You are here

Tím như ai chờ mong

Tác giả: 
Nguyễn Trọng Văn

Nhạc sĩ Minh Quang kể: "Hồi năm 1993, tôi lên Tuyên Quang công tác để giúp Đoàn Nghệ thuật tỉnh dàn dựng chương trình, bà Hà Thị Khiết khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy có gợi ý tôi viết một bài hát về mảnh đất chiến khu nhưng lại ra "đề bài" là nhắc đến sông Lô huyền thoại”.

Nhạc sĩ Minh Quang đã nhận lời nhưng ông cũng không khỏi băn khoăn. Rồi một chiều trong những chiều nơi xứ Tuyên ấy, ông nhạc sĩ có dáng người bé nhỏ lẫn giữa bao người "lang thang" ra bờ sông Lô, đoạn chảy ngang thị xã Tuyên Quang, để ngắm sông tìm thi hứng. Khi ấy nhạc sĩ Minh Quang cứ đứng bên bờ sông nhìn thuyền bè xuôi ngược mà không "ra" được một ý gì. Nước sông Lô về cuối năm chảy khá êm đềm, chảy hờ hững như vương như vấn vậy. Bỗng nhiên như một sự tình cờ có chủ ý, nhạc sĩ Minh Quang nhìn thấy một tờ giấy trắng bị giắt vào một thân gỗ đang trôi trên sông. Mảnh giấy trắng làm ông liên tưởng đến một phong thư và thế là xong.

Tím như ai chờ mong -0

Nhạc sĩ Minh Quang.

Vui thế, bài hát "Sông Lô chiều cuối năm" ra đời mang hơi thở hoài niệm, mang âm hưởng hùng ca của một thời chinh chiến: "Sông Lô chiều cuối năm bất chợt gặp câu thơ ai bỏ quên giữa dòng/ Câu thơ nói về một người con gái bao năm tháng chờ đợi người lính ấy sao mãi không về".

Nghe nhạc sĩ Minh Quang kể thế, tôi bèn đùa: "Thì ra cứ phải bị huých vào mạng sườn mới ra tác phẩm được". Nhạc sĩ cười: "Kể ra thì cũng đúng như vậy. Trong đời sáng tác của mình, tôi ngẫm ra, bên cạnh cảm hứng bất chợt, thì chuyện bị huých như ông nói hay như chuyện bị "đặt hàng" đôi khi lại làm nên chuyện".

Số là năm đó Đỗ Minh Quang đang là diễn viên Đoàn kịch nói Thanh Hóa, lại vừa theo học khóa diễn viên kịch nói ở Trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội, thì Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị về xứ Thanh tuyển người. Hay tin, Đỗ Minh Quang "đánh liều" dự thi và anh "trúng tuyển" vào đoàn nhưng lại trúng tuyển vào lĩnh vực không phải là kịch nói như anh đã có. Anh trở thành diễn viên hát, hồi đó người ta gọi ca sĩ là như vậy và chính trong môi trường quân đội với những lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở các chiến trường đã làm nên một nhạc sĩ Minh Quang -  người dành trọn tâm huyết cho những bản tình ca người lính.

Gặp nhạc sĩ Minh Quang, thấy ông khoẻ tôi rất mừng. Mấy năm vừa rồi ông có "biến cố" về sức khoẻ. Lần đột quỵ thứ nhất khiến ông đi lại hơi kho khó. Tưởng đã dần hồi phục thì ông bị đột quỵ lần hai. Và như một "phép màu", sau lần này thì sức khoẻ của ông khá lên rõ rệt. Tôi nhớ có lần ông đã nói vui rằng: "Lần bị đột quỵ thứ hai lại "chữa" khỏi cho lần đột quỵ thứ nhất". Nói rồi ông xăng xái đi lấy cho tôi mượn chiếc máy khoan cắt bê tông của Đức, máy khá nặng vậy mà ông cầm vẫn bình thường. Hỏi thêm mới hay là ngày nào ông cũng phóng xe máy vè vè. Khi thì đi gặp bạn bè văn nghệ, lúc thì đi dàn dựng chương trình cho địa phương hay đơn vị và cả những lần ông "lang thang" đi tìm cảm hứng sáng tác. Nhạc sĩ Minh Quang còn nói thêm: "Đi là thấy khỏe ông ạ".

Tím như ai chờ mong -0

Nhạc sĩ Minh Quang bên cây đàn yêu thích của mình.

Tôi cười vui động viên ông: "Còn đi còn hát, Giáp Bát còn xa". Ông nhạc sĩ cũng cười gật đầu. Tôi bèn hỏi tiếp: "Biết là bác sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng rồi, nhưng lý do gì mà bác từ "anh bộ đội hát" trở thành một nhạc sĩ sáng tác ca khúc?". Nhạc sĩ Minh Quang bấy giờ mới cho biết thêm: Từ ngày về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị nên ông được đi nhiều chiến trường, được đi nhiều nơi, gặp nhiều những người lính trẻ. Có những người lính trẻ đã có người yêu nơi quê nhà và có rất nhiều anh bộ đội chưa một lần cầm tay bạn gái, nhưng hễ nói tới "hậu phương" là mắt lính trẻ lại sáng rực lên.

Bài "Hoa sim biên giới" được hình thành mùa thu năm 1979 với câu mở đầu: "Nếu em lên biên giới. Em sẽ gặp bạt ngàn hoa sim", đó là lần "anh bộ đội hát" Minh Quang lên biên giới phía Bắc phục vụ bộ đội. Cánh lính trẻ sau khi nghe hát còn "đề nghị" với đoàn: "Các chú các anh lần sau lên biên giới nhớ cho chúng cháu nghe những bài hát mới". Trong đoàn có người băn khoăn hỏi lại: "Những bài hát bọn mình đã hát các em không thích à?". Lính trẻ nơi biên cương vội trả lời: "Rất thích ạ, nhưng chúng cháu muốn có bài hát vừa mới vừa nói về tình yêu thuỷ chung kia".

Và rồi câu hát mở đầu: "Nếu em lên biên giới. Em sẽ gặp bạt ngàn hoa" nghe giản dị như một câu nói của những người lính trẻ rồi cũng chỉ dừng lại ở đó. "Anh bộ đội hát" Minh Quang khi đó chưa học sáng tác và chưa chuyển hẳn sang sáng tác nên dù đã "bật lên" giai điệu nhưng vẫn chưa thành ca khúc. Và phải bốn năm sau bài hát mới chính thức ra đời. Nhạc sĩ Minh Quang kể: "Băn khoăn mãi mà chưa xong nên tôi có nhờ anh tôi viết tiếp lời cho. Anh tôi đồng ý và ít ngày sau anh đưa cho tôi bài thơ "Hoa sim", và thế là tôi mới viết hoàn chỉnh bài hát Hoa sim biên giới"".

Thì ra nhà thơ Đặng Ái, tên thật là Đỗ Minh Phong, tác giả phần lời ca khúc ''Hoa sim biên giới'', là anh ruột của nhạc sĩ Minh Quang. Hai anh em ông đã "chung tay" làm nên bài hát mà hễ hát lên là lính mê tít. Tôi hỏi: "Bài này là bài hát đầu tay của bác à?". Nhạc sĩ Minh Quang lắc đầu, ông cho biết ông viết ca khúc từ rất sớm, từ hồi mười lăm, mười sáu tuổi kia. Bài hát "Dòng sông mát" viết cuối những năm sáu mươi là một ví dụ.

Từ ngày về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, sau này là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, ca sĩ Minh Quang vừa hát phục vụ bộ đội vừa "tranh thủ" sáng tác ca khúc cho mình hát và cho đồng đội hát. Những bài hát được sáng tác "tại chỗ" ấy của nhạc sĩ Minh Quang không ngờ lại rất thích hợp với "hoàn cảnh" và được lính ta nhớ. Tố chất sáng tác cùng truyền thống thi ca được hình thành khá sớm nên mọi người quen dần với danh xưng nhạc sĩ của ông. Rồi nhạc sĩ Minh Quang được đoàn cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội, Khoa Lý luận, sáng tác và chỉ huy. Đúng là có học có hơn, ông viết nhiều hơn, nhanh hơn và những ca khúc của nhạc sĩ Minh Quang luôn cho người nghe những xúc cảm tựa như bản tình ca vậy.

Có bài hát nhạc sĩ Minh Quang viết theo "đơn đặt hàng" của chính mình, đó là bài "Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara". Dạo năm 1984, ca sĩ, nhạc sĩ Minh Quang được lệnh cùng đoàn sang Campuchia phục vụ bộ đội ta và phục vụ nhân dân và bộ đội nước bạn. Lúc đó ông đã nghĩ: Sang bên đó mà toàn hát bài hát của ta thì nhân dân bên đó chắc họ không thích. Và rất nhanh, một bài hát được viết xong, được thông qua chỉ huy đoàn và được đưa vào chương trình biểu diễn ngay tối hôm đó: "Em dịu dàng trong điệu múa Apsara. Anh là người lính tình nguyện mang theo câu hát dân ca. Yêu nhau cởi áo cho nhau. Apsara ơi điệu múa hay tình đất nước. Apsara anh từng yêu Campuchia qua câu chuyện cổ".

Nhạc sĩ Minh Quang còn kể thêm: "Tối ấy sau khi bài hát vừa được hát xong thì từ dưới hàng khán giả có một "ông tướng" Campuchia vội vã đi lên, chắc là ông rất thạo tiếng Việt, ông cầm micro nghèn nghẹn nói lời cảm ơn về bài hát và ông đã khóc. Đúng là có ở trong hoàn cảnh ấy hay chính xác hơn là có chứng kiến sự hy sinh và lòng dũng cảm của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia mới thấy hết tình cảm giữa quân dân hai nước''. Tôi nói: "Năm nay ta và bạn kỷ niệm 45 năm đoàn kết chiến đấu giữa hai đất nước, em thấy bài hát này đáng được gọi là "bài hát truyền thống" đấy bác ạ".

Nhạc sĩ Minh Quang không trả lời, ông ngước mắt nhìn ra khoảng trời chói chang nắng. Và từ rất xa vọng về câu hát: "Nơi đây dù bão giông không phai màu trong ta. Sắc lá vẫn xanh cánh tím nhớ mong. Hoa sim ôi màu sắc quê hương. Ôi màu tím yêu thương". l

Với chùm ca khúc: "Hoa sim biên giới", "Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara", "Cây đàn ghi ta một dây", "Hoa ban", "Sông Lô chiều cuối năm" và "Chị ấy hát ru" - Đại tá, nhạc sĩ Minh Quang đã được nhận "Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật" năm 2012.

(Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.