You are here

Tác phẩm Miền Nam quê hương ta ơi ! của Nhạc sĩ Huy Du

Tác giả: 
Dũng Hà

 Như chúng ta đã biết, trong nền âm nhạc châu Âu nhiều thế kỷ qua, các sáng tác khí nhạc chiếm một địa vị vô cùng quan trọng bởi khả năng phản ánh một cách sinh động những vấn đề nóng hổi của cuộc sống, bởi sức tác động mạnh mẽ đến kinh ngạc vào tình cảm của người nghe. Nhiều sáng tác khí nhạc của các nhà soạn nhạc lớn trong lịch sử âm nhạc thế giới như: J.S. Bach, V.A. Mozart, L.V. Beethoven, F. Schubert, F. Chopin, F. List, S. Prokofiev, D. Shotstakovich v.v... đã chứng minh điều đó. Ở nước ta, so với lĩnh vực thanh nhạc, lĩnh vực khí nhạc còn chưa được phát triển mạnh. So với những người chuyên sáng tác ca khúc, những người chỉ sáng tác khí nhạc chưa có là bao. Nhưng cũng không hiếm những nhạc sĩ có nhiều ca khúc nổi tiếng lại có những sáng tác khí nhạc được nhiều người biết đến. Huy Du là một trong những người như vậy. Bên cạnh những ca khúc để người nghe xếp anh vào số những nhạc sĩ sáng tác thành công ở lĩnh vực này như: Anh vẫn hành quân, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Nổi lửa lên em, Đường chúng ta đi v.v..., Huy Du còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc đã được giới thiệu trong và ngoài nước như: Các tiểu phẩm cho piano, Miền nam quê hương ta ơi (viết cho violon và Piano), Trio kể chuyện sông Hồng, Thơ giao hưởng, âm nhạc cho nhiều tác phẩm sân khấu và điện ảnh, v.v...

 

Cũng như nhiều nhạc sĩ cùng lứa tuổi, thời kỳ đầu với Huy Du con đường tự học giữ vai trò vô cùng quan trọng. Những khoá học chính quy chỉ đến với anh khi hoà bình lập lại sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Lòng say mê âm nhạc, sự cần cù trong lao động nghệ thuật cộng với những kiến thức âm nhạc do được đào tạo chính quy tại Nhạc viện nước ngoài đã giúp cho tài năng của anh phát triển nhanh chóng. Nhiều tác phẩm âm nhạc có chất lượng ra đời trong giai đoạn này đã chiếm được cảm tình của đông đảo người nghe âm nhạc. Miền Nam quê hương ta ơi là một tác phẩm được ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Và dấu ấn của những năm tháng học tập/nghiên cứu các tác phẩm vốn là tinh hoa của di sản âm nhạc thế giới nhiều thế kỷ qua cũng để lại hình bóng ở phương diện ngôn ngữ âm nhạc cũng như cấu trúc tác phẩm.
Cấu trúc ba phần là một trong những cấu trúc âm nhạc được hoàn thiện từ Trường phái âm nhạc cổ điển Viên và sau đó được phát triển một cách đa dạng qua sáng tác của các nhạc sĩ thuộc trường phái âm nhạc lãng mạn như F. Chopin, R. Wagner hay nhạc sĩ vĩ đại Nga nửa sau thế kỷ XIX P.I. Tchaikovxky. Điều cơ bản nhất của loại cấu trúc này là sự tương phản giữa phần đầu và phần giữa (giữa A và B). Sự tương phản này có thể được thể hiện ở một, hai hay nhiều khía cạnh: giọng điệu, tiết tấu, cấu trúc, nhịp độ, sắc thái v.v.... Nhưng phần cuối tác phẩm thường là sự nhắc lại y nguyên (như thường thấy ở sáng tác của các nhạc sĩ thuộc trường phái âm nhạc cổ điển) hay nhắc lại có sự thay đổi
(như trong sáng tác của các nhạc sĩ lãng mạn và cận đại). Những thí dụ điển hình cho cấu trúc ba phần chúng ta có thể tìm thấy qua tập liên khúc Bốn mùa viết cho piano của nhà soạn nhạc Nga P.I. Tchaikovxky. Mỗi tháng trong tập đều được viết theo hình thức ba phần: khi là 3 phần đơn, lúc là 3 phần phức, lúc lại là 3 phần lưng chừng giữa 3 phần đơn và 3 phần phức, hay phức tạp hơn là sự pha trộn giữa hình thức 3 đoạn phức với hình thức rondo hoặc hình thức biến tấu (variation).
Tác phẩm Miền nam quê hương ta ơi cũng được nhạc sĩ Huy Du cấu trúc theo hình thức ba phần có tái hiện A B A’. Phần tái hiện, tác giả không nhắc lại nguyên xi phần mở đầu A, mà ở đây đã có những thay đổi để phù hợp với tư duy sáng tạo mang tính phát triển. Sau đây chúng ta đi vào tìm hiểu từng phần của tác phẩm Miền Nam quê hương ta ơi.
Phần mở đầu được tác giả viết trong khuôn khổ 54 ô nhịp 4/4 ở nhịp độ Andante. Đứng về phương diện cấu trúc ta thấy Phần mở đầu này lại được tác giả viết ở hình thức ba đoạn đơn (a b á). Ngay ở Phần mở đầu này, đoạn tái hiện tác giả cũng không tái hiện nguyên dạng, hay nói cách khác: một trong những đặc điểm trong sáng tác của Huy Du ở tác phẩm này là thường sử dụng sự nhắc lại có thay đổi. Với cách làm như vậy, giai điệu vừa mang tính thống nhất lại vừa mang tính phát triển. Sau 4 nhịp mở đầu được diễn tấu bởi cây đàn piano, chủ đề chính được diễn tấu bởi tiếng đàn violon ở lực độ piano (nhẹ). Giai điệu mượt mà, thiết tha. Đó chính là tình cảm của tác giả đối với Miền Nam yêu quý đang ngày đêm vất vả, đau thương dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai.

 

Andante dolcissimo

 


  

Và tình cảm đó dường như ngày càng tha thiết hơn, trìu mến hơn qua sự hòa tấu của hai cây đàn violon và piano. Sau đó chủ đề lại được nhắc lại cuối nhịp 17 và mang tính phát triển hơn so với lần trước đó - tình yêu quê hương ngày một mãnh liệt và... như muốn được cùng miền Nam kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh này.

Chính sức sống mãnh liệt của giai điệu và phần đệm này là sự chuẩn bị không khí cho sự xuất hiện của phần âm nhạc tiếp theo - phần b (Agitato). Phần này được tác giả tạo sự tương phản với phần a trước đó về nhiều phương diện: lực độ (nếu như phần trước vào bằng lực độ nhẹ piano, thì phần này là mạnh forte), các chồng âm phần đệm cũng nhiều nốt hơn, về điệu tính (nếu phần trước được viết ở giọng la thứ thì bây giờ được bắt đầu bằng chồng âm của giọng la trưởng).

Tiếp đó là sự tái hiện lại chủ đề của phần a trước đó. Tái hiện ở đây cũng được phát triển theo hai bước như ở phần a, nhưng lại là một sự phát triển về ngôn ngữ âm nhạc so với phần a, mà đặc trưng là chùm 6 móc kép thêu lên thêu xuống theo kiểu moóc-đăng.
Một đặc điểm dễ nhận thấy là phần A được tác giả viết khá hoàn chỉnh về khúc thức theo phong cách truyền thống âm nhạc cổ điển châu Âu. Vòng kết hoà âm có sử dụng K6/4 tạo một cảm giác dừng nghỉ khá rõ.
Phần B (animato grazioso) được bắt đầu bằng những âm thanh pizzicato ở cây đàn violon. So với phần trước, phần này âm nhạc “động” hơn, mang tính phát triển hơn. Để làm được điều đó, tác giả đã khai thác mạnh khả năng thay đổi sắc thái một cách nhanh nhẹn cũng như các kỹ thuật của cây đàn violon. Có người coi như đây là một bức tranh dân gian bằng ngôn ngữ âm nhạc. Chất cải lương Nam Bộ được tác giả lấy hơi hướng rồi phát triển, tạo cho nó những âm hưởng mới. Màu sắc điệu tính cũng luôn được thay đổi: lúc gần với điệu thức trưởng, lúc gần với điệu thức thứ. Và đặc biệt ở phần giữa là sự chuyển sang giọng La giáng trưởng (As dur). Điều đó tạo cho âm nhạc một màu sắc mới mà vẫn thiết tha, trong sáng. Mặt khác, so với giọng đô trưởng trước đó, giọng la giáng trưởng có quãng cách quãng 6 thứ - quãng hay gặp trong âm điệu dân ca Nam Bộ, quãng mà nhiều nhạc sĩ sáng tác khí nhạc khác, cho đến sau này vẫn coi là một trong những quãng đặc trưng của dân ca Nam Bộ.
Ngoài ra, ở nhịp 111 - 112 , nhạc sĩ Huy Du đã sử dụng một thủ pháp chuyển điệu khá phổ biến trong âm nhạc của các nhạc sĩ thế kỷ XIX: thủ pháp chuyển điệu đẳng âm. Hợp âm mi giáng thứ của nhịp 111 sang nhịp 112 là hợp âm rê thăng thứ. Chính thủ pháp chuyển điệu đẳng âm này đã góp phần không nhỏ vào việc tạo không khí phát triển cho cuối phần Animato grazioso này.

Phần tái hiện A' là một trong những phần có nhiều thay đổi so với phần mở đầu A. Sự khác nhau so với phần A được thể hiện ở nhiều phương diện: cấu trúc, giai điệu, phần đệm v.v... Về cấu trúc, nếu như ở phần đầu A ta thấy xuất hiện rất rõ một cấu trúc 3 đoạn đơn a b á, thì ở đây chúng ta lại thấy phần tái hiện chỉ tái hiện lại âm điệu phần a của Phần mở đầu A ở âm khu cao hơn 1 quãng tám so với ở phần A. Sự tái hiện ở đây không chỉ về phương diện âm điệu, đây còn là sự tái hiện cả về phương diện điệu tính. Một miền Nam yêu thương, một miền Nam thành đồng Tổ quốc luôn tiềm ẩn sức đấu tranh mạnh mẽ chống quân xâm lược. Ngày chiến thắng là một tất yếu phải đến - đó cũng chính là niềm tin của tác giả Huy Du.
Đã nhiều chục năm trôi qua kể từ khi ra đời vào năm 1959, Miền Nam quê hương ta ơi!" là một trong số ít những tác phẩm khí nhạc không chỉ chiếm được cảm tình của người nghe, mà còn là tác phẩm được nhiều nghệ sĩ biểu diễn đàn violon yêu thích chọn cho Chương trình biểu diễn của mình. Từ bản viết cho violon và piano lúc đầu, tác phẩm đã được chuyển soạn cho Dàn nhạc giao hưởng và nhiều nhạc cụ khác biểu diễn.

Nghe tác phẩm tại đây

(Nguồnhttp://www.spnttw.edu.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.