You are here

Sân chơi mới cho Opera Việt

Tác giả: 
Tuyết Hoa - Minh Quân

Tại các quốc gia phát triển, Opera là một trong những môn nghệ thuật được chú trọng. Tại Việt Nam, hiện nay, Opera cũng như các loại hình nghệ thuật bác học khác như ballet đang đứng trước nhiều thử thách. Vậy, làm thế nào để tạo ra những sân chơi mới cho môn nghệ thuật bác học này?

Một cảnh trong vở “Cây sáo thần”.

Thời kỳ đỉnh cao của Opera Việt

Nếu nói đến Opera Việt Nam, thời kỳ không thể không nhắc đến là những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Một lớp nghệ sĩ tài năng được gửi đi học tại các nhạc viện thuộc Liên Xô cũ, khi trở về, đã thổi một luồng gió mới vào nền Opera nước nhà. Những “Cô Sao”, “Người tạc tượng” và “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Bên bờ K’rông Pa” của nhạc sĩ Nhật Lai, “Bông sen” của Hoàng Việt, “Tình yêu của em” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn. Những vở diễn nói trên đã làm nên đỉnh cao của nghệ thuật Opera Việt Nam với hàng loạt những tên tuổi lớn như Lê Dung, Trần Hiếu, Ngọc Dậu…

Đến những năm 1990, Opera Việt một lần nữa lại được biết đến nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Thuỵ Điển, Hội đồng Anh... Nhưng thời điểm này, những vở Opera thuần Việt hầu như không xuất hiện mà chỉ có “Lucile”, “La Vie Parisienne”, “Der Freischutz”, “Orphée et Eurydice”, “Những chàng hề”, “Cây sáo thần”, “Cosi Fan Tute - Trường học Tình yêu”, “Flying Dutchman - Người Hà Lan bay”… Nhưng xét lại, cũng chỉ có Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) mới có đủ khả năng phối hợp dàn dựng những tác phẩm Opera như vậy. Và cũng chỉ có ở VNOB mới có đủ các nghệ sĩ có trình độ như Thăng Long, Vành Khuyên, Phan Đức… Tính ở thời điểm đó, VNOB sản xuất và trình diễn khoảng dưới 10 vở Opera như vậy. Nhờ đó, khán giả Việt mới biết nhiều đến Opera.

Đầu tư cho Opera khó…

Có thể nói dù đó là thời kỳ chiến tranh và bao cấp, đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng lại là thời kỳ Opera khởi sắc nhất. Còn hiện nay, khi kinh tế Việt Nam đã đi lên, là thời điểm mà nghệ thuật có điều kiện thuận lợi để phát triển, thì lĩnh vực sáng tác và biểu diễn Opera Việt Nam lại trầm lắng và gần như vắng bóng. Công việc viết Opera vốn phức tạp, tốn công sức, thời gian, lại chẳng biết đến bao giờ mới được dựng. Do đó, ngay cả những người có khả năng cũng chẳng ai dám lao đầu vào.

Suốt thời gian qua, chỉ có VNOB và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM cố gắng hết mức để xây dựng và sản xuất các vở Opera nổi tiếng thế giới và một số tác phẩm Opera Việt. Tuy nhiên, kinh phí dàn dựng mới là vấn đề cốt lõi. Được biết, những vở diễn nổi tiếng thế giới như “Cây sáo thần”, “Cosi Fan Tute hay La Boheme”… đều “ngốn” tổng số kinh phí hàng tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, có những vở khi công diễn chỉ bán được 20-30 triệu đồng tiền vé, nhiều lắm cũng chỉ lên tới 80 triệu đồng. Như thế, số tiền thu về không thấm vào đâu so với chi phí bỏ ra. Trong khi đó, số tiền đầu tư cho một tác phẩm Opera lại chẳng thấm vào đâu so với những khoản kinh phí được cấp cho các lễ hội và các dự án đầu tư vào các loại hình âm nhạc truyền thống được vinh danh di sản thế giới. Mặt khác, cũng chẳng có một vở Opera nào được ngành Văn hóa nước nhà đặt hàng để vực dậy loại hình nghệ thuật này.

“Lá đỏ” có số người xem kỷ lục tại Quảng Bình.

Để có một nền Opera phát triển cần hội tụ ba yếu tố là: đội ngũ những người viết nhạc cho Opera, khán giả và nghệ sĩ được đào tạo, nguồn kinh phí để dàn dựng tác phẩm. Ở Việt Nam, ba yếu tố này đều yếu. Bên cạnh đội ngũ sáng tác, đội ngũ khán giả và nghệ sĩ còn non trẻ thì nguồn kinh phí hiện nay đều trông chờ vào tiền đầu tư của nhà nước. Chính vì thế, nền Opera Việt Nam vẫn đang loay hoay để phát triển.

Đi tìm cách đưa công chúng đến với Opera Việt

Opera không phải là thể loại kén khán giả, nhưng lượng khán giả, ngay cả ở những nước có nền nghệ thuật bác học phát triển, cũng không nhiều so với Pop, Rock. Thậm chí, ở nhiều nước châu Âu hiện nay, Opera còn được Chính phủ tài trợ như Nhà hát Northlands Opera (Thụy Điển) mỗi năm nhận số kinh phí tương đương 200 tỷ đồng. Ở Mỹ, những người yêu thích và quyên góp ủng hộ cho Opera rất nhiều. Số lượng người ủng hộ này khá đông, có khi lên tới hàng nghìn người. Ở bang Michigan, một doanh nhân xây dựng rạp hát mang tên ông sau đó cho Nhà hát Opera ở đó thuê với giá 750.000 USD/năm, nhưng trong vòng 10 năm, ông tặng lại Nhà hát toàn bộ số tiền này. Thực ra, ở Việt Nam, nhiều người là tỷ phú thừa tiền, nhưng không có ai sẵn sàng mở hầu bao để tài trợ, ủng hộ cho những loại hình nghệ thuật này.

Bên cạnh đó, một thực tế là công chúng Opera ở Việt Nam không nhiều. Từ trước đến nay, khán giả chính của Opera ở Việt Nam vẫn là người nước ngoài. Các vở diễn của VNOB hầu như cũng không dành để phục vụ khán giả trong nước. Để đưa Opera đến gần hơn với công chúng, thực chất, những nhà hát như VNOB cũng đã cố gắng tìm ra nhiều giải pháp như thành lập Câu lạc bộ khán giả, với mức phí nhất định, khán giả được nhận vé miễn phí các vở Opera của Nhà hát… Tuy nhiên, với kinh phí được Nhà nước cấp hàng năm như hiện nay, cộng với giá thuê ở Nhà hát Lớn là khá cao, thì VNOB khó mà có đủ kinh phí để hoạt động hiệu quả.

Nghệ sĩ Hà Phạm Thăng Long trình diễn trong “Cô Sao”.

Mặc dù nhìn thấy những khó khăn trước mắt trên con đường phát triển và đưa Opera đến gần với công chúng Việt hơn, VNOB vẫn quyết tâm làm mọi cách. Năm 2018, VNOB đã đưa “Maria de Buneos Aires” lên sân khấu Nhà hát Lớn với một phong cách mới, đặc biệt là việc đưa dàn nhạc lên sân khấu để tương tác trực tiếp với ca sĩ và dàn diễn viên múa. Chương trình bắt đầu thu hút được khán giả thông qua truyền thông, báo chí. Nhiều bài viết, chương trình truyền hình phân tích về tác phẩm này đã phần nào kéo khán giả đến với Opera nhiều hơn. Trong năm 2019, VNOB lại cho ra mắt chương trình “Dạ tiệc âm nhạc – Around the world” với một cách thể hiện Opera mới được kết hợp cùng với múa và dàn nhạc chơi “live”. Tiếp đó, vở Opera thuần Việt “Lá đỏ” đã được thể hiện một cách mới lạ với sự phối hợp của dàn diễn viên múa trên sân khấu của “Liên hoan tiếng hát đường 9 xanh - 2019” tại Quảng Trị và phục vụ miễn phí cho người dân vùng Quảng Trị, Quảng Bình nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Một tín hiệu vui là chỉ trong 1 ngày trình diễn “Lá đỏ” tại Quảng Bình, số lượng khán giả đã lên đến con số 2.000 người. Nói về thành công trong việc đưa Opera tiếp cận công chúng, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB, cho biết: “Số lượng khán giả ở một địa phương như Quảng Bình đến với “Lá đỏ” đông như vậy khiến chúng tôi cảm thấy hướng đi mới cho Opera Việt đang phần nào thấy được kết quả tốt đẹp. Điều đó sẽ khiến VNOB tiếp tục thay đổi để Opera ngày càng gần gũi hơn với công chúng Việt. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta cứ thử sức và mạnh dạn, dù cái mới thường không dễ được tiếp nhận nhưng nếu cứ thấy khó mà không làm thì biết đến khi nào Opera Việt mới có vị trí xứng đáng trong lòng khán giả”.

Tiếp theo “Lá đỏ”, thời gian tới, VNOB sẽ cho ra mắt “Người tạc tượng”, một vở Opera thuần Việt rất nổi tiếng của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Đây cũng được coi là một bước đột phá tiếp theo của VNOB trên con đường tạo sân chơi mới cho Opera Việt. Hy vọng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, VNOB sẽ là một trong những nhà hát tiên phong ở Việt Nam giúp cho Opera vẫn còn đất sống và sống mạnh mẽ trong thời gian tới.

(Nguồn: http://daidoanket.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.