You are here

Trần Công Khanh - Lặng lẽ dâng đời suối nhạc

Tác giả: 
Nguyễn Thụy Kha

Cầm trên tay tuyển tập ca khúc “Đêm trăng sông Lô” của nhạc sĩ Trần Công Khanh, tôi nửa quý trọng, xen với ngờ vực. Quý trọng vì khi một nhạc sĩ ở tuổi 85 mà vẫn đam mê xuất bản tuyển tập ca khúc dày dặn thế này. Còn ngờ vực vì không biết sức nặng trọng lượng không biết có cân xứng với sức nặng những giai điệu được in trong tuyển tập. Nhưng khi đọc tuyển tập, ngờ vực trong tôi tan biến. Chỉ còn sự quý trọng. Quý trọng đến mức tự trách tác giả và tự trách mình. Trách tác giả là vì sao âm nhạc của anh đáng kể thế mà anh cứ lặng lẽ tuôn trào đến mức quá ít người biết đến anh. Tự trách mình vì dù đã rất đi sâu, đi sát những thành tựu của anh em làng nhạc, mà sao mình lại chưa biết đến Trần Công Khanh.

Trước khi cầm tuyển tập này, tôi chỉ biết đến Trần Công Khanh qua lý lịch tự khai, khi tôi tham gia làm cuốn sách “Nhạc sĩ Việt Nam” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đến 3 lần liền (1994, 1997, 2007). Biết vì anh cùng vần “Kh” với tôi. Tôi trang trước thì anh ở vào trang sau vì “Kha” và “Khanh”.  Anh sinh 1935 tại Thái Bình. Tham gia văn nghệ Thanh Niên Xung Phong thời chống Pháp. Tham gia văn công Tây Bắc vài năm sau hòa bình ở miền Bắc. Học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ 1959 đến 1963. Là nhạc Trưởng và Phó đoàn Văn công Tuyên Quang (rồi Hà Tuyên). Đến khi nghỉ hưu thì tham gia Hội Văn nghệ Thái Bình. Hóa ra nhìn về một cái tên là vậy mà không phải vậy. Cũng vì anh khiêm nhường quá nên thật khó cho truyền thông.

Nhạc sĩ Trần Công Khanh cùng trang lứa với các nhạc sĩ quê ở Thái Bình như: Thái Cơ, Nguyễn Trịnh, Huyền Tình… Khi anh làm văn nghệ thanh niên xung phong thì Thái Cơ làm văn nghệ ở Trung đoàn 55. Thái Cơ cũng học Trường Âm nhạc Việt Nam, nhưng ra trường trước anh. Khi vào Đoàn Văn công Tây Bắc thì cũng là anh em với Đàm Linh. Tuy nhiên, Đàm Linh sớm được biết đến là một tài năng và được cử đi học âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky. Anh cùng trang lứa với Đàm Thanh nổi tiếng với Lê anh nuôi, Anh quân bưu vui tính, Cánh chim báo tin vui. Bởi dòng đời anh chảy trôi thế, nên tôi phải bắt đầu cảm nhận anh từ những gì mà anh đã bắt đầu khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam với tấm bằng ưu tú mà nhiều người thường gọi anh là “Tchaikovs Khanh” như các nhà thơ thường gọi nhà thơ Vũ Đình Liên là “Baude Liên”. Trong tuyển tập, anh có khiêm nhường trích trong “Giai điệu hợp xướng” viết năm 1963 ra một đoạn mang tên “Vui mùa bông trắng”, thấy rõ chất hàn lâm trong âm nhạc Trần Công Khanh thời tuổi trẻ. Khi ấy, mấy ai đã dùng nhịp 6/8 để tự sự trong tốc độ chậm (Andante) như anh: “Dòng sông tươi mát uốn quanh xóm thôn tôi/ Đồng quê lúa chín reo sóng vờn mãi chân trời/ Cùng chen lúc xanh là mùa đông bát ngát/ Bông nở trắng trên đồng đẹp lòng đất phù sa.

Chữ “sa” về chủ âm Sol (đoạn hợp xướng mở đầu viết ở điệu thức Sol trưởng) với nhịp 2/4. Ngay sau đó, ở đoạn nối tiếp, anh chuyển điệu thức rê trưởng và chuyển nhịp 4/4. Điều tinh tế nhất là anh đã đưa dân ca Tây Bắc trộn Bắc Bộ vào đoạn nhạc này rất nhuần nhuyễn: “Cùng nhẹ nhàng tay hái từng núi bông trắng/ Mùa rộn ràng bông trắng càng thấy thêm yêu đời/ Mùa bông trắng như mây bay/ Mây trắng bay trên đồng/ Vờn sau lũy tre làng”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, chắc khi đó anh đã về công tác ở Tuyên Quang, bản hành khúc Tuyên Quang lập chiến công đầu của anh viết theo thể ba đoạn đơn A-B-A’ cũng là một sáng tạo đậm chất tráng ca. Vừa là thử thách, vừa là may mắn cho anh khi gần ngày thống nhất, anh đã cùng Đoàn Văn công Tuyên Quang vào chiến trường phục vụ chiến sĩ B2. Chuyến đi ấy đã cho anh cảm hứng viết về Ngã ba Đông Dương. Thời kỳ ấy, viết về tình Việt - Lào thì nhiều. Nhưng viết về tình Việt - Lào - Campuchia thì không nhiều lắm. Ngã ba Đông Dương của Trần Công Khanh là một trong những không nhiều lắm ấy. Có lẽ bị ngợp bởi thực tế Ngã ba Đông Dương nên Trần Công Khanh đã ghi vào trên khuông nhạc đầu tinh thần ca khúc hai chữ “Phóng khoáng”. Đúng là phóng khoáng thật. Giai điệu mở ra vô cùng rộng rãi ở điệu thức La thứ để rồi kết ở điệu thức Đô trưởng trong nhịp 2/4. “ Ngã ba Đông Dương đường đi ba nước/ Cùng chung một dãy, dải Trường Sơn/ Như sông Mê Kông chung một biển Đông/ Cao vút Trường Sơn như bức thành đồng…

Lại một cuộc trộn dân ca tinh tế và nhuần nhuyễn diễn ra cho tới ô nhịp kết bài. Cũng trong chuyến đi này chăng, anh viết Hát mừng Tây Nguyên cũng mang bản sắc riêng khi khai thác dân ca Tây Nguyên và sử dụng nó trong những tiết nhịp biến phách. Đặc biệt và ấn tượng khi dùng nốt la thăng (la #) ở câu: “Ơi đàn tơ rưng hòa nhịp múa rộn ràng lời ca”. Tuyên Quang không chỉ là nơi cho Trần Công Khanh thấm đẫm vào mình chất dân ca các dân tộc biên giới phía Bắc, mà cũng là nơi anh suy ngẫm nên sử dụng chất liệu ấy như thế nào trong từng sáng tạo. Cái nốt la thăng (la #) được sử dụng ở Hát mừng Tây Nguyên cũng đã được anh sử dụng trong ca khúc ngắn một đoạn đoạn đơn Việt Bắc nhớ ơn Người vừa tràn trề âm hưởng Tày - Nùng, vừa giữ được chất sang trọng hàn lâm: “Từ trong đêm tối Người là ngọn đuốc soi đường/ Ta đi giải phóng quê hương…”

Ngay cả khi anh dùng dàn nhạc đàn Then thì cũng vẫn một cách thức như thế trong Tiếng hát đôi bờ sông Lô, hay theo điệu múa Khèn Mèo trong Tiếng Khèn phiên chợ vùng cao và đặc biệt là sự trầm lắng Nam Ai - Nam Bình trong Về với sông Hương. Vẫn thấy chất hàn lâm luôn là phần cứng trong sáng tạo của anh qua Bên thành cổ như một bản romance.

Tôi muốn đi sâu hơn vào hai ca khúc: Đêm trăng sông LôKhúc ca thành phố Thái Bình. Được biết Đêm trăng sông Lô được viết vào khoảng năm 1983 khi ấy Trần Công Khanh mua được một căn nhà nhìn ra sông Lô. Sông Lô là một địa danh bất tử, từ chiến tranh chống Pháp khi chiến thắng Thu - Đông 1947. Sông Lô còn bất tử hơn khi nó chảy vào âm nhạc Văn Cao, Lương Ngọc Trác, Nguyễn Đình Phúc, Phạm Duy và Lưu Hữu Phước. Gần đây, người mến mộ cũng rất thích Sông Lô chiều cuối năm của Minh Quang. Bởi vậy, tôi chẳng hiểu vì sao Đêm trăng sông Lô lại chưa nhiều người biến đến, mặc dù chất lượng tác phẩm thật xứng đáng để biết đến. Viết bằng cảm xúc thật trào tuôn tự đáy lòng, Trần Công Khanh không giấu diếm chất hàn lâm của anh khi viết ra như buột thốt: “Anh nhớ về sông Lô mùa thu/ Đêm sáng trăng chan hòa mặt nước”.

Câu thơ Trần Khoái bỗng lung linh hơn bởi giai điệu Trần Công Khanh. Nhưng tinh tế hơn cả là Trần Công Khanh đã phát hiện ra cái nhịp sóng sông Lô rất riêng trong nét đảo phách thoảng nhẹ bâng khuâng. “Người xuống phà/ nhường nhau/ từng bước vai áo nào - cũng có trăng theo”. Nét đảo phách được phát triển liên tiếp suốt ca khúc khiến người nghe bồi hồi, thấm thía. Đây là đóng góp đích thực của Trần Công Khanh trong lịch sử hình thành và phát triển âm nhạc Việt Nam. Nếu ở sông Lô, Văn Cao đã ra nhịp Bacarol Việt Nam bởi tiếng gõ cạnh thuyền đánh cá, thì ở sông Lô, Trần Công Khanh phát hiện ra nhịp sóng sông Lô mà trước và sau anh, không ai phát hiện được. Chỉ cần Đêm trăng sông Lô, Trần Công Khanh đã có thể thanh thản đã dâng hiến cho quê hương thứ hai của mình một giai điệu gan ruột tận sâu đáy lòng.

Rời Tuyên Quang, Trần Công Khanh về hưu ở quê hương Thái Bình của mình. Quê hương vương vấn trong tuổi thơ và tuổi trẻ anh thường được anh thầm thì khi đưa âm hưởng chèo vào nhiều ca khúc của mình như Chiều quê, Đèn giời… Đến khi anh về thì nó đã trở thành một thành phố trẻ ở vùng tam giác châu thổ Bắc. Bởi vậy, bên cạnh bản Thái Bình ca mà Vĩnh An đã gieo vào vựa lúa miền Bắc bao nhiêu năm qua, Trần Công Khanh vẫn muốn có một giai điệu của mình nhận diện sự phát triển của thành phố trẻ, anh viết Khúc ca thành phố Thái Bình mang đậm chất tự sự của âm nhạc hàn lâm trộn lẫn âm hưởng dân ca rất nhẹ nhàng. “… Phố Phương Nam khang trang từ ngõ xóm xa xưa/ Cầu Bo hùng vĩ nâng những tầm cao đẹp bao ước mơ/ Đường phố thênh thang dòng người tấp nập/ Ngược xuôi sớm chiều”.

Sau đoạn đầu tự sự mênh mang, đoạn nối tiếp như một khẳng định sức sống thành phố trẻ: “Rạng rỡ ánh mắt long lanh bên quầy hàng tươi xinh/ Ngày mới bao công trình mới sáng lên niềm tin yêu/ Đẹp mãi những bức tranh xuân cây đời nở muôn hoa/ Thành phố Thái Bình trong sáng Bên bờ biển  Đông”.

Trần Công Khanh cũng như rất nhiều nhạc sĩ thời ấy, rất thông thạo tiết tấu của các điệu nhảy. Trong sáng tác của anh, người nghe cảm thấy ả đấy những tiết điệu như Fox, Swing, Rumba… Anh còn sử dụng nhịp Tango cho giai điệu Tây Bắc Cô gái Sơn La và thật đằm thắm là nhịp Valse cho Lời ca tạm biệt phổ thơ của nữ lãnh đạo tỉnh Hà Thị Khiết. Đấy là bài thơ Hà Thị Khiết tặng anh, một bài thơ lục bát, nhưng Trần Công Khanh đã viết thành một bản Valse chan chứa tình người: “Vấn vương kẻ ở người đi/ Chào thành Tuyên nhé ta về biển khơi/ Thái Bình quê lúa người ơi/ Mong sao gặp lại những người thành Tuyên”.

Đọc giai điệu Trần Công Khanh vào thời điểm anh đã ung dung tự tại trên đất chèo xưa chẳng còn màng gì hơn thua. Nhưng tôi vẫn thấy tiếng tiếc thế nào ấy. Đành rằng anh đã nguyện một đời lặng lẽ dâng đời suối nhạc, nhưng nếu sự dâng hiến đó được vang lên, thì hẳn thế hệ cháu con sẽ thực sự được thưởng thức bữa tiệc âm thanh độc đáo. Xin dùng câu thơ của Ngọc Hiệp trong bài Bên thành cổ mà anh phổ nhạc rất hay để kết sự chia sẻ này. “Bên thành cổ chúng mình không cổ/ Vòng tay em níu ghì thương nhớ/ Anh mãi là thành cổ trong em”.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.