You are here

"Sự kiện" âm nhạc 2018

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Năm 2018 có lẽ là một năm bội thu, được mùa về các vụ kiện liên quan đến bản quyền tác phẩm âm nhạc. Mặc dù, kiện tụng chẳng phải sự kiện âm nhạc, nhưng liên quan trực tiếp đến đời sống âm nhạc, thậm chí văn hóa âm nhạc đất nước. Các vụ kiện xảy ra rải rác suốt nhiều năm qua, nhưng năm nay tập trung, nổi bật trước những vi phạm ngày càng trở nên phổ biến, tinh vi… Giống như “giọt nước tràn ly”, nhiều nhạc sĩ đã đứng lên phản đối, chống lại sự nghịch lý, bất công tồn tại dai dẳng bấy lâu. Đất nước tuy đã chuyển mình tiến sâu vào hội nhập thế giới, song từ trong tư duy, cách thức ứng xử của công dân nói chung vẫn chưa thể hiện tinh thần tôn trọng pháp luật. Chúng ta có nhiều hành vi, thói quen đi ngược lại xu hướng văn minh, tiến bộ của thời đại. Kiện tụng khởi đầu cho một tiến trình xác lập trật tự mới. Điều đáng nói ở đây là sự “kiện” năm nay không chỉ khởi lên từ giới âm nhạc trong nước mà còn có cả cá nhân, tổ chức nước ngoài. Cách đây hơn 10 năm, vụ kiện đình đám liên quan đến bản quyền ca khúc “Tình thôi xót xa” đã khởi đầu cho sự “kiện” xuyên quốc gia. Sau đó sự kiện này rơi vào lãng quên. Đời sống âm nhạc lại diễn ra với những biểu hiện thể hiện sức ỳ vốn có. Câu chuyện pháp luật âm nhạc nhường chỗ cho thói quen lỳ lợm. Và tình trạng xâm phạm tác quyền tiếp tục tái diễn, bất thường một cách bình thường.

Năm nay có một năm đáng nhớ, bởi vấn đề xâm phạm bản quyền bị kiện và thua kiện nổi lên dồn dập: 40 nhạc sĩ đệ đơn kiện Sky Music, nhạc sĩ người Mỹ Zac Hemsey kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh… nói chung từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, thập diện mai phục. Bị kiện và thua kiện là hiện tượng thể hiện mối quan hệ nhân quả trong đời sống văn hóa xã hội. Từ lâu, vấn đề tác quyền, tôn trọng sự thật chưa hề được tôn trọng. Chúng ta có xu hướng thượng tôn quyền lực, như quyền lực chính trị, kinh tế… hơn quyền lực văn hóa, pháp luật, đặc biệt là nguyên tắc ứng xử, tôn trọng sự thật. Bởi vậy, trong đời sống xã hội, sự thật ít có cơ hội lên tiếng, thay vào đó là quyền đại diện, kiểm soát… Khi sự thực được nói ra, phơi bày, không phải giấu giếm, che đậy, sự “kiện” trở thành nguồn cơn cho những bất công tích tụ chờ ngày giải phóng. Rất nhiều sự thực đã bị ém nhẹ suốt thời gian dài, trong đó có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ở nước ta, sự thật đáng liệt vào nhóm đối tượng yếm thế. Che đậy, giấu giếm sự thật là một hiện tượng có nguy cơ trở thành bản chất. Nhằm duy trì tình trạng này, người ta dùng nhiều vỏ bọc ngụy trang, trong đó có vỏ bọc mang tên truyền thống. Vì trong xã hội truyền thống không xiển dương vai trò người sáng tạo. Các tác phẩm âm nhạc truyền thống đa số đều khuyết danh, thuộc về di sản cộng đồng. Chúng coi như những sáng tác tập thể! Trong lịch sử, tác phẩm âm nhạc dân gian có hình thành từ tập thể hay không chưa thể kết luận. Chỉ biết rằng, chúng lưu truyền trong môi trường văn hóa dân gian, gọi chung là sáng tác dân gian, như: dân ca, dân nhạc, dân dao… Trong môi trường ấy, rất nhiều sáng tác trở thành tài sản chung của cư dân địa phương. Xuất phát từ nền tảng chung này, nhiều người đã đánh đồng sáng tác tập thể thành “vô thức tập thể”. Có nghĩa là, nhân danh cái chung để biến thành cái riêng. Vì, “cha chung không ai khóc”, nên bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có quyền tước đoạt, sử dụng, khai thác, lạm dụng một cách vô tội vạ. Đối với tài sản chung, lẽ ra mọi người có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ, thay vì tận dụng triệt để, bừa bãi. Hành vi tùy tiện, thiếu trách nhiệm ấy nghiễm nhiên trở thành thói quen xô đẩy con người rơi vào tình trạng “vô thức tập thể”. Thấy người khác làm, mình cũng làm. Giống như khi tham gia giao thông, hễ có người vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… theo sau có cả đoàn người rồng rắn nối đuôi. Tập tính sinh hoạt thiên về bản tính tự nhiên này duy trì suốt bao năm, qua bao thế hệ.

Bước vào xã hội hiện đại, người Việt phải học tập, tiếp thu thêm những nguyên tắc ứng xử của xã hội văn minh. Chúng ta có hai khái niệm dễ bị nhầm lẫn. Một là văn hóa, hai là văn minh. Nói một cách đơn giản: văn hóa nguyên nghĩa là trồng trọt. Nó thuộc về xã hội nông nghiệp, thể hiện thuộc tính đa dạng. Còn văn minh nhằm chỉ phẩm chất, trình độ tiến bộ… Trong đô thị hiện đại, bất kể cá nhân đến từ đâu đều phải tuân thủ hệ thống chuẩn mực chung, trong đó có pháp luật, từ dừng trước đèn đỏ, vất rác đúng nơi quy định cho đến thực hiện hành vi tôn trọng quyền riêng tư, quyền tự do, sở hữu… Không thể nhân danh truyền thống để né trách thực hiện hành vi văn minh, tiến bộ. Suốt hơn 10 năm qua, lẽ ra chúng ta xây dựng nếp sống văn minh đô thị thì lại xây dựng đời sống văn hóa một cách đại trà, không phân biệt giữa vùng miền, nông thôn và đô thị. Hậu quả là người dân đa số vẫn duy trì tập tục, thói quen văn hóa từ quá khứ. Giống như những đứa trẻ lớn tuổi, già nua theo năm tháng, nhưng hành vi, tác phong, ý thức chấp hành pháp luật… vẫn “trẻ mãi không già”. Quan sát nhiều biểu hiện trên bề mặt xã hội hoàn toàn có thể quan trắc được trình độ văn minh, tiến bộ của công dân đất nước. Gần đây, các khái niệm, cụm từ như đô thị thông minh, công nghệ 4.0, công nghệ cao… tiếp tục du nhập. Nó dễ dàng khiến cho người ta bị ảo giác, tựa như chiếc pháo cứu sinh giúp vượt qua “thời kỳ quá độ” trong văn hóa.

Nói như Lenin, văn hóa là những giá trị mà thời gian qua đi vẫn còn ở lại và trở nên phổ biến. Xét theo nghĩa đó, văn hóa nước ta thực sự đang đứng trước nguy cơ sa sút nghiêm trọng. Vì, giá sàn của văn hóa chính là ý thức chấp hành pháp luật. Trong một xã hội mà ý thức pháp luật của công dân chưa hình thành một cách tương ứng, trở nên phổ biến, tinh thần chấp pháp, tôn trọng quyền tự do, sở hữu còn kém, không chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm cá nhân từ thành quả của người khác thì chúng ta mới đạt trình độ 0.4 thôi!

Trộm cắp đã là hành vi phổ biến trong xã hội, trong đó có trộm ý tưởng, tài sản trí tuệ. Bởi vậy, ở nước ta, nhạc nhái hết sức thịnh hành, phát triển tràn lan… nhái từ quá khứ đến hiện tại, từ nhạc Tây đến nhạc Hoa, nhạc Mỹ, nhạc Hàn, nhạc Nhật… Nghe nhạc Việt Nam rất dễ gặp “người quen”. Nhờ sự phát triển của công nghệ, mạng Internet, những hành vi trơ trẽn, thiếu che đậy dễ bị phát giác, phát hiện, tố giác, khởi kiện. Sự “kiện” có thể mở đầu cho nhiều hoạt động mang hiệu ứng dây chuyền. Đạo gì cũng cần có điểm dừng, nhất là đạo nhạc, đạo văn… Vì, văn thơ, âm nhạc, nghệ thuật nói chung đều thuộc lĩnh vực sáng tạo.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.