You are here

“Sạn” âm nhạc

Tác giả: 
Nguyễn Lưu

Phàm ai đó ưa chỉ ra những cái sai trong sân khấu âm nhạc dễ bị người đời cho đó là chuyện nhỏ, vạch lá tìm sâu, ấy vậy mà ai cũng biết cái lớn chỉ có được từ những cái nhỏ cộng lại.

Năm 1994, chúng tôi có may mắn cùng các nhạc sĩ Lương Nguyên, Cát Vận đã làm một chương trình “nhặt sạn” và tới giờ vẫn nhớ tình tiết về câu hát: “Buổi sáng em làm rẫy” (Bóng cây Kơ-nia) được hát ra sao chữ “buổi”…

Vẫn biết hát sai, tấu nhạc sai là điều tối kỵ. Cách đây hơn 60 năm, khi tôi còn là chú bé đang học tập ở Khu học xá Nam Ninh đã chứng kiến nhạc trưởng Nguyễn Hữu Hiếu và nhạc sĩ Phạm Tuyên “ốp” học sinh hát cho thật đúng các bài hát; còn ở Hà Nội, nhạc sĩ Vũ Tự Lân - người dịch cuốn sách Vai trò giáo dục của âm nhạc (Xô-khor) cũng kể rằng bên Liên Xô họ đã xem trọng việc hát đúng đến thế nào. Bây giờ, đời sống âm nhạc ở ta xem ra không thiếu sạn, nhưng dường như việc đó ít được để ý đúng mức.

Trước hết hãy nói một chút về mảng ca nhạc phổ thông, quần chúng, lâu nay nhiều bài hát cộng đồng rất nổi tiếng hay có những sạn nhỏ. Nhỏ thôi nhưng đã thành thói quen, ví dụ như trường hợp: “Đoàn vệ quốc quên mình vì nhân dân” (Vì nhân dân quên mình - Doãn Quang Khải), chữ “quên” là nốt đen chấm chứ không là cờ một, thậm chí cờ hai. “Bộ đội ta vâng lệnh cha già” (Qua miền Tây Bắc - Nguyễn Thành); “xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc, đồng bào náo nức mong đón ta trở về” (Chiến thắng Điện Biên - Đỗ Nhuận) - đều có kiểu sai na ná. Còn nữa, hai câu “Việt Nam Hồ Chí Minh” trong bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên hay bị hát giống nhau.

Việc tấu sai bản Quốc ca cần được ngăn ngừa. Tôi không quên chuyện Chính phủ Colombia từng gửi bức công hàm cho nhà nước Mê-hi-cô để phản ứng việc bản quốc ca của họ bị Ban tổ chức Giải bóng đá trẻ trên đất Mê-hi-cô tấu sai một nốt nhạc. Vì thế, ba năm trước, sau khi nghe phản ánh, đích thân PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã trao cho tôi một chiếc CD có ghi bản quốc ca chuẩn xác do dàn nhạc giao hưởng trình bày. Yên chí, tôi trao lại cho bà trưởng phòng thông tin của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nhưng rồi đâu lại hoàn đấy, nhiều lần các trận đấu quốc tế trên sân Mỹ Đình, bản Tiến quân ca vẫn sai một nốt nhạc ứng với từ “lập” trong câu “Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu” (gam Sol trưởng, nốt Fa thăng tấu thành Sol), đến nỗi trên mạng xuất hiện bài viết của Nam Nguyễn Xin đừng lấp chiến khu. Đầu năm ngoái, tôi lại tới cơ quan Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhờ in một CD khác để trao lại cho ngành Thể dục Thể thao, tuy nhiên chỉ tại SEA Games 29, bản Tiến quân ca đúng nhạc mới được vang lên khi Việt Nam nhận Huy chương Vàng, còn trên sân Mỹ Đình, việc ấy vẫn chưa ổn.

Nói đúng, người yêu nhạc sợ nhất là nghe phải bài hát mà trình bày sai nhạc hoặc lời. Năm kia, nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Lân Cường có mời tôi đến sân khấu ở phố Hàng Buồm và nghe anh chỉ huy bản hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc của Hồ Bắc. Sau chương đầu, lẽ ra hợp xướng sẽ hát tiếp “Non sông yêu dấu có những người dân cần lao yêu thương…” nhưng người lĩnh xướng đã bước ra và hát luôn đoạn sau “Quê hương yêu dấu có những đàn em đùa vui đêm trăng…”. Khi kết thúc, tôi nói lại với nhạc trưởng thì anh bộc bạch “ông không nói thì chẳng ai biết đâu”, chết thật! Khi đến thăm nhạc sĩ Hồ Bắc tại tư gia và kể lại chuyện, ông nói: “Thôi Lưu ạ, nó hát cho cũng là may rồi”, nghe mà thấy xót xa quá. 

Tết này VTV phát chương trình mới mang tên “Quán Thanh xuân” có nhiều cái hay, không lên gân như “Giai điệu tự hào”, tiếc là có một “sạn nhỏ”, song nếu nghĩ lại thì phải nói là sạn lớn vì đã tồn tại từ lâu. Đó là chương một của bản đại hợp xướng Hồi tưởng của nhạc sĩ Hoàng Vân. Tôi bức xúc chuyện này cũng có lý do riêng vì bản thân rất gần gũi tác giả Hồi tưởng, lại từng dàn dựng hợp xướng này biểu diễn khi đi hội diễn toàn thành và tiết mục ấy đã được nhận 2 Huy chương Vàng, một cho dàn hợp xướng, một cho nhạc trưởng. Năm 1975 tiết mục này lại được biểu diễn để phục vụ Hội nghị văn hóa toàn quốc, chúng tôi may mắn nhờ được ca sĩ Trần Khánh đảm nhiệm phần lĩnh xướng và có sự ủng hộ của dàn nhạc VOV, cẩn thận tôi còn đến nhờ nghệ sĩ Văn Hanh chép từng phân phổ. Nhiều năm qua, thi thoảng nhà đài lại phát chương đầu của hợp xướng này (do hợp ca thiếu nhi hát) và cứ giới thiệu là Ca ngợi Tổ quốc! Chưa hết, vấn đề là lâu nay chương ấy đã bị hát sai quá nhiều.

1. Câu mở đầu “Trời cao trong xanh sương sớm long lanh”, phách mạnh rơi vào 2 chữ “trời” và “sương” nhưng hầu như tất cả đều hát sai khi lấy 2 chữ “cao” và “sớm” làm phách mạnh.

2. Tiếp sau, ở đoạn “Cùng tiến bước dưới cờ”, bản gốc là ở nhịp 5/4 song từ dàn hợp xướng của Đài VOV (nhạc trưởng Doãn Nguyên) cho đến chương trình “Quán Thanh xuân” hôm rồi đều hát sai. Nhịp hỗn hợp gồm 5 phách có 2 thể: 5/4=2/4+3/4 và 5/4= 3/4 + 2/4 và ở đoạn nhạc này là thể 3/4 + 2/4 trong đó trọng âm rơi vào phách 1 và phách 4, ứng với hai chữ “cùng” và “hát”, vậy mà cả hai phần hát và nhạc đều rất lộn xộn. 

3. Trong dàn hợp xướng của Đài VOV từng trình chiếu, quan sát kỹ cũng còn thấy đoạn thiếu nhi hát sau lĩnh xướng rất xúc động của đơn ca nam (tất nhiên, làm gì có ai hát được như Trần Khánh, đến nỗi nhạc sĩ Hoàng Vân đã ứa lệ rơi cả đũa chỉ huy) là nhịp 2/2, còn gọi là C bổ đôi, cũng là một câu hỏi dành cho cả tiết mục, từ cách hát cho đến động tác chỉ huy mà những điều này đều hết sức cơ bản và dễ hiểu khi ở những sách về nhạc lý cơ bản đã nói rất rõ.

Nếu liệt kê cho hết những “sạn” sẽ còn không ít các ví dụ làm tốn nhiều thời gian và giấy mực. Một nền âm nhạc tiến bộ và lành mạnh chỉ có thể được xây dựng một cách toàn diện, trong đó yếu tố “hát đúng” và “đàn đúng” cần được xem trọng đúng mức.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.