You are here

Thiết tha tình yêu biên cương trong mỗi khúc ca

Tác giả: 
Trúc Hà

Đại úy Lê Đức Trí, Đội trưởng Đội Tuyên truyền Văn hóa, Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Bình thuộc “hiện tượng” của lực lượng BĐBP khi là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà công việc lại không thuộc cơ quan chuyên môn về nghệ thuật. Chủ đề xuyên suốt trong những tác phẩm của anh là những xúc cảm với biên cương, chứa chan niềm tự hào về những người lính Biên phòng đang ngày đêm bảo vệ biên cương Tổ quốc…

Nhạc sĩ, Đại úy Lê Đức Trí. Ảnh: Trúc Hà

“Gia tài” của nhạc sĩ mang quân hàm xanh

Đại úy Lê Đức Trí bảo rằng, anh chỉ là “tay ngang” vì chưa qua trường lớp đào tạo về âm nhạc trước khi bắt tay vào sáng tác, tất cả bắt đầu từ đam mê và tự học. Cũng vì đam mê mà anh “đầu quân” cho Đội Tuyên truyền Văn hóa của BĐBP Quảng Bình, mặc dù đang có công việc ổn định. Nhận thấy năng khiếu của anh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện cho anh tham gia các lớp tập huấn, trại sáng tác do Bộ Tư lệnh BĐBP, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức. Lại thêm cảm xúc mới lạ với biên cương, thương mến người lính Biên phòng nên “tay nghề” của anh ngày càng được nâng lên, để từ đó anh cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng và được trao giải thưởng.

Khi nghe những tác phẩm của Đại úy Lê Đức Trí, khán giả đều gợi nhớ, liên tưởng đến những miền biên giới xa xôi, khi thì là “Gió biên thùy rong ruổi bước chân, mải miết đường tuần tra biên giới, núi chập chùng cao vợi, thu vào trong ánh mắt. Gió biên thùy gõ cửa mùa Xuân, gọi hồn biển hòa vào sông núi, thức lời ru trong từng bản vắng” (ca khúc Gió biên thùy); hay tự hào, tươi vui: “Chúng tôi người chiến sĩ quân hàm xanh canh giữ đất trời, giữ vững biên cương, hát lên khúc ca biên phòng” (ca khúc Bình minh nơi cửa biển). Và rồi lại nhộn nhịp, rộn rã ngày tòng quân: “Xin chào người lính trẻ, chào những người lính tân binh, từ mọi miền quê về đây cùng chung chí hướng với hành trang nhẹ nhàng, mang theo tình yêu thanh xuân lên đường. Chào một ngày mới bằng ánh nắng mặt trời, bằng câu hát về mọi người” (Ca khúc Xin chào lính tân binh)...

Không chỉ sáng tác để thỏa niềm đam mê, tình yêu biên giới, sẻ chia với đồng đội, mà Đại úy Lê Đức Trí còn có nhiều tác phẩm được giải thưởng và được cơ quan chuyên môn đánh giá cao. Có thể kể đến như: Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam tặng Bằng khen cho tác phẩm “Quảng Bình ghi nhớ ơn Người”; nhiều năm liền đoạt giải A trong liên hoan của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong đó 2/3 tác phẩm viết về người lính, gồm: Xin chào lính tân binh (năm 2012), Bình minh nơi cửa biển (năm 2015) và Dòng sông tình mẹ (năm 2017). Với công việc chuyên môn, Đại úy Lê Đức Trí luôn được cấp trên tin tưởng. Các chương trình của Đội Tuyên truyền Văn hóa tham gia tại các hội diễn, liên hoan, anh đều đầu tư thời gian xây dựng kịch bản, làm đạo diễn chương trình rồi tự hòa âm, phối khí. Gần đây nhất, tại Hội diễn Đội Tuyên truyền Văn hóa tuyến biên giới, biển đảo lần thứ X, khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019, Đội Tuyên truyền Văn hóa của BĐBP Quảng Bình có số điểm cao nhất trong các đội tham gia.

Động lực

Mặc dù công tác tại BĐBP Quảng Bình, nhưng Đại úy Lê Đức Trí luôn giữ mối quan hệ thân thiết với các hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong đó phải kể đến cố Thiếu tướng Nguyễn An Thuyên, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Năm 2002, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình cử anh đi học lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tác tại Hà Nội, do Thiếu tướng An Thuyên giảng dạy. Học được một nửa thời gian, cả lớp được bố trí đi thực tế ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Trên đường về, trời mưa to, qua cửa kính ô tô, Đại úy Lê Đức Trí thấy 1 người phụ nữ bế con nhỏ và ngồi dưới hiên nhà, mắt nhìn xa xăm. Khi xe về tới Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn cũng là lúc anh hoàn thành bản nhạc “Mưa chiều biên giới”. Thật không ngờ, khi nhạc sĩ An Thuyên cầm bản nhạc, ông chỉ bớt đi 2 nốt và đưa vào bài giảng của mình. Cũng từ đó, Thiếu tướng An Thuyên luôn dành tình cảm đặc biệt cho người học trò vùng cát trắng, gió Lào này. Và, mỗi khi học trò có tác phẩm mới, cần góp ý, ông rất sẵn lòng.

Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đại úy Lê Đức Trí chỉ gặp gỡ Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ qua những lần liên hoan, giao lưu. Thế nhưng, với lối sống giản dị, chân thành như chính những bài hát anh đã viết, Đại úy Lê Đức Trí đã chiếm trọn tình cảm của người nghệ sĩ gạo cội. Bất cứ khi nào Đại úy Lê Đức Trí cần, Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ cũng sẵn lòng giúp đỡ. Khi Đại úy Lê Đức Trí sáng tác bài hát “Quảng Ninh tình đất, tình người” nhân kỷ niệm 30 năm tái lập huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (trước đây Lệ Thủy và Quảng Ninh được chia tách từ huyện Lệ Ninh) - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù bận nhiều việc, nhưng Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ đã hòa âm, phối khí và là người đầu tiên hát, thu âm nhạc phẩm này. Cũng vì những chuyện như vậy mà tình cảm thầy trò, đồng nghiệp càng thêm gắn bó.

Năm 2016, Đoàn nghệ thuật Quảng Bình trong một lần ra thăm quần đảo Trường Sa đã biễu diễn bài hát “Bình minh nơi cửa biển” của nhạc sĩ Lê Đức Trí. Trước khi đoàn ra về, bộ đội trên đảo đã ngỏ ý xin bản nhạc để luyện tập, coi như một món quà tặng mọi người đến thăm đảo sau này. Mới đây nhất, Đại úy Lê Đức Trí đã sáng tác bài hát “Đẹp mãi giữa lòng dân” và “Hãy tin vào ngày mai”, có nội dung về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Quảng Bình. Nghe ca khúc “Đẹp mãi giữa lòng dân”, người ta có thể hình dung ra những vất vả của người lính Biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch. Còn “Hãy tin vào ngày mai” là phần tiếp theo cho “Đẹp mãi giữa lòng dân”, là hãy tin vào chiến thắng đại dịch Covid-19. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Bình đang chuẩn bị triển khai dựng MV ca nhạc cho ca khúc này để giới thiệu đến đông đảo khán giả...

(Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.