You are here

Thao thức nghệ thuật xẩm cổ truyền

Tác giả: 
Trần Hòa

Nghệ thuật hát xẩm không bị mai một, trái lại ngày càng phát triển đa dạng. Chính sự phong phú và ngày càng hiện đại hóa đã khiến xẩm cổ truyền dần mất đi những đặc trưng vốn có.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thiết kế sân khấu cho nghệ thuật xẩm cần giản dị, tránh loè loẹt. Ảnh: ITN.

Xẩm vốn là loại hình diễn xướng dân ca, thường được những người ăn xin hát rong kiếm sống. Qua thời gian, xẩm trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo thu hút đông đảo người xem, nghe và học. Tuy nhiên, những biến thể của loại hình xẩm cổ truyền, theo một số nhà nghiên cứu đã và đang làm mất đi những đặc trưng của nghệ thuật dân gian.

Xẩm cổ truyền "gắn" với nghề ăn xin

Nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cho biết, từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, hát xẩm thường được gọi khác nhau như hát rong, hát dạo… Hiện nay, nhiều người vẫn hiểu xẩm là lối hát của người khiếm thị, ăn xin nhưng đúng ra là người khiếm thị đã dùng nghệ thuật hát xẩm làm phương tiện kiếm sống.

Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng, hát xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ chính là đường phố, gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo. Có thể nói, hát xẩm là món ăn tinh thần của người lao động, đặc biệt là nông dân. Sau vụ mùa bội thu, những gánh hát xẩm thường được mời về hát tại tư gia của những phú hộ giàu có.

Nhạc sĩ Khánh Băng cho hay, sự ra đời của nghệ thuật xẩm gắn với câu chuyện mang tính tương truyền. Vua Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Do tranh giành quyền lực, hoàng tử Trần Quốc Đĩnh bị Trần Quốc Toán hãm hại, chọc mù mắt và bỏ trong rừng sâu.

Trong một lần nằm ngủ, Trần Quốc Đĩnh mơ thấy bụt dạy ông cách làm đàn bằng dây rừng và gảy bằng que nứa. Tỉnh dậy, Trần Quốc Đĩnh mầy mò làm theo hướng dẫn và thật kỳ lạ, cây đàn vang lên những âm thanh tuyệt vời khiến chim muông cũng sà xuống. Những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm đến và đưa ông về.

Thời điểm lưu lạc ở dân gian, Trần Quốc Đĩnh đã dạy đàn cho người nghèo, người khiếm thị, giúp họ có được niềm vui và cách kiếm sống. Tiếng đồn về tài năng âm nhạc của ông lan đến tận hoàng cung. Nhà vua cho vời ông vào cung hát và nhận ra con mình. Trở lại cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục dạy người dân nghèo đàn hát kiếm sống.

Sau này, hoàng tử Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ của nghề hát xẩm. Hàng năm, để ghi nhớ công ơn, những người hành nghề hát xẩm đã lấy ngày 22/2 và 22/8 âm lịch là ngày giỗ tổ nghề hát xẩm.

Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, hát xẩm có 8 làn điệu chính: Xẩm chợ, xẩm xoan (Chênh bong), huê tình (riềm huê), xẩm nhà trò (ba bậc), nữ oán (Phồn huê), hò bốn mùa, hát ai, thập ân. Mỗi làn điệu ấy biểu hiện một khía cạnh tình cảm, với cách thưởng thức riêng phù hợp với từng đối tượng khán giả. Tùy theo không gian biểu diễn và đối tượng thưởng thức mà người hát xẩm trình bày những làn điệu riêng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đinh Quang Liễn cho rằng, bản chất của nghệ thuật xẩm chưa hẳn là dành riêng cho những người khiếm thị, ăn xin. Nhưng người ăn xin thường dùng hát xẩm làm phương tiện kiếm sống. Cho nên đôi khi người ta nhầm lẫn, nhắc đến xẩm là đến người ăn xin.

Xẩm phải "sống" ở đâu?

Là một loại hình diễn xướng cổ truyền, và mặc định "sân khấu" của xẩm phải ở nơi cây đa – bến nước - sân đình hay góc chợ nghèo. Từ đó, không ít ý kiến trong giới nghiên cứu cho rằng, phải trả lại "không gian sống" cho xẩm cổ truyền.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nếu trả xẩm về góc chợ nghèo, hay nơi cây đa – bến nước thì không có khán giả. Xẩm phải lên sân khấu, phải có chương trình được hoạch định, quảng cáo, bán vé thu phí bình đẳng như các loại hình nghệ thuật khác.

Chính vì thế mà mấy năm nay, một số sân khấu lớn đã đưa xẩm vào chương trình biểu diễn. Thậm chí, xẩm còn được nhiều nghệ sĩ ra MV và thật bất ngờ là rất "ăn khách". Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, xẩm luôn là một "kênh" thông tin thời sự bằng âm nhạc nên nghệ thuật hát xẩm cũng cần những luồng gió mới để thay đổi.

Một trong những nhóm xẩm nổi đình đám hiện nay phải kể tới nhóm xẩm Hà Thành. Nhóm xẩm đã cho ra mắt một liên khúc, tập hợp các bài xẩm nói về Tết và xuân do nhóm sáng tác trong nhiều năm với sự thể hiện của các nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Phạm Dũng, Phạm Trang, NSƯT Xuân Hải…

Mới đây, trong đại dịch Covid-19, một số nhóm xẩm còn sáng tác "xẩm chế" với mục đích tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh. Trong cuộc sống hàng ngày, có xẩm chống ma tuý, chống nạn lô đề, rượu chè, ăn chơi…

Nhạc sĩ Khánh băng cho rằng, đồng ý "xẩm chế" không đáng sợ, dù gì cũng góp phần đa dạng hóa nghệ thuật xẩm. Tuy nhiên, cái gì cũng cần phải có giới hạn để giữ gìn vốn văn hóa cổ truyền. Đó là lý do vì sao giới chuyên môn phân định rạch ròi các dòng nhạc.

Bà Nguyễn Thị Mận, con gái cố nghệ nhân Hà Thị Cầu vì lo xẩm cổ sẽ bị mai một, biến thể nên đã lập một chiếu xẩm mang tên người mẹ để duy trì, gìn giữ. Rất nhiều người dân, từ người già đến học sinh địa phương đều tham gia. "Xẩm cổ thực sự đem lại xúc cảm, sự thao thức, lay động tâm hồn mạnh mẽ. Khi mẹ tôi còn sống, tôi hay nói với bà, xẩm là "đầu đường xó chợ" và bà không thích. Giờ nghiệm lại, xẩm thực sự là nghệ thuật dân gian, mang tính quần chúng nhưng để phát triển thì phải dựa vào sân khấu, truyền thông", bà Mận bày tỏ.

"Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hát xẩm còn là loại hình âm nhạc dân gian đậm tính nhân văn, thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp xã hội. "Không ai có quyền "bắt" xẩm chỉ được hát ở góc chợ, sân đình… nhưng không gian cho xẩm cũng phải được thiết kế làm sao thật dân dã, giản dị. Bởi vì, xẩm không thích hợp với một không gian mang tính chói lóa, xập xình, lòe loẹt". - Nhà nghiên cứu Đinh Quang Liễn

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.