You are here

Tư liệu âm nhạc: Bài tình ca mùa giáng sinh đầu tiên

Nhớ tới đêm đầy ánh sáng

Hương trong gió tràn mênh mang

Giây phút như ngừng thôi rơi

Tiếng kinh muôn lời

Bài tình ca mùa Giáng sinh đầu tiên của tân nhạc Việt Nam mà không phải nói về Thiên chúa hay các câu chuyện liên quan Kinh thánh có lẽ là Giáo đường im bóng (1938) của Nguyễn Thiện Tơ, với lời của Phi Tâm Yến, một người bạn cùng ở Hà Nội.

Năm ấy chàng trai Thiện Tơ mới 17 tuổi, quen nàng Hà Tiên 16 tuổi, lúc ấy nàng đi lễ ở nhà thờ chính tòa Nam Định. Nhưng nàng con nhà xứ đạo, mà chàng bên lương, lại dân chơi đàn, nên gia đình nhà nàng chưa ưng thuận ngay... Mà hình như đâu chỉ có chàng, còn có những soái ca khác, như Lê Thương, đàn anh của Thiện Tơ, người sau này viết một ca khúc có tên "Nàng Hà Tiên"... nghe đồn là để tặng nàng.

Thế rồi một thời gian, nàng đã về với chàng, và sống bên nhau tận lúc đầu bạc răng long. Gia đình đông con, ông bà đã bên nhau chăm sóc tổ ấm cho đến lúc bà khuất bóng năm 2016.

Hiện nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ vẫn sống ở ngôi nhà 22 Mai Hắc Đế, Hà Nội, ngày xưa là nơi ông dạy đàn thời những năm 1940. Ông chính là người thầy của nhiều nhạc sĩ tài danh, trong đó có Đoàn Chuẩn, người đã học đàn guitar Hawaii với ông một thời gian vào năm 1944.

Nguyễn Thiện Tơ vào những năm 1949-1953 đã tham gia Ban Việt Nhạc của đài phát thanh Hà Nội. Những năm này ông sáng tác nhiều ca khúc trữ tình như Qua bến năm xưa, Tiếng trúc bên sông, Nhắn gió chiều, Tiếng hát biên thùy (chung với Hoàng Giác)... Sau khi Hà Nội được tiếp quản 1954, ông tiếp tục sáng tác một số ca khúc ca ngợi đời sống mới, sau đó ông chuyển hẳn sang chơi nhạc trong dàn nhạc Hãng phim truyện Việt Nam.

Hầu như các con ông đều theo nghề chơi nhạc.

Nguyễn Thiện Tơ có một vị trí khá liên quan đến nhiều người làm nhạc hồi giữa những năm 1940 đến thập niên 1950. Ông dạy đàn cho nhiều nhạc sĩ khác như Đoàn Chuẩn (năm 1944), tham gia đài phát thanh (Ban Việt Nhạc 1949-1953), xưởng phim, tham gia chơi nhạc cho bộ phim điện ảnh cách mạng đầu tiên - Chung một dòng sông (1959)...

Cuộc sống của các nghệ sĩ nói chung giản dị và như Nguyễn Thiện Tơ, ông chọn cuộc sống bình lặng, và bản thân ông cũng khiêm tốn khi nói mình chỉ làm nhạc là chủ yếu, lời ca cũng phải nhờ những người bạn hoàn thiện như Phi Tâm Yến, Trịnh Kính, hoặc kết hợp với Hoàng Giác... Phi Tâm Yến là bút danh của một văn sĩ thời 1940 cùng với những người như Trần Nhân Cư, Trần Hồi mà Tô Hoài còn nhớ họ vốn sống nhờ đồng lương còm của chức ký ga hay như Trần Hồi ký là J. Lệ Thủy kỳ thực sống nhờ phản thịt lợn của vợ ở chợ Hôm (trong bài về Trúc Đường, anh trai Nguyễn Bính trong tập Những gương mặt). J. Lệ Thủy là người viết lời cho một số ca khúc của Doãn Mẫn. Còn Phi Tâm Yến viết cả lời cho một tình khúc nổi tiếng của Doãn Mẫn là Biệt ly. Số phận các tác giả phần lời ca cho đến nay thường ít được biết và họ gần như vô danh hoặc hiện hữu như một cái tên nào đó không liên quan đến tên thật. Trong khi đó, ảnh hưởng của tân nhạc qua lời ca là rất quan trọng.

Một vài thông tin về Phi Tâm Yến, người viết lời cho một số bài hát của Doãn Mẫn và Nguyễn Thiện Tơ: tên thật là Nguyễn Văn Táy, sinh khoảng 1920 ở Hưng Yên, mất ở quê khoảng thập niên 1970, từng làm việc ở Bưu điện, từng viết thơ đăng báo Vịt Đực năm 1939. Ông cũng viết vài mẩu truyện nhân vật bằng thơ như về Schubert.

Bản thu Giáo đường im bóng có lẽ được phổ biến nhất qua giọng ca Thái Thanh và Khánh Ly. Trong khi Thái Thanh gây ấn tượng về chất liệu bán cổ điển của những bài hát trữ tình thì Khánh Ly lại hát bằng tâm thế một con chiên. Bài hát qua năm tháng vẫn gợi một không khí miền Bắc Việt Nam mùa Giáng sinh có mưa phùn gió bấc với "hồn thánh thót mưa dầm, buồn với âm thầm"...

Nghe bản thu của Thái Thanh tại đây:

Bản thu của Khánh Ly:

(Nguồn: FB Một thời Hà Nội hát)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.