You are here

Tính năng nhạc cụ qua trường hợp đàn bầu

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Trong các sách giới thiệu về nhạc cụ, sau phần Lý thuyết âm nhạc thường có nội dung đề cập tới tính năng nhạc cụ, như ở đàn dây có các bộ phận cấu tạo đàn, tên gọi, vị trí nốt bấm trên cần đàn, kỹ thuật diễn tấu… Theo đó, các nốt trên cần đàn ấn định ở từng vị trí khác nhau. Nói theo ngôn ngữ khoa học, chúng thuộc đối tượng khách quan, có thể quan sát bằng mắt, đồng thời tạo ra âm thanh nhờ biện pháp kích âm. Tương tự như vậy, giáo trình đàn bầu cũng xuất hiện phần tính năng nhạc cụ, vị trí 6 điểm đàn, khoảng âm đẹp là 2 quãng 8, có thể mở rộng âm vực tới 3 quãng 8…

Như chúng ta biết, đàn bầu chỉ có 1 dây. Như vậy, âm thực của đàn bầu chỉ có một âm là âm cơ bản với cao độ bằng dao động chiều dài sợi dây, ngày nay đa số lên theo âm đô (quãng tám 1 đàn piano). Trên cơ sở thực âm, người đàn tìm kiếm vị trí bồi âm nhằm tạo nên các âm khác. Đàn bầu sử dụng phổ biến 6 vị trí điểm đàn, từ những điểm này cộng với sự hỗ trợ của cần (vòi) đàn, người diễn tấu tạo ra các cao độ. Qua đó thấy rằng, nhìn vào hình tướng đàn bầu, người quan sát chưa thể hình dung hay biết được “tính năng” của nó. Khác với tất cả nhạc cụ khác, kể cả đàn Cổ cầm Trung Quốc, Mã đầu cầm Mông Cổ mặc dù sử dụng hệ bội âm, nhưng trên cần đàn, dây đàn vẫn tồn tại hệ âm cùng vị trị cao độ tương ứng. Người đàn có thể dựa vào thực thể tĩnh, cụ thể, hữu hình nhằm tạo ra cao độ vô hình. Còn ở đàn bầu, ngoài âm cơ bản, tất cả âm thanh khác đều tạo nên nhờ năng lực kiểm soát của người đàn. Đây là điểm khác biệt căn bản về tính năng nhạc cụ giữa đàn bầu và nhạc cụ khác. Có lẽ vì thế mà đàn bầu gần với giọng hát và nhạc khí hơi. Người đàn dựa vào cảm âm để tạo ra âm thanh. Bởi vậy, thẩm âm là yếu tố vô cùng quan trọng. Ngoài ra, âm vực đàn bầu còn quyết định bởi năng lực người đàn, chứ không có sẵn trên cần đàn. Trong tác phẩm “Trống cơm” của nghệ sĩ Toàn Thắng, âm vực đàn bầu mở rộng đến 5 quãng 8. Vậy, tính năng nhạc cụ thuộc yếu tố khách quan hay chủ quan? Tất nhiên là cả hai. Trong hoạt động nghiên cứu, người ta dễ dàng bỏ qua thuộc tính chủ quan nhằm vươn tới tinh thần khách quan.

Năm 1979 tại khu mộ táng ở huyện Vũ Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc khai quật được hai chiếc địch bằng xương người, sử dụng phương pháp đo lường đồng vị Carbon cho thấy chúng cách nay khoảng 7920 năm. Điều đáng lưu ý là, trên chiếc địch có 7 lỗ bấm và một lỗ thổi, người ta dựa vào đó để xác định cao độ, rồi đưa ra thông số kỹ thuật, đồng thời đi đến kết luận về thang âm. Tham chiếu trường hợp đàn bầu, thang âm là yếu tố không hề hiện hữu trên thực thể tĩnh của nhạc cụ mà biểu hiện thông qua hình thái động của nghệ thuật diễn tấu. Phương pháp diễn tấu lại phụ thuộc vào thuộc tính thẩm mỹ. Thuộc tính thẩm mỹ quyết định bởi thói quen văn hóa, khác nhau trên từng khu vực, thời đại văn hóa… và tất cả đều ký thác trên năng lực người diễn tấu. Khi đàn bầu du nhập Trung Quốc, nhiều người lên tiếng phản đối, lo mất chủ quyền! Trên thực tế, chúng ta khó thể phán đoán một cách chính xác người Trung Quốc ứng xử ra sao với đàn bầu. Cần hiểu đàn bầu như một dụng cụ tạo thanh do con người sáng tạo, trên cơ sở đó, mỗi cá nhân và nền văn hóa lại tiếp tục sáng tạo nên âm nhạc của mình. Dụng cụ phát thanh bản thân chưa phải là âm nhạc.

Quan điểm coi thang âm như một “hệ từ vựng” tồn tại khách quan trên từng nhạc cụ và trong mọi nền văn hóa xem ra không ổn khi xét âm nhạc như một yếu tố thể hiện thẩm mỹ thời đại. Nhiều người đã phát hiện quan điểm của chúng ta ngày nay đa số định hình từ khoảng một trăm năm trở lại đây. Có nghĩa là, con người hiện đại có rất ít hiểu biết về quá khứ. Đối với lĩnh vực mang tính tự trị cao, như kiến trúc, văn học, vũ đạo, lịch sử… còn bị thành kiến của thời đại làm cho méo mó, huống chi âm nhạc mới có khả năng lưu giữ cách đây hơn 100 năm nhờ máy thu âm. Vậy, thang âm trên từng loại nhạc cụ có thực sự là “hệ từ vựng” để người xưa sáng tạo âm nhạc hay không? Điều đó chưa thể khẳng định. Trong quá trình phục hồi di sản Ca kịch truyền thống của người Trung Quốc, người ta đã nhận thấy sự biến đổi đến ngạc nhiên trong cách hát của người xưa và người nay (mặc dù thời điểm chọn mẫu và phục dựng cách nhau khoảng gần thế kỷ).

Trung Quốc sáng tạo nên thứ âm nhạc của mình như thế nào thông qua công cụ phát thanh là đàn bầu khó thể đoán trước. Đàn bầu có thể mua ở rất nhiều nơi, du khách đến Việt Nam hoàn toàn có quyền mua cây đàn mình yêu thích về nước. Một cây đàn mua được bằng tiền thì chủ quyền của nó nằm đâu? Câu trả lời nằm ở thuộc tính văn hóa. Rất nhiều nhạc cụ sau khi xâm nhập các nền văn hóa khác đã sản sinh những biến thể vô cùng phong phú, đa dạng. Nó khiến cho cuộc hành trình của văn hóa đi qua những nẻo đường lắt léo nhờ cơ chế tiếp biến, giao lưu văn hóa. Đàn tỳ bà xuất xứ từ Trung Đông, nhưng qua Thổ Nhĩ Kỳ có dạng hình cung, mắc 3 dây, sang Trung Quốc phát triển lên thành 4, 5 dây, có hình trái lê, cổ gập, qua Việt Nam, hình tướng tỳ bà ít nhiều thay đổi, nhưng cách đàn càng tỏ rõ sự khác biệt. Người Trung Quốc sở trường kỹ thuật bàn tay phải, trong khi người Việt Nam thiên về tay trái, các thủ pháp rung, nhấn, tô điểm... nỉ non. Đàn mã đầu cầm của người Mông Cổ cũng thuộc họ dây, cung kéo. Nhìn cấu hình của nó giống như các đàn cung kéo khác, nhưng người Mông Cổ cũng sử dụng hệ bội âm. Nghệ sĩ không dùng ngón tay bấm mà sử dụng phần dương của ngón tay chặn dây từ dưới lên, từ trong ra ngoài, rồi dùng vĩ kích âm. Như vậy, hình tướng của nhạc cụ chưa thể quuyết định công năng, tính năng. Thuộc tính khách quan của nhạc cụ chưa làm nên giá trị văn hóa, nghệ thuật tương ứng. Một nhạc cụ di chuyển qua nhiều nền văn hóa, vùng miền sẽ có thêm nhiều cơ hội thay đổi. Cách khử trùng của văn hóa tự thân làm nên nền tảng vững chắc cho phép sản phẩm bên ngoài tham dự vào bên trong và bên trong biến đổi trước sự va chạm với bên ngoài. Bởi vậy, khi đàn bầu thâm nhập nền văn hóa khác sẽ mở ra nhiều cơ hội để thay đổi cách thức biểu đạt, thể hiện. Đó là một tin vui hơn là nguy cơ. Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, đối với nhiều nhạc cụ trên thế giới, đặc biệt là nhạc khí phương Tây, ít ai còn truy xuất nguồn gốc của chúng, đồng thời cũng không dán mác dân tộc như nhạc cụ truyền thống. Đây là một vấn đề cần bàn luận nhằm giải phóng nhạc cụ truyền thống thoát khỏi vòng kiềm tỏa của chủ nghĩa dân túy hay tư duy dân tộc hẹp hòi.

Trở lại vấn đề tính năng nhạc cụ qua trường hợp đàn bầu có thể minh chứng thuộc tính đa dạng bên trong cơ chế vận hành của văn hóa. Đối với đàn bầu, nó đặc biệt ở chỗ, ngoại trừ âm cơ bản, tất cả cao độ khác đều tạo nên nhờ năng lực người đàn. Họ tùy ý tạo ra âm thanh theo thẩm mỹ của mình. Thẩm mỹ cá nhân lại hình thành từ thẩm mỹ cộng đồng, ẩn tàng trong thói quen văn hóa. Thói quen ấy biến đổi theo thời gian… một cách phức tạp. Bởi vậy, một nhạc cụ có thể đi xuyên qua nhiều nền văn hóa, tùy thuộc thói quen và thuộc tính thẩm mỹ ở từng nền văn hóa, vùng đất, quốc gia mà lưu lại dài lâu hay chóng vánh, thậm chí vãng lai rồi biến mất.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.