You are here

Tổng kết Liên hoan Âm nhạc lần thứ 32 tại Cà Mau (2019)

Tác giả: 
Đức Trịnh

Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 tại thành phố Cà Mau (27-29/6/2019) đã thành công tốt đẹp.

Liên hoan đã thu hút hơn 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ của 13 tỉnh, thành trong khu vực với 38 tác phẩm âm nhạc sáng tác mới được dàn dựng và trình diễn trong 2 ngày qua tại sân khấu Trung tâm Hội nghị tỉnh, đã tạo nên một bữa tiệc âm nhạc mang đậm đà chất liệu âm nhạc của miền sông nước Cửu Long mênh mang giọng hò, để lại cho công chúng yêu nhạc nơi đây bao điều thú vị.

Ngay buổi khai mạc Liên hoan Đơn vị đăng cai, kết hợp với hội âm nhạc TP. Hồ Chí Minh với những sáng tác mới được thể hiện bởi các nghệ sĩ nổi tiếng và đặc biệt là cả sự tham gia của NSND Quang Thọ - Ủy viên Ban Chấp hành Hội đã làm nóng lên bầu không khí nghệ thuật của Liên hoan và tạo nên nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, để tiếp theo là lần lượt các tiết mục tham dự Liên hoan được trình diễn. Mỗi đoàn mang đến Liên hoan những tác phẩm âm nhạc thật phong phú, đa dạng: Đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, hợp ca - múa phụ họa – lúc nhật, lúc khoan – khi buồn, khi vui... Nhưng phải kể đến những tác phẩm đã đọng lại trong lòng khán giả, bởi tác giả có những tìm tòi sáng tạo nhất định và gửi gắm được tình cảm, thông điệp những điều muốn nói từ trái tim như:

“Đảo ngọc Phú Quốc” của NS Lý Dũng Liêm (Kiên Giang); “Thương lắm Hàm Luông” của NS Lan Phong (Bến Tre); “Gặp nhau phía cuối con đường” của NS Quang Thanh Giang (Cần Thơ); “Nhớ người nhạc sĩ tình ca” của NS Thành Công (Vĩnh Long); “Làng Chăm bên sông Hậu” của NS Võ Thắng (An Giang); “Tự hào thành phố Cà Mau” của NS Nguyễn Ngọc Để (Cà Mau)...

Đồng hành cùng các nhạc sĩ phải kể đến các lực lượng đóng góp cho thành công đáng kể của tiết mục là các ca sĩ, hòa âm phối khí, và dàn nhạc. Cũng hiểu rằng trong lúc khó khăn về tài chính, các nhạc sĩ thường dùng phần đệm bằng nhạc được thu trước, điều đó cũng có một phần hạn chế cho việc chuyển tải ý đồ tình cảm của tác phẩm...

Cũng phải nói qua một chút về phối khí, hoà âm - một trợ thủ đắc lực cho việc thành công của tác phẩm âm nhạc. Trong liên hoan lần này còn nhiều tác phẩm chưa được đầu tư đúng mức; còn nhiều bài phần nhạc đệm từ đầu đến cuối ầm ĩ với một cường độ mạnh, dầy đặc, liên tục phát triển, không để cho người nghe lắng lại chút nào; ca sĩ cũng không có điều kiện để dãi bầy cảm xúc… nên chăng các nhạc sĩ tự phối khí, hoặc viết phần đệm Piano (ý đồ hoà âm phối khí của tác giả sẽ được thể hiện rõ) hay ít nhất cũng làm việc với nhạc sĩ phối kỹ càng hơn…

Chính vì vậy một số tác phẩm có phần phối khí, hoà âm tốt nên đã đóng góp một phần không hề nhỏ cho thành công của tác phẩm như: “Đảo ngọc Phú Quốc” tương đối cân xứng sáng tác (melodi), phối khí, biểu diễn…; “Lời ru tháng bảy” của NS Xuân Hùng (Đồng Tháp) phối khí có mầu sắc (to, nhỏ, dầy, mỏng)...

Cả chương trình có một tiết mục được đệm bằng piano (keyb.) đã tạo được màu sắc ấn tượng trong liên hoan làm cho khán giả đang bị nóng bức được một làn gió mát…

Một chút để nói, tuy Liên hoan thành công nhưng vẫn còn những tác phẩm âm nhạc chưa mang tính sáng tạo nhiều, đâu đó vẫn một màu giống những bài của các bậc đàn anh đi trước… còn thiếu tác phẩm âm nhạc hay, độc đáo, mới lạ… đặc biệt là Dân ca, Dân nhạc Đồng bằng sông Cửu Long rất phong phú, mong rằng các nhạc sĩ tìm tòi nhiều chất liệu hơn nữa thay vào một số cung quãng đã quá quen thuộc hàng ngày. Hy vọng điều đó sẽ tác động đến sự sáng tạo của các nhạc sĩ ở các liên hoan kỳ sau.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.