You are here

Tuồng cổ về đâu?

Tác giả: 
Trung Hiếu - Đại Lâm

Hình như sự hào hùng, bi ai, tráng lệ của các vở Tuồng hay nói đúng hơn của nghệ thuật Tuồng đã trở nên não nề, buồn thảm, “lấy đi quá nhiều sức" của cả người diễn lẫn người xem trong thời buổi 4.0, khi mà con người ta dành thời gian để buồn hay vui cùng những cái “like”, những khuôn mặt khóc - cười trong dòng comment (bình luận) trên Facebook.

Một nghệ thuật độc đáo, đặc sắc và thấm đẫm tính văn hóa của người Việt Nam, có bề dày hàng nghìn năm biểu cảm cùng dân tộc, sẽ về đâu trong kỷ nguyên số?

1. Đúng 18 giờ 30 phút tối, ở cửa ngách của sân khấu - Nhà hát Tuồng Việt Nam, NSND Minh Gái dắt xe vào và bắt đầu ngồi vào bàn trang điểm để hoá thân thành Nguyệt Cô. Mê tuồng, chúng tôi đã xem không biết chán nhiều vở diễn do bà thủ vai chính, như vở “Huyền Trân công chúa”, “Đô đốc Bùi Thị Xuân”, “Không còn đường nào khác”...

Tuy nhiên, ấn tượng nhất với tôi, đó là vai diễn trong trường đoạn “Nguyệt Cô hoá cáo” của bà. Một vở tuồng cổ có tích truyện hay được diễn xuất bởi một nghệ sĩ lão luyện, đem lại những xúc cảm đặc biệt. Với hơn 30 năm gắn bó với môn nghệ thuật tuồng, bà là người có khả năng hoá thân, nhập thần khi diễn vào hàng bậc nhất trong làng nghệ thuật trình diễn nghệ thuật dân gian và cổ truyền Việt Nam.

Sân khấu im phăng phắc, dõi theo  từng cái liếc mắt, nắm tay, duỗi tay, cào cấu hay cái hất tóc, ánh mắt đau đớn hoảng loạn, cho tới cương quyết, hận thù… của NSND Minh Gái. Bà đã diễn có thần tới mức cảm tưởng như người xem xỉu xuống, thương cảm khóc nức nở hay trào dâng cảm xúc mãnh liệt. Có một giai thoại thú vị về bà khi diễn “Nguyệt Cô hoá cáo”.

Trong mỗi buổi diễn có lãnh đạo cấp cao của Nhà nước dự khán, khi kịch hạ màn, bà ra chào nhưng vị lãnh đạo không nhận ra người vừa diễn trên sân khấu nên nói: "Đây không phải cô ấy, cô ấy trông mạnh mẽ và tinh tế hơn cô này". Đó vừa là một lời phủ định nhưng với nghệ sĩ đó là một khen “không để đâu cho hết". Sự hoá thân vào vai diễn là tài năng và “sự nghề” cao nhất mà nghệ sĩ nào cũng mong đạt tới.

Chia sẻ những vất vả của nghề diễn tuồng, bà nói: “Tập tuồng rất vất vả, vừa múa, vừa hát, vừa phải đánh võ. Thêm nữa, trước mỗi buổi tập hay buổi diễn, nghệ sỹ phải đeo lên mình bộ áo giáp nặng nề để thực hiện các động tác võ thuật, bay đỡ. Trầy trật chân tay là chuyện bình thường. Đặc biệt, là phụ nữ như tôi càng mệt hơn. Cho đến tuổi này, tôi vẫn đang tập luyện và biểu diễn thường xuyên”.

Các trường đoạn trong vở tuồng cổ.

2. Tuồng xuất phát từ Trung Quốc, giao thoa và tiếp biến với văn hoá Việt từ thế kỷ 10 và đạt tới sự cực thịnh trong thế kỷ 15 thời nhà Trần. Từ những người hàng binh biết múa hát, diễn Kinh kịch của Trung Quốc, nhà Trần - đặc biệt là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã cho tổ chức học hát, diễn các tích truyện và biểu diễn thường xuyên trong vương triều.

Đó là những khởi thuỷ đầu tiên của tuồng Việt Nam. Sự giao thoa, tiếp biến của nền văn hoá thuần hậu dân dã Việt Nam và Nho giáo với chủ nghĩa trung quân, là nét đặc trưng nhất của tuồng Việt.

Nhận xét về sự khác biệt của tuồng “ta” so với kịch hát Trung Quốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Thắng nói: “Tuồng của người Việt diễn ra đậm chất tự sự Á Đông. Tích truyện được diễn giải trình tự, kể truyện theo diễn tiến lối nhân - quả. Các tích truyện luôn đề cập tới trung quân, chủ nghĩa anh hùng, tính mã thượng… đậm chất Nho giáo.

Các nhân vật của tuồng được khái quát hoá cao, từ ngoại hình, phục sức, tới tính cách điển hình. Đó là một nét đặc trưng rất "ước lệ bác học” mà sân khấu cũng như văn học của phương Đông sáng tạo ra. Tuồng hoá trang làm triệt tiêu toàn bộ cá tính biểu cảm trên khuôn mặt nghệ sĩ. Do đó sự biểu cảm bằng tạo hình có tính quy ước tổng hợp về các tầng lớp phân biệt trong một xã hội đề cao tính “quân chủ nho giáo” và “Khổng giáo”.

Khi tuồng vào Việt Nam, giao thoa và tiếp biến với văn hóa, kịch nghệ dân gian, chính sự "dân dã” thuần Việt đã tạo ra rất nhiều các giai tầng nhân vật thêm trong các tích tuồng. Ngoài các nhân vật như võ tướng, trung tướng, gian tướng, võ nữ, các nhân vật như nô (phục dịch), lão (ông lão), hề hay các nhân cách hoá của linh thú, cây, hoa… nó cũng đẩy tính ước lệ về sân khấu lên một hướng khác với Kinh kịch của Trung Quốc.

Tuồng ngấm vào dân dã đời sống bằng tính đơn giản của khung cảnh, trang trí dễ dựng sân khấu, dễ diễn, dùng nhiều các đạo cụ cá nhân như thương roi, lông mũ mão để khái quát tính ước lệ về khung cảnh diễn ra tích truyện tuồng”.

Vẫn theo ông Thắng, xem một vở tuồng cổ của Việt Nam, sự liên tưởng hay tưởng tượng của khán giả thường bị kích thích cao độ. Với lối diễn “thổ tận can tràng" với nộ khí, lối hát, tiếng vang rộng, chói loá cùng với hành động diễn mạnh mẽ, xem tuồng là một sự khoái hoạt mạnh mẽ đẩy cảm xúc cuốn hút. Nghệ thuật tuồng Việt ít uốn éo, ít có màn vui nhộn mà có khai thác nhiều yếu tố mạnh bạo, kịch tính của các mâu thuẫn để tạo nên thần thái trong diễn xuất.

Tuồng Việt là một chiều cạnh khác của một đời sống bình dị nông nghiệp thuần hậu của người Việt. Tính chất kể chuyện theo lối chương hồi của tuồng Việt cũng là một nét rất đặc biệt. Thường thì vở tuồng Việt có 3 phần. Phần một, giao đãi giới thiệu về các nhân vật, bối cảnh thường là yên bình, trị vì của một thể chế thiết triều. Phần hai, kịch tính xung đột và các mâu thuẫn được tạo ra giữa bên “chính nghĩa” và “ngụy tà”. Các yếu tố tiếm quyền thể chế, phản bội, âm mưu xung đột cá nhân… làm tiền đề cho thay đổi cục diện câu chuyện được khai thác mạnh.

Thường là sự đi xuống yếm thế của phe chính nghĩa. Phần ba, cao trào thay đổi nhanh mạnh, tuyến vai “chính nghĩa” thắng “ngụy tà”, làm thay đổi toàn bộ diễn cảnh và câu chuyện cho tới kêtë thúc mang lại thắng lợi hoặc đoàn viên, hào hùng thắng thế.

Với các lớp diễn khái quát như vậy, tuồng Việt đưa tới các tích truyện, các câu chuyện mà hầu như người xem đều thuộc, đều biết tới hồi kết thúc. Nhưng sự cuốn hút của nó lại chính là các “miếng diễn” của người nghệ sĩ, cái cuốn hút là các xung đột do nghệ sĩ mang lại trong diễn xuất.

Thành thử việc xem đi xem lại một vở tuồng vẫn thấy rất thú vị. Giọng tuồng thì mạnh âm hưởng cao chói và đầy năng lượng kịch tính. Xem tuồng cùng với tính âm nhạc mạnh của tiếng thanh la não bạt hay trống trận gây nên khoái cảm mạnh mẽ, cuốn hút đầy năng lượng.

“Người phương Tây xem tuồng của châu Á thì không hiểu, mặc dù chủ đạo kết cấu là múa hát giống Kinh kịch, có chương hồi tích truyện. Cái “thần” biểu cảm của tuồng, giá trị của tính chính kịch hay bi kịch, có hàm lượng biểu cảm cao… khó "thẩm thấu" bởi tuồng chứa đựng các giá trị phổ quát của một xã hội quân chủ với tinh thần Nho giáo và Khổng giáo trong nó. Cái “thần” náo loạn đầy tràn năng lượng của tuồng, sẽ là rối loạn mang tính kích động điên loạn nếu không thưởng thức được nó” – Ông Thắng cho biết thêm.

Được biết, tuồng Việt phát triển mạnh và lên tới đỉnh cao vào thế kỷ . Có rất nhiều gánh hát tuồng, hát bội miền Trung (đặc biệt là vùng Quảng Nam, Bình Định) đã lưu diễn khắp Bắc, Trung, Nam Kỳ, được lưu truyền trong lịch sử.

Do thời cuộc, dần dần tuồng Việt phải loại bỏ nhiều yếu tố, khi đề cập tới nhiều các tích truyện mang tính chính - tà, chiến đấu phản kháng… vì bị cho là kích động chống chính quyền thuộc địa Pháp cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.

Cho tới tận giữa thế kỷ 20, tuồng bị đánh giá là xấu, là tàn dư hủ lậu của phong kiến. Phải tới năm 1960, khi mà tuồng được Chủ Tịch Hồ Chí Minh coi như là di sản nghệ thuật của dân tộc, thì môn nghệ thuật này mới được khôi phục. Thể hiện bằng sự kiện ra đời của Nhà hát tuồng Việt Nam được duy trì cho tới nay.

Đây có lẽ là tổ chức nghệ thuật dân gian tuồng lớn nhất, mang tính chính thức của Việt Nam. Nhà hát Tuồng Việt Nam là cái nôi nuôi dưỡng, biểu diễn, truyền dạy nghề hát tuồng. Bắt nguồn từ các thế hệ diễn viên gạo cội hay nghệ nhân dân gian như: NSND Nguyễn Nho Túy (Đội Tảo), NSND Phạm Chương, NSND Nguyễn Phẩm, NSND Sáu Lai, NSND Mẫn Thu, NSND Đàm Liên, NSND Minh Gái, NSƯT Hương Thơm, NSƯT Hán Văn Tình…

Cùng với đó, các gánh hát bội, hát tuồng đã dần mai một, thay thế vào đó các nhà hát được Nhà nước thành lập, như Nhà hát Tuồng Việt Nam; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, Nhà hát Tuồng Đào Tấn; Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa, Đoàn Tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa...

3. "Vì nghề mà chúng tôi giữ thôi, chứ giờ không ai xem tuồng, hình như nó não nề, bi hùng quá khách không muốn xem chính kịch" – NSND Minh Gái buồn rầu thừa nhận. Hiện nay, hoạt động diễn xuất các bộ môn nghệ thuật dân gian, trong đó có tuồng lâm vào cảnh “chợ chiều” buồn tẻ vì không có khách xem.

Nhà nghiên cứu Tường Vân nhận xét: “Hình như thời đại ngày nay người ta không còn thấy tuồng hợp với thưởng thức nữa, không còn thấy cái vẻ đẹp "vật vã” từ những tiếng thét xé lòng người hay không thấy những “giọng xuân”, “giọng ai” là hay nữa. Thời đại này đã quá căng thẳng bởi nhịp sống căng tột cùng, nên có lẽ tuồng là một nghệ thuật quá “căng” với họ.

Nhận định của ông đã nêu bật ra đặc tính của tuồng mà không loại hình biểu diễn dân gian nào có được. Tính cường điệu là một trong những thủ pháp nghệ thuật cũng như đặc trưng nhất của tuồng.

Nghệ sĩ Mẫn Thu cho biết: “Chúng tôi chỉ diễn với cái lông mũ, cái roi ngựa, hay cây thương trong tay với từng rung động của cử chỉ được cường điệu hoá lên. Và cái hay cái đẹp là vậy, khó lắm, diễn tinh tế lắm mới được".  

Khoa Tuồng của Trường Sân khấu Điện ảnh là nơi chính thức đào tạo diễn xuất tuồng cũng là một khoa vắng vẻ. Số lượng sinh viên tham gia học tập từ trước tới nay thì luôn ít.

Một bộ môn nghệ thuật biểu diễn hùng tráng, cao ngạo đầy tinh tế và rất bác học của dân tộc đứng trước nguy cơ trôi đi, chìm sâu vào trong các khe hẹp của hội nghề, của số ít những người yêu nó còn "sót " lại. Tuồng chỉ còn loé lên ở vài đêm diễn nhỏ, như một sự kháng cự đầy thẩm mỹ với một xã hội văn hoá truyền thông hiện hữu ở các màn hình nhỏ có tên là smart phone.

Cũng chỉ còn biết hy vọng vào "mệnh " của tuồng như một ước vọng gìn giữ di sản văn hoá dân tộc. Chỉ mong tuồng không chỉ là một di sản trong bảo tàng, bởi vì nghệ thuật biểu diễn tuồng cần sân khấu, ánh đèn và hơn cả là cần khán giả khóc cười nức nở cùng tuồng - đó chính là cái “thần” “cái mệnh” để giữ tuồng lại với văn hoá Việt Nam.

(Nguồn: http://antg.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.