You are here

Tuyển tập ca khúc “Đất mỏ anh hùng”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Để giáo dục truyền thống văn hóa, lan tỏa tinh thần Kỷ luật – Đồng tâm của thợ mỏ ngành Than – Khoáng sản Việt Nam và tri ân các nhạc sĩ đã đồng hành cùng các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Than – Khoáng sản Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà Xuất bản Văn học cùng Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức biên tập và xuất bản tuyển tập ca khúc “Đất mỏ anh hùng” ra mắt vào quý I năm 2021.

Cuốn sách mong muốn giới thiệu đến đông đảo công chúng yêu nhạc và độc giả biết đến vẻ đẹp, niềm tự hào của đất mỏ bằng những ca khúc đã đi cùng năm tháng, đồng thời góp phần định danh thêm một lần nữa vùng văn hóa than biển Quảng Ninh nói chung, của ngành Than – Khoáng sản nói riêng với các tác phẩm âm nhạc giầu cảm xúc, sâu lắng.

Ngay từ bài hát đầu tiên “Đất mỏ anh hùng” được nhạc sĩ Xuân Giao viết năm 1964 của thế kỷ trước và tiếp theo là hàng trăm tác phẩm được ra đời ở những thời điểm khác nhau với nhiều thể loại từ ca khúc đến hợp xướng, giao hưởng… Mỗi tác phẩm chứa đựng những trang lịch sử bằng âm thanh, ghi lại quá trình xây dựng và phát triển ngành Than – Khoáng sản, của những người thợ mỏ, là di sản văn hóa phi vật thể vô giá của ngành Than mà trường ca “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân, “Bài ca công nhân vùng mỏ” của Đỗ Nhuận, “Bài ca người thợ lò” của Hoàng Hiệp, “Bài ca những người thợ mỏ”, “Những ngôi sao ca đêm” của Phạm Tuyên, “Bài ca tự hào” của Văn Dung, “Bên dòng suối than” của Trần Kiết Tường, “Buổi tối, chuyện một căn nhà nhỏ” của Hồng Đăng; “Cái duyên cô gái vùng than” của Vũ Trọng Hối, “Cẩm Phả hôm nay” của Trần Chung, “Điện Biên vùng mỏ” của Trọng Bằng, “Điệp khúc quê hương” của Chu Minh, “Đường đi lên mỏ” của Tân Huyền, “Hát về đất mỏ chiến khu” của Doãn Nho; “Mùa thu trên đất mỏ” của Huy Duy, “Tiếng ca từ trong lòng đất” của Tô Hải, “Tiếng hát mỏ than” của Huy Thục; “Trên mỏ Đèo Nai em hát” của Trần Quý… như một tượng đài bằng âm thanh sinh động, đầy sức thuyết phục.

Và hàng trăm ca khúc của nhiều thế hệ nhạc sĩ đã dành tặng cho vùng mỏ và ngành Than – Khoáng sản, với những âm hưởng hùng tráng, khỏe khoắn, trong sáng, tự hào, sôi nổi như: “Âm vang bài ca Hóa chất mỏ” của Đức Trí; “Âm vang bản tình ca” nhạc: Trần Phúc Kế, thơ: Trương Công Nhàn; “Bài ca Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam” của Đặng Xuyên; “Bài ca hóa chất mỏ Tây Bắc” của Phùng Chiến; “Chúng tôi, công nhân Khoáng sản” của Xuân Chung; “Đảng là mùa xuân người thợ” của Đỗ Hòa An; “Hành khúc kỷ niệm vùng than” của Nguyễn Đức Nhuận; “Khúc ca Mạo Khê” của Thanh Đạm; “Lung linh tuyển than” của Vũ Thiết…; rộn ràng, sôi nổi như “Em tuyển than”, “Những chàng trai Nam Mẫu” của Đỗ Hồng Quân; “Hò biển” của Nguyễn Cường; “Vào ca với vùng than” của Quý Điền…; trẻ khỏe, khoan thai như: “Hành khúc người đi thắp sáng bình minh” nhạc: Cát Vận, thơ: Nguyễn Tiến Ngọc; “Hát về Cửa Ông anh hùng” của Vũ Trọng Tường; “Ở vùng than chúng tôi” của Trọng Loan…; thong thả, êm đềm, tình cảm, tâm tình, thiết tha như: “Bác thương người thọ lò” của Ngọc Thanh; “Nhớ ngày Bác về Đèo Nai” của Lê Đăng Vệ; “Bài ca từ lòng đất” của Xuân Quang; “Cảng than quê em” của Trần Bá Soát; “Chiều trên cảng Hòn Gai” của Nguyễn Đình San; “Cọc Sáu anh hùng” của Nguyễn Tiến; “Cờ Đảng bay trên núi Bài Thơ” của Thế Bảo; “Tình yêu vùng than” của Vũ Ngọc Quang…; tự do, xúc động với “Khát vọng vùng than” của Xuân Nhật, “Xe tôi trên tầng” của La Thăng…; vui tươi, dí dỏm, duyên dáng như: “Máy xúc khen ngon” của Bùi Quốc Hội; “Những cánh mai trên khai trường” của Thập Nhất…; hành khúc tự hào với “Viện khoa học Công nghệ mỏ” của Lê Nguyên Thêm…

Qua hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, âm nhạc có tác dụng to lớn trong việc kêu gọi, động viên đồng bào chiến sĩ đứng lên chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Trong hòa bình và xây dựng đất nước, âm nhạc đã khơi thông dòng chảy, tạo động lực thúc đẩy mọi ngành nghề phát triển, đưa đất nước ngày một tiến lên. Và trong muôn mặt của đời sống, hình tượng “Người thọ mỏ” là đề tài hấp dẫn, thu hút sức sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều thế hệ các nhạc sĩ.

Âm nhạc thật diệu kỳ… thông qua giai điệu và lời ca mà các nhạc sĩ đã sáng tác nên, những ngành nghề gắn liền với người thợ mỏ vốn khô cứng, thô ráp bỗng trở nên trữ tình, lãng mạn, hùng tráng và bay bổng. Tuyển tập ca khúc “Đất mỏ anh hùng” thêm một lần nữa khẳng định giá trị to lớn về sự đồng hành của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam với lịch sử phát triển của đất nước và tình cảm của giới văn nghệ sĩ dành cho người thợ mỏ. Đây là cuốn biên niên sử bằng âm thanh về ngành Than có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.

Ngành Than Việt Nam đã có lịch sử 180 năm, kể từ ngày Vua Minh Mạng ban chỉ dụ cho phép khai thác than tại Yên Lãng, Yên Thọ, Đông Triều, Quảng Ninh. Với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”, khởi đầu là cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 của hơn ba vạn thợ mỏ giành thắng lợi, đã trở thành kim chỉ nam hành động xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển ngành Than – Khoáng sản Việt Nam và đã trở thành truyền thống quý báu, là tài sản văn hóa tinh thần vô giá của công nhân vùng mỏ.

Dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành than là việc thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam ngày 10/10/1994 với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Với chiến lược kinh doanh phù hợp từng thời kỳ, Tổng Công Than Việt trước đây và nay là Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng Tập đoàn phát triển như ngày hôm nay.

Mảnh đất than biển Quảng Ninh luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ cả nước. Đặc biệt là âm nhạc, các ca khúc đã đi cùng năm tháng.

180 ca khúc trong tuyển tập chưa hẳn đã đề cập hết các ca khúc mà các nhạc sĩ chuyên và không chuyên đã sáng tác về vùng đất mỏ và ngành Than – Khoáng sản Việt Nam, song đây sẽ là món quà quý giá nhằm lưu giữ những trang sử hào hùng bằng các tác phẩm âm nhạc, đồng thời khẳng định vai trò của những người thợ mỏ và ngành Than – Khoáng sản Việt Nam luôn thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao trong sự nghiệp cách mạng bảo vệ Tổ quốc, cũng như trên con đường đổi mới, hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.