You are here

Tổng kết Liên hoan Âm nhạc Toàn quốc khu vực phía Nam 2019

Tác giả: 
Đức Trịnh

Liên hoan Âm nhạc Toàn quốc khu vực phía Nam 2019 đã thành công tốt đẹp.

Liên hoan đã thu hút gần 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ của 19 tỉnh, thành khu vực với 50 tác phẩm âm nhạc sáng tác mới được dàn dựng và trình diễn trong 2 ngày qua tại sân khấu Nhà hát Quân đội phía Nam, đã tạo nên một bữa tiệc âm nhạc khá lý thú, để lại cho công chúng yêu nhạc nơi đây bao điều thú vị.

Ngay buổi khai mạc Liên hoan đơn vị (chủ nhà) Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh với 6 ca khúc sáng tác mới chủ yếu về đề tài ca ngợi Bác Hồ - một đề tài rất khó, được dàn dựng khá kỹ và bài bản nên đã tạo được hiệu quả không hề nhỏ trong không gian nghệ thuật sáng tạo. Đây cũng là điểm mạnh và lợi thế của đoàn chủ nhà được đầu tư có trọng điểm cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cũng không thể không nhắc đến 7 đoàn đã trình diễn dự thi từ tối hôm trước (26/08) cũng không kém phần phong phú, đa dạng về chất liệu âm nhạc, từ mang mác miền Trung đến cao vút, dữ dội cao nguyên… tuy chưa được đồng đều nhưng cũng đã có những ca khúc khá xuất sắc.

Tiếp theo là lần lượt các tiết mục tham dự Liên hoan được trình diễn. Mỗi đoàn mang đến Liên hoan những tác phẩm âm nhạc thật phong phú, đa dạng: đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, hợp ca - múa phụ họa – lúc nhật, lúc khoan – khi buồn, khi vui... Nhưng phải kể đến những tác phẩm đã đọng lại trong lòng khán giả, bởi tác giả có những tìm tòi sáng tạo nhất định và gửi gắm được tình cảm, thông điệp những điều muốn nói từ trái tim như: “Đất nung” của Bá Lân (Ninh Thuận); “Tượng Mồ” của Thảo Nam Giang (Gia Lai); “Người thắp sáng ước mơ” của Nguyễn Ngọc Thiện (TP. Hồ Chí Minh); “Lời Bác sáng biển Đông” của Trần Long Ẩn (TP. Hồ Chí Minh); “Đêm đợi” của Dương Tấn Bình (Đăk Lăk); “Ánh trăng nhà giàn” của Hoàng Lương (Bà Rịa - Vũng Tầu)…

Đồng hành cùng các nhạc sĩ phải kể đến các lực lượng đóng góp cho thành công đáng kể của tiết mục là các ca sĩ, hòa âm phối khí, và dàn nhạc. Cũng hiểu rằng trong lúc khó khăn về tài chính, các nhạc sĩ thường dùng phần đệm bằng nhạc được thu trước, điều đó cũng có một phần hạn chế cho việc chuyển tải ý đồ tình cảm của tác phẩm...

Cũng phải nói qua một chút về phối khí, hoà âm - một trợ thủ đắc lực cho việc thành công của tác phẩm âm nhạc. Trong Liên hoan lần này còn nhiều tác phẩm chưa được đầu tư đúng mức, còn nhiều bài phần nhạc đệm từ đầu đến cuối ầm ĩ với một cường độ mạnh, dầy đặc, liên tục phát triển, không để cho người nghe lắng lại chút nào. Ca sĩ cũng không có điều kiện để giãi bày cảm xúc. Nên chăng các nhạc sĩ tự phối khí, hoặc viết phần đệm piano (ý đồ hoà âm phối khí của tác giả sẽ được thể hiện rõ) hay ít nhất cũng làm việc với nhạc sĩ phối khí kỹ càng hơn… Còn một số các ca sĩ chưa thực sự tâm huyết để chắp cánh cho tác phẩm của các nhạc sĩ hoặc một vài lý do nào đó về sức khoẻ, giọng hát chưa đáp ứng được theo ý đồ của tác phẩm.

Chính vì vậy một số tác phẩm có phần phối khí, hoà âm và ca sĩ thể hiện tốt nên đã đóng góp một phần không hề nhỏ cho thành công của tiết mục.

Múa phụ họa và màn hình Led (clip) cũng là điều đáng nói: có những tiết mục đã được hỗ trợ bằng màn hình led và múa phụ họa có sự giao thoa hài hoà tạo hiệu quả cảm xúc đáng kể cho người xem, cũng có khi không hỗ trợ cho hát còn gây cảm giác nhàm chán, ít được cảm tình của khán giả…

Một chút để nói, tuy Liên hoan thành công nhưng vẫn còn những tác phẩm âm nhạc ít tính sáng tạo, đâu đó vẫn một màu giống những bài của các bậc đàn anh đi trước, còn thiếu tác phẩm âm nhạc hay, độc đáo, mới lạ, đặc biệt là dân ca các vùng miềnn rất phong phú, nhưng chưa được khai thác phát triển tốt, một số tác giả có sử dụng nhưng lại thiếu phần phát triển nên gây cảm giác quá quen thuộc, nhàm chán... Mong rằng các nhạc sĩ tìm tòi nhiều chất liệu hơn nữa thay vào một số cung quãng đã quá quen thuộc hàng ngày. Hy vọng điều đó sẽ tác động đến sự sáng tạo của các nhạc sĩ ở các liên hoan kỳ sau.

Nhạc sĩ Đức Trịnh - CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NGHỆ THUẬT Liên hoan

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.