You are here

Tình yêu Hà Nội “Khúc hát từ trái tim hồng”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Tối 7 tháng 12 năm 2022, đã diễn ra chương trình nghệ thuật Tình yêu Hà Nội lần thứ XV với chủ đề “Khúc hát từ trái tim hồng” do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình tôn vinh 3 nhạc sĩ Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật: cố nhạc sĩ Lê Việt Hòa, cố nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc và nhạc sĩ, NSND Trọng Đài.

Dự chương trình có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; NSND Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; TS, nhạc sĩ lão thành Doãn Nho, đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ và khán thính giả Thủ đô…

Phát biểu khai mạc chương trình, NSND Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, đã khẳng định: “Tình yêu Hà Nội là một sự kiện âm nhạc của Hội Âm nhạc Hà Nội được diễn ra vào quý IV hàng năm, với các chủ đề khác nhau, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp Thành phố Hà Nội trong nhiều năm qua và được sự phối hợp chặt chẽ của Lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Qua 14 kỳ tổ chức, sự kiện Tình yêu Hà Nội hàng năm đã khẳng định vai trò vị trí của âm nhạc trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới, nhằm phục vụ được công chúng nhiều hơn và chất lượng hơn.

Chương trình Tình yêu Hà Nội không chỉ tôn vinh các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và các Giải thưởng cao quý khác, mà bên cạnh đó, sự kiện âm nhạc Tình yêu Hà Nội còn là ngày hội của các hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội cùng các đồng nghiệp trên địa bàn Thủ đô có dịp gặp gỡ, trao đổi giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Thông qua chương trình âm nhạc này, chúng ta lại cùng nhau tri ân, ghi nhận và vinh danh các nhạc sĩ đã đồng hành cùng những thăng trầm của đất nước trong nhiều thập kỷ qua.

Để sự kiện âm nhạc Tình yêu Hà Nội trở thành một thương hiệu nghệ thuật tiêu biểu của Thủ đô luôn đổi mới và phát triển lên một tầm cao hơn xứng với kỳ vọng của thành phố xây dựng ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Trong những năm tới, Hội Âm nhạc Hà Nội luôn mong nhận được sự quan tâm đầu tư chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Thành phố Hà Nội cùng các sở, ban ngành và các đơn vị hữu quan trên địa bàn Thủ đô”.

NSND Trọng Đài và đại diện gia đình nhạc sĩ Lê Việt Hòa nhận Kỷ niệm chương của Ban Tổ chức

Chương trình nghệ thuật lần này giới thiệu 15 tác phẩm được lựa chọn biểu diễn là sáng tác của ba nhạc sĩ Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội. Tổng đạo diễn: NSND Quang Vinh; đạo diễn âm nhạc: Xuân Hùng. Người yêu âm nhạc đã được thưởng thức một đêm nhạc đầy cảm xúc, được phối khí, dàn dựng công phu cùng sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ: NSƯT Mai Hoa, NSƯT Tố Uyên, NSƯT Hoàng Tùng, ca sĩ Trọng Tấn, Viết Danh, Thành Lê… và Trung tâm thiếu nhi Ba Đình, Tốp ca Hà Nội Harmoni, Ban nhạc Âu Cơ.

Nhạc sĩ Lê Việt Hòa (1935 – 2014) là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng mang âm hưởng dân ca Việt Nam như: Gửi em chiếc nón bài thơ (phỏng thơ Sơn Tùng), Gửi sông La (phỏng thơ Hoàng Thị Minh Khanh), Nhớ xứ Đoài (thơ Nguyễn Hoàng), Mùa Xuân trên sông Tô, Cô gái Na Hang… Ông quê ở Tứ Liên, Từ Liêm, Hà Nội, nhưng được sinh ra ở Phúc Thọ, Sơn Tây, là người con trai thứ 3 của một gia đình có truyền thống cách mạng, mới 12 tuổi đã trở thành liên lạc viên của đội vũ trang tuyên truyền Tỉnh đội dân quân Sơn Tây từ năm 1947. Ông có quãng đời tuổi thơ đẹp gắn bó với Sơn Tây, đã khiến ông chọn cho mình con đường âm nhạc dân gian. Từ năm 1959, ông ra quân ngũ và chuyển sang học ở Trường Âm nhạc Việt Nam, sau khi tốt nghiệp Lê Việt Hòa trở lại Đài Tiếng nói Việt Nam làm phóng viên, biên tập viên âm nhạc, đồng thời là một nhạc sĩ sáng tác nhiều tác phẩm giầu chất trữ tình mang âm hưởng dân ca.

Suốt đời dâng hiến cho những sáng tạo âm nhạc Lê Việt Hòa luôn chìm đắm trong những âm hưởng quê hương. Năm 1997, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Sự nghiệp âm nhạc của ông đã được khẳng định đáng kể. Ông đã qua đời năm 2014. Đến năm 2017, ông đã được Chính phủ truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho 2 tác phẩm: “Gửi em chiếc nón bài thơ” và “Gửi sông La”.

Nhớ xứ Đoài (lời thơ: Nguyễn Hoàng) biểu diễn: NSƯT Tố Uyên

Gửi sông La (phỏng thơ: Hoàng Thị Minh Khanh), biểu diễn: ca sĩ Thành Lê

Về lại làng xưa (thơ Hoàng Trung Thông), biểu diễn: ca sĩ Viết Danh

Gửi em chiếc nón bài thơ (phỏng thơ của nhà văn Sơn Tùng), biểu diễn: ca sĩ Trọng Tấn

Mùa xuân trên sông Tô, biểu diễn: Thành Lê – Viết Danh và tốp ca nam nữ

Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc (1933 - 2020), quê ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Từ một đội viên Đội Văn nghệ Tuyên truyền kháng chiến thuộc Ty Thông tin Phú Thọ (khi đó đang ở tuổi 13), Thanh Phúc đã qua nhiều đơn vị công tác như Văn công Đại đoàn 312, Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị. Sau đó ông được điều về Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân. Từ năm 1968, ông làm công tác biên tập chương trình phát thanh Văn nghệ Quân đội của Đài Tiếng nói Việt Nam, và tiếp tục sáng tác, có một số bài được sử dụng rộng rãi như: Hà Giang quê tôi, Nhớ giọng hát Bác Hồ (thơ Tạ Hữu Yên), Bài ca xây dựng, Đường dài rộng bước hành quân, Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (lời Hải Hồ), Bình minh anh quân bưu, Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng…

Sáng tác đầu tay của ông là bài hát Người Mèo ơn Đảng, được Giải Nhì (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; ca khúc Hà Giang quê hương tôi được chọn làm tỉnh ca và nhạc hiệu Đài PTTH tỉnh Hà Giang; những bài hát Tiếng hát bản mường, Tiếng hát người chăn bò (thơ Hoàng Hưng), Khúc hát hành quân, Nghe những lời Tổ quốc, lưu hành trên sóng phát thanh, được thu đĩa hát và ấn hành. Ông còn sáng tác nhạc thiếu nhi, cùng nhiều ca khúc hay và được đông đảo bạn yêu nhạc biết đến.

Nhóm tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Phúc được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1, năm 2001 là 5 bài hát: Người Mèo ơn Đảng, Nhớ giọng hát Bác Hồ (thơ Tạ Hữu Yên), Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (thơ Hải Hồ), Hà Giang quê tôiHồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng.

Người Mèo ơn Đảng, biểu diễn: ca sĩ Sèn Hoàng Mỹ Lam

Nhớ giọng hát Bác Hồ (thơ Tạ Hữu Yên), biểu diễn: bé Nhật Anh

Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (lời Hải Hồ và Thanh Phúc), biểu diễn: Tốp ca nam Hanoi Harmoni

Con về quê mẹ Quảng Trị anh hùng, biểu diễn: ca sĩ Sèn Hoàng Mỹ Lam

Hà Giang quê tôi, biểu diễn: ca sĩ Trọng Tấn

NSND Trọng Đài sinh năm 1958 tại Hà Nội. Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Đài gắn liền với những ca khúc nhạc phim đình đám. Ông cũng chính là người đã góp phần thổi hồn giúp các bộ phim sống mãi trong lòng người hâm mộ. Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trọng Đài bắt đầu khá sớm, từ năm 18 tuổi, ông đã theo học lớp sáng tác hệ trung cấp tại Trường âm nhạc Việt Nam, sau đó ông tiếp tục học lên cao và tốt nghiệp đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky, Mátxcơva. Sau đó, Trọng Đài về nước giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Dẫu ở cương vị quản lý nhiều năm, từ Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Giám đốc Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí VOV3 Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông luôn say mê sáng tác, cống hiến cho âm nhạc nước nhà.

Những ca khúc làm nên tên tuổi nhạc sĩ Trọng Đài: Hà Nội đêm trở gió (lời Chu Lai), Chị tôi (thơ Đoàn Thị Tảo), Tiễn biệt những ngày buồn, Đất và người, Chuyện phố phường, Đường đời, Hương đất, Giá một lần… và hàng loạt ca khúc nhạc phim. Ông còn sáng tác nhiều tác phẩm viết cho độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc cổ truyền, các tác phẩm thính phòng, giao hưởng... Đặc biệt là tuyển tập ca khúc dành cho thiếu nhi “Con đường tuổi hồng” gồm 60 ca khúc.

Với những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Trọng Đài vinh dự được trao nhiều giải thưởng âm nhạc có giá trị, được Chính phủ và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012 với cụm tác phẩm: Hà Nội đêm trở gió (thơ Chu Lai và Trọng Đài), Chị tôi (thơ Đoàn Thị Tảo), Giao hưởng Hòa tấu Thăng LongTiếng rao. Nhạc sĩ Trọng Đài được phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015.

Liên khúc thiếu nhi: Hồn quê (thơ Hải Trần) - Mẹ Trái đất (thơ Nguyễn Văn Song) - Đất nước hình cánh cung (thơ Lê Lam Hồng), biểu diễn: Tốp thiếu nhi Trung tâm Văn hóa quận Ba Đình

Chị tôi (thơ Đoàn Thị Tảo), biểu diễn: NSƯT Mai Hoa

Phút giây bên nhau, biểu diễn: NSƯT Hoàng Tùng

Cổng làng (thơ Phạm Lưu Vũ), biểu diễn: NSƯT Mai Hoa - NSƯT Hoàng Tùng

Hà Nội đêm trở gió (lời Chu Lai -Trọng Đài), biểu diễn: ca sĩ Ngọc Hà

*     *
*

Từ năm 2006, chương trình nghệ thuật Tình yêu Hà Nội do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức thường niên với mục đích tôn vinh giá trị các tác phẩm của các nhạc sĩ hội viên đã có nhiều cống hiến trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, được ghi nhận trong lòng công chúng, được Nhà nước trao tặng những giải thưởng cao quý, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Chương trình giới thiệu các tác phẩm sáng tác về Hà Nội, về quê hương đất nước, con người, biển đảo Việt Nam. Các tác phẩm được giới thiệu trong chương trình có thể coi là những câu chuyện viết bằng âm nhạc đặc biệt thể hiện tình cảm mà các nhạc sĩ dành cho Thủ đô Hà Nội yêu dấu, đồng thời thể hiện một phần công việc của các nhạc sĩ; chương trình cũng là dịp để các nhạc sĩ tri ân mảnh đất - nơi họ đã sinh ra và cho họ sự nghiệp rạng rỡ. Hà Nội là nơi hội tụ nhiều thế hệ nhạc sĩ gạo cội của đất nước, rất nhiều người trong số họ đã được Đảng và Nhà nước công nhận bằng các giải thưởng nhưng cũng có người lặng lẽ cống hiến với những sáng tác đi vào đời sống xã hội, nhiều nhạc sĩ đã lớn tuổi xứng đáng có được những chương trình đặc biệt để khẳng định sức lao động cống hiến bền bỉ của họ.

Trong những năm qua, khán giả đã được thưởng thức những tác phẩm quen thuộc của các nhạc sĩ tên tuổi như: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Văn Dung, Trương Ngọc Ninh, An Thuyên, Nguyễn Đình Bảng... Mỗi chương trình đều có chủ đề khác nhau, bố cục khác nhau, màu sắc khác nhau. Sự pha trộn giữa những dòng xúc cảm lãng mạn, cổ kính, hào sảng của âm nhạc truyền thống và đương đại đã làm nên bức chân dung âm nhạc đi suốt chiều dài lịch sử Thủ đô ngàn năm văn hiến. Tình yêu Hà Nội là những cảm xúc khác nhau, là sự trân trọng với những gì mà Tình yêu Hà Nội mang đến cho những người nhạc sĩ được tôn vinh.

Chương trình luôn gây được thiện cảm với khán giả, ý đồ công phu luôn xây dựng kết hợp sâu sắc giữa sự hòa quyện và sự tái hiện của các ca khúc đã được khẳng định qua thời gian. Chương trình được dàn dựng bởi một ekip có chuyên môn cao, và đặc biệt họ đều có trách nhiệm, có sự đam mê cống hiến và tình yêu sâu sắc với Hà Nội. Chính vì vậy, Tình yêu Hà Nôi thường mang đến cho khán giả một bức tranh đa sắc màu, những câu chuyện âm nhạc vừa quen thuộc, vừa mới lạ, vừa mạnh mẽ, vừa lãng mạn và tràn đầy cảm xúc. Một không gian âm nhạc chuyên nghiệp sáng tạo nghệ thuật mới mẻ.

Trong suốt chặng đường âm nhạc 15 năm đã qua, Tình yêu Hà Nội đã được xem là chương trình nghệ thuật đỉnh cao đánh thức trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người những giá trị thiêng liêng về mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những cống hiến bền bỉ của các nhạc sĩ gạo cội góp phần cho sự phát triển của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Chắc chắn Tình yêu Hà Nội sẽ ngày càng phát triển và lan tỏa rộng rãi mang đến cho những người yêu âm nhạc một chương trình nghệ thuật đỉnh cao đậm chất hào hoa thanh lịch của người Tràng An.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.