You are here

Trăng hát của Phạm Thùy Dung

Tác giả: 
Trần Mạnh Hùng

Đêm hôm qua, 29/9/2019 (1/9 theo lịch mặt trăng), tôi đã ngồi ở chiếc ghế 9A tại Nhà hát Lớn Hà Nội để thưởng thức Live Concert Trăng hát của một soprano sinh năm 1989 - Phạm Thùy Dung đã hát cùng với dàn nhạc Sun Symphony Orchestra, nhạc trưởng Olivier Ochanine, cùng hai nam ca sĩ khách mời là Đăng Dương và Tùng Dương. 

Lại một lần nữa tôi được ngồi ở vị trí khán giả để quan sát các bạn của mình thăng hoa với dàn nhạc trên sân khấu, một cảm giác tuyệt vời khi thấy âm nhạc do chính mình chuyển soạn vang lên một cách hoàn hảo bởi tài năng và đam mê của các nghệ sĩ.

Tôi thật sự rất vui, không phải bởi đêm nhạc đã thành công như tâm huyết và mong đợi của cả ê-kíp, mà điều lớn hơn cả là tôi đã thấy việc biểu diễn thanh nhạc thính phòng Việt Nam đã thật sự có những chuyển biến rất lớn và rất tích cực.

Còn nhớ lần đầu tiên là concert của Đăng Dương, rồi kế tiếp là Lan Anh, những đêm concert đúng kiểu hát thính phòng với dàn nhạc giao hưởng được dàn dựng công phu từng chi tiết đã đặt những dấu mốc cho lịch sử phát triển của biểu diễn phong cách âm nhạc chuẩn thính phòng cổ điển của Việt Nam. Rồi tới Trăng hát của Phạm Thùy Dung, một soprano thế hệ sau, đã tiếp lửa cho nhiều thế hệ ca sĩ thính phòng cổ điển hướng tới việc nâng cao tính chuyên nghiệp cho các show diễn phong cách này theo kịp thế giới văn minh.

Việc chúc mừng và ngợi khen Phạm Thùy Dung cùng các ca sĩ thì xin để dành cho khán giả, còn tôi lúc này chỉ muốn nhìn lại hành trình mà nhân vật chính đã đi qua để có được đêm diễn như vậy. 

Phạm Thùy Dung đã vào Saigon từ đầu tháng 8 để tập với pianist Lê Phạm Mỹ Dung với các tổng phổ của dàn nhạc. Đây là một công đoạn vốn chỉ được thực hiện khi chuẩn bị cho việc diễn một vở opera. Phải nói rằng Lê Phạm Mỹ Dung là một pianist ưu tú, bởi cô ấy có khả năng nhìn cái tổng phổ đồ sộ và dày đặc với mấy chục dòng của tôi rồi rút gọn nó ngay trên đàn, rất hiếm có pianist của Việt Nam làm được việc này. Bên cạnh đó, Lê Phạm Mỹ Dung còn có rất nhiều kinh nghiệm về đệm hát, về ngôn ngữ, về thanh nhạc... Hai cô Dung đã có một tháng làm việc rất hiệu quả, tôi chắc chắn rằng đây là một công đoạn cực kỳ quan trọng để đóng góp cho sự thành công của đêm diễn.

Rồi cuối tháng 8, chúng tôi (ca sĩ, pianist và nhạc sĩ) lại kéo nhau ra Hanoi để làm việc với nhạc trưởng Olivier, những ngày này Phạm Thùy Dung đã được vị nhạc trưởng tài năng của dàn nhạc SSO bắt lỗi và gọt giũa từng chi tiết âm nhạc nhỏ nhất... Giai đoạn này rất quan trọng, nó giúp nhạc trưởng hiểu sâu hơn về cách xử lý bài của ca sĩ, mong muốn cụ thể về âm nhạc của nhạc sĩ, mặt khác thì ca sĩ thông qua việc tập với nhạc trưởng sẽ tăng được sự gắn kết với người chỉ huy dàn nhạc, đây cũng là một công đoạn mà nhiều concert của Việt Nam thường xem nhẹ hoặc chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng của nó, dẫn đến những kết quả không tốt cho chương trình.

Giai đoạn tiếp theo, đầu tháng 9, Phạm Thùy Dung bắt đầu tập cùng dàn nhạc. Bạn ấy đã có những ngày luyện tập khá vất vả với dàn nhạc Sun Symphony Orchestra và nhạc trưởng Olivier. Phải nói rằng đây là một trong những điều kiện thuận lợi lớn nhất góp phần tạo nên một đêm diễn hiệu quả và chuyên nghiệp, các nghệ sĩ trong dàn nhạc có trình độ rất cao, họ đã cho Phạm Thùy Dung và các ca sĩ tràn đầy hứng khởi trong tập luyện, mỗi lần âm nhạc vang lên là mỗi lần cả ê-kíp chúng tôi bị lôi cuốn theo cái dòng chảy của âm nhạc.

Xin hãy biết rằng, dàn nhạc giao hưởng là một tổ chức tập hợp những nhạc cụ hay nhất của châu Âu, nó là một toà lâu đài đẹp nhất của âm thanh mà Thượng Đế đã ban tặng cho thế giới này. Được tập luyện với dàn nhạc đẳng cấp châu lục như vậy là một bước tiếp theo để Dung thật sự học hỏi và tiến bộ mỗi ngày.

Và cuối tháng 9, trước đêm diễn 1 tuần, Dung trở lại tập giai đoạn hoàn chỉnh và chạy chương trình với dàn nhạc. Các nghệ sĩ Đăng Dương và Tùng Dương đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp với bạn ấy, một lần nữa Dung lại có thêm rất nhiều cơ hội để học hỏi và tiến bộ.

Song song với các giai đoạn tập luyện kể trên, trong suốt ba tháng trước ngày biểu diễn, Dung đã luôn có sự kèm cặp của các giảng viên thanh nhạc, cô ấy cũng theo học drum set với nghệ sĩ Hà Đình Huy, theo học chỉ huy với anh Đại Dương Trần, học piano, học...

Với tình yêu âm nhạc, với ước mơ lớn, với nghị lực của người miền Trung, với sự dũng cảm của tuổi trẻ, với sự khiêm hạ của một người có Đạo..., cô ấy đã biết dành quãng đời đẹp nhất của mình để làm những điều ý nghĩa, những điều thiêng liêng.

Chúc mừng em nhé Phạm Thùy Dung!

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.