You are here

Tiếng đàn cứu rỗi

Tác giả: 
 Kiều Thẩm
AttachmentSize
Image icon vuong.jpg64.72 KB

Những người yêu thích cây đàn ghi-ta không ai không biết Nghệ sĩ Ưu tú Văn Vượng, trước hết bởi tiếng đàn của ông rất truyền cảm, có sức lay động lòng người. Thêm nữa ông bị khiếm thị từ năm lên 4, tuổi sau khi bị bệnh đậu mùa rất nặng.

Để tiếng đàn có hồn, luôn thuyết phục được những người nghe khó tính nhất thì ông đã “bật mí” rằng đó là nhờ những bóng hồng đã đi qua cuộc đời mình. Những kỷ niệm này hoặc là đơn phương về phía ông hoặc các người đẹp cũng đáp lại nhưng không cân xứng với tình yêu bùng cháy từ phía ông. Nói như cố thi sĩ Xuân Diệu, ông toàn là “cho rất nhiều mà chẳng được bao nhiêu”. Những cuộc tình không đến đích này đều để lại cho ông những ca khúc đượm buồn và những tiếng đàn giàu sức biểu cảm, mỗi khi vang lên cứ xoáy mãi vào lòng người nghe. Dẫu sáng tác ca khúc không phải là thế mạnh và hoạt động này của ông không để lại nhiều dấu ấn nhưng là một sự đam mê để ông vượt qua những chuỗi ngày cam go nhất của cuộc đời.

 

Mối tình đầu tiên của Văn Vượng là với một cô bạn hàng xóm cùng tuổi có tên Võ Thanh khi chàng nghệ sĩ khiếm thị còn ở Hải Dương. Hai người quen biết nhau từ nhỏ. Văn Vượng thường xuyên đệm đàn cho Thanh hát. Khi biết hai người nảy nở tình yêu, gia đình cô gái ra sức ngăn cấm. Và Thanh đã không cưỡng lại được sự quyết liệt của cha mẹ, đành lên xe hoa về nhà người khác. Sự việc này đã khía vào trái tim nghệ sĩ mù một vết đau nhức mà mãi về sau vẫn không thể lành. Chàng cứ lang thang bên bờ sông, thả hồn vào cõi vô định trống vắng. Và sau đó, vào ngày 4/5/1966, chàng viết nên ca khúc đầu tay trong đời Hoàng hôn trên sông. Nhưng cô Võ Thanh đoản mệnh. Sau khi về nhà chồng một thời gian ngắn, cô mắc bệnh nặng rồi qua đời lúc mới 26 tuổi.

Mối tình thứ hai đến với Văn Vượng khá muộn, vào lúc ông đã gần 30 tuổi. Năm 26 tuổi, từ Hải Dương, ông lên Hà Nội ở cùng người chị ruột. Công việc hàng ngày của ông là đánh đàn và dạy đàn. Có một nữ học trò đến học. Cô này có người chị gái vẫn đi cùng đến nghe chơi đàn. Không nhìn thấy nên không biết cô chị nhan sắc thế nào, nhưng nghe giọng nói của cô dịu ngọt, rất hay nên Văn Vượng mê liền. Lúc đầu, cô lạnh lùng, hờ hững, nhưng càng thế, lửa tỉnh của chàng nghệ sĩ mù càng bốc cao ngùn ngụt. Ông lao vào mối tình đơn phương như con thiêu thân bằng cách liên tục gửi thư cho cô. Lá thư nào cũng lâm ly, cháy bỏng. Ông cứ dồn dập bày tỏ lòng mình, rồi kêu gọi sự thức tỉnh của trái tim cô gái. Cuối cùng đã đạt kết quả: Cô đến học đàn và chấp nhận tình yêu của người thày khiếm thị. Mối tình kéo dài được 9 năm. Giống như cô Võ Thanh ở Hải Dương, cô này cũng đã “bỏ của chạy lấy người” để lên xe hoa về nhà người khác. Sau một lần tình yêu thăng hoa nhất, vào hồi 21g30 ngày 19/9/1971, trong làn gió thu đêm dịu nhẹ, sau khi tiễn người tình thứ hai ra về, Văn Vượng trở vào nhà sáng tác bài Đêm vắng, để đánh dấu mối tình này.

Đó chỉ là hai trong nhiều mối tình của Văn Vượng. Còn rất nhiều “mảnh tình” khác không đếm xuể. Bởi chỉ nảy ra từ phía ông mà không hoặc ít được đối tượng đền đáp tương xứng. Rồi qua một thời gian ngắn cũng lụi tắt. Ông như có trái tim “quá khổ”, nặng hơn người bình thường, như là có khả năng chứa đựng rất nhiều người đẹp. Càng khao khát, càng không được đền đáp, ông lại càng gia tăng cảm giác này. Trái tim ông rung động các bóng hồng đến học đàn ghi-ta nơi ông cứ như biển nhận muối, cát nhận nước. Bao nhiêu cũng không xuể, nhưng như thế thì ông lại cho ra được nhiều tình ca, mặc dù phần lớn các ca khúc này mới chỉ như “nhật ký yêu” bằng âm nhạc. Bà Bùi Thị Minh Nguyệt - đương kim phu nhân của Văn Vượng - rất vui khi kể về chồng: “ Bài hát về tình yêu cuối cùng trong đời liên quan đến một người cụ thể của anh Vượng là bài Bầu trời trong tim anh viết về tôi. Nhưng rất khách quan mà nói, tôi thấy không bằng những bài anh ấy viết trước đó, liên quan đến những cô khác”... Người phụ nữ mặn mà, đôn hậu này là mối tình cuối cùng của Văn Vượng kết thúc có hậu, chốt lại cánh cửa trái tim quá rộng lớn của ông. Năm 1982, sau nhiều mối tình dang dở đẩy người người nghệ sĩ vào trạng thái cô đơn cực độ, có một cô sinh viên trường Y đến xin học đàn Văn Vượng. Tất nhiên là được ông vui vẻ chấp nhận ngay, vì luôn ưu tiên nhận nữ trước, dủ có chật kín thời gian nhưng vẫn cố thu xếp để tiếp nhận học sinh nữ. Nghe một giọng nữ dễ thương, xử sự lịch sự, tỏ rõ con nhà gia giáo, trái tim Văn Vượng lại một lần nữa run rẩy, bồi hồi, mặc dù ông đã trải qua nhiều cuộc tình không thành, do các cô đều không vượt qua được rào cản của cha mẹ. Ông thấy mình như “con chim giật mình trước cành cây cong” nên chỉ cất giấu tình cảm trong lòng mà không dám biểu hiện ra bên ngoài như những lần trước. Nhưng cô sinh viên Y khoa rất thông minh, nhạy cảm đã nghe được nhịp đập trái tim thày mình. Sau một thời gian học, bỗng một hôm, cô nói với Văn Vượng: “Em đến để nghe tiếng đàn của thày thôi, chứ từ nay trở đi không học nữa”. Thày Vượng rất buồn, hỏi vì sao thì cô trả lời: “Vì đã có thày đánh rồi, cần gì phải có em nữa. Trong nhà chỉ một người đánh thôi chứ”. Thì ra đó là câu cô học trò kín đáo phát ra tín hiệu là đã nhận lời yêu. Và cô đã vượt lên sự chống phá dữ dội của gia đình, chấp nhận lời cầu hôn của Văn Vượng. Gia đình cô gái chống đối đến mức nói rằng nếu cô cứ quyết lấy ông thày mù thì sẽ cho người đến “phá” đám cưới. Vậy nên Văn Vượng đã phải nhờ hai học trò là công an hình sự đến phù rể cho mình để đề phòng mọi tình huống xấu nhất. Về sau, ông được gia đình bên vợ rất quý, rất thương.

Cô sinh viên trường Y đó chính là người vợ hiện nay của Văn Vượng mà tôi đã nhắc tới ở trên. Bà thể hiện một người vợ thảo hiền, luôn tận tụy chăm sóc chồng bởi mấy năm nay, Văn Vượng bị tai biến, hai tay liệt, giọng nói bị ngọng, không còn đánh được đàn và mọi việc cần phải có người trợ giúp. Vợ ông có mọi phẩm chất cao quý của những người vợ Việt Nam. Nhưng có riêng một điều mà không phải người vợ tốt nào cũng có được. Đó là sự thông cảm thông, rất hiểu cái chất “nghệ” của chồng. Rất hài hước, bà nói: “Nếu cứ ghen với anh ấy thì ghen suốt đời. Thôi thì cũng phải thông cảm với tâm hồn đa cảm, luôn rung rinh trước các người đẹp của anh ấy”. Hỏi “thông cảm” đến mức nào thì bà Nguyệt trả lời: “ Ví như anh ấy có nắm tay, vuốt mái tóc nào đó tý chút thì cũng vô hại, miễn là đừng đi xa hơn…”. 

Quả là một sự cảm thông không nhỏ của một người vợ có tình yêu lớn đến mức đã vượt qua tất cả để lấy người chồng khiếm thị hơn mình tới gần 20 tuổi ngay từ lúc đang là một cô sinh viên Y khoa trẻ trung với rất nhiều thế mạnh.  

Với những đóng góp của ông cho âm nhạc, năm 1997, Văn Vượng  được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội” năm 2012.

Trên một căn gác nhỏ tại khu chung cư lắp ghép ở Nghĩa Tân, Văn Vượng cùng người vợ yêu thương đang sống những ngày bình yên, êm đềm trong tiếng đàn ghi-ta của người nghệ sỹ mù vẫn vang lên từ những đĩa nhạc đã được thu thanh những năm trước, dìu họ vào một thế giới diệu huyền của âm nhạc…

 (Tác giả: Kiều Thẩm)

       

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.