên, rồi cậu cũng sẽ biến thành hoàng tử và sống hạnh phúc suốt đời...

Âm nhạc cũng đi theo hướng câu chuyện: sau một hồi đơn độc diễn tấu, cây bassoon cũng được clarinet hoà nhịp, đưa lối và cuối cùng cả hai đan quyện với nhau thành một màn đối đáp ngoạn mục.

Duet - concertino cho kèn clarinet và bassoon TrV 293 gồm 3 chương, chương thứ hai tựa như một đoạn nối tiếp giữa hai chương ngoài. Chương thứ ba mang dáng dấp vũ khúc.

Tác phẩm hoàn thành 15 tháng 12 năm 1947, phát sóng lần đầu năm 1948 ở Thuỵ Sĩ, công diễn năm 1949 tại Anh.
Duet - concertino TrV 293 được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng nghệ sĩ clarinet Trần Khánh Quang và nghệ sĩ bassoon Văn Thanh Hà trình diễn bản dưới sự dẫn dắt của chỉ huy Lê Phi Phi vào ngày 14 tháng 9 tại Nhà hát lớn Hà Nội, trong buổi Hoà nhạc đặt vé trước số 146.

Nghe tác phẩm tại đây: https://youtu.be/ym3JVzD_1Q8

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.