You are here

Trường tiểu học Kẻ Sặt, Bình Giang, Hải Dương tổ chức tốt hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh

Tác giả: 
Nhữ Đình Thạo

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, nhằm tăng cường các hoạt động thực hành, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tăng kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, hình thành nhân cách của học sinh tiểu học, ngày 4/10/2017 Trường Tiểu học Kẻ Sặt, Bình Giang, Hải Dương đã tiến hành tổ chức buổi học tập, trải nghiệm sáng tạo cho các em học sinh tại làng nghề lược tre (xã Thái Học, Bình Giang).

Đây là buổi trải nghiệm sáng tạo đầu tiên của năm học nên thành phần tham dự của đoàn tương đối đông đủ: có các thầy cô giáo là cán bộ, giáo viên và đại diện học sinh của trường; đặc biệt nhà trường còn vận động sự tham gia nhiệt tình của các bậc phụ huynh học sinh.

Thật hạnh phúc và may mắn cho đoàn, buổi học tập trải nghiệm hôm đó đúng vào ngày bà con làng nghề tổ chức lễ hội Tết Trung thu. Khi đoàn vừa bước chân xuống xe ô tô, đã được ông Trưởng thôn niềm nở đón chào. Sau khi nghe đoàn báo cáo về mục đích buổi trải nghiệm sáng tạo, ông Trưởng thôn vui vẻ đồng ý và cho phép các em học sinh trong đoàn được tham gia vào những trò chơi dân gian cùng với thanh thiếu niên làng nghề.


Học sinh tham gia trò chơi "Bịt mắt đánh trống"


Học sinh tham gia trò chơi "Ném bóng vào chậu"

     Học sinh trong đoàn hăng hái tham gia vào các hoạt động vui chơi, như quên hết mọi mệt nhọc trong công việc học tập trên lớp hàng ngày. Cả đoàn hoà vào dòng người đi xem hội. Đến trò chơi "Bắt vịt dưới nước", mọi vất vả do đi xe đường xa dường như tan biến, các em học sinh hò reo cổ vũ nồng nhiệt cho các đội chơi.


Học sinh nồng nhiệt cổ vũ  trò chơi "Bắt vịt dưới nước"

Sau khi tham dự hoạt động vui chơi cùng với thanh thiếu niên làng nghề xong, các em đến thăm Nhà bia Văn chỉ Đường An. Nhà bia được đặt tại vị trí đền Thánh và chùa làng Hoạch Trạch, bia cao hơn đầu người, dưới là bệ đá vững chãi, hai mặt khắc chữ Hán. Một mặt đề: “Đường An văn chỉ bia” – ý nói mục đích dựng bia là để tôn sùng đạo Khổng, chấn hưng văn hiến. Một mặt đề: “Lịch đại tiên hiền bi” – có khắc tên 108 vị hiền tài của huyện đã được vinh danh qua các kì thi dưới triều đại phong kiến. Bằng sự dẫn dắt của hướng dẫn viên, các em đã được đối thoại, được học tập về lịch sử địa phương ngay tại thực địa. Từ đó giúp học sinh thêm yêu quý vùng đất khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều danh nhân, hiền tài cho đất nước.


Nhà bia Văn Chỉ Đường An (Được dùng làm ảnh bìa vở của học sinh và làm ảnh đại diện của Website: binhgiang.gov.vn)

Tạm biệt nhà bia, đoàn trở lại Nhà truyền thống làng nghề lược Vạc. Nơi đây hiện có khoảng 20 nghệ nhân đang miệt mài tạo ra các sản phẩm lược tre để xuất đi khắp các vùng trong cả nước. Sau khi nghe giới thiệu về các công đoạn sản xuất ra một chiếc lược tre, các em học sinh được thực hành vót tre, làm lược tre dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng nghề.


Cô và trò cùng thao tác trên sản phẩm, dưới sự hướng dẫn của các Nghệ nhân làng nghề.


Nềm vui của thành viên trong đoàn khi tự mình hoàn thiện sản phẩm

          Để giúp các em hiểu được nguồn gốc của nghề sản xuất lược tre và những công lao to lớn của bậc tiền nhân đã mang nghề về truyền dạy cho nhân dân, đoàn chúng tôi đến thăm Đền thờ Ông tổ làng nghề. Nằm trên địa thế: "Toạ sơn, hướng thuỷ" – ngôi đền linh thiêng hiện ra trước mắt chúng tôi. Trước đền là dòng sông trong xanh hiền hoà uốn lượn, một cây cầu nhỏ thơ mộng bắc ngang sông tạo lối đi vào cổng đền, xa xa là cánh đồng rộng mênh mông. Cả đoàn cùng đứng dưới gốc cây đại thụ để tận hưởng không khí mát mẻ, tĩnh mịch nhưng rất trang nghiêm. Nơi đây thật xứng đáng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngồi trong ba gian nhà Tiền tế của ngôi đền, các em học sinh được nghe giảng về sự hình thành của nghề lược tre, lồng ghép vào đó là những câu hỏi về lịch sử, địa lí địa phương. Sự khéo léo của giáo viên đã dẫn dắt học sinh đến với bài học rất gần gũi thực tế đời thường. Qua đó giúp các em hiểu rõ hơn về Lịch sử và địa lí của quê hương và thêm yêu quý quê hương đất nước.


Thầy-trò cùng đàm thoại về lịch sử - địa lí  địa phương.

Về với làng nghề Lược tre, thật là tiếc nuối nếu như chúng ta không đến thăm Khu lưu niệm nhạc sĩ Đỗ Nhuận – tác giả của những bản hùng ca bất hủ Giải phóng Điện Biên, Du kích sông Thao và ca khúc trữ tình nổi tiếng Việt Nam quê hương tôi... Từ Nhà truyền thống làng nghề lược Vạc, đi bộ khoảng 200m đoàn đã đến Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Vừa đặt chân đến cổng, đoàn đã được sự đón tiếp nồng hậu của gia đình nhạc sĩ. Các em học sinh vui và tự hào khôn tả khi được trở về với mảnh vườn, khu đất đã sản sinh ra vị nhạc sĩ tài hoa.


Các em thăm Khu lưu niệm Nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Tại Khu lưu niệm, các em đang nghe giới thiệu về những kỉ vật quý giá, những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng vị nhạc sĩ, Tổng thư kí đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các em được tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời những tác phẩm âm nhạc sống mãi với thời gian và thầy trò cùng hát vang bài hát mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác.


Các em nghe giới thiệu về những kỉ vật của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.


Học Sinh  cùng hát vang bản hùng ca bất hủ: "Giải phóng Điện Biên" (sáng tác Đỗ Nhuận)

Đoàn chúng tôi tiếp tục đi đến thắp hương tại lăng mộ của nhạc sĩ Nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Nhờ người nhà giới thiệu mà đoàn mới được biết, nằm yên nghỉ cạnh nhạc sĩ là bà Nguyễn Thị Túc – vợ nhạc sĩ - em gái nhà văn Nguyên Hồng – mẹ của PGS, TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.


Các thầy cô giáo lãnh đạo đoàn đang thắp hương tại lăng mộ nhạc sĩ Đỗ Nhuận


Trường Tiểu học Kẻ Sặt tiếp nhận tài liệu phục vụ công tác dạy học, do
PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân-Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng.

Chiều cùng ngày, đoàn trở về trường trong không khí vui vẻ, phấn khởi của các thành viên. Phát biểu cảm tưởng của mình về buổi trải nghiệm sáng tạo, em Vũ Dương Hà – học sinh lớp 5A nói: "Em rất vui khi được tham dự buổi trải nghiệm sáng tạo này, qua buổi học em thấy yêu quý hơn mảnh đất và con người Bình Giang. Em hứa sẽ phấn đấu học tập tốt, vâng lời bố mẹ thầy cô, để mai sau lớn lên dựng xây quê hương Bình Giang, xứng đáng với vùng quê có nhiều làng nghề cổ truyền, một vùng quê giàu truyền thống khoa bảng - nơi có làng Mộ Trạch được mệnh danh là Lò Tiến sĩ xứ Đông".

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.