You are here

Thái Thị Liên - Người gánh sứ mệnh "Xây dựng và đưa nghệ thuật piano Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế” (Phần 2)

Tác giả: 
Nguyễn Thụy Loan

(Tiếp theo)

3. Chân trời rộng mở và sự đền bù xứng đáng

Nhìn lại chặng đường đã qua, tại một đất nước phương Đông bị tước bỏ tên trên bản đồ thế giới, mãi tới cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX mới biết tới cây đàn Piano, vậy mà, ngay sau khi giành lại một nửa đất nước -  với phương châm tiếp thu tinh hoa văn hóa nghệ thuật nhân loại, song song với bảo tồn tinh hoa văn hóa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, Nhà nước Cách mạng đã quyết định thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam, mạnh dạn nuôi hoài bão chiếm lĩnh lâu đài nghệ thuật phương Tây, trong đó có nghệ thuật piano. Chưa đầy một thế kỷ - kể từ khi cây đàn piano được truyền vào Việt Nam, và chỉ trong vòng hơn 20 năm - tính từ cái mốc ra đời chính thức của cơ sở đào tạo âm nhạc chính quy đầu tiên do Nhà nước Cách mạng thành lập năm 1956, chuyên ngành  piano Việt Nam đã bước một cách đĩnh đạc vào lĩnh vực nghệ thuật của cây đàn phím có tuổi trên bốn trăm năm ở châu Âu.

Năm 1980, Đặng Thái Sơn - nghệ sĩ piano Việt Nam đồng thời là người châu Á đầu tiên, cùng một lúc giành được giải Nhất trong cuộc thi Piano Chopin danh giá tại Warszawa (Ba Lan) và ba giải Phụ dành cho các thể loại Mazurka, Polonaise, Concerto. Cũng trong năm đó, Tôn Nữ Nguyệt Minh giành giải Ba trong cuộc thi Smetana ở Praha (Tiệp Khắc). Đó là những tài năng piano trẻ mà nền tảng ban đầu của họ đã được vun trồng, rèn dũa bởi những người thầy Việt ngay tại Khoa Piano - Trường Âm nhạc Việt Nam giữa những năm tháng đầy gian nan, khi không quân Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ác liệt miền Bắc, hòng “đưa Việt Nam trở về thời đại đồ đá”. Chính trong những ngày sống cam go dưới mưa bom đạn lửa và ánh đèn dầu leo lét tại một ngôi làng xa thủ đô với sự đùm bọc chân tình của những người dân quê thuần phác, những hạt giống piano tài năng đầu tiên đã được ươm mầm để rồi nhanh chóng phát triển thành cây cao bóng cả khi được chăm chút, rèn dũa thêm bởi những bậc thầy piano trên những mảnh đất màu mỡ của loại hình nghệ thuật quý tộc này.

Không chỉ dừng lại ở những giải thưởng quốc tế, chẳng bao lâu sau, Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh đã trở thành những nghệ sĩ danh tiếng trên thế giới với những chuyến lưu diễn ở nhiều nước Âu, Á, Mỹ, Úc, trở thành những giảng viên piano uy tín ngay tại các nước phương Tây - nơi sinh thành và phát triển của loại hình nghệ thuật bác học đó. Từ 1985 đến nay, Tôn Nữ Nguyệt Minh là giảng viên piano tại Đại học Âm nhạc Hanns Eisler tại Berlin. Năm 1987 Đặng Thái Sơn được mời giảng dạy ở Kunitachi Music College tại Tokyo, rồi từ 1991 trở thành giảng viên piano chính thức của Đại học Montréal (Canada). Anh còn hướng dẫn nhiều khóa Master tại Á, Âu, Bắc Mỹ, dạy tư cho một số pianist trẻ chuẩn bị thi concour piano quốc tế. Cậu thiếu niên năm nào suýt không được dự cuộc thi Piano mang tên Chopin vì bản lý lịch nghệ thuật trống trơn, 19 năm sau (1999) trở thành nghệ sĩ piano duy nhất không phải là người Ba Lan được mời tới dự buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của F. Chopin trên chính đất nước đã sinh thành người nhạc sĩ thiên tài ấy. Năm 2010, lại vẫn Đặng Thái Sơn tiếp tục là một trong ba nghệ sĩ nước ngoài từng đoạt giải Nhất trong những Concours Chopin trước đó được mời biểu diễn trong Gala Concert kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhạc sĩ, tổ chức tại Warszawa. Bình luận về những nghệ sĩ biểu diễn trong Gala ấy, báo Wyborcza (Ba Lan) khẳng định: “Không nghi ngờ gì nữa, Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ piano gây ấn tượng sâu sắc nhất trong Gala Concert kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin”.

Ngôi sao xuất chúng kết tinh từ tài năng, trí tuệ và hai tâm hồn nghệ thuật của cha - mẹ, lại được chính người mẹ rất mực yêu thương nuôi dưỡng chăm chút và nắn nót từng ngón đàn từ tấm bé, còn trở thành thành viên Ban Giám khảo của nhiều cuộc thi Piano quốc tế, mở đầu là Concour piano lớn nhất của Nhật mang tên “Hamavaatsu’, năm 1991. Tiếp đó, mỗi năm có tới trên mười nơi mời tham gia Hội đồng Giám khảo, nhưng anh chỉ chọn tham dự khoảng 3 - 4 concours tiêu biểu. Đặc biệt, năm 2005, Đặng Thái Sơn trở thành người châu Á đầu tiên được mời tham gia Ban Giám khảo cuộc thi piano mang tên Chopin, rồi 2015 trở thành Phó Chủ Khảo với 100% phiếu bầu trong cuộc thi lần thứ 17.

Những điều trên, đâu chỉ là niềm tự hào của riêng anh và gia đình, dòng họ, mà còn là niềm tự hào chung của dân tộc, đất nước - nơi đã ôm ấp che chở người nghệ sĩ suốt những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ trong những bước đi ban đầu trên con đường nghệ thuật. Đó còn là niềm tự hào chung cho cả người Á Đông trên con đường vươn lên sánh vai cùng người phương Tây trong những lĩnh vực nghệ thuật mà họ đã sáng tạo từ nhiều thế kỷ trước. Sự đòi hỏi khắt khe của người thầy với học trò - trong đó có cả các con mình, khiến họ luôn phải nỗ lực tối đa trong việc khổ luyện nhằm đạt tới độ hoàn thiện trong nghệ thuật, chính là đòn bẩy quan trọng để không ngừng vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao trong nhạc trường piano thế giới. Phần thưởng cho những nỗ lực và tâm huyết của cả thầy và trò, của cả mẹ và con, chính là sự công nhận và vị trí mà thế giới dành cho NSND Đặng Thái Sơn - người con của Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên.

Con đường của nghệ thuật Piano Việt Nam, tuy vậy, không dừng lại ở những tài năng đã chín muồi và xuất chúng trên nhạc trường quốc tế từng đem lại vinh quang cho đất nước. Nếu ở thuở ban đầu những người thầy Việt Nam chỉ mới ươm nên những hạt giống tốt trong nước để các bậc thầy phương Tây tiếp tục vun trồng nên những tài năng lớn cho nghệ thuật Piano thế giới, thì từ 1999 tới hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, kế tục sự nghiệp và hoài bão của những người thầy đầu tiên trong Khoa Piano Trường Âm nhạc Việt Nam, các thế hệ giảng viên Piano trẻ thuở nào từng được những thầy Việt Nam và nước ngoài dẫn dắt lại từng bước tự mình đào tạo thêm nhiều tài năng mới cho loại hình nghệ thuật này. Nhiều giải Nhất, Nhì, Ba… trong những cuộc thi piano quốc tế dành cho các tài năng trẻ tổ chức ngay tại Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Áo, Bỉ, Hy Lạp, Ba Lan, Mỹ và những cuộc thi tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Malaysia… đã mang về cho đất nước bởi các “tài năng nhí” dưới 9 tuổi cùng các học sinh, sinh viên ở độ tuổi 10 - 17 của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và những sinh viên Việt Nam được đào tạo bởi những bậc thầy piano Việt ở nước ngoài.  Con số 2 giải thưởng ở thuở ban đầu nay được nhân lên gấp bội với những gương mặt trẻ: Nguyễn Hoàng Phương - giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ dương cầm quốc tế 1999 tại Nhật Bản, Lưu Hồng Quang -  giải Nhất cuộc thi Lev Vlapssenko năm 2011 tại Australia, Nguyễn Đăng Quang và Ngô Phương Vy đồng giải Nhất cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội 2015… Nhiều giải thưởng khác ở lứa tuổi nhỏ của Quách Hoàng Nhi, Phan Thiên Bạch Anh, Trần Minh Châu, Trương Thị Ngân Hà, Trần Bảo Khuê, Nguyễn Chúc An, Trương Quang Diệu, Trần Trí Đức… cũng là những tiềm năng mở ra cho nghệ thuật piano Việt Nam.

Bên cạnh Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh, ngày nay đã có thêm không ít giảng viên Piano người Việt hoặc gốc Việt từng được thụ hưởng những bước đi ban đầu về nghệ thuật Piano tại nước nhà đang giảng dạy ở nước ngoài: Lưu Hồng Quang (Academy of Music and performing Arts, Sydney), Nguyễn Thuý Quỳnh (International Keyboard Institute and Festival trong Mannes College of Music - New York và Hunter College, City University of New York), Nguyễn Hoàng Linh (École de musique Vincent  d’Indy - Montréal)...

Với các cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội vào các năm: 2010, 2012, 2015 và 2018, Hà Nội cũng đã trở thành một điểm đến thu hút thí sinh một số nước từ Á, Âu, Mỹ, Úc.

Từ chỗ tiếp thu, người Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên một số đỉnh cao và trở thành lực lượng có những đóng góp đáng kể cho nghệ thuật piano thế giới cả trong lĩnh vực biểu diễn cũng như giảng dạy. Quốc kỳ Việt Nam đã có mặt ở hàng cao nhất trên một Bảng vàng Danh dự danh tiếng của nghệ thuật Piano quốc tế. Con đường tiến lên sánh vai với các cường quốc âm nhạc thế giới đối với nghệ thuật piano Việt Nam ngày một xích lại gần và ngày càng rộng mở…Với những thành tựu đáng tự hào trong 60 năm qua, nghệ thuật piano Việt Nam thực sự đã vươn lên với sức lớn mạnh diệu kỳ khác nào cậu bé làng Phù Đổng huyền thoại trong lịch sử dân tộc. Đóng góp vào việc đặt những nền tảng ban đầu cho sự phát triển diệu kỳ đó có công lớn của các giảng viên đầu tiên trong Khoa Piano Trường Âm nhạc Việt Nam, mà trụ cột là Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên - người phụ nữ mảnh dẻ với số phận đầy nghiệt ngã trong cuộc đời riêng tư nhưng cũng đầy nghị lực, đã tận tụy với sự nghiệp thực hiện hoài bão đưa đất nước vươn lên sánh vai cùng các cường quốc nghệ thuật năm châu.

Số phận dường như cũng muốn bù đắp cho những gian truân, nhọc nhằn và những nỗ lực của bà trong việc thực thi sứ mệnh lịch sử được giao phó bằng sự ban tặng tuổi thọ hiếm có và cuộc sống thảnh thơi, viên mãn ở cuối đời, để được thụ hưởng niềm hạnh phúc - ở tuổi 100, sự thành đạt của các con, các trò và sự lớn mạnh vượt bậc cùng những thành tựu đáng mừng của nghệ thuật Piano Việt Nam mà bà cùng các đồng nghiệp đã khởi công xây dựng từ hơn 60 năm trước. Chỉ duy nhất ước nguyện về một giáo trình piano mang bản sắc Việt Nam ấp ủ từ thuở nào, bà còn phải chờ các thế hệ sau tiếp nối và hoàn thiện. Ngày đó rồi cũng sẽ tới…

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.