You are here

Saint-Saens – Concerto piano số 2 Sol thứ

Tác giả: 
Mai Hạnh

Chân dung Saint-Saëns - Pictorial Press Ltd / Alamy Stock Photo

Cái danh “thần đồng âm nhạc” hẳn ai cũng biết là để chỉ W.A.Mozart, song, sau Mozart, châu Âu vẫn còn một số trường hợp khác ngay từ nhỏ cũng được là thần đồng, như F.Chopin của Ba Lan, F.Mendelssohn của nước Đức, và Saint-Saëns của Pháp quốc. 

Charles-Camille Saint-Saëns (1835 - 1921) là một nhà soạn nhạc, đàn organ, nhạc trưởng và nghệ sĩ dương cầm người Pháp của thời kỳ Lãng mạn. Từ 5 tuổi, Saint-Saëns đã biểu diễn trong phạm vi nhỏ, lên 9 tuổi đã có thể chơi thuộc toàn bộ 32 sonata của Beethoven. 10 tuổi Saint-Saëns đã có buổi diễn ra mắt trước công chúng trình diễn Concerto của Mozart và Beethoven. 

Theo học tại Nhạc viện Paris, Saint-Saëns trở thành nghệ sĩ organ nhà thờ, rồi là nghệ sĩ piano và nhạc sĩ tự do. Bên cạnh đó, ông còn là một học giả về lịch sử âm nhạc, và vẫn cam kết giữ nguyên các cấu trúc sáng tác của các nhà soạn nhạc Pháp trước đó, vì thế Saint-Saëns thường bị coi là một nhà soạn nhạc bảo thủ và xung đột với các nhà soạn nhạc phái ấn tượng và hiện đại cùng thời. Trong những năm đầu và giữa sự nghiệp của mình, Saint-Saëns đã giữ vững lập trường của mình trước nhóm các nhạc sĩ theo trào lưu tân tiến bao gồm Schumann, Wagner và Liszt, và các sáng tác của ông vẫn chinh phục lượng khán giả trung thành với thẩm mỹ truyền thống. 

Tuy vậy, nhạc sĩ vẫn có những sáng tạo của riêng mình để làm mới trên khung nền cơ bản. Saint-Saëns đã viết ở nhiều thể loại, và ông là nhà soạn nhạc lớn đầu tiên của Pháp viết concerto cho piano. Trong số năm bản Concerto piano ông đã sáng tác, bản thứ hai mang những nét phá cách mới mẻ đã trở nên nổi tiếng nhất. Ở concerto số 2, Saint-Saëns thử nghiệm đổi mới bằng cách tổng hợp nhiều phong cách trong một tác phẩm, phá vỡ quy ước thường lệ của một cấu trúc liên chương sonata: mở đầu chương 1 là phong cách của Bach cách đó 200 năm với một cadenza độc tấu ấn tượng, như cách Liszt chơi ngẫu hứng, chủ đề chính sau đó được Saint-Saëns lấy từ vở bài tập của học trò là G.Fauré; chương giữa scherzo gợi đến phong cách của Mendelssohn và chương kết là một vũ khúc rạng rỡ như của Offenbach đương thời tác giả. 

Đáng kinh ngạc hơn, từ khi bắt tay vào sáng tác cho đến khi hoàn thành, Saint-Saëns chỉ có 17 ngày để có tác phẩm cho kịp biểu diễn. Sở dĩ quá trình sáng tác gấp gáp như vậy là vì một dịp đặc biệt: năm 1868, nghệ sĩ dương cầm vỹ đại người Nga Anton Rubinstein bạn của Saint-Saëns đã đến Paris biểu diễn một loạt buổi hoà nhạc, với Saint-Saëns chỉ huy; Rubinstein cũng là một nhạc trưởng tài ba, ông chưa bao giờ chỉ huy một dàn nhạc ở thủ đô của Pháp và khép lại chuyến lưu diễn với phương thức ngược lại: ông lên chỉ huy, để Saint-Saëns là nghệ sĩ độc tấu. Buổi diễn được chỉ định lịch trước và Saint-Saëns phải bắt tay sáng tác bản concerto trong 17 ngày. Sau buổi diễn Saint-Saëns đã trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng trong đời sống âm nhạc không chỉ ở Paris, nước Pháp mà còn vang danh ở nhiều quốc gia khác những năm 1860. 

Concerto số 2 Sol thứ của Saint-Saëns ban đầu chưa được Liszt đánh giá cao, nhưng rồi sau đó ông đã dần công nhận, còn Ravel từng nói đó là một tác phẩm đặc biệt để ông học hỏi các vấn đề về dàn nhạc. Đối với chính tác giả và các nghệ sĩ dương cầm, tác phẩm cũng là một thách thức về kỹ thuật piano, và bên trong nó cũng chứa đựng không gian rộng rãi để mỗi nghệ sĩ có những diễn giải riêng mình, thể hiện cảm nhận và tư duy nghệ thuật độc lập. 

Concerto số 2 Sol thứ của Saint-Saëns được trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 1/10/2022 với tiếng đàn của nghệ sĩ Nguyễn Đăng Quang, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji. 

Nghe tác phẩm: https://youtu.be/tVCvJZtzkqQ

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.