You are here

Vài ý kiến cá nhân về thực trạng của đời sống âm nhạc nước nhà

Tác giả: 
Tạ Minh Tâm

Tham luận Đại hội X Hội Nhạc sĩ VN

Mảnh đất dành cho hoạt động âm nhạc ởTP HCM và các trung tâm nghệ thuật khác trong cả nước đã và đang chia thành hai “vùng lãnh thổ” riêng biệt, đó là “tòa lâu đài” của những người làm âm nhạc thuần túy và phần lãnh thổ bao la còn lại dành cho những người kinh doanh âm nhạc. Trong tòa lâu đài sang trọng cổng cao tường kín (thỉnh thoảng mới có người ghé tham quan) của mình, những người làm âm nhạc theo hướng hàn lâm (chủ yếu là các nhạc sĩ, nghệ sĩ, đội ngũ nhà nghiên cứu – phê bình hoạt động chuyên sâu ở dòng nhạc kinh điển và âm nhạc truyền thống) ngày ngày dốc sức làm việc với một niềm đam mê sâu sắc và một niềm tin mãnh liệt rằng một ngày  nào đó công chúng sẽ hiểu và đón nhận âm nhạc của mình một cách nhiệt thành với một sự trân trọng tràn đầy. Hoạt động của những người làm âm nhạc hàn lâm này hầu như cứ đi theo một vòng tròn quẩn quanh bên trong khuôn viên tòa lâu đài: đi học và khổ luyện – sáng tác, thi thố, biểu diễn cho nhau nghe (cùng với một số lượng khán giả khiêm tốn chia sẻ niềm đam mê với dòng nhạc này); chia sẻ cùng nhau những công trình nghiên cứu của mình – giảng dạy lại cho thế hệ tiếp theo. Thực tế đáng buồn là những người làm âm nhạc chính chuyên như thế đều phải lao động rất cần mẫn nhưng lại nhận được những lợi ích quá nhỏ bé từ lao động nghệ thuật của mình. Chẳng hạn, để hoàn thành một bản giao hưởng thì một nhà soạn nhạc giỏi nghề đã phải ấp ủ và làm việc miệt mài suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nhưng khi viết xong thì ai trả thù lao cho anh ấy? Và để tác phẩm ấy đến với công chúng thì bản thân anh ấy phải chi bao nhiêu tiền để mời dàn nhạc, mời chỉ huy và thuê địa điểm để tổ chức biểu diễn? Hay chúng ta thử làm một bài tính đơn giản về tương quan giữa đầu tư và lợi nhuận của một nghệ sĩ opera thì sẽ thấy họ dũng cảm và hy sinh thế nào: một nghệ sĩ giỏi phải mất khoảng hai tháng để luyện tập và có thể biểu diễn thuần thục một vai chính trong một vở opera, thù lao của nghệ sĩ ấy sau hai đêm diễn chính thức chưa đến 10 triệu đồng. Mà đây đã là mức thù lao được Nhà nước hỗ trợ một phần, chứ chỉ tính riêng tiền bán vé thì nhà hát không thể nào đủ kinh phí để chi trả cho một ekip đông đảo gồm dàn nhạc, chỉ huy, đạo diễn, dàn hợp xướng, các diễn viên đơn ca và nhiều bộ phận khác nữa.

Trong khi đó, ở bên ngoài “tòa lâu đài” kia là một “trung tâm thương mại” rộng lớn luôn đông khách, địa bàn hoạt động sôi nổi của những người kinh doanh âm nhạc. Nhìn chung sản phẩm của họ có chất lượng nghệ thuật khá bình thường theo tiêu chuẩn thẩm mỹ của giới chuyên môn nhưng lại được công chúng đón nhận nồng nhiệt, thậm chí cuồng nhiệt. Các liên minh “công ty giải trí – ca sĩ ngôi sao” này, với khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường và thậm chí dẫn dắt thị trường tài tình, đã thu được những khoản lợi nhuận vô cùng lớn từ cuộc đầu tư khôn ngoan của mình: cung cấp miễn phí sản phẩm âm nhạc cho công chúng, tạo nên lực lượng người hâm mộ đông đảo và kiếm tiền nhờ quảng cáo. Chúng tôi có thể đưa ra một ví dụ điển hình: Sơn Tùng MTP là ca sĩ “thần tượng” thành công nhất Việt Nam hiện nay. Ca sĩ này mạnh tay chi khoảng 10 tỉ đồng cho một MV của mình, phục vụ hoàn toàn miễn phí cho lực lượng khán giả hâm mộ khổng lồ của mình để rồi thu lại số tiền lớn gấp nhiều lần mà trang youtube trả cho anh ta dựa trên số lượt xem của MV đó hàng tháng, cộng thêm những hợp đồng quảng cáo trị giá nhiều tỉ đồng mà các doanh nghiệp lớn trả cho anh ta chỉ với việc dành khoảng vài giờ chụp ảnh cho thương hiệu của họ. Rõ ràng nếu xét về giá trị nghệ thuật thì những ca khúc của Sơn Tùng cũng như nhiều ca khúc đang nổi tiếng ngoài thị trường hiện nay đa phần chỉ ở mức trung bình, thỉnh thoảng mới có tác phẩm ở mức khá, nhưng xét về sức thu hút, sức ảnh hưởng và lợi nhuận kinh tế thì họ đã quá thành công.

Nguyên nhân và giải pháp tự thân

Nghịch lý mà chúng tôi vừa đề cập ở trên đã tồn tại từ rất lâu và cũng đã được nêu lên không ít lần trong các buổi hội thảo và các diễn đàn như hôm nay nhưng có vẻ như chúng ta vẫn chưa nhìn thấy được chính xác nguyên nhân của nó để từ đó có giải pháp điều chỉnh phù hợp. Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng nguyên nhân của vấn đề là do cái gu thưởng thức của công chúng. Công chúng chỉ đơn giản là chọn loại âm nhạc mà họ thấy thích, giống như người ta chỉ ăn cái mà người ta thấy ngon, và loại âm nhạc mà những người làm nghề chúng ta làm ra lại là thứ không hợp tai công chúng cho nên nó bị “thất sủng”. Sự thật có hoàn toàn là vậy không? Có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi ngược về phía mình rằng “Tác phẩm của mình có thực sự hay không?” hay là “Mình đã biết cách đưa âm nhạc của mình đến với công chúng hay chưa?” bởi vì bất kỳ dòng âm nhạc nào cũng có tác phẩm hay và tác phẩm không hay và không phải nghệ sĩ tài năng nào cũng đều biết cách quảng bá tác phẩm của mình có hiệu quả

Sau quá trình tìm hiểu, khảo sát thị hiếu nghe nhạc của công chúng, chúng tôi nhận thấy rằng: công chúng không phải chỉ muốn nghe một thể loại âm nhạc nào đó hay chỉ nghe riêng một ca sĩ nào đó hát mà chỉ đơn giản là họ sẽ nghe những tác phẩm mà họ thấy hay, thấy thú vị - những tác phẩm âm nhạc có thể khiến họ rung động. Một người không phải chỉ thích mỗi một thể loại âm nhạc duy nhất, hoặc là nhạc cổ điển hoặc là nhạc nhẹ hoặc là dân ca, họ hoàn toàn có thể nghe tất cả mọi thể loại âm nhạc, miễn là nó lôi cuốn được cảm xúc của họ. Rất nhiều người trẻ không chỉ thích nhạc nhẹ mà còn thích ca khúc cách mạng nữa, thậm chí họ còn thuộc nhiều bài hát cách mạng và vẫn thường hát trong những buổi sinh hoạt văn nghệ hay những cuộc vui chơi. ỞTP HCM cũng có một bộ phận thính giả rất đam mê âm nhạc cổ điển, họ là những khán giả trung thành của các chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển ở nhà hát thành phố, ở Nhạc viện. Các thính giả này còn quy tụ thành một số câu lạc bộ yêu âm nhạc cổ điển như: Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn (Saigon Classical), Nhóm Germer. Nhóm Saigon Classical đã thành lập được hơn 15 năm và càng ngày càng hoạt động đều đặn hơn, hiệu quả hơn. Nhóm tự tổ chức những chương trình biểu diễn nhạc cổ điển hàng tháng với thành phần nghệ sĩ là các em học sinh – sinh viên Nhạc viện, tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về âm nhạc cổ điển, tổ chức chiếu những vở nhạc kịch kinh điển của thế giới kết hợp với thuyết minh, giới thiệu để người xem hiểu thêm về các tác phẩm ấy. Nhóm Germer thì mới thành lập được khoảng 3 năm và thời gian gần đây cũng đã tổ chức được một vài buổi sinh hoạt chuyên đề kết hợp biểu diễn, thu hút khá đông đảo khán giả đến xem.

Tất nhiên là thị hiếu âm nhạc của một người phụ thuộc vào nền tảng văn hóa của người đó cũng như sự ảnh hưởng từ môi trường sống, khi mặt bằng dân trí còn chưa đồng đều thì sự lựa chọn món ăn tinh thần của công chúng cũng sẽ có những khác biệt, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể đổ hết nguyên nhân của việc âm nhạc hàn lâm không được ưa chuộng về phía người nghe. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng một phần nguyên nhân là do chính chúng ta. Thứ nhất, chúng ta phải có khả năng đứng ngoài cái bản thể một người làm âm nhạc hàn lâm để đặt mình vào vị trí của công chúng rồi tự thưởng thức lại tác phẩm của mình bằng đôi tai, bằng sự cảm thụ của một thính giả bình thường để biết rằng liệu tác phẩm của mình thật sự có sức hút hay không. Chúng ta phải nghe những tác phẩm được nhiều người ưa thích để phân tích xem điều gì ở những tác phẩm đó thu hút người nghe. Qua đó có sự điều chỉnh để âm nhạc của mình gần gũi hơn với thị hiếu của công chúng. Thứ hai, chúng ta phải học hỏi cách thức quảng bá, nghệ thuật lôi kéo khán giả của những liên minh “ các nhà sản xuất – ca sĩ” đang rất thành công. Phải xác định rằng: chúng ta không thể lôi kéo công chúng nghe âm nhạc hàn lâm bằng cách cưỡng ép họ nghe mà phải làm bằng cách điều chỉnh âm nhạc hàn lâm sao cho gần gũi với công chúng. Muốn công chúng nghe âm nhạc của chúng ta thì chúng ta phải chơi loại âm nhạc mà họ thích nghe trước đã rồi giúp họ làm quen dần với âm nhạc cao cấp hơn về điều này thì mọi người có thể tham khảo sự thành công bước đầu của nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP HCM khi các bạn ấy đã dàn dựng các chương trình biểu diễn mang tính thời trang hấp dẫn mọi đối tượng công chúng bên cạnh các chương trình hàn lâm nhưng thể hiển hiện rất thời thượng. Thứ ba, trong thời đại kinh tế thị trường này, người làm âm nhạc cũng giống như tất cả mọi lĩnh vực khác, không chỉ cần biết làm tốt việc chuyên môn mà còn phải biết giải bài toán kinh tế để đảm bảo được cuộc sống và có khả năng tái sản xuất. Chúng ta phải thừa nhận sự hiệu quả trong hoạt động của mô hình liên minh “người làm âm nhạc – người kinh doanh âm nhạc” và áp dụng mô hình này để tự tìm lối ra cho mình.

Một số kiến nghị

Ca khúc cách mạng là dòng ca khúc kén khán giả thậm chí nó còn bị một số đối tượng tiêu cực quay lưng chống phá nhưng thực tế ca khúc cách mạng là  mảng âm nhạc được Đảng và Nhà nước ta sớm xác định là trọng tâm và đã có nhiều chủ trương hiệu quả trong việc khuyến khích sáng tác, biểu diễn trên cả nước. Ca khúc cách mạng hiện diện trong tất cả các chương trình nghệ thuật trọng tâm của các địa phương và được thổi vào hơi thở hiện đại của cuộc sống và hoàn cảnh mới, giúp cho các tác phẩm ấy có thêm sức sống và thu hút được khán giả thuộc thế hệ trẻ. Đặc biệt, ở các đô thị trung tâm như Hà Nội, TP HCM, hoạt động biểu diễn của các đơn vị Nhà nước diễn ra rất sôi nổi và thực sự hiệu quả. Nhờ các chương trình biểu diễn quy mô, các chương trình Cầu truyền hình được tổ chức liên tục với sự đầu tư nghệ thuật kỹ càng, sáng tạo mà các ca khúc cách mạng cũng như các ca khúc nghệ thuật đã được mang đến với công chúng ngày càng nhiều hơn, khẳng định sức sống mạnh mẽ và giá trị lâu bền. Có thể nói, đây là mảng âm nhạc mà Nhà nước ta đã đầu tư thành công nhất trong nhiều năm qua. Chúng ta cần tiếp tục phát huy chiến lược này.

Âm nhạc truyền thống và âm nhạc hàn lâm là hai mảng luôn luôn ít thu hút công chúng hơn so với âm nhạc phổ thông, đây là một tất yếu. Mấy chục năm qua, chúng ta vẫn luôn dành sự quan tâm đúng mực và đầu tư khá tốt cho hai mảng âm nhạc này. Đây là một chủ trương đúng đắn và cần tiếp tục phát huy hơn nữa, nhất là ở khâu tiếp cận công chúng. Cần tìm và tạo cơ hội cho hai loại hình âm nhạc này được xuất hiện trước công chúng nhiều hơn. Cần tìm cách xoay sở để làm sao công chúng được thưởng thức nhiều chương trình miễn phí hoặc giá rẻ nhưng phải có chất lượng cao (nhấn mạnh phại đạt chất lượng cao). Có như thế thì mới dần lôi kéo được công chúng. Những người làm chuyên môn phải tìm cách đưa các yếu tố của âm nhạc truyền thống và âm nhạc hàn lâm vào trong các tác phẩm mang tính phổ thông, vừa có sức hút với công chúng vừa lồng ghép được những cái mà chúng ta muốn công chúng làm quen. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có đội ngũ nhạc sĩ và những nhà sản xuất âm nhạc giỏi chuyên môn, có tâm và có tư duy nhạy bén, sáng tạo. Vấn đề quan trọng nhất là nhà nước xác định được việc gì là cần làm và chấp nhận đầu tư cho những người có khả năng có thể an tâm sáng tạo và biểu diễn (kinh phí, cơ sở vật chất - hạ tầng).

Âm nhạc phổ thông, giải trí là mảng lớn nhất và phát triển sôi động nhanh chóng, đa dạng một cách tự nhiên. Tuy nhiên chúng ta cũng cần thấy rằng một thời gian dài vừa qua, mảng âm nhạc này chưa nhận được sự quan tâm, định hướng và đầu tư chỉ đạo thích đáng của Đảng và Nhà nước. Đội ngũ những người làm nghề có trình độ cao (nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, nhà nghiên cứu, nhà đào tạo) tập trung ở mảng âm nhạc truyền thống và âm nhạc hàn lâm. Những chính sách bồi dưỡng nhân tài của nhà nước cũng tập trung vào hai mảng âm nhạc này. Trong khi đó, âm nhạc phổ thông giải trí  hầu như  bị buông lỏng để nó phát triển tự phát và nằm trong tay các lực lượng tư nhân, do đó nó sinh sôi và lan truyền rộng rãi nhưng thiếu chiều sâu. Cả một nền công nghiệp âm nhạc khổng lồ đầy tiềm năng hiện nay đang gần như không được định hướng là một phần nguyên nhân khiến cho đời sống âm nhạc chung bị trì trệ phức tạp. Nhiều ca khúc có chất lượng nghệ thuật kém được đưa rộng rãi đến công chúng, nhiều nghệ sĩ không có trình độ được tự do hành nghề, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và mạng lưới truyền thông toàn cầu mạnh mẽ, đã ảnh hưởng không tốt đến thị hiếu nghệ thuật của công chúng. Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ chúng ta cần có biện pháp tác động vào thị trường âm nhạc mạnh và chặt chẽ hơn, đưa âm nhạc phổ thông, giải trí phát triển đúng hướng. Cùng lúc đó, khuyến khích xã hội đầu tư vào công tác đào tạo nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, chuyên gia kỹ thuật âm thanh - phòng thu... để nhanh chóng nâng cao mặt bằng chất lượng sản phẩm của tất cả mọi dòng âm nhạc nước ta ngang tầm các nước trong khu vực.

TP HCM, ngày 03 tháng 08 năm 2020

NSND Tạ Minh Tâm                                                                     

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.