You are here

Ý kiến HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM về việc cấm lưu hành 5 ca khúc

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2017

Kính gửi:  Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương

Ngày 11 tháng 4 năm 2017, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận được công văn số 34-CV/HĐ ngày 10 tháng 4 năm 2017 của Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương về việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản yêu cầu tạm dừng lưu hành 05 ca khúc (Cánh thiệp đầu xuân; Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Con đường xưa em đi, Đừng gọi anh bằng chú) sáng tác trước năm 1975. Hội Nhạc sĩ đã triệu tập cuộc họp đại diện Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng Nghệ thuật và tham khảo ý kiến của một số nhạc sĩ lão thành. Sau đây là ý kiến của Hội Nhạc sĩ Việt Nam:

1. 05 ca khúc nêu trên nằm trong danh mục bài hát sáng tác trước năm 1975. Đối chiếu với Điều 3 của Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT: Các hành vi bị nghiêm cấm và Điều 6 của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP: Những qui định cấm thì 05 tác phẩm kể trên không vi phạm những qui định mà Nhà nước đã đề ra và trên thực tế cả 05 bài hát đã được cấp phép biểu diễn. Sau khi thẩm định bản nhạc gốc của 4 tác giả (riêng bài Chuyện buồn ngày xuân của tác giả Lam Phương chỉ có lời ca, không có bản nhạc), chúng tôi nhận thấy: về nội dung các bài hát này không có vấn đề gì, âm nhạc và ca từ theo dòng nhạc phổ biến lúc bấy giờ tại các đô thị miền Nam, dễ hát, dễ nghe, dễ thuộc.

2. Việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thu hồi 05 ca khúc trên với lý do: ca từ và tác giả sáng tác các bài hát trên chưa đảm bảo đúng qui định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan, ý kiến của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như sau:

Về ca từ (dị bản) do Cục Nghệ thuật Biểu diễn gửi kèm theo Quyết định số 20/QĐ-NTBD (và còn những dị bản trôi nổi khác), nhận thấy trong mỗi bài hát đã bị chỉnh sửa từ 1 đến 3 câu (trong trường hợp tổ chức, cá nhân không xin phép tác giả và không được tác giả đồng ý sửa lời) thì coi như là vi phạm Luật sở hữu trí tuệ. Với hành vi vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan thì cơ quan chức năng nên xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm cụ thể.

3. Những đề xuất ý kiến:

- Việc xác định văn bản gốc bài hát của các tác giả trước 1975 là việc làm cần thiết. Đơn vị có thẩm quyền cấp phép cần phối hợp với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của Hội Nhạc sĩ Việt Nam để làm cơ sở đối chiếu với những dị bản phát sinh.

- Vì không thể sưu tầm hết các bản gốc của các bài hát trước 1975 (ước tính có hàng ngàn bài), để cấp phép theo từng đợt như vẫn làm, nên chăng giao các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành tự chịu trách nhiệm thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc xét, thẩm định các bài hát trước 1975 cần thiết có sự phối hợp với cơ quan chuyên môn âm nhạc là Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, có thể tham khảo ý kiến của tác giả hoặc diện của cố tác giả.

- Khuyến cáo đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng các tác phẩm trước năm 1975, đặc biệt là các tác phẩm của các nhạc sĩ quá cố, không nên tự ý sửa lời khi chưa có sự đồng ý của tác giả hoặc người đại diện cố tác giả.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng trong tình hình hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa cần cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc thẩm định trước khi ra những quyết định trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tránh những sự hiểu lầm, những suy diễn không có lợi trong đời sống văn nghệ, nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước đề ra.

Trân trọng báo cáo.

PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG LLPBVHNT

CHỦ TỊCH HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM

PGS.TS. Nhạc sĩ  Đỗ Hồng Quân

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.