You are here

Tham luận tại Đại hội X của Chi hội Nhạc sĩ VN tỉnh Sơn La

Tác giả: 
Phạm Hồng Thu

Tham luận Đại hội X Hội Nhạc sĩ VN

Trước hết tôi xin bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với toàn bộ những nội dung cơ bản trong bản Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành khóa 9 do Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trình bày tại Đại hội. Với những thành tựu, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua là sự tiếp nối của những nhiệm kỳ trước, đã luôn khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng và những đóng góp vô cùng to lớn của nền âm nhạc Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày càng phát triển, thịnh vượng; Nhìn rộng ra chúng ta hoàn toàn có thể thấy và tự hào rằng: không nhiều những quốc gia trên thế giới mà ở đó âm nhạc lại đồng hành với dân tộc, với đất nước, với sự nghiệp một cách liên tục, hiệu quả, toàn diện và sâu sắc như nền âm nhạc Việt Nam.

Để có được diện mạo của nền âm nhạc Việt Nam như ngày hôm nay, chúng ta vô cùng biết ơn và tự hào về một thế hệ đầu tiên là những nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà giáo, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình vô cùng tài năng và kiệt xuất, họ không những đã để lại một di sản, tài sản khổng lồ về âm nhạc mà còn để lại một hệ tư tưởng, một tinh thần, một khuynh hướng ... mà các thế hệ những người làm âm nhạc tiếp theo đã và đang tiếp tục kế thừa, phát huy và phát triển; Một điều không thể thiếu đối với sự hình thành và phát triển cũng  như những thành quả đạt được của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đó là sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt trong mọi hoàn cảnh, mọi thời gian của Đảng, Nhà nước; sự đồng hành, ủng hộ của các tầng lớp xã hội và của nhân dân các dân tộc cả trong và ngoài nước đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và đặc biệt là âm nhạc nói riêng trong suốt hành trình thực hiện sứ mệnh cao cả là phụng sự Tổ quốc, phục vụ cuộc sống và phục vụ nhân dân. Truyền thống tốt đẹp, vẻ vang đó chính là động lực to lớn để các thế hệ những người làm âm nhạc trên khắp mọi miền Tổ quốc tiếp tục trong suốt thời gian qua khi đất nước đã vượt qua khỏi các cuộc chiến tranh và bước vào một thời kỳ mới, thời của xây dựng, kiến thiết, của hội nhập và phát triển.

Những kết quả cụ thể đạt được trên các mặt hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam dưới sự điều hành của Ban Chấp hành và của cơ quan thường trực Hội trong nhiệm kỳ qua đã là minh chứng sát thực nhất về việc góp phần cụ thể hóa các đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa nghệ thuật đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong thời gian qua và hiện nay; Song trước những diễn biến thay đổi và những xu hướng phát triển mới trong mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội vv... thì hoạt động âm nhạc cũng được đặt trước những cơ hội, vận hội và những thuận lợi mới song cũng không ít những khó khăn, thách thức và trở ngại mới. Để có thể đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, triển khai và hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ 10, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trước diễn đàn trang trọng của Đại hội, tôi xin mạnh dạn đề xuất bổ sung một số giải pháp như sau:

Một là: Đề nghị Ban chấp hành khóa 10 và thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan để nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước quan tâm kiện toàn lại về tổ chức của Hội, nhất là Trung ương Hội Nhạc sĩ Việt Nam đảm bảo đủ cơ cấu về đầu mối, về nhân sự, nhân lực theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp ở các mảng công tác nhằm ngày càng nâng cao hiệu quả, chất lượng trong toàn bộ hoạt động của Hội.

Hai là: Trú trọng, tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan có liên quan của Trung ương về một số nội dung lớn, có tính vĩ mô như:

- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ để tham gia tư vấn, tham mưu xây dựng các chủ trương, chính sách, cơ chế vv... về hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tế, xu thế trong giai đoạn hiện nay;

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp hoạt động về văn hóa nghệ thuật của Trung ương trong tổ chức hoạt động chuyên môn như: nâng cao chất lượng các cuộc vận động sáng tác âm nhạc, chất lượng thẩm định các tác phẩm, tiết mục, chương trình âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật có sự góp mặt, tham gia của âm nhạc vv...; Nâng cao chất lượng về tổ chức và chất lượng về chuyên môn các cuộc liên hoan, hội thi về các loại hình nghệ thuật nói chung có liên quan đến âm nhạc hay loại hình của nghệ thuật biểu diễn mà âm nhạc đóng vai trò chủ đạo nói riêng.

Ba là: Tăng cường sự phối hợp với khối truyền thông, đặc biệt là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, cá cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, Đài Phát thanh và Truyền hình các khu vực, các tỉnh, thành phố vv... để tăng cường tần suất, thời lượng, dung lượng phát sóng các chương trình, các hoạt động âm nhạc trên phạm vi toàn quốc và cả ở nước ngoài.

Bốn là: Tăng cường công tác trao đổi, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng của Trung ương hay các vùng, miền, địa phương nhằm củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành chuyên sâu của âm nhạc ở cả khu vực trong nước và ở nước ngoài; Có giải pháp căn cơ về cơ chế, chính sách để phát hiện, đào tạo, phát triển tài năng âm nhạc của đất nước...

Năm là: Trong những nhiệm kỳ qua, Trung ương Hội đã cực kỳ quan tâm tạo điều kiện để thành lập và phát triển các chi hội Nhạc sĩ Việt Nam các tỉnh, thành phố; từ đó đã tạo thuận lợi cho hoạt động của hội viên, nhất là hội viên các tỉnh miền núi, biên giới và hải đảo; nhưng qua thực tế thì còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc về tổ chức và hoạt động như: Vấn đề về tư cách pháp nhân của Ban chấp hành các chi hội..., cơ sở vật chất, địa điểm sinh hoạt, điều kiện, trang thiết bị, phương tiện hoạt động của các chi hội vv... cùng một số vấn đề khác; Vì vậy đề nghị Trung ương Hội Nhạc sĩ Việt Nam quan tâm đề xuất với Đảng, Nhà nước, với lãnh đạo các tỉnh, thành phố nhằm giải quyết, tạo điều kiện để các chi hội, hội viên các địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả.

Với khí thế mới, luồng gió mới của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt nam lần thứ 10, nhiệm kỳ 2020 – 2025; trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ 13 của Đảng, chúng ta hoàn toàn vững tâm và tin tưởng vào một giai đoạn phát triển mới, hứa hẹn nhiều thành quả mới của âm nhạc Việt Nam trong thời gian tới.

NSƯT Phạm Hồng Thu

Giám đốc, Chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.