You are here

Tiếng cười trong Opera

Tác giả: 
Nguyễn Bích Thủy - Biên tập: Nguyễn Tiến Mạnh

Thể loại âm nhạc Opera ra đời vào TK XVI tại vùng Florence nước Ý. Đây là một loại hình nghệ thuật tổng hợp bao gồm: kịch bản văn học, âm nhạc, thơ, ca, và hành động kịch được thể hiện bằng nghệ thuật sân khấu có hóa trang, múa, hát, hội hoạ, kiến trúc... tất cả được kết hợp với nhau dưới vai trò dẫn dắt chủ đạo của âm nhạc, gồm có mảng thanh nhạc và khí nhạc, đặc biệt là vai trò của dàn nhạc giao hưởng.

Nghệ sĩ Opera Nguyễn Bích Thủy

Đến cuối TK XVIII, xuất hiện thể loại Opera hài kịch hay còn gọi là Opera Buffa - thể loại này trong âm nhạc cổ điển Đức - Áo gọi là Opera Singspiel, trong đó tác phẩm “Cây sáo thần” của W. Mozart là một ví dụ. Opera Buffa phát triển song song với thể loại Opera nghiêm trang còn gọi là Opera Seria. Thể loại Opera Buffa chuyên đề cập tới những vấn đề hài hước, châm biếm trong xã hội thời bấy giờ, tạo nên những tiếng cười mỉa mai đầy trào phúng.

Đến những năm giữa TK XIX, trên thế giới đã bắt đầu hình thành một thể loại âm nhạc mới, là sự kế thừa của Opera cổ điển châu Âu - Operetta, xuất hiện năm 1850 lần đầu tại Pháp, nhạc sĩ đại diện là Jaccques Offenbach, năm 1874 nhạc sĩ Johann Straus đã mang operetta đến với người dân thành Vienna. 

Đến đầu thế kỷ XX, xuất hiện một thể loại mới là sự kết hợp giữa nhạc và kịch, một dạng “biến thể” của operetta nhẹ nhàng với sự kết hợp của sân khấu và âm nhạc phổ thông đại chúng, có nội dung kịch, có nhảy múa và phong cách diễn xuất tương tác với khán giả - Mà giờ chúng ta gọi là Nhạc kịch Broadway hay Musical theatre, xuất hiện tại Anh và Hoa Kỳ sau đó được lan tỏa khắp thế giới. Thế kỷ XX có thể coi là thời kỳ vàng của âm nhạc sân khấu đương đại - Musical theatre và nó vẫn được phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.

Xuất phát từ bối cảnh lịch sử, xã hội, opera hài kịch ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thoát khỏi sự gò bó của opera nghiêm trang lúc bấy giờ, hơn thế, nó chứa đựng những ước mơ, hoài bão mang tính dân chủ sâu sắc. Trong đời sống xã hội, tiếng cười thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm tin vào cuộc sống của các tầng lớp nhân dân lao động dù là nền văn hóa nào. Tiếng cười cho dù được đặt ở hình thức nào, trào phúng hay bi cảm thì nó cũng đều hàm chứa những ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Trong opera hài kịch, bằng các thủ pháp sáng tác thiên tài, các nhạc sĩ đã tạo ra những bức tranh trào phúng chân thực mang đậm tính hài hước. Âm nhạc dí dỏm, ngôn ngữ và hành động kịch được biểu hiện qua những tình huống, chân dung các nhân vật biếm họa, bằng nghệ thuật phóng đại, ngôn ngữ, giọng điệu đầy ẩn ý, mang tính mỉa mai. Vì thế trong opera hài kịch luôn đầy ắp những tiếng cười và có rất nhiều tình tiết gây hài để tạo nên tiếng cười.

Nhưng, chính trong opera nghiêm trang cũng chứa rất nhiều tiếng cười. Nếu như tiếng cười trong opera hài hước là những sự châm biếm, mỉa mai hay đả kích một thói hư, tật xấu của một cá nhân, một trào lưu hay phản ánh xã hội thì trong opera nghiêm trang, tiếng cười thường là thể hiện tính cách đặc trưng của nhân vật, làm nổi bật rõ nét hình ảnh, tâm trạng, xu hướng cá tính của nhân vật. Ví dụ như những vai phản diện, phù thủy, những anh hề chế giễu vua chúa quan lại, hay một sự ác độc nào đó, nhưng, tiếng cười trong opera nghiêm trang cũng chứa đựng cả sự đau khổ và mỉa mai, sự cay đắng chua chát của thân phận, của cuộc đời con người.

Nghệ sĩ Opera Nguyễn Bích Thủy

Tiếng cười trong cả opera nghiêm trang và opera hài kịch thường khắc họa rõ nét tính cách độc đáo của nhân vật. Tiếng cười có thể được chính các nhạc sĩ viết ra bằng nốt nhạc hay có thể do chính sự biểu cảm, sự diễn đạt cảm xúc của người nghệ sĩ trên sân khấu khi thăng hoa, hay là ý đồ dàn dựng của đạo diễn trên sân khấu, tùy theo vở diễn.

Tiếng cười đặc biệt rất quan trọng trong opera và đặc biệt tiếng cười thường được viết trong các operetta. Trong opera nghiêm trang, tiếng cười được viết để tăng tính kịch cho vở kịch và cho âm nhạc. Nó làm nổi bật rõ nét hơn tâm lý của nhân vật, cho khán giả nhìn thấy hoặc hình dung ra được hình ảnh đặc trưng của nhân vật. Trong operetta, tiếng cười gắn liền với sự hóm hỉnh, duyên dáng bên cạnh sự chế giễu và châm biếm hoặc đả kích một thói hư tật xấu nào đó, hay nhiều khi tiếng cười trong operetta chỉ thuần túy là làm quá lên để gây cười.

Có rất nhiều điều để cười trong opera, đó có thể là những tính huống hài hước trong các vở hài kịch, trong operetta, hoặc là những tính huống trong chính opera nghiêm trang mà các nhân vật bắt buộc phải cười để khắc họa hình ảnh nhân vật mà ở thời điểm đó phải thể hiện, hoặc biểu hiện một điều gì đó mà tác giả muốn nói. Những tình huống cười có thể là do một nhân vật nam hoặc nữ thể hiện thông qua các aria hoặc các đoạn hát ngắn (cho các giọng solo), hoặc cho một nhóm đồng thanh hay cho cả dàn hợp xướng phụ họa mang tính chất hùa theo.

Ngày nay, sân khấu opera được dàn dựng nhiều theo trào lưu và các xu hướng mới của xã hội thời đại, chú trọng và làm quá đi những tình tiết gây cười, nó luôn được đặt song hành với những aria hàn lâm, những giai điệu kinh điển rực rỡ mang tính bác học của thể loại opera cổ điển để khán giả vẫn thấy được sự cao sang nhưng vẫn cảm nhận được sự gần gũi, phổ thông. Đây cũng là một hình thức phổ cập opera cổ điển đại trà bên cạnh các chương trình âm nhạc chính thống ngoài trời - kiểu Classic open air.

Có một vài phong cách cười ở trong cả 2 thể loại opera và operetta.

1. Tiếng cười hóm hỉnh, hay sự đả kích, châm biếm mỉa mai.

Hẳn những người yêu nhạc cổ điển đều biết đến vở operetta “Die Fledermaus - Con Dơi” của J. Strauss.

Đây là một vở operetta rất nổi tiếng và thường được người Áo biểu diễn đặc biệt trong ngày đầu năm mới. Bởi sự hài hước, hóm hỉnh vui nhộn của các nhân vật và âm nhạc mang phong cách đặc trưng của Strauss, những nét giai điệu Walzer trứ danh của Áo, ý nghĩa của sự kết hợp đa văn hóa …

Mỗi nhân vật sẽ mang đến những tiếng cười riêng, khác nhau trong vở operetta này, nhưng ở đây nổi bật là nhân vật Adele và tiếng cười của cô. Arietta này được viết cho giọng soprano, được gọi là “Laughing song – bài hát cười” và tiếng cười được nhạc sĩ viết bằng nốt nhạc. Điều đó có nghĩa là nhân vật sẽ bắt buộc phải cười ở những đoạn tác giả muốn nhân vật cười, bên cạnh sự sáng tạo cá nhân. Là một trong những bản solo tuyệt hay dành cho giọng soprano, được sử dụng các kỹ thuật thanh nhạc đặc trưng cho giọng nữ cao như passage, staccato… vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì đã có sẵn nốt nhạc để thể hiện tiếng cười theo đúng cữ giọng đó, nhưng khó là người ca sĩ sẽ bị gò bó sự thể hiện tiếng cười theo từng cảm nhận riêng. Cô người hầu nhập cư chắc chắn khi cười sẽ khác với những bà quý tộc buôn chuyện hay cười.

Nhà soạn nhạc J. Strauss đã để cho khán giả thấy những gợi ý khi phụ nữ cười khoái trí pha chút châm chọc trong âm nhạc của ông thông qua giọng Adele nó như thế nào.

Sau đây chúng ta cùng nghe “Aria Mein herr Marquis” trích trong vở Opera “Die Fledermaus”, có nghĩa là “Con dơi” của NS Johann Strauss II, do nghệ sĩ giọng Soprano: Patricia JANEČKOVÁ trình bày cùng dàn nhạc GH Janáček, chỉ huy Heiko Mathias Förster.

Hoặc như bản Annen Polka của J. Strauss- Schwipss Lied trong vở Eine Nacht in Venedig. Là một bài hát của một cô gái say rượu, uống quá chén, quên quên, nhớ nhớ, với những bước chân loạng choạng. Khi nghe bài hát, chúng ta sẽ hình dung được một cô gái khi uống quá chén sẽ bốc đồng và mất kiểm soát như thế nào, cười nói ra sao. Ở đây tác giả có ghi một vài nốt nhạc để ca sĩ cười nối giữa các đoạn, nhưng, tùy vào khả năng biểu diễn của người nghệ sĩ, tác phẩm thường bị diễn quá lên.

Chúng ta sẽ nghe khả năng hát và cười của ca sĩ Monique Brynnel :

2. Tiếng cười hóm hỉnh của Manon trong vở opera “Manon Lescaut” của Daniel Auber.

Trong opera cổ điển, chúng ta có 3 vở opera được sáng tác dựa trên cùng một cảm hứng từ tiểu thuyết Manon Lescaut của nhà văn Abbe Prevos (1731). Trong đó có Manon Lescaut của G. Puccini, Manon của Massenet và Manon Lescaut của Daniel Auber. Tuy nhiên vở opera hài Pháp của Auber là ít được dàn dựng hơn cả.

Các vai Manon trong cả 3 vở Manon Lescaut luôn là vai nữ chính và khó. Manon của Auber thì còn phải diễn hài bên cạnh những kỹ thuật thanh nhạc phải thể hiện. Manon luôn có những đòi hỏi khắt khe, các đoạn chạy, các kỹ thuật hoa mỹ vượt trội. Nhưng đây cũng luôn là cơ hội tuyệt vời để các giọng soprano có cơ hội để thể hiện các kỹ thuật cá nhân, phong cách đặc trưng và khả năng biểu diễn của mình.

Bản aria “C`est l``histoire amoureuse`` hay còn gọi là “L``eclat de rire” và nó cũng được gọi là bản “Laughing song – bài hát cười”. Trên thực tế nó không phải là một aria lớn, đứng độc lập, nhưng bởi sự độc đáo và hấp dẫn của bản aria này mà có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới cũng như các học sinh thanh nhạc lựa chọn làm tiết mục biểu diễn hoặc thu âm của mình.

Chúng ta hình dung aria này diễn ra trong bối cảnh ở Paris, thế kỷ 18, tại nhà hàng Bacelin và trong phòng khiêu vũ ở Boulevard du Temple. Cô gái Manon trẻ tuổi cùng người yêu chạy trốn khỏi nhà hàng Bacelin vì không thể thanh toán hóa đơn ăn uống, vì Manon đã đưa ví tiền cho người anh Lescaut. Người anh sau đó thú nhận đã nướng hết tiền vào việc đánh bạc, và còn vay mượn thêm tiền của những bạn bè và những người hàng xóm rồi sau đó rời khỏi nơi ở của Manon.

Manon khi ấy, mượn một chiếc đàn ghita và hát một bài hát hài hước về một tình yêu không được đền đáp. Cô kể một câu chuyện thú vị và hài hước đến mức chính cô cũng quá buồn cười và cười nấc lên sau mỗi câu nói.

Trong bài hát, Manon kể về một ông ủy viên hội đồng đạo mạo, giả dối, yêu đơn phương một cô gái xinh đẹp và cái cách mà ông ấy thể hiện. Nhưng cô ấy không đáp lại, những lúc trên hội đồng xét xử thì ông ta ngạo nghễ, tỏ ra rất galăng ngoài đời, còn khi bóng tối đổ về thì ông ta lột bỏ vẻ bề ngoài của mình. Manon sẽ không nói cho mọi người biết ông ấy tên là gì. Cây chuyện chỉ có vậy, nhưng, nhờ khả năng sáng tác âm nhạc thiên tài khi giai điệu được hát lên thì nó trở nên rất tuyệt vời.

Chúng ta cùng nghe tiếng cười hóm hỉnh của Manon qua Aira “Laughing song – bài hát cười” trong vở opera “Manon Lescaut” của Daniel Auber do nghệ sĩ Gohar Gasparyan thể hiện.

3. Tiếng cười đại diện cho sự nham hiểm và xấu xa.

Nhắc đến tiếng cười đại diện cho sự nham hiểm và xấu xa có thể nhắc tới nhân vật phản diện là Lago trong opera Otello của Giuseppe Verdi. Aria lớn "Credo in un Dio crudel", aria tuyên bố quan điểm đen tối của Lago, nó thường được chèn một tiếng cười độc ác vào đoạn kết. Tiếng cười này không được ghi trong bản nhạc của Verdi, vì thế có người cười có người không, nhưng khi kèm thêm tiếng cười vào đoạn độc thoại này luôn gây ấn tượng rất mạnh mẽ đối với khán giả. Tuy nhiên, để cười ra được tâm thái ác độc là rất rất khó. Khóc luôn dễ dàng hơn cười.

Một dẫn chứng khác, có thể nhắc tới bản aria được viết theo phong cách serenade cho giọng Bass Bariton của con quỉ Mephistophele trong opera Faust của Charles Gounod. Con quỉ đã hát bản Serenade này bên ngoài cửa sổ chế giễu Margueriete khi cô từ chối yêu và sau đó cô đã sinh con cho Faust.

Tiếng cười ở đây rõ ràng là tiếng cười của ma quỉ, nó được viết thành nốt nhạc trong bản nhạc và người nghệ sĩ bắt buộc phải thể hiện khả năng cười, khả năng biểu cảm thông qua giọng hát và tiếng cười ma quái. Đoạn đầu được cười bằng 2 quãng 8, đoạn 2 được cười cao hơn, nhấn mạnh hơn, khoái trá hơn bằng 3 quãng 8. Cả 2 lần cười đều có phần đệm đi kèm.

Sau đây là tiếng cười của con quỉ Mephistophele trong opera “Faust” của Charles Gounod, do nghệ sĩ Jules Barbier thể hiện.

4. Tiếng cười độc ác của nhân vật chú hề trong opera “Pagliacci” của Leoncavallo.

Đây là tiếng cười chua chát được viết về sự ghen tuông, ngoại tình và giết người. Một tiếng cười giết người rất ngắn gọn của tên hề với người vợ trẻ không chung thủy. Sau khi sát hại vợ và người tình của cô, tên hề còn lạnh lùng nói "La commedia è finita " / vở hài kịch đã kết thúc!

Chúng ta cùng nghe giọng hát của nghệ sĩ Luciano Pavarotti trong opera “Pagliacci” của Leoncavallo.

Điều đặc sắc trong opera là nó biết kết hợp và làm nổi bật những sắc thái của tiếng cười với âm nhạc, có thể kết nối những khoảng trống hoặc tạo những khoảng lặng bằng tiếng cười, có thể phân chia, ngắt, nghỉ, nhấn nhá... như một giọng điệu tự nhiên, rất đời thực thông qua âm nhạc.

Để lấy ví dụ tiếng cười trong âm nhạc của Verdi hay của Mozart, của Rosini có rất nhiều, rất tinh tế và nó được sáng tạo bằng các thủ pháp thiên tài, nhiều khi những tiếng cười này được ẩn trong ngôn ngữ, tâm trạng. Ví dụ như nhân vật Ricardo cười trong cay đắng, đau khổ khi biết mình sắp chết bằng những nốt nhạc staccato như nấc lên từng đợt....

Tiếng cười được đặt trong sự hỗn loạn hài hước hay sự vui nhộn của các anh hề, người thợ cạo, người làm tóc, người hầu thành bà chủ hoặc các tầng lớp quý tộc rởm, mê hoặc địa vị...v.v..

Tiếng cười luôn mang đến sự giải trí, hấp dẫn và qua đó muốn nhấn mạnh, làm nổi bật một điều gì đó. Từ cổ điển, đến lãng mạn Mozart, Rossini....v.v. hay đến âm nhạc đương đại tác giả Bernstein....v...v...và nhiều tác giả nữa trong các sáng tác đều có lồng ghép những tiếng cười ẩn ý.

Các tiếng cười có thể thâm thúy, sâu cay, mỉa mai, cay đắng hay độc ác hay chỉ đơn thuần là tiếng cười giải trí sẽ được thể hiện một cách tinh tế thông qua âm nhạc. Nó còn được biểu hiện bằng trang phục, trang điểm, bằng sự dí dỏm của người biểu diễn hay sự duyên dáng của nhà chỉ huy, dàn nhạc...v.v. Tất cả tổng hợp lại để tạo nên một tác phẩm opera kinh điển và bác học.

Ngày nay, opera càng được yêu thích hơn và nó cũng luôn tìm cách tạo sự tiếp cận âm nhạc hơn nữa tới khán giả. Vì thế yếu tố duyên dáng hài hước trong opera hài kịch, trong operetta và sự tăng, giảm tính kịch trong opera nghiêm trang càng được chú ý. Điều này đã tạo cơ hội và hấp dẫn thêm những khán giả trước đây luôn nghĩ rằng opera không phải là dòng nhạc dành cho họ.

Qua bài viết “Tiếng cười trong Opera”, chúng ta đã thấy tiếng cười hầu như đã được nhạc sĩ sáng tác viết thành nốt nhạc và khi nghệ sĩ biểu diễn sẽ cười đúng như trong bản nhạc. Mặt khác, để làm cho tác phẩm thêm phong phú, người nghệ sĩ có thể sáng tạo thêm khi biểu diễn tác phẩm đó. Đã có nhiều tác phẩm âm nhạc gây được tiếng cười ngay từ trong ý nghĩa sâu xa và thâm thuý của ca từ, làm cho người nghe phải bật cười. Tiếng cười trong âm nhạc còn được mở rộng và đôi khi chỉ là những điểm xuyết bằng biểu hiện thoảng qua trong sắc thái của giọng hát, giai điệu, tiết tấu âm nhạc, sự mô phỏng bằng các nhạc cụ, nhưng lại gây ấn tượng bất ngờ và khó quên, hay tiếng cười còn được nghệ thuật hoá mà đôi khi người nghe phải để ý lắm mới nhận ra.

Trong thực tế tiếng cười trong âm nhạc luôn mang tính tích cực có thể là tính chất châm biếm để đả kích điều gì đó hài hước, hay thói hư tật xấu của con người, hoặc chỉ đơn thuần là để gây cười, mang lại sự thư giãn cho người thưởng thức. Đây là chủ đề được nhiều nhạc sĩ trên thế giới khai thác tuỳ theo những nội dung trong từng tác phẩm.

17/05/2002

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.