You are here

Vài suy nghĩ về phức điệu trong âm nhạc Cổ điển và Lãng mạn

Tác giả: 
Đặng Hữu Phúc

Để giải các bài toán hình học phẳng, ta phải chấp nhận tiên đề Euclid, tiên đề Euclid đúng trong hình học phẳng, không đúng trong hình học không gian.

Âm nhạc cổ điển châu Âu, nếu tính từ đầu thế kỷ XVIII (1700) tới đầu thế kỷ XX (1900) xây dựng trên cơ sở gam trưởng (dur) và gam thứ (moll).

Ta có thể coi nó tương tự như một tiên đề, tất cả các nhạc sĩ cổ điển chấp nhận tiên đề này và các tác phẩm của họ đều có cùng 1 nền tảng chung.

Lịch sử âm nhạc Cổ điển là lịch sử phát triển từ đơn giản đến phức tạp (về khúc thức, hoà thanh, phức điệu) trên cơ sở tiên đề này. Tất nhiên khi nó đã phát triển đến đỉnh thì nó sẽ phải có lối rẽ mới, phủ định những kỹ thuật đã dần trở nên nhàm chán.Theo tôi thì cho đến Tchaikovsky, là đỉnh, sau đó còn trường phái Hậu lãng mạn như Rakhmaninoff, Mahler... vẫn sử dụng tiên đề từ thời Cổ điển.

Tác phẩm hay nhất thời Cổ điển và Lãng mạn, cũng đồng nghĩa với sử dụng tiên đề này một cách tài năng nhất.

Tất cả hoà thanh và phức điệu của âm nhạc Cổ điển - Lãng mạn đều xây dựng trên “tiên đề” này (gam trưởng và thứ). Vì vậy tập gam là quan trọng, nếu bạn nắm vững 24 gam trưởng và thứ, thuần tuý về mặt kỹ thuật biểu diễn, coi như bạn đã nắm được cốt lõi của nhạc Cổ điển, không có gì ngoài 24 gam trưởng và thứ (gam ở đàn piano rất nhiều như: thang âm liền bậc, rải, chromatic, quãng 3, quãng 6, quãng 8...).

Khi Debussy phát minh ra gam toàn cung, lý thuyết về hòa thanh cổ điển gần như không còn tác dụng, mất phương hướng. Phức điệu cũng chỉ còn được áp dụng theo những phương pháp cơ bản, như mô phỏng, canon, đảo ảnh, phóng to thu nhỏ chủ đề... Sự kết dính hòa thanh (cổ điển) giữa các bè cũng chỉ còn tương đối.

Về phức điệu, con người bình thường chỉ nghe được tối đa 3 bè giai điệu đi song song, các bản fugue 4 và 5 bè thì thường bè thứ 4 và 5 là bè điệp thêm (hỗ trợ thường ở quãng 3 hoặc quãng 6) cho bè khác.

Tập 1 Bình quân luật của Bach gồm:
-1 bản 2 bè
-11 bản 3 bè
-10 bản 4 bè
-2 bản 5 bè

Tập 2 Bình quân luật gồm:
-15 bản 3 bè
-9 bản 4 bè

Tổng cộng có 28 bản 3 bè và 19 bản 4 bè trong 48 bản của 2 tập Bình quân luật của Bach.

So sánh Bình quân luật viết cho đàn phím, với các tác phẩm Bach viết cho violon solo (3 sonate, 3 partita) và violoncelle solo (6 suite), ta thấy:

-Viết cho đàn phím: có thể chơi được cả hai tay với tất cả 10 ngón,
âm vực đàn phím so với đàn violon và violoncelle rộng hơn, thời Bach có lẽ chỉ bốn quãng 8, nên không gian tự do hơn, rất phong phú, nhiều không gian để sáng tạo.

-Viết cho violon và violoncelle: chỉ được chơi với 4 ngón của tay trái (violoncelle đôi khi thêm ngón cái để chặn dây), âm vực rất hẹp, thường chỉ ba quãng 8, nên không gian rất hạn chế cho người sáng tác.

Đúng ra các loại đàn dây là nhạc cụ hoà tấu hơn là độc tấu, chơi hai bè trở lên là cả một vấn đề lớn với người biểu diễn.

Với hai tập Bình quân luật, Bach đặt ra luật chơi cho ít nhất 200 năm của âm nhạc Cổ điển, và cho tới tận bây giờ - khoảng 300 năm (1700-2000). Fugue của Bach với nhiều niêm luật khắt khe, giống như luật để làm thơ Đường, từng chữ từng câu đều được quy định rõ ràng, đều phải đối với nhau về vần, về nghĩa vv...

Người sáng tác phải nắm rất vững quy luật, đến lúc nó trở thành tự nhiên, không còn làm vướng víu gì nữa, cảm thấy trong quy luật đó mình được hoàn toàn tự do, lúc đấy mới có thể viết được những bản Fugue như Bach.

Bây giờ để viết Fugue, để làm thơ Đường, thực là khó với nhạc sĩ, với nhà thơ. Họ cảm thấy bị gò bó. Nhưng không theo các quy luật ngặt nghèo đó thì cũng không còn gọi là Fugue nữa, không còn gọi là thơ Đường nữa. Đời Đường đã qua rồi...

Các nhạc sĩ thời Xô Viết đều viết Fugue, có lẽ để rèn luyện kỹ năng sáng tác là nhiều hơn, như Shotstakovich viết tập 24 Prelude và Fugue (có thể gọi đây là tập 3 Bình quân luật). Khasaturian viết tập 7 bản Recitatif và Fugue. Shchedrin cũng viết tập 24 Prelude và Fugue và tập The polyphonic book 25 bản, v.v.

Phức điệu của Bach dù viết cho 2-5 bè, thì các bè vẫn hòa hợp với nhau, lúc bè này nổi lên thì bè khác trở thành bè phụ họa, hoặc đệm. Các bè thay phiên nhau lúc là chính lúc là phụ nhưng vẫn hài hòa trong một tổng thể. Phức điệu của Shostakovich tập 24 Prelude và Fugue cũng tiếp nối truyền thống này từ Bach.

Còn một thứ phức điệu khác, ít được dùng hơn, là các bè tương phản hoàn toàn với nhau, nó thường gắn với âm nhạc có tiêu đề (nội dung văn học).

Sau đây là một vài ví dụ tiêu biểu:

1/ Symphonie Fantastique của Berlioz: chương II Un Bal - chủ đề leitmotif xuất hiện (như nhân vật chính) đi với chủ đề điệu valse; chương III Cảnh trên cánh đồng cũng có đoạn phức điệu tương phản cùng chủ đề leitmotif. Không biết có phải Berlioz là người đầu tiên sử dụng kiểu phức điệu này không?

2/ Những bức tranh triển lãm của Mousorgsky: Hai người Do Thái, một giàu một nghèo đã lồng hai chủ đề - ở bè trên là người nghèo van xin và ở bè trầm là người giàu oai vệ, đe dọa - một kiểu phức điệu tương phản đúng nghĩa.
3/ Petruska của Stravinsky: đoạn valse, bè flute là giai điệu tả cô vũ nữ ballet, bè cor Ingland đi giai điệu tả anh chàng người Maure.

Bài viết này hoàn toàn 100% là ý kiến riêng của tôi. Hoàn toàn không tham khảo bất cứ sách vở nào. Mong nhận được sự phản biện của các nhà lý luận âm nhạc, nhưng cũng trên tinh thần là không sao chép từ bất cứ sách vở nào có sẵn, cả trong nước và ngoài nước.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.