You are here

Tôi học được từ Beethoven rằng tôi may mắn

Tác giả: 
Clare Norburn (Ngọc Anh dịch)

“Viết về Beethoven giúp tôi tiến tới thỏa hiệp với chứng mất thính giác của chính mình”. Nghệ sĩ Clare Norburn từng bất đắc dĩ thừa nhận những vấn đề về thính giác của cô, nhưng quyết định viết về Beethoven giúp cô nắm chắc món quà hiện tại hơn là lo lắng về tương lai.

Là người sống bằng giọng soprano và nghề soạn kịch nên tôi thấy Beethoven rõ ràng là một nhân vật đáng quan tâm. 18 tháng trước, tôi bị chẩn đoán mắc một chứng bệnh mất thính giác gọi là u thần kinh thính giác, hay u thần kinh tiền đình, sẽ dẫn đến mất thính giác hoàn toàn bên tai phải. Tôi đã thường xuyên ngủ quá giờ báo thức nếu bên tai nghe tốt bị áp chặt vào gối.

Cứ sáu người thì có một người phải chịu đựng một dạng mất thính giác nào đó. Không có lý do gì để cho rằng các nghệ sĩ chơi nhạc được miễn trừ khỏi số liệu thống kê đó một cách thần kỳ. Vậy mà bạn sẽ không biết điều đó. Nỗi sợ phải thừa nhận chuyện mất thính giác vẫn chưa thay đổi kể từ thời Beethoven. Nó vẫn chỉ đơn giản là quá mạo hiểm. Khả năng nghe là một công cụ thiết yếu đối với một nhạc sĩ, và con người không giỏi lắm trong việc hiểu những điều tinh tế: việc có thể bị mắc chứng mất thính giác nhưng vẫn đủ sức nghe để tiếp tục làm nhạc sĩ.

Nhưng tôi gần như chắc chắn sẽ không chọn viết một vở kịch về Beethoven, nếu đó không phải là vì Krysia Osostowicz, trưởng nhóm Tứ tấu Dante. Chúng tôi đã gặp nhau một thời gian ngắn sau khi tôi được chẩn đoán bệnh, bề ngoài là để thảo luận về việc gây quỹ cho chuyến lưu diễn Nhật Bản của nhóm tứ tấu. Nhưng thay vì kết thúc cuộc trò chuyện bằng kế hoạch họ biểu diễn toàn bộ 16 hay 17 bản tứ tấu đàn dây của Beethoven qua sáu buổi hòa nhạc, Krysia đã có ý tưởng kết hợp các bản tứ tấu với việc đọc và kể chuyện. Tôi đã khoe với cô ấy về những phản ứng tích cực đối với tác phẩm tôi cộng tác cùng nhóm đồng ca Marian Consort nhờ các buổi họ biểu diễn vở kịch kết hợp hòa nhạc Breaking the Rules mà tôi viết về nhà soạn nhạc và kẻ sát nhân thế kỉ 16 Carlo Gesualdo.“Chị sẽ quan tâm đến việc viết một chuyện kể về Beethoven để đi kèm với loạt hòa nhạc chứ?” Krysia hỏi. Tôi do dự. Một trong những lý do khiến tôi chưa từng nghĩ đến việc viết về Beethoven là chuyện đó hình như quá riêng tư theo cách nào đó. Một điều mà ai cũng biết về Beethoven là ông bị điếc. Sẽ không thể nào viết một tác phẩm mà không thẳng thắn đề cập đến chuyện ông mất thính giác và điều đó sẽ có nghĩa là nhìn vào cuộc hành trình của chính mình một cách toàn diện. Tôi không chắc mình sẵn sàng cho điều đó.

Trước hết, không phải ai cũng biết chuyện tôi bị mất thính giác. Tôi đã cẩn thận chọn người để nói chuyện trước. Tôi đã luôn được các nhạc sĩ khác khen ngợi vì âm điệu chuẩn của mình và đó là một niềm tự hào. Tôi đã vô vọng trong việc giữ kỹ năng đó và chủ yếu là tôi đã học cách thích ứng, tận dụng bên tai trái của mình.

Làm việc một mình thì dễ. Làm việc với các nghệ sĩ khác - với tôi đây là niềm vui thật sự của việc làm nghệ sĩ biểu diễn - thì có thách thức lớn hơn. Đó là bởi bạn nghe cả phía bên trong và phía bên ngoài khi làm việc với người khác. Trong chiếc tai bên trong của bạn, bạn có âm lượng lớn nhất so với tất cả, và khi một nửa nguồn thông tin của bạn từ thế giới bên ngoài (về việc phải pha trộn, điều chỉnh và cân bằng như thế nào) bị cắt giảm dần dần thì rất khó.

Nhưng chủ yếu là nỗi sợ hãi - về những gì người khác sẽ nghĩ. Và đây là một trải nghiệm mà tôi chia sẻ một cách rõ ràng với Beethoven, mặc dù chứng điếc của ông mang tính tàn phá hơn của tôi. Và phản ứng của ông đối với chứng điếc lạ thường một cách giản dị - một nguồn cảm hứng.

Chính vào mùa hè năm 1801, khi ở tuổi 30, Beethoven lần đầu tiên thừa nhận trong một lá thư về bệnh điếc ngày càng gia tăng của mình. Một năm sau đó, khoảnh khắc “đêm đen của tâm hồn” xảy đến với ông. Beethoven phải chịu đựng không chỉ chứng điếc đang gia tăng mà cả chứng bệnh được các chuyên gia cho rằng có thể là hyperacusis - một bệnh trạng hiếm gặp khi cơn đau có nguyên nhân từ những tiếng động lớn, kèm theo chứng mất thính giác. Bác sĩ khuyên ông di chuyển khỏi thành phố ồn ào để đôi tai được nghỉ ngơi. Vì thế nhà soạn nhạc đã đến Heiligenstadt, một ngôi làng ở ngoại ô Vienna. Ở đấy ông đã viết chúc thư Heiligenstadt, trong đó ông viết một cách thẳng thắn về ảnh hưởng của chứng điếc ngày càng tăng. Ông thừa nhận mình đã cảm thấy bị cô lập như thế nào, ông đã rút lui khỏi xã hội vì không thể nghe được và với tư cách nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc hàng đầu của Vienna, ông đã không thể thừa nhận việc mình bị điếc như thế nào.

Ông đã nghĩ tới việc tự sát. "Chỉ nghệ thuật của tôi mới là tất cả những gì ngăn giữ tôi lại", ông viết. Và từ khoảnh khắc tuyệt vọng thật sự đó đã dẫn đến một niềm hy vọng phi thường, một cam kết nghệ thuật: "Tôi không thể rời bỏ thế giới này cho đến khi tôi bộc lộ hết mọi thứ ở bên trong mình”. Điều này thực sự đồng vọng với tôi. Khi tôi đi tới thỏa hiệp với chứng mất thính giác của mình thì rốt cuộc cũng là một lời kêu gọi hành động. Ngày hôm nay đột nhiên có hiệu lực đến thế. Ai biết ngày mai tôi sẽ có thể nghe thấy gì? Tôi phải viết, phải hát, ngay bây giờ. Không còn đặt ra những việc to tát nhằm nắm giữ một tương lai không chắc chắn nữa.

Vậy là tôi đồng ý với Krysia và nhóm Tứ tấu Dante. Và khi viết một đơn xin tài trợ gửi tới Hội đồng nghệ thuật Anh và tiến hành nghiên cứu về cuộc đời Beethoven, tôi nhận ra rằng việc đặt người kể chuyện ở ngôi thứ nhất là một cơ hội để chiếu sáng lên một số sắc thái mất thính giác đó và để hét lớn về những thành tựu phi thường của Beethoven.

Những lời tôi đặt vào miệng Beethoven đã nói thay cho tôi, thay cho tất cả những nhạc sĩ âm thầm chịu đựng chứng mất thính giác: "Tôi đã luôn vụng về tại những cuộc trò chuyện xã giao đó. Vì thế hãy hình dung ra tôi giờ đây. Ý tôi là số lần tôi có thể đề nghị người khác lặp lại lời của chính họ mà không tự mình bỏ đi là có giới hạn. Tôi là một nghệ sĩ, một nhà soạn nhạc. Thính giác là tất cả - nó định nghĩa con người tôi. Cảm giác đau nhói trên da thịt chỉ cho tôi thấy tương lai. Xã hội thì vô tâm. Có màu trắng và có màu đen. Nghe thấy. Chứng điếc. Và không có gì ở giữa. Nhưng sự thật là cái gì đó màu xám. Tôi đã không bị mất các khả năng phê phán chỉ trong một sớm một chiều. Tôi vẫn nghe thấy khi giọng tenor bị bẹt, khi kèn horn bắt vào muộn hơn một nhịp. Thế nhưng tôi sợ rằng những người thông thạo và những người tốt bụng ở Vienna sẽ nghĩ: tội nghiệp Beethoven. Ông ấy đã mất đi sự sắc sảo”.

Điều phi thường trong hành trình mất thính giác của Beethoven là ông đã tìm ra một con đường tiến lên ở mỗi giai đoạn. Một khi ông đã thừa nhận chứng điếc ở Heiligenstadt thì nó đã không còn là một cội nguồn gây xấu hổ nữa, và từ đó trở đi ông đã công khai căn bệnh. Ngay cả trong 10 năm cuối cùng của cuộc đời khi không thể nghe thấy gì, ông vẫn tiếp tục soạn nhạc. Nhiều người sẽ biết câu chuyện về việc ông chỉ huy một dàn nhạc trong đầu mình tại buổi công diễn lần đầu bản Giao hưởng số 9. Với cặp mắt vẫn nhắm nghiền, người ta đã phải ngăn ông lại và chỉ cho ông thấy các nhạc công đang mỉm cười và đám khán giả đang vỗ tay hoan hô.

Ông rõ ràng đã tìm thấy một cách nghe bằng “phong cảnh âm thanh” bên trong, điều cho tôi ý tưởng về cách dẫn vào loạt sáu vở kịch - hòa nhạc của tôi dành cho Hành trình Tứ tấu Beethoven. Dante là nhóm tứ tấu đàn dây mà Beethoven nghe thấy trong đầu mình. Beethoven của tôi giải thích điều này với khán giả: “Âm nhạc ở trong đầu tôi. Nó hoàn mỹ. Hoàn hảo trong âm điệu. Từng nốt nhạc được chơi căng nét, sống động như cất cánh bay lên từ trang giấy.“Nhóm tứ tấu trong tưởng tượng của riêng tôi... họ chơi các chương nhạc mới tạo ra một cách hoàn hảo. Và họ im lặng một cách thành kính. Không ai trong số họ than vãn rằng âm nhạc của tôi không thể chơi được!”

Chuyện kể về nhiều thứ hơn là chứng mất thính giác của Beethoven. Việc viết sáu vở kịch - hòa nhạc có nghĩa là vẽ một bức tranh khổ lớn và tôi muốn cân bằng kịch bản để bao quát cả con người lẫn âm nhạc của ông. Một trong những khía cạnh thú vị nhất trong việc cộng tác với nhóm từ tấu là đã tìm được những cách thức đưa ra một câu chuyện thích hợp và sống động để giải thích thứ mà Beethoven đã làm về mặt âm nhạc theo một cách khiến cho những ngôn từ dễ hiểu đối với những người không làm nghề nhạc, nhưng cũng mang lại những thấu hiểu ngay cả với những ai hiểu rõ các bản tứ tấu.

Cuối cùng, tôi học được từ Beethoven rằng tôi may mắn. Ông cho tôi thấy rằng việc mất thính giác một bên tai không là gì hết, ngay cả đối với một nhạc sĩ. ông nói với tôi: “Hãy tìm con đường của riêng bạn. Và tiếp tục tìm kiếm nó. Thời gian không phải là ngày mai. Thời gian để hành động là ngay bây giờ."

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.