You are here

Leonard Bernstein: Trường phái ấn tượng là gì?

Trường phái ấn tượng là gì? Là những tác phẩm có tiêu đề cụ thể nhưng âm nhạc lại mơ hồ và không miêu tả thực tế. Thay vào đó là màu sắc, chuyển động và sự khơi gợi

Chương trình “Trường phái ấn tượng là gì?”

Biên soạn do Leonard Bernstein
Chương trình được phát sóng lần đầu trên đài CBS, ngày 23/11/1961

“Tôi rất vui khi được gặp lại những người bạn nhỏ tuổi của tôi trong phòng hòa nhạc này cũng như trên khắp cả nước. Và tôi cũng muốn gửi lời chào nồng nhiệt nhất tới những người bạn mới của chúng ta từ phía Bắc, Canada”

“Hôm nay chúng tôi sẽ chơi một nhạc phẩm về biển cả của một nhà soạn nhạc người Pháp nổi tiếng: Debussy, người mà có thể các cháu từng được nghe gọi là “De’bussy” hoặc thậm chí là “De-bew’-sy”; nhưng dù các cháu phát âm nó như thế nào đi chăng nữa, thì Claude Debussy cũng đã viết một kiệt tác mang tên “La Mer”, (nghĩa là “Biển Cả”), và đây có lẽ là nhạc phẩm nổi tiếng nhất từng được viết về chủ đề đại dương.”

“Có lẽ sẽ khá khó cho các cháu người New York trong phòng hòa nhạc Carnegie này để hình dung ra những người mà cả đời chưa nhìn thấy đại dương bao giờ. Những người dân ở Winnipeg là một ví dụ, vì họ sống ở chính giữa Canada.”

“Bây giờ, khi tôi muốn tả cho ai đó ở Winnipeg xem biển trông thế nào, tôi có thể đơn giản đưa ra những sự thật và số liệu thực tế, hay là gửi một tấm bưu thiếp có ảnh chụp từ đảo Coney hoặc đâu đó cho họ. Nhưng rõ ràng là cách làm này sẽ không giúp người đó có được cảm nhận thực tế về biển: về những cảm giác chỉ có thể được trải nghiệm bằng thị giác, khứu giác, thính giác, và các trạng thái khác nhau của biển khi bình yên, khi dậy sóng hay khi đang tinh nghịch. Những gì mà người bạn ở Winnipeg của chúng ta cần là một “Ấn tượng” về biển, chứ không phải các sự thật và số liệu. Mong muốn này đã dẫn chúng ta đến chủ đề của buổi hòa nhạc hôm nay: TRƯỜNG PHÁI Ấn tượng. Tác phẩm về biển này [La Mer] của Debussy thuộc trường phái Ấn tượng vì nó không kể các cháu nghe về bất kì sự thật hiển nhiên hay mô tả có tính chân thực nào, thay vào đó, nó mang trong mình những “màu sắc”, “chuyển động” và “sự khơi gợi”. Từ “khơi gợi” này rất quan trọng. Các cháu hiểu “khơi gợi” nghĩa là gì chứ? Ví dụ như sau, khi bố của các cháu yêu cầu các cháu đi ngủ lúc 8 giờ một cách rõ ràng, dứt khoát, thì đó là một yêu cầu, mệnh lệnh trực tiếp kiểu như: “Đi ngủ ngay!” Nhưng nếu bố cháu chỉ gợi mở khéo léo về những chiếc ga giường thơm tho, trắng tinh, chiếc gối mềm, và những giấc mơ đẹp vậy là khi đó, bố các cháu đang gợi nhắc các cháu nên đi ngủ: “Chẳng phải thật tuyệt làm sao nếu các con lên giường đi ngủ?” Và chính các cháu cũng nhận ra rằng, việc khơi gợi có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn một mệnh lệnh thẳng thắn rất nhiều. Đó là bởi lẽ [sự khơi gợi] thường sâu sắc, tinh tế; những hàm ý trong đó có thể len lỏi vào tận trong tâm trí của các cháu dễ dàng hơn một mệnh lệnh đơn thuần. Nên đó cũng là khái niệm mà các nghệ sĩ theo trường phái Ấn tượng am hiểu, dù họ có là thi gia, họa sĩ hay nhà soạn nhạc – và trùng hợp thay, họ đều là người Pháp. Bằng một lí do nào đó, mà chúng ta sẽ không đi sâu trong hôm nay, [Trường phái Ấn tượng] là một ý tưởng đậm chất Pháp, mà trong hội họa, người ta có thể tạo ra hiệu ứng sâu sắc thông qua sự khơi gợi hơn là miêu tả thực tế. Thực tế, toàn bộ ý tưởng về trường phái Ấn tượng đều bắt nguồn từ những họa sĩ, người Pháp như Manet, Monet, Renoir và nhiều tên tuổi lừng danh khác. ”

“Các cháu đã bao giờ xem một bức tranh theo trường phái Ấn tượng của Pháp chưa? Tôi chắc rằng các cháu đã từng thấy rồi nhưng lại không hề hay biết. Có lẽ các cháu đã thấy một bức tranh mang vẻ huyền ảo, mơ hồ, dường như không thực, như bức vẽ phía trước thánh đường ở Rouen của họa sĩ đại tài theo trường phái Ấn tượng Monet.” (Chiếu tranh)

“Giờ các cháu đã thấy bức tranh mờ ảo chưa như thế nào? Thực tế, nếu chỉ lướt qua lần đầu thì khó có thể đoán được bên dưới nét mơ hồ này là thứ gì Và tất nhiên khi qua màn hình, màu sắc trong bức tranh của Monet chỉ là đen trắng, trong khi màu sắc có thể cho các cháu biết nhiều thứ nên ta rất khó quan sát được khi chúng bị mất đi. Nhưng để vui vẻ một chút, hãy nhìn vào bức ảnh chụp thông thường cũng của tòa thánh đường ở Rouen để thấy sự khác biệt giữa chúng.” (Chiếu ảnh chụp)

“Các cháu có thể thấy những đường nét cứng cáp, rõ ràng cùng các góc cạnh và hình thù của thánh đường chính xác ra sao không? Một họa sĩ theo trường phái hiện thực sẽ làm cho tác phẩm của mình chân thực nhất có thể, với ánh sáng, sắc màu và hình thù y như thực, giống với bức ảnh này. Nhưng với Monet, một người theo chủ nghĩa Ấn tượng thì lại không như vậy vì thứ mà Monet muốn các cháu thấy không chỉ là một thánh đường mà còn cả ánh sáng, màu sắc trong cảm nhận của ông ấy, phản chiếu lên thánh đường đó. ” (Chiếu tranh của Monet)

“Các cháu thấy được điểm khác biệt rồi chứ? Cùng nhìn lại vào bức tranh của Monet. Bức tranh này gần giống như là giấc mơ, một Ấn tượng đọng lại, sự khơi gợi về một thánh đường như chúng ta đã đề cập trước đó về thánh đường này, khi được quan sát vào một thời điểm cụ thể trong ngày, khi ánh sáng tự nhiên theo một cách cố định. Hãy thử tưởng tượng, Monet đã vẽ 30 bức tranh của cùng một cảnh nhưng với những nguồn sáng khác nhau – buổi sáng rạng rỡ, buổi chiều nhiều mây, v.v.. khi quan sát bức tranh này – giá mà các cháu có thể thấy những màu sắc ở đây, thì đó là thánh đường vào lúc hoàng hôn, khi (ánh hoàng hôn) đã khiến những mặt đá trở nên lấp lánh, mờ ảo giữa xanh dương, cam và tím hoa cà. Và đó là một Ấn tượng về thánh đường ở Rouen.”

“Dĩ nhiên là âm nhạc hoàn toàn khác hội họa ở chỗ nó không thể tả chân đến vậy; bởi vì các nốt nhạc không thể cho các cháu kích thước chính xác của một thánh đường hay dáng mũi thực của một ai đó. Nhưng ít nhiều gì thì âm nhạc cũng vẫn thể hiện được tính chân thực theo cách của riêng mình, ví dụ như, nó có thể tạo ra những hình ảnh gợi sắc nét, rõ ràng thông qua những hợp âm như sau:” (Chơi những hợp âm ba nốt)

hay truyền tải những đường nét mơ hồ như qua những hợp âm này: (Chơi hợp âm tăng của những hợp âm ba nốt vừa rồi)

“Các cháu có nhận thấy cảm giác mơ màng, vô định thông qua hòa âm này không? Thì đó chính là hòa âm của phong cách Ấn tượng.”

“Hay cũng có lúc âm nhạc mang chủ đề thắng thắn, rõ ràng như đoạn nhạc sau của Beethoven mà ai cũng biết:” (nhạc: Giao hưởng Số 5 – Beethoven) Nghe nó rất trực tiếp, rõ ràng như khi bố các cháu yêu cầu: “Đi ngủ ngay!”

(hát: Giao hưởng Số 5 – Beethoven bằng câu “Tắt đèn ngay đi!”)

Nhưng trong âm nhạc, Debussy cũng có thể gợi những làn điệu mơ hồ như sau:

(nhạc: Preludes, Tập 1: Voiles – Debussy)

“với hàm ý như hướng về những giấc mơ dễ chịu. Một sự khơi gợi, các cháu hiểu không? Đó chính là điều khác biệt.”

“Rồi sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các cách mà Debussy diễn tả những điều này bằng âm nhạc nhưng trước tiên, tôi muốn các cháu hãy nghe chương mở đầu của kiệt tác “Biển Cả” đã. (Chương đầu) này cũng thường được gọi là “Từ bình minh tới ban trưa trên biển” và khi nghe, nếu các cháu không thấy được Ấn tượng, sự khơi gợi về sự tĩnh lặng tuyệt đối của đại dương trước bình minh, qua âm thanh như sau:”

(nhạc: La Mer – Debussy)

thì các cháu cũng sẽ nghe thấy, tôi nói là, “nghe thấy” những tia sáng đầu tiên “hớp hồn”

(nhạc: La Mer – Debussy)

“Các cháu hiểu được ý tôi qua việc khơi gợi những tia sáng đầu tiên chứ? Kế đó các cháu sẽ nghe thấy tiếng gọi xa xăm đầu tiên của những loài chim biển:”

(nhạc: La Mer – Debussy)

rồi những con sóng bắt đầu xô bờ khi cơn gió nhẹ thoáng qua:

(nhạc: La Mer – Debussy)

“và theo diễn biến của chương, các cháu sẽ nghe thấy một âm thanh mới và tươi sáng từ cello và kèn horn, tựa như sự xuất hiện đột ngột của mặt trời nơi cuối chân trời:”

(nhạc: La Mer – Debussy)

“Các cháu có cảm nhận được ánh mặt trời rực rỡ thế nào chứ? Từ đây, âm nhạc phát triển dần lên cả về “nội lực”, “màu sắc” và “sự chuyển động”, mãi cho tới khi lúc cuối, khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, và tỏa sáng như “thiêu đốt” cả không gian”

“Giờ thì đây là một khoảnh khắc rất tuyệt vời của bức tranh âm nhạc mà Debussy đã tạo ra với hợp âm cuối cùng của chương, bằng cách lược bỏ hết các nốt cao lẫn nốt trầm của hợp âm này, và chỉ để lại hợp âm của bộ đồng ở cao độ tầm trung gợi hình ảnh một quả “cầu lửa” giữa không gian. Hãy lắng nghe:”

(nhạc: La Mer – Debussy)

“Chẳng phải nó là một bức tranh diệu kì sao? Mặt trời tỏa sáng tựa một quả “cầu lửa” lớn gần như đang hiện ra trước mắt các cháu. Giờ sẽ là chương đầu tiên trong tác phẩm với kĩ thuật sáng tác “tone-painting” tuyệt vời của Debussy, La Mer – Từ bình minh tới ban trưa trên biển” (tone-painting: kĩ thuật sáng tác nhằm lột tả ý nghĩa thực sự của ca từ) (nhạc: La Mer – Debussy)

“Thật là một tác phẩm tiêu biểu cho kĩ thuật “tone-painting” phải không? Và chính nó là một “bức tranh” cho đôi tai thay vì cho đôi mắt như thông thường.”

“Tuy nhiên, ngay bây giờ, hãy cùng bắt đầu một phần thực sự thú vị khác để tìm hiểu về cách mà Debussy tạo ra những âm thanh mới lạ trong thời kì Ấn tượng này. Tôi nói những âm thanh “mới lạ”, dù rằng chúng có tuổi đời phải 50 trở lên rồi, nhưng (những âm thanh) đó vẫn thường được bắt chước trong các ca khúc nhạc pop của Mĩ, nhạc phim Hollywood và những bản chuyển soạn cho album, và dù đã tồn tại lâu vậy nhưng với chúng ta, những âm thanh đó rất đỗi thường ngày và gần gũi. Tuy vậy, khi so sánh với âm nhạc của Bach, Beethoven hay Brahms, thì đúng là chúng hoàn toàn mới mẻ. Và nhờ đôi tay của một bậc thầy như Debussy thì chúng này vẫn tươi mới như 50 năm về trước”

“Ồ, vậy thì Debussy đã tạo ra những cách nào để có được thứ âm thanh này? Chúng ta hãy cùng đi tới cây đàn piano để khám phá điều đó. Các cháu còn nhớ đoạn nhạc ngắn tôi vừa chơi khi nãy để giúp các cháu thấy Debussy đã sử dụng những giai điệu nhỏ đầy mơ hồ ra sao chứ?”

(nhạc: Preludes, Tập 1: Voiles – Debussy)

Giai điệu đó bắt nguồn từ một bản nhạc nho nhỏ cho piano có tên là “Sails” (“Những cánh buồm”)

(nhạc: Preludes, Tập 1: Voiles – Debussy)

“Giai điệu này vẽ nên một cảnh tượng thật mộng mơ về những chiếc thuyền buồm “duyên dáng”, “lả lướt” trong ánh nắng chiều và có thể là tới tận nơi xa xôi cuối chân trời.”

(nhạc: Preludes, Tập 1: Voiles – Debussy)

“Làm thế nào mà Debussy tạo ra được âm thanh mơ hồ đó? Điều mà ông đã thực sự làm là gì? Phương pháp mà Debussy vận dụng để làm nên hiệu ứng mộng mơ này là một trong những đặc điểm rất quan trọng của âm nhạc thời kì Ấn tượng. (Phương pháp) đó được gọi là “âm giai toàn cung” (whole tones). Đây cũng không phải một từ khó hiểu lắm Các cháu có biết một cung là gì không? Đơn giản thôi: (một cung) là hai nửa cung. Hai nửa chập lại thì thành một nhỉ? Đúng rồi. Giờ nếu các cháu còn nhớ khoảng cách từ bất kì một phím nào trên piano tới phím kế tiếp ngay cạnh, dù đó là phím đen hay phím trắng, đều là một khoảng nửa cung.”

(Minh hoạ)

thì các cháu sẽ thấy toàn bộ phần phím bấm của piano là tập hợp các nửa cung, nốt này nối tiếp nốt nọ.

(Minh hoạ)

Giờ từ những khoảng nửa cung, chúng ta có âm giai nửa cung như sau:

(chơi: âm giai nửa cung)

“và chúng ta cũng có thể tạo ra các âm giai khác, chẳng hạn như âm giai trưởng tự nhiên mà gồm cả các khoảng nửa cung và một cung như sau:”

(chơi: âm giai trưởng tự nhiên)

“và khoảng cách cuối cùng, trong ví dụ này, là một khoảng nửa cung. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu từ cùng một vị trí và chơi tiếp lên các khoảng một cung, chỉ một cung, thì chúng ta sẽ tạo ra được âm giai toàn cung như Debussy, mà nghe như sau:”

(chơi: âm giai toàn cung)

Hãy lắng nghe kĩ:

(chơi: âm giai toàn cung)

“Nghe nó bí ẩn và ly kì; và nếu các cháu để ý kĩ, thì nó mang cảm giác vô định và vô tận hơn các thang âm thông thường.”

(chơi: âm giai trưởng tự nhiên)

Tới đây là kết thúc.

(chơi: thang âm toàn âm)

“Còn tới đây thì vẫn chưa dừng lại. Và từ thang âm toàn âm này mà Debussy đã tạo ra được một Ấn tượng nho nhỏ mà tinh tế về những chiếc thuyền buồm mờ ảo ở trạng thái “chập chờn”, “xuôi dòng”, “thảnh thơi”, và không có dáng vẻ cụ thể nào.”

(nhạc: Preludes, Tập 1: Voiles – Debussy)

“Không có gì ngoài thang âm toàn âm cả. Các cháu thấy đó: Debussy luôn kiếm tìm những “màu sắc”, âm thanh mới lạ, nên ông thử mọi âm giai “bất thường”, cũ lẫn mới, mà ông có thể chạm tay vào, bao gồm cả một âm giai khó, gọi là “âm giai ngũ cung” mà hôm nay chúng ta sẽ không tìm hiểu. Không chỉ vậy, Debussy còn “ngược dòng” qua nhiều thế kỉ để về lại những âm giai Hy Lạp cổ, thường gọi là “điệu thức”, rồi ông cũng sử dụng các điệu thức từng được ứng dụng trong nhạc Cơ Đốc hàng ngàn năm trước, cùng rất nhiều loại âm giai khác.”

“Tuy nhiên, những âm giai “lạ” không phải yếu tố duy nhất khiến âm nhạc của Debussy trở nên khác biệt bởi ông cũng dùng nhiều âm giai tương tự mọi người, như âm giai trưởng và thứ, nhưng ông ứng dụng âm giai phổ biến theo những cách mới lạ; bằng cách sáng tạo ra từ đó những hợp âm chưa ai hay biết. Ví dụ như, khi thử một hợp âm ba nốt thông thường như sau”

(chơi: hợp âm gốc)

Debussy thêm vào một nốt

(chơi: hợp âm mới)

rồi thêm vào một nốt nữa

(chơi: hợp âm mới)

lại thêm một nốt nữa

(chơi: hợp âm mới)

tiếp tục thêm một nốt nữa

(chơi: hợp âm mới)

cứ thế cho tới khi hợp âm đó nghe mới mẻ, cầu kì, mơ hồ

(chơi: hợp âm mới)

“một hợp âm “mang phong cách Ấn tượng” Sau cùng, khi Debussy có được hợp âm mong muốn, ông thay đổi vị trí các nốt một chút để “tô điểm” cho chúng thêm khác lạ.”

(chơi: hợp âm mới)

“Các cháu nghe thấy hết chứ? Đó là một hợp âm “mang phong cách Ấn tượng”. Có một bản nhạc cho piano mà cũng sử dụng các hợp âm kiểu này, chủ đề khái quát của nó là về cá vàng, thực tế, tên của bản nhạc cũng là “Cá vàng” và có giai điệu như sau:”

(chơi: Images, Tập 2: Poisson d’or (Cá vàng) – Debussy)

(lời nhạc trưởng nói đè lên trên giai điệu) “Cá vàng bơi lội tung tăng trong hồ nước lấp lánh. Màu sắc của những chú cá, lẫn ánh sáng trên mặt hồ đều được phản chiếu trong những hòa âm phong phú về màu sắc. Những sắc màu đó lung linh như những gam màu đặc biệt mà chúng ta đã thảo luận trong bức tranh “Thánh Đường” của Monet; nhưng tiếc thay, các cháu không thể thấy được.”

“Tôi sẽ không giảng giải chi tiết về cấu tạo của những hợp âm “đặc biệt” đó bởi chúng vô cùng phức tạp; nhưng tôi muốn giải thích cho các cháu hiểu một cách hay ho để Debussy có được những màu sắc “phong phú”, “huyền ảo” trong hòa âm của mình và thủ thuật đó là “nhị âm thể” (bitonality) Nào đây là một từ “đao to búa lớn” mà đôi lúc, các cháu có thể đem ra để khiến bạn bè phải kinh ngạc: “nhị âm thể”. Đây là một thuật ngữ lớn, nhưng khá dễ hiểu; nói một cách đơn giản, nghĩa là hai hòa âm khác nhau được chơi cùng lúc, hay có thể hiểu là, âm nhạc viết ở hai giọng khác nhau cùng lúc. Thử tưởng tượng này! Tôi bắt đầu chơi bản “Blue Danube Waltz” ở một giọng”

(nhạc: Blue Danube Waltz – J.Strauss)

“đến giai điệu chính lại được chơi ở một giọng khác. Nghe nó khá kì quặc, nhưng đó là “nhị âm thể”. Tuy nhiên, khi Debussy sử dụng nó, âm thanh tạo ra lại không hề vụng về chút nào, mà vẫn phong phú, thơ mộng và đậm chất “Ấn tượng”, như trong một kiệt tác sau của ông:”

(nhạc: Preludes, Tập 2: Puerton del vino – Debussy)

Các cháu có nghe thấy phần đệm được viết ở một giọng riêng rẽ,

(nhạc: Preludes, Tập 2: Puerton del vino – Debussy)

“trong khi phần giai điệu lại ở một giọng khác hoàn toàn. Nhưng khi ghép lại với nhau, hai giọng đó lại tạo ra một âm thanh là lạ, hay ho và đậm chất “Ấn tượng”, mang vẻ mơ hồ và say mê.”

(nhạc: Preludes, Tập 2: Puerton del vino – Debussy)

“Qua đây thì chắc các cháu đều đoán được tác phẩm này là một giai điệu kiểu Tây Ban Nha nên không khó hiểu lắm khi phần đệm nghe là một điệu tango. Tác phẩm này có tên “La Puerta del Vino”, và việc (tác phẩm) này mang phong cách Tây Ban Nha lại nói thêm cho chúng ta một điều mới về trường phái Ấn tượng. Debussy, trong quá trình tìm kiếm những âm thanh mới, đã luôn hướng tới những vùng đất xa xôi và trở nên gắn bó với âm nhạc từ những vùng đất ấy, như phương Đông, Hy Lạp cổ đại, hay cả nhạc Jazz từ Hoa Kỳ. Đừng quên rằng vào thời điểm mà Debussy sáng tác âm nhạc thì nhạc Jazz, hay thời điểm đó còn gọi là “Ragtime” mới chỉ bắt đầu “bao phủ” khắp thế giới. Vậy nên, Debussy đã mượn những nhịp điệu và ý tưởng đậm chất Jazz, rồi viết một vài tác phẩm như vậy, mà tôi tin chắc rằng các cháu đều đã từng nghe qua, thậm chí là thuộc tên:”

(nhạc: Điệu nhảy Cakewalk của Golliwog – Debussy)

“Có cháu nào biết về giai điệu đó không? Ồ tốt lắm. Rất nhiều cháu ở đây biết về nó. “Điệu nhảy Cakewalk của Golliwog”. Tôi sẽ không nói thêm về ý nghĩa của nó. Nhưng tiêu đề của nó là vậy. Dù sao thì, điều này cũng cho các cháu thấy được rằng âm nhạc của Debussy không phải lúc nào cũng “chậm rãi”, “nghiêm túc”, như có thể các cháu đã nghĩ. Cũng không phải lúc nào (âm nhạc Debussy) cũng “ủy mị”. Ông ấy cũng có khiếu hài hước đấy chứ, và tôi chỉ ước sao mình có thể đi sâu hơn vào khía cạnh đó trong âm nhạc của Debussy. Tuy nhiên, đã tới lúc chúng ta phải trở lại chương thứ hai của “La Mer”, (“Biển Cả”). Và chương này còn có tên gọi là “The Play of the Waves” (“Cuộc dạo chơi của những ngọn sóng”), nó mang lại ấn tượng tươi sáng, sinh động về biển trong trạng thái vui vẻ nhất. Xuyên suốt cả chương hai này, các cháu sẽ nghe thấy những âm giai, hòa âm và cả các thủ thuật chúng ta đã tìm hiểu lúc nãy – có một làn điệu “lả lướt” trong điệu thức nhạc Cơ Đốc cổ như sau:”

(nhạc: La Mer – Debussy)

“Rồi các cháu sẽ nghe thấy những con sóng tung bọt trắng xóa. Chúng đều được tạo bởi âm giai toàn cung. Giai điệu như sau:”

(nhạc: La Mer – Debussy)

“Có vài giai điệu Tây Ban Nha xuất hiện trong chương này, chẳng hạn như điệu Boléro đột nhiên xen vào đoạn giữa.”

(nhạc: La Mer – Debussy)

“Và các cháu rồi sẽ thấy “nhị âm thể”, cũng như tất cả những điều khác mà chúng ta đã đề cập tới ngày hôm nay. Nhưng các cháu sẽ không nghe thấy nhạc jazz. Tôi nghĩ bây giờ các cháu đã sẵn sàng lắng nghe âm nhạc của sóng và khám phá những gì bên trong đó. Các cháu đã trở thành “chuyên gia” về trường phái Ấn tượng rồi, và tôi mong rằng nó cũng sẽ giúp các cháu yêu thứ âm nhạc này nhiều như chúng tôi vậy.”

(nhạc: La Mer – Debussy)

“Bây giờ, không gì có thể làm khó các cháu về chủ đề âm nhạc Ấn tượng của Debussy nữa. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tiếp tục đi luôn tới chương cuối của La Mer mà không cần giải thích gì nhiều, ngoại trừ việc bật mí rằng (chương cuối) có tên gọi “Cuộc đối thoại của Gió và Biển”, và lúc này, biển động khá dữ dội.”

(nhạc: La Mer – Debussy)

Xin lỗi các cháu, tôi đang gặp một chút vấn đề với chiếc Mic. Các cháu vẫn nghe rõ chữ? Được rồi.

“Trước khi chúng tôi chơi bản nhạc tiếp theo và cũng là cuối cùng hôm nay, tôi muốn dành tặng cho tất cả các cháu một lời khen chân thành, bởi tôi cho rằng: Có lẽ, tác phẩm “La Mer” của Debussy là một trong những sáng tác dài nhất và phức tạp nhất từng được biểu diễn ở một buổi hòa nhạc dành cho trẻ em. Tôi cũng rất vui khi thấy các cháu giữ trật tự và đều rất chăm chú, cũng như cách các cháu thấu hiểu tác phẩm này. Chúc mừng tất cả các cháu! ”

“Nào, đừng vội vỗ tay tự khen như vậy chứ! Ngay bây giờ, chúng ta sẽ kết thúc hành trình với trường phái Ấn tượng qua một tác phẩm ngắn của Maurice Ravel, một nhà soạn nhạc nổi tiếng theo trường phái Ấn tượng khác của Pháp. Thật thú vị biết bao khi có những “bộ đôi” âm nhạc đại tài luôn đi cùng nhau, kiểu “thịt nguội với trứng” như: Bach và Handel, Mozart và Haydn, Mahler và Bruckner— hay Debussy và Ravel. Âm nhạc của bộ đôi “khổng lồ” này góp phần tạo ra hầu hết những tác phẩm theo trường phái Ấn tượng tính tới hiện nay. Âm nhạc của Ravel tương đối giống với Debussy, nhưng nó cũng mang những nét cá tính riêng. Một điểm khác là: (âm nhạc của Ravel) thiên về “phô diễn”, hay như cách nói của các nhạc sĩ là: “uyên bác” hơn. Cách Ravel sử dụng dàn nhạc được cho là thú vị nhất và cuốn hút nhất trong giới âm nhạc đến mức thành “chuẩn mực” để nhiều nhà soạn nhạc khác noi theo, tôi dám chắc rằng như vậy. Chưa kể hết, âm nhạc viết cho piano của Ravel cũng thật xuất sắc và khó nhằn tới mức nó trở thành “bài kiểm tra” để một nghệ sĩ piano thử sức mình. Đó cũng có lẽ là lí do tôi sẽ không chơi cho các cháu nghe ví dụ nào về nhạc của Ravel trên piano. Bên cạnh đó, Ravel cũng bị thu hút hơn Debussy, tới những miền đất lãng mạn nơi xa xôi. Đặc biệt là phải kể đến Tây Ban Nha – tôi chắc chắn rằng các cháu đều đã nghe các tác phẩm phong cách Tây Ban Nha của Ravel, như Boléro và Rhapsodie Espagnole. Theo tôi, điểm đặc biệt trong nhạc dân gian của Ravel, cả nhạc dân gian có yêu tố “ngoại lai” phần nào đến từ mối quan tâm lớn của ông với nhịp điệu – chỉ riêng nhịp điệu mà thôi. Ravel yêu nhịp điệu, và nếu nghĩ kĩ, thì Boléro hoàn toàn đều về nhịp điệu, hay như một tác phẩm nổi tiếng khác của ông, “La Valse”, là về nhịp điệu của nhạc Waltz.”

“Chúng tôi sẽ chơi một tác phẩm của Ravel mà chứa đựng các tính chất vừa kể trên: đó là điệu nhảy cuối cùng trong vở ballet nổi tiếng của ông “Daphnis và Chloe”, dựa trên những truyền thuyết từ thời Hy Lạp cổ đại. Nghe nó khá xa xôi, đúng vậy; và điệu nhảy này có tất cả những nhịp điệu “hoang dại” nhất trong tưởng tượng của các cháu. Đây còn là một trong những tác phẩm tuyệt vời để trình diễn cho dàn nhạc; bởi cách mà Ravel viết ra cho dàn nhạc đã rất hoành tráng và nổi bật theo cách riêng, chỉ riêng phần phối khí, chứ chưa nói tới âm nhạc. Tuy vậy, các cháu sẽ tiếp tục nghe thấy trong đó hầu hết các yếu tố chúng ta đã tìm hiểu trong âm nhạc của Debussy: các âm giai toàn cung, những điệu thức Hy Lạp cổ (là lẽ tự nhiên trong một vở ballet Hy Lạp cổ) và “nhị âm thể”, những hợp âm “huyền ảo”, cùng rất nhiều thứ khác các cháu đã học được hôm nay. Ngay sau đây là điệu nhảy cuối từ vở ballet “Daphnis và Chloe”.

Nội dung gốc của bài giảng: https://leonardbernstein.com/lectures/television-scripts/young-peoples-c...

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
4 + 0 =