You are here

Thử giải mã ngôn ngữ âm nhạc trong bài Quảng Bình quê ta ơi

Tác giả: 
Lê Y Linh

Kỷ niệm 55 sau ngày bài hát ra đời và 89 năm ngày sinh nhật nhạc sĩ Hoàng Vân

Bút tích của nhạc sĩ Hoàng Vân (năm 1994 khi ông sang Paris, để chuẩn bị cho buổi diễn tác phẩm của ông, tổng phổ không có, ông rút bút viết lại bài cho dàn hợp xướng tập).

Nếu ai hỏi vì sao?

“Tuyệt diệu”, “còn mãi mãi”, “vĩnh cửu”, “xuất thần” là một vài tính từ khi người Quảng Bình và người hâm mộ nhạc sĩ thốt ra khi nói tới bài Quảng Bình quê ta ơi. Tại sao bài hát lại có sức lan tỏa rộng đến như vậy? Quảng Bình quê ta ơi là một tác phẩm không dễ phân tích cho nhà nghiên cứu âm. Ta có thể đào sâu rất nhiều khía cạnh được sử dụng trong tác phẩm như phương pháp ứng dụng âm hưởng dân ca, cách sử dụng điệu thức, cấu trúc, ca từ…

Tôi thử tản mạn đi giải mã câu hỏi Tại sao Quảng Bình quê ta ơi lại hay thế mà một người bạn đã ra cho tôi như một đầu bài thi phân tích âm nhạc.

Nghệ thuật ca từ và kỹ thuật xây dựng giai điệu

Có lẽ đặc điểm người ta thường nói tới nhất là hiệu quả “giọng Quảng Bình” của bài hát, làm cho người dân Quảng Bình yêu nó. Vậy nhạc sĩ đã làm thế nào để mà lúc hát ca sĩ không cần phải nhấn nhá đã có hơi hướng của giọng Quảng? Câu trả lời có ở ngay trên bản nhạc, ta thấy đa phần  các từ đều được hát bằng luyến ít nhất hai nốt nhạc.

Ta có thể đưa vài ví dụ sau: Những từ dấu sắc sẽ được hát chủ yếu bằng quãng 2, 4 luyến lên: nếu (đô-pha), chúng (đô-pha), ngói (xon-đô)…

Nhiều từ không có dấu cũng được hát trên hai nốt:  cực, cơ (la-xon hay sib-xon tùy bản và tùy ca sĩ), tối tăm, tăm (la-xon).

Có những dấu sắc và dấu hỏi được hát như nhau như trong câu “Quảng Bình, bao mến thương”, từ mến dấu sắc, được hát như từ Quảng, dấu hỏi (đô đen chấm-xon kép, quãng 5).

Và một ví dụ nữa: câu “đắt” nhất trong kỹ thuật sử dụng luyến láy và dấu giọng của bài là câu “Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi”: từ chừ, dấu huyền (rê-đô) được hát bằng hai nốt cao hơn từ mới (xon-đô), dấu sắc. Nhạc sĩ đã mã hóa ngôn ngữ đặc trưng của xứ Quảng bằng kỹ thuật âm nhạc, chứ thật ra những từ vựng đặc biệt của giọng Quảng không nhiều, cả bài chỉ có hai chữ chừ và chữ vô!

Nguồn xúc cảm dâng trào của nhạc sĩ trước bao nhiêu điều muốn nói tới, muốn ngợi ca ở mảnh đất này buộc ông phải làm tới ba lời. Nếu như trong Bài ca giao thông vận tải việc có bốn lời có vẻ “dễ dàng” hơn vì sự luyến láy của kỹ thuật phát triển giai điệu chỉ nhấn vào luyến láy của một số từ trụ cột của câu (những được hát trên 5 nốt nhạc), trong Quảng Bình quê ta ơi, việc này khó khăn hơn nhiều. Tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu, ba lời này được hát trên một giai điệu mà mỗi từ đã “bị” cố định trên hai nốt nhạc như đã nói ở trên, tức là bắt buộc cả ba lời làm sao vừa phải cùng một dấu (hoặc gần một dấu - mặc dù lúc hát ta sử dụng được độ cao tương đối của các dấu gần nhau), vừa làm sao phải tuân theo vần và ý nghĩa của từng lời. Một thử thách khó mà ta có thể ví như luật một bản Prélude và Fugue thời J.S. Bach mà nhạc sĩ tự đặt ra cho chính mình. Và ông đã làm được điều đó, mỗi lời, mỗi câu vẫn còn làm rung động từng con người Quảng Bình bao nhiêu năm sau khi ca khúc ra đời.

Kỹ thuật luyến láy mà ta vừa phân tích không chỉ để nhấn mạnh giọng nói đặc biệt địa phương, đó cũng chính là chìa khóa phát triển giai điệu của bài. Sự nhấn nhá của mỗi từ được hát trên hai nốt làm cho câu hát trở nên uyển chuyển, đằm thắm, tạo nên một dòng chảy miên man nhưng tất cả lại được hát trên một âm vực rất rộng (gần hai quãng 8), tất cả những điều đó đã tạo nên sức cuốn hút không cưỡng nổi của giai điệu bài Quảng Bình quê ta ơi. Điều này tương đối hiếm trong ca khúc Việt và trong ca khúc của Hoàng Vân sau này.

Ca từ của bài hát “rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi

Lệ Thủy là huyện cực nam ở miền duyên hải của Quảng Bình. Giọng hò Lệ Thủy đã trở thành nổi tiếng và quen thuộc với tất cả người Việt nam từ những năm sáu mươi nhờ lời bài hát Quảng Bình Quê ta ơi. Kiến Giang, Bến Tiến, Đại Phong… trên cánh đồng lúa trĩu hạt của vụ mùa rộn rã người nông dân đi gặt đi chở rơm chở lúa, từng tên địa danh về theo từng câu hò thấm đẫm tâm hồn đất Quảng. Trong chuyến đi về Quảng Bình theo dấu chân cha vào tháng năm năm 2019, chị Hải Lý, một trong những trưởng hội dân ca bảo tồn hò Lệ Thủy cùng cả hội của chị tiếp chúng tôi tại nhà. Trong bản thu đầu tiên với ca sĩ Kim Oanh, đoạn dạo đầu của Quảng Bình quê ta ơi bằng đàn thập lục được thay bằng tiếng nguyệt điểm phách. Và điều thật lạ, sau đoạn “dạt dào tình quê”, họ chuyển luôn sang hát mấy chục khổ hò Lệ Thủy, và lại bắt nhịp lại vào bài hát Quảng Bình quê ta ơi.

Lý Hòa và Cháy Lập thuộc huyện Bố Trạch không có tên trong các địa danh bài hát, nhưng những cồn cát ở Quang Phú gợi lại ngay hình ảnh của “chị dân quân canh gác trên biển” và “anh chiến sĩ canh gác bầu trời”. Từ trên rừng xuống biển, từ đồng bằng qua cồn cát, từ làn gió mát trước cơn giông với bầu trời mây đen vần vũ tương phản với cánh đồng lúa chín ngút ngàn mất vào chân núi phía xa tới thành phố Đồng Hới bình yên trên bờ Nhật Lệ. Quảng Bình  mở ra từng cảnh, từng câu trong bài hát, làm sao người Quảng không rung động tận đáy lòng.

Thế nhưng không chỉ có “Quảng Bình, bao mến thương”. Trong bài hát, ta còn gặp những chân lý bất di bất dịch có tính chất bao quát, chẳng hạn như mối quan hệ quá khứ - hiện tại “rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi” Chúng ta gặp những con người bình dị gắn bó với quê hương “chị dân quân, anh chiến sĩ, anh công nhân, anh thanh niên, lứa tuổi thanh xuân, các mẹ các chị…” bao thân thương ở Quảng Bình nhưng cũng là ở khắp các miền đất nước. Chúng ta có sự lạc quan trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt “hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà”. Chúng ta có những lời nhắn nhủ cho nhiều thế hệ mai sau “giữ lấy đất trời của quê hương ta, giữ lấy những gì mà ta yêu quý”. Đó là những điều gần gũi và thân thuộc với bất cứ người Việt nam nào. Riêng mà chung, chung mà riêng, yêu Quảng Bình là yêu đất nước, hình ảnh đất nước lồng vào khung cảnh Quảng Bình, đó chính là điều làm cho bài hát này không chỉ được yêu quý ở Quảng Bình mà đã trở thành tài sản chung của tất cả những người con Việt.

Cấu trúc tác phẩm và ngôn ngữ âm nhạc

Cấu trúc của Quảng Bình quê ta ơi là một cấu trúc tùy hứng trên khuôn phép. Khuôn phép là tính chất một vở diễn trong đó âm nhạc là khuôn nền và lời là những bức tranh chứ không phải khuôn phép theo cách phân tích hình thức tác phẩm kiểu cổ điển.

Ta có thể chia làm bốn phần. Về điệu thức, tác giả sử dụng ngũ cung với kỹ thuật chuyển điệu giữa ba thang âm - thang âm chính: pha xon la đô rê pha, phần một: pha xon xib đô rê pha, và phần ba: pha xon xib đô mib pha. Phương thức chuyển điệu này kết hợp những gì tinh túy của kỹ thuật dân gian và kinh điển, tạo nên sức mạnh và bề dầy trong cấu trúc giai điệu của tác phẩm.

Phần một tương đương với phần mở cảnh với hai vế câu hỏi - trả lời, mỗi vế trên một khuôn 4 nhịp. Đơn giản và gần gũi tới mức ta có thể hát cho bất cứ vùng quê nào. Trừ sự xuất hiện ở đây một yếu tố kịch tính gieo sự chuẩn bị tò mò cho người nghe bởi hai chữ “nên chừ”.

Điệu thức của phần này xuất hiện của nốt xib (xi giáng) cho từ sao nên có chuyển điệu giữa hai thang âm sau:

Phần hai, “vào cảnh”, của “nhân vật chính”, Quảng Bình, mà ta có thể gọi là “thân bài”, hay “phát triển”. Đây là chữ ký và dấu ấn của tác phẩm với kỹ thuật hát xô của một khổ hò trong vòng 12 nhịp (5 lần khoan khoan hò khoan). Điệu thức phần này là điệu cơ bản của cả bài.

 

Phần hai này được kết thúc bằng một câu dài 8 nhịp và ở đó cảnh quan Quảng Bình được hé lộ dần với tiếng hò khoan Lệ Thủy và dòng sông Kiến giang.

Phần ba lên cao trào với đỉnh cao là con người Quảng Bình “Ơi chị dân quân canh gác ven biển, ơi anh chiến sĩ canh gác bầu trời”.

Về thang âm điệu thức, tác giả cho sự xuất hiện rất đắt của nốt mib (mi giáng). Thật ra hai câu hò đầu chỉ được hát trên một cấu trúc ba âm pha-mib-đô, tạo nên một âm hưởng thật đặc biệt. Ở đây các từ không còn được hát trên hai nốt nữa. Đến câu “mỗi một ngày qua”, ông sử dụng âm la để quay trở về điệu chủ đạo kết câu “quê ta trưởng thành”.

Về ranh giới giữa phần ba và phần bốn, vấn đề trở nên phức tạp hơn: hai câu “Mỗi một ngày qua quê ta trưởng thành, hạt giống cách mạng đã nảy mầm, nảy mầm xanh tươi” (lời 1) có thể coi là câu kết của phần ba. Nhưng vai trò của câu “Quảng Bình quê ta ơi” (cả ba lời) cũng có thể vừa đóng vai trò kết của phần ba, nhưng nó lại cũng có thể là nhân tố báo hiệu của phần bốn (là phần kết), bởi vì dòng giai điệu cũng như cách sử dụng điệu thức không cho ta thấy ranh giới thật sự của hai phần.

Tính kết nối tuôn chảy của dòng giai điệu, của dòng cảm xúc của tác giả được cảm nhận rất rõ nhờ câu hát báo hiệu này. Tôi không thể không liên tưởng tới kỹ thuật được sử dụng nhiều trong nhạc truyền thống, chẳng hạn trong điệu hát dọc trong  Hát văn trong đó nhân tố báo hiệu là bốn từ cuối của câu sáu (thể lục bát) được hát trước rồi hát lại cả câu thơ sáu để vào điệu. Chúng ta sẽ quay lại ý tưởng này ở phần phân tích kế tiếp.

Phần bốn thực sự được bắt đầu bằng câu “Giữ lấy đất trời của quê hương ta”. Thang âm đã trở lại điệu chính của cả bài, với một nhịp điệu thôi thúc hơn chứ không dàn trải. Nhưng nội dung lời hát thì vẫn là tiếp tục ý của hai câu hò của phần ba. Sự làm nhòe ranh giới chính là một trong những thủ pháp tạo nên sức quyến rũ liên hoàn của tác phẩm. Nếu không đọc kỹ bản thảo để phân tích thì sẽ rất khó nhìn ra những ranh giới bị làm nhòe này.

Âm hưởng dân ca - Nếu như không phải là hò khoan Lệ Thủy?

Trong phần này, chúng ta hãy cùng thử tìm ra những nguồn gốc xác thực của các làn điệu dân ca trong bài Quảng Bình quê ta ơi. Nhiều ý kiến cho rằng Hoàng Vân lấy nhiều cảm hứng trên các điệu Hò khoan Lệ Thủy để sáng tác Quảng Bình quê ta ơi, hay quan niệm chung cho rằng bài này đậm âm hưởng dân ca Quảng Bình. Tôi chưa đi vào nghiên cứu và phân tích Hò Lệ Thủy, nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, trong tác phẩm này, điểm đầu tiên về âm hưởng dân ca được biểu hiện ở chỗ ông sử dụng ngũ cung với sự chuyển điệu. Đó là cũng là phần duy nhất mà ta có thể phân tích rõ ràng như đã phân tích ở trên.

Vì sao Hò khoan Lệ Thủy? Thật dễ dàng khi nói rằng khổ hò xô ở phần hai của bài là lấy âm hưởng trực tiếp từ các điệu Hò khoan Lệ Thủy. Về nguồn cảm hứng thì ta có thể chắc chắn là những bài Hò đã làm ông rung động, nhưng về thang âm và kỹ thuật thì tôi có thể khẳng định là không. Bạn đã bao giờ thử nghe một điệu Lệ Thủy chưa? Khổ xô của Lệ Thủy (“là hò hò khoan”) là khổ xô bắt nhịp và ít tính giai điệu, hay nói cách khác, lúc nào nó cũng chỉ trên một giai điệu, do vậy vai trò của nó là để bắt nhịp, tức là vai trò tiết tấu. Còn khổ xô trong Quảng Bình quê ta ơi, “khoan khoan hò khoan” cũng hoàn thành vai trò tiết tấu, nhưng lại được hát trên nhiều độ cao khác nhau. Kỹ thuật này ta tìm thấy trong một điệu hát Chầu văn rất quen biết là đoạn chèo thuyền trong giá cô Bơ Thoải.

Lúc tôi học nhạc bố tôi có bảo tôi: “Hát văn đẹp lắm, có những bài giai điệu thật uyển chuyển mượt mà chứ không phải là nhịp điệu, thế mà nó đưa được ông bà đồng vào trạng thái nhập được thần linhCon đi nghiên cứu Hát văn đi”. Lúc nghe giai điệu bài Quảng Bình quê ta ơi, tôi không thể không nghĩ tới bài Cờn Xuân trong giá cô Chín, mặc dù có thể khó chứng minh một cách khoa học là có nhân tố liên quan. Nhưng các bạn thử suy ngẫm về cấu trúc phát triển giai điệu mà xem: cũng những ca từ được hát trên hai – ba nốt luyến, cũng dòng chảy luyến láy như vậy trên một âm vực thật rộng… Bản Cờn Xuân không được gọi là một làn điệu (trên đó có thể hát được nhiều lời), mà nó chỉ được hát trên giá cô Chín mà thôi.

Ngoài ra, ta chú ý thêm một điểm ở đây là phần đệm trong bản thu đầu tiên năm 1966 với ca sĩ Kim Oanh cũng gợi nhiều tới phong cách đệm đàn nguyệt của  Hát văn cổ, kết hợp với việc sử dụng bộ phách của Hò khoan Lệ Thủy (phách cũng là một nhạc cụ trong Hát văn).

Và tôi xin trao bạn đọc mảnh ghép cuối cùng của phần phân tích này: năm 1963, vài tháng trước khi tôi ra đời, mẹ tôi có đón một bà cụ tới phụ giúp trông tôi trong lúc bố đi thực tế và mẹ đi trực quanh năm. Bà cụ này là người có đồng, vẫn đi hầu mặc dù hầu bóng bị cấm trong thời gian chiến tranh khó khăn đó. Tôi chắc chắn rằng đây là dịp ông được tiếp xúc sâu sát với nhạc Chầu văn.

Những nhân tố đẹp và đặc biệt ở Quảng Bình như là các địa danh thân yêu nhất ở đây được hát lên, những cụm từ "bao mến thương", "dạt dào tình quê",  cách xử lý ca từ gợi nên âm điệu tiếng Quảng... chính là những chi tiết đã tạo nên hồn xứ Quảng của bài hát. Giọng hò Lệ Thủy là một trong những yếu tố gây cảm hứng cho nhạc sĩ, tên điệu hò ấy được xướng tên trong bài để trở thành bất hủ, nhưng Hoàng Vân không đi theo con đường dễ dàng, lấy âm hưởng của Hò Lệ Thủy để sáng tác Quảng Bình quê ta ơi.

Thay lời kết

Hoàng Vân không bao giờ tái hiện và copy dân ca một cách thô thiển, ông sử dụng dân ca tựa như con tằm ăn dâu rồi nhả ra tơ. Muốn hiểu nhạc của ông cần cẩn trọng tách lớp, phân tích từng câu từng chữ mới cũng chỉ hiểu được một phần. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng việc khẳng định Hoàng Vân lấy làn điệu nào từ nguồn dân ca trong sáng tác của ông hoàn toàn không phải là việc dễ, dù trong Quảng Bình quê ta ơi hay trong rất nhiều tác phẩm mang âm hưởng dân ca của ông.

Đây là một tác phẩm thật khó phân tích bởi vì nó tích tụ nhiều ẩn dấu trong ngôn ngữ nghệ thuật: tính kịch, cách sử dụng ngôn ngữ âm nhạc dân gian một cách vô cùng tinh tế, kỹ thuật xây dựng giai điệu có tính hàn lâm, tài năng “đùa nghịch” với dấu giọng và ca từ… Việc tinh kết tài năng sáng tạo trên nền xúc cảm sâu sắc chính là những nhân tố đã làm nên phong cách nhạc Hoàng Vân. Ở đây, phong cảnh kỳ vĩ của tỉnh đã cho nhạc sĩ có những rung động đến tận đáy lòng, nhất là khi không lâu sau khi ông vào thực tế, tất cả bị càn nát thành tro bụi trong những ngày đầu của leo thang chiến tranh với đế quốc Mỹ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964. Người nhạc sĩ trẻ đã chộp được phút xuất thần chấp bút cho tác phẩm này với tất cả tài năng sáng tác của mình.

Bao trùm trên nền kỹ thuật và học thuật mà người ngoại đạo không cần biết đến, những cảm xúc không thể so sánh của nhạc sĩ về Quảng Bình đã tạo nên hồn của tác phẩm này, ông đã qua nó truyền đạt được tình yêu Quảng Bình của mình vào khán thính giả, dù họ có là người Quảng Bình hay không. Đây cũng chỉ là một bài viết thử giải mã một tác phẩm đi qua thử thách của thời gian. Tôi viết bài này sẽ có hai yếu tố chủ quan: nhạc sĩ Hoàng Vân là cha tôi và tôi là người nghiên cứu về Hát văn. Vậy mong bạn đọc lọc những yếu tố có thể có và có thể bị ảnh hưởng bởi hai điểm này để cảm nhận những phần phân tích khách quan nhất của bài viết.

Hy vọng một vài yếu tố giải mã trên sẽ giúp thêm bạn gần xa hiểu thêm tại sao Quảng Bình quê ta ơi lại có sức sống mãnh liệt như vậy, và sẽ yêu Quảng Bình quê ta ơi hơn bao giờ hết.

Paris, tháng 7 năm 2019

Về tác giả:

Lê Y Linh là nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học, chuyên gia về tín ngưỡng Tứ phủ và nhạc chầu văn. Luận văn tiến sĩ của chị bảo vệ tại trường Sorbonne, Paris, Pháp năm 2012 có tiêu đề Cung văn và điện thần (Le maîtrê et les génies) đã được Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Hội văn nghệ dân gian dịch, cải biên và xuất bản năm 2015.

Từ ngày nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời năm 2018, chị cùng em trai là nhạc trưởng Lê Phi Phi sưu tầm và bảo tồn khối tác phẩm đồ sộ của cha mình và lập một bảo tàng số trên trang web mang tên ông www.hoangvan.org

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.