You are here

Trần Hoàn, cả đời viết những bản tâm ca

Tác giả: 
Anh Chi

Nhạc sĩ Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh ngày 27/12/1928 tại Hải Lăng, Quảng Trị, trong một gia đình mê Nhã nhạc. Từ thiếu thời ông đã say mê âm nhạc. Khi được vào học Trường Lycée Khải Định, ngoài học văn hóa, ông đã mầy mò học thêm về nhạc lý. Ngay khi mới biết chút ít về âm nhạc, ông đã hưởng ứng phong trào sáng tác tân nhạc trong nhà trường và viết được bài hát Học sinh vui tươi. Sau này, khi tâm sự với bạn bè, ông nói ca khúc ấy là sáng tác đầu tay của mình. Học sinh vui tươi đã được nhà trường trao giải thưởng, và đáng kể hơn là dưới tác phẩm đó, ông đã ký bởi một bút danh: Trần Hoàn. Nguyên do, ông rất yêu nhạc Văn Cao, đặc biệt yêu ca khúc Thiên Thai, trong đó có câu hát hay đến mê hoặc: “…Đào nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn”. Có thể nói, từ buổi ấy Trần Hoàn đã bước những bước đầu tiên trên con đường âm nhạc của mình với một tâm hồn đầy mơ mộng và chí dấn thân thật mạnh bạo!

Trần Hoàn vừa mười bảy tuổi thì quê hương rung chuyển bởi Cách mạng Tháng Tám. Như mọi người yêu quê hương, đất nước, ông đã sát cánh cùng nhân dân chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do. Khác mọi người, Trần Hoàn còn có âm nhạc để thể hiện tình yêu và lý tưởng của mình trong đời sống. Với cây đàn mandoline như một vật bất ly thân, ông đánh đàn và hát những bài dân ca, những ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng đương thời, để phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Chỉ ít lâu sau, ông đã có được những bài hát của chính mình, đó là Sơn nữ ca, rồi Lời người ra đi, Con trâu kháng chiến, Bà Ba… Ngay từ loạt ca khúc đầu tiên, nhạc Trần Hoàn đã đi vào lòng công chúng một cách tự nhiên. Ngay từ khởi đầu cuộc đời nhạc sĩ, Trần Hoàn thực sự là con người của tâm ca. Những ca khúc đầu tay như Học sinh vui tươi, Sơn nữ ca, Lời người ra đi… đều có ca từ bình dị, giàu vần điệu, nhiều luyến láy, tiết tấu thường chậm, nhấn nhá nhưng cũng có khi nhanh đột ngột (như bài Sơn nữ ca). Những tác phẩm “tâm ca” của Trần Hoàn, đóng góp vào nền ca nhạc vừa dân tộc vừa hiện đại của Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua.  

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trần Hoàn được điều động về công tác tại thành phố Hải Phòng. Đây là những năm đất nước tạm thời bị chia cắt, miền Bắc hòa bình, nhưng thực chất cũng đang dồn sức lực chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Là Trưởng ty Văn hóa, làm công tác quản lý một cơ quan tuyên truyền, cổ động, Trần Hoàn vẫn sáng tác. Ông đã viết một số ca khúc động viên quân và dân trong công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa: Kể chuyện người cộng sản, Xin mời anh chị về thăm Hải Phòng, Bài ca Bạch Long Vĩ… Những ca khúc đó được phổ biến khá rộng rãi trong đời sống, tuy nhiên, nó có phần rời xa chất “tâm ca” vốn là bản chất âm nhạc của ông. Mãi đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liêt, Trần Hoàn trở lại vùng quê Bình Trị Thiên và bắt đầu dùng bút danh Hồ Thuận An trong sáng tác, thì thật lạ thường, ngay giữa chiến trường máu lửa, những tác phẩm của ông lại thực sự lay động lòng người. Phải chăng, về với miền Trung gian lao và anh dũng, chất “tâm ca” mà ông có sẵn trong tâm huyết đã được khơi bùng dậy. Không chỉ sáng tác âm nhạc, ông còn viết nhiều bài thơ trữ tình với bút danh Thanh Hồng (Thanh Hồng là tên người vợ của ông). Làm các công việc của Đoàn Tuyên truyền Liên khu IV, rồi Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên - Huế, nhưng Trần Hoàn đã viết được cả loạt ca khúc hay, tạo thêm sức mạnh tinh thần cho quân dân Thừa Thiên - Huế nói riêng và quân dân cả nước nói chung. Đài phát thanh Giải phóng và trên các sân khấu dã chiến ở những vùng chiến sự, cho đến những làng quê xa xôi, luôn vang lên những giai điệu đầy mỹ cảm của Hồ Thuận An. Đó là các bản tâm ca Đợi anh về, Em thương người trong Huế đấu tranh, Tiếng chim mùa xuânChiều trên Gio Cam giải phóng… Và đặc sắc nhất là Lời ru trên nương, vừa ra đời đã làm rung động lòng người cả nước bởi giai điệu và hình tượng âm nhạc đẹp. Có thể nói, với Lời ru trên nương (thơ Nguyễn Khoa Điềm), âm nhạc Hồ Thuận An đã vươn tới một vẻ đẹp mới lạ của “tâm ca”. Đó là giai âm của tâm hồn con người đang sống mạnh mẽ trong một mối tình lớn đối với nhân dân và đất nước!

Sau khi đất nước thống nhất, bút danh Hồ Thuận An được nhạc sĩ đưa vào kỷ niệm, ông dùng lại bút danh Trần Hoàn. Và thật lạ thường, xúc cảm âm nhạc của ông bỗng như được hồi xuân trên quê hương Thừa Thiên - Huế đang xanh tươi sau những năm dài khói lửa. Hầu như không còn gì khiến ông phải kìm nén lòng mình trước cuộc đời này. Âm nhạc Trần Hoàn tự nhiên dâng trào từ tấm tình với cuộc sống trên quê hương dẫu đang còn nghèo đói, vất vả. Các ca khúc như: Từ đồng Lê, Nắng tháng ba, Khúc hò khoan trên sông Hương, và nhất là bài hát Một mùa xuân (thơ Thanh Hải), thực sự là những dấu ấn đẹp Trần Hoàn tạo được trong đời sống âm nhạc Việt Nam những năm đó. Trong các tác phẩm của Trần Hoàn, có hai ca khúc khi đi vào đời sống đã được nhiều thính giả hồn nhiên gọi bằng một cái tên khác: Ca khúc Lời người ra đi, một thời được công chúng gọi là “bài hát Rằng kháng chiến còn trường kỳ”; ca khúc Một mùa xuân đã được rất nhiều người gọi bằng tên Một mùa xuân nho nhỏ. Điều đó cho thấy những bản “tâm ca” của Trần Hoàn đã đi vào đời sống tinh thần của công chúng thật tự nhiên.

Năm 1983, nhạc sĩ Trần Hoàn chuyển công tác ra Hà nội, làm Trưởng ban Tuyên huấn, rồi đảm trách Phó Bí thư Thành ủy. Mấy năm sau, ông được điểu chuyển lên làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Thật khác lạ, vào tuổi lục tuần, xúc cảm âm nhạc Trần Hoàn dường như lại dạt dào hơn. Có thể nói, đó là đỉnh cao trong sáng tác của ông  như: Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví dặm (thơ Đỗ Quý Doãn), Cảm xúc từ Làng Sen, Thăm bến Nhà Rồng, và lay động lòng người hơn cả là Lời Bác dặn trước lúc đi xa… Đó là âm hưởng miền Trung dân dã, gian khổ và đau thương, được chắt lọc qua tâm hồn nhạc sĩ tài năng, thành những giai âm với vẻ đẹp sâu sắc. Nó nặng tình hơn mọi lời thở than, nghe thấm thía, mà khiến người nghe vững lòng hơn trong cuộc sống.

Cuối năm 1999, nhạc sĩ Trần Hoàn giữ cương vị Phó Trưởng ban Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, vừa kiêm Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Rồi ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Được sống và làm việc gần Trần Hoàn, chúng tôi hàng ngày thấy rõ nhiệt huyết của ông dành cho Văn học - Nghệ thuật tràn đầy, tuy tuổi cao, sức khỏe không còn được như xưa... Nhưng rồi, sức sống của ông đã ngưng nghỉ vào ngày 23/11/2003. Vậy là Trần Hoàn đã sang một bờ bến khác, mênh mang như đêm, dịu dàng như đêm…

Suốt cả cuộc đời sáng tác không ngừng nghỉ, tâm hồn ông - một tâm hồn miền Trung sâu đậm, được thật nhiều những buồn vui, sướng khổ từ đời sống, như song, như gió, vỗ mạnh vào trái tim đa cảm, rung lên thành lời, thành tiếng, giúp ông tạo nên những tác phẩm tặng lại cho đời. Và bây giờ, những tác phẩm âm nhạc của Trần Hoàn đã trở thành một phần, dù nho nhỏ, trong những giá trị đẹp đẽ của nghệ thuật và văn hóa miền Trung!

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.