You are here

Âm nhạc Tây Nguyên trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam

Tác giả: 
Lê Xuân Hoan

Như chúng ta đã biết, Tây Nguyên là địa bàn hành chính của năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Tây Nguyên không chỉ là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng mà còn là mảnh đất có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời - vùng văn hóa dân gian đa dạng và độc đáo của Việt Nam, hiếm thấy nơi nào có được.

Mỗi khi nhắc đến Tây Nguyên, ai ai trong mỗi chúng ta cũng thường nghĩ ngay đến mảnh đất lắm mưa nhiều nắng, nơi có nhiều sông, lắm suối, rừng xanh núi thẳm, đèo cao vực sâu... nhưng không kém phần thơ mộng. Từ ngàn đời nay các tộc người thiểu số Tây Nguyên đã sống gắn bó thủy chung với núi rừng cao nguyên bao la hùng vĩ. Con người và thiên nhiên ở đây quấn quýt với nhau như muốn tạo ra một không gian vừa hư, vừa thực, vừa gần gũi vừa xa xăm, huyền thoại. Trong mỗi nẻo cuộc sống của con người, ta có thể tìm thấy hình bóng của những chàng trai dũng sĩ trong nhiều câu chuyện cổ, lại vừa nhìn thấy nhịp đập của những trái tim bình dị, chất phác, ngây thơ, chân thực như cỏ cây, hoa lá của những cô gái Tây Nguyên.

Ngoài truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống kẻ thù hai chân và bốn chân, với đức tính cần cù chịu thương, chịu khó, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng bay bổng..., đồng bào Tây Nguyên đã sáng tạo ra một kho âm nhạc dân gian độc đáo, phong phú lung linh như ánh sao trời, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, sáng tác âm nhạc trong và ngoài nước. Theo đó, nhiều công trình nghiên cứu, nhiều tác phẩm âm nhạc đã ra đời chẳng những phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng mà còn góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước – con người Tây Nguyên đến với bạn bè gần xa.

Nói đến âm nhạc Tây Nguyên là nói đến cả một vùng văn minh nương rẫy, với phương thức sản xuất chủ yếu và cơ bản là chọc trỉa; là nói đến một nền văn hóa được ra đời trong xã hội tiền nhà nước. Đó là nền văn hóa mang tính nguyên hợp, trong đó âm nhạc nổi lên như một thành tố chủ đạo, xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của con người từ thủa mới lọt lòng mẹ cho đến lúc về với thế giới Atâu. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận là "Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể, truyền miệng của thế giới" là một giá trị tiêu biểu. Đó là một quá trình phát triển năng động và sáng tạo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong suốt chiều dài của lịch sử.  

Phải nói rằng, từ lâu, âm nhạc dân gian Tây Nguyên đã được giới thiệu rải rác trên một số tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cũng đã được một số nhạc sĩ khai thác và sử dụng chất liệu của nó để sáng tạo nên một số tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao, được đông đảo người yêu thích âm nhạc trong cả nước đón nhận một cách trân trọng.

Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một chủ trương lớn, thể hiện tính nhất quán của Đảng ta kể từ ngày thành lập đến nay. Được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của cấc cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nuôi dưỡng, đùm bọc và chở che của quần chúng nhân dân... , 60 năm qua, cùng với các nhạc sĩ của cả nước, các thế hệ nhạc sĩ Tây Nguyên đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay bằng những tác phẩm âm nhạc hòa cùng dòng chảy của nền âm nhạc Việt Nam. 

Phải nói rằng, âm nhạc Tây Nguyên đã và đang ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực: tổ chức, số lượng, chất lượng thể loại và nội dung tác phẩm..., đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật chính đáng ngày càng cao, ngày càng phong phú của công chúng các tỉnh Tây Nguyên và cả nước.

Về đội ngũ những người làm âm nhạc: là lực lượng trực tiếp hoạt động và sáng tạo, nghiên cứu, sưu tầm, đào tạo và biểu diễn âm nhạc nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống cho mọi người trong mọi thời đại. Hoặc nói khác đi, đội ngũ những người làm công tác âm nhạc là những người “luôn luôn nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp”. Mà cái đẹp là ánh hào quang luôn luôn vẫy gọi con người hướng tới các giá trị nhân văn: Chân - Thiện - Mỹ.

Được thừa hưởng truyền thống thương người, mến khách, đam mê hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật và biết nâng niu, giữ gìn, phát huy những giá trị của văn học nghệ thuật của tổ tiên, đồng thời được soi sáng bằng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, các nhạc sĩ Tây Nguyên có quyền tự hào về mảnh đất giàu tiềm năng kinh tế, văn hóa, lịch sử này. Phần lớn các nhạc sĩ Tây Nguyên được sinh ra ở nhiều miền quê khác nhau, được đào tạo từ nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học nghệ thuật khác nhau, tuổi đời và hoàn cảnh gia đình mỗi người mỗi khác… Nhưng, mọi người đều có một điểm chung, đó là, luôn coi mình như một phương án chưa hoàn thành để từ đó lao vào tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo nên những tác phẩm, những công trình vượt lên cả chính mình. Và, hầu như ai cũng coi Tây Nguyên là quê hương thứ hai của mình, từ đó, vượt lên những khó khăn gian khổ của các cuộc kháng chiến chống thực dân trước đây, và ngày nay là “vật lộn” với dòng xoáy của cơ chế thị trường để hoạt động, sáng tạo và dâng hiến tất cả những gì cao đẹp của đời mình cho Tây Nguyên, sống chết với mảnh đất thân yêu này.

Lịch sử của dân tộc ta đã ghi nhận cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược 9 năm là một cuộc kháng chiến vĩ đại! Cuộc kháng chiến ấy cũng là một hành trình khai thác những giá trị âm nhạc truyền thống các dân tộc vùng Tây Bắc nước ta mà tên tuổi và các tác phẩm của các nhạc sĩ tiên phong như: Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thành, Bùi Đức Hạnh..., mãi mãi là những ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc Việt Nam.

Đối với vùng văn hóa âm nhạc Tây Nguyên, do hoàn cảnh lịch sử nên phải đợi đến sau Hiệp định Giơneve (1954), các nhạc sĩ Việt Nam mới có điều kiện kế thừa và phát huy những giá trị âm nhạc truyền thống độc đáo ở đây vào trong các tác phẩm của mình một cách tài tình, khéo léo để mỗi lần được nghe lại những tác phẩm ấy, chúng ta, nhất là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cứ ngỡ đó là những món quà của tổ tiên để lại. Điều đặc biệt là, ngay từ những năm cuối của thập niên 50, đầu thập niên 60 của thể kỷ trước, các nhạc sĩ đã sưu tầm, nghiên cứu dân ca Tây Nguyên thông qua một số con em của đồng bào Tây Nguyên ra tập kết ở miền Bắc, chứ chưa có điều kiện thâm nhập thực tế trong vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Mà cuốn sách Dân ca Tây Nguyên, do Lê Toàn Hùng và Lê Huy sưu tầm, biên soạn, đã được Nhà xuất bản Âm nhạc Mỹ thuật, xuất bản năm 1960, tại Hà Nội là một tài liệu quý.

Sau 1954 và đầu những năm 60 của thế kỷ XX, lực lượng làm công tác âm nhạc Tây Nguyên vừa mang tính tự phát vừa mang tính tự giác. Có nghĩa là, hoạt động âm nhạc chưa mang tính chuyên nghiệp từ chủ thể hoạt động sáng tạo đến nội dung và thể loại tác phẩm. Chủ thể sáng tạo là những cán bộ, chiến sĩ và đông đảo đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có năng khiếu nghệ thuật, lấy hoạt động văn hóa văn nghệ để góp phần động viên chiến sĩ và đồng bào các dân tộc đoàn kết một lòng theo tiếng gọi thiêng liêng của Bác để “đánh giặc, giữ làng”, góp phần nhở bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Đó chính là phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” là phong trào hoạt động văn nghệ dân gian truyền thống sôi nổi, lan tỏa ra khắp các buôn làng Tây Nguyên mà cho đến nay chúng ta thấy còn đọng lại trong nhiều bài dân ca của các dân tộc Tây Nguyên, như: Kìô kaøch mang (Đi theo Cách mạng), Naê Hoâ chaê ñon (Ca ngợi Bác Hồ), Bôneâ anhoøng boà ñoài (Ca ngợi anh bộ đội) - dân ca Bahnar; Hmö tôlôi Wa Hoâ (Nghe lời Bác). Gum goâp blah aya\t (Ñoaøn keát ñaùnh Myõ), Ho\k kô do\k (Hãy dũng cảm đứng lên) - dân ca Jrai…          

Đồng thời với phong trào hoạt động văn nghệ dân gian là phong trào hoạt động âm nhạc bán chuyên nghiệp diễn ra sôi nổi rộng khắp các tỉnh Tây Nguyên. Nói phong trào hoạt động âm nhạc bán chuyên nghiệp là bởi, những người hoạt động âm nhạc lúc bấy giờ vừa làm công tác dân vận, địch vận vừa hoạt động âm nhạc và trực tiếp cầm súng đánh giặc giữ làng. Nội dung bức thư của nhạc sĩ Kpa Púi gửi Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1964 đã nói lên điều đó:

“...Ngày nay văn nghệ dân tộc Tây Nguyên hầu hết các tỉnh và các miền của các tỉnh gần rừng đều có một đội văn công cả, còn các huyện miền núi hầu hết là có đội. Hoạt động của các đội văn công của tỉnh đều có kết quả đáng kể, riêng Đội Văn công huyện khu 4 tỉnh Gia Lai gần Pleiku đã làm công tác binh vận, kéo lính Mỹ. Vào tháng 10-64 vừa qua bọn nó giao súng cho văn công, nó về nhà hoặc giao súng nộp cho văn công huyện, lời ca điệu múa của các em có giá trị nhất định, lôi kéo được một đại đội xuống tới trung đội địch đầu hàng các em văn công (...). Dân tộc Tây Nguyên rất lạ, thích ca múa nhạc vô cùng, họ đi xem dù xa mấy ngày đường cũng cứ đi, địch càn kệ, họ xem thường địch lắm, mà họ cứ đi cho được thấy văn công Gia Lai là được rồi, họ cho đó là con trời (giàng). Mà sân khấu không có, gặp đâu múa nhạc ca đó, múa ca nhạc cả đêm lẫn ngày, còn đánh địch họ cũng chẳng kém gì. Đánh giỏi lắm đánh đủ kiểu không tưởng tượng được tài giỏi ấy, ví dụ có một hôm địch dồn làng vào ấp, nhân dân không chịu đi địch đánh riết, rất dã man vô cùng, lấy em bé ném vào lửa đang cháy, còn số thanh niên nam nữ thì cứ múa ca ở trong rừng. Địch mới hỏi: “Ai đánh chiêng, trống ở trong rừng kia?”. Đồng bào trả lời: “Số thanh niên làng đấy.” Địch lại kéo cả toán quân càn ấy đi đến, ý là muốn dồn dân về ấp, khi đến Đội Văn nghệ ấy lại xem, xem rồi lại không muốn về đồn mà cứ nhảy múa với văn công cả đêm, về không làm được gì, thế là không dồn dân nữa, bỏ qua”...

Như vậy, trước ngày giải phóng, các huyện của các tỉnh Tây Nguyên đều có các đoàn, đội văn công. Các đoàn, đội văn công hoạt động trong vùng căn cứ cách mạng; số lượng diễn viên nhạc công của đoàn, đội phần lớn là con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chưa được đào tạo cơ bản như cách hiểu của chúng ta ngày nay, nhưng với năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh lại được rèn luyện trong khói lửa chiến tranh nên họ đã góp một phần không nhỏ vào việc phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, đánh giặc giữ làng của cán bộ, quân dân các dân tộc Tây Nguyên, góp phần đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến ngày toàn thắng. Nổi lên trong phong trào hoạt động sáng tạo âm nhạc của thời kỳ này là các nhạc sĩ: Y Dơn (Rơ Chăm Yơn), Kpa Púi…

Mặc dù, đến nay chưa có một tổ chức, cá nhân nào thống kê được đã có bao nhiêu tác phẩm âm nhạc được khai thác từ chất liệu âm nhạc Tây Nguyên. Nhưng riêng về ca khúc, chúng tôi ước tính có đến hàng trăm tác phẩm đã được vang. Có thể nói, hầu hết các ca khúc do các nhạc sĩ khai thác từ chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên ra đời trong bất cứ hoàn cảnh, thời điểm nào, thời chiến hay thời bình đều mang một điểm chung là vừa mang bản sắc truyền thống, vừa mang tính thời đại, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của công chúng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Do điều kiện và thời gian hạn chế nên chúng tôi không đi sâu vào các tác phẩm khí nhạc mà chỉ giới thiệu khái quát một số ca khúc được khai thác từ chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên.

Một trong những người đầu tiên đã kế thừa và phát triển âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên vào trong sáng tác của mình một cách nhuần nhuyễn, đó là nhạc sĩ Nhật Lai. Trong hàng loạt tác phẩm để đời của ông, ngoài những tác phẩm viết cho múa, như: Cha con, Người đi săn, Múa khiêl, Greng neeng..., chúng ta không thể không nhắc tới những ca khúc: Con chim lạc đàn, Chim Poong Kle, Tiếng hát Mơnông - Tipry, Đợi chờ và những hoà tấu: Vũ Khúc Tây Nguyên, Suối đàn Krông Pa..., đặc biệt là vở nhạc kịch (opéra) Bên bờ Krông Pa. Căn cứ vào nội dung, tính chất và quy mô của tác phẩm, chúng tôi dám khẳng định rằng, Bên bờ Krông Pa là một trong những vở nhạc kịch (opera) tiêu biểu nhất của nền âm nhạc bác học chuyên nghiệp Việt Nam kể từ trước đến nay. Sau nhạc sĩ Nhật Lai là nhạc sĩ Trần Quý với các tác phẩm Hát mừng anh hùng Núp, hoà tấu nhạc cụ bốn chương (suite) Tây Nguyên. Điều lý thú là, Hát mừng anh hùng Núp là một tác phẩm được ra đời trong lúc tác giả chưa một lần đặt chân lên Tây Nguyên mà chỉ hiểu Tây Nguyên, đến với Tây Nguyên thông qua con em của đồng bào các dân tộc Tây nguyên ra tập kết ở miền Bắc, đặc biệt là hình tượng anh hùng Núp trong tác phẩm Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc.

Đồng thời với các tác phẩm của nhạc sĩ Nhật Lai, nhạc sĩ Trần Quý và muộn hơn một chút, là hàng loạt các tác phẩm của các nhạc sĩ khác được ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà tên tuổi và tác phẩm của họ sẽ sống mãi với thời gian. Tiêu biểu nhất là các tác phẩm của các nhạc sĩ, sau đây: Bóng cây kơ nia - nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Ngọc Anh, Em là hoa Pơ Lang của Đức Minh, Cánh chim báo tin vui của Đàm Thanh, Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên của Lê Lôi, Người lái đò trên sông Pô Kô - nhạc Cầm Phong, thơ Mai Trang, Đắk Kroong mùa xuân về của Tố Hải, Tháng ba Tây Nguyên - nhạc Văn Thắng, thơ Thân Như Thơ, Cô gái vót chông - nhạc Hoàng Hiệp, thơ Môlôyclavi, Vui mùa chiến thắng của Văn Chừng - Lam Lương, Lời ru trên nương - nhạc Trần Hoàn, phỏng thơ Nguyễn Khoa Điềm... Gây ấn tượng sâu sắc mạnh mẽ hơn cả là hình ảnh người con gái Tây Nguyên không chỉ trong lao động, chiến đấu, trong cộng đồng buôn làng, trong sự gắn bó với thiên nhiên, trong tình yêu đôi lứa..., mà cả trong sự nghiệp chung của đất nước, dân tộc - tình cảm Nam Bắc trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước: Bóng cây kơ nia là một tác phẩm tiêu biểu. Bóng cây kơnia vừa mang âm hưởng dân gian Jrai, Tây Nguyên vừa mang tính thời đại và đã trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu trong kho tàng âm nhạc đương đại Việt Nam, được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam chọn làm tiết mục biểu diễn trên nhiều sân khấu trong và ngoài nước, như: ca sĩ: Măng Thị Hội, Rơ Chăm Phieng, Lan Anh... Theo đó, hình tượng cây kơnia đã trở thành biểu tượng thể hiện lòng son sắt thủy chung của đồng bào Tây Nguyên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.

Cùng với Bóng cây kơnia là bài hát: Cô gái vót chông - nhạc Hoàng Hiệp, phỏng thơ Môlôyclavi. Tác phẩm này ra đời giữa những năm tháng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang trở nên vô cùng ác liệt. Nói về sự ra đời của bài hát Cô gái vót chông, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, cho biết:

“Rất tình cờ, tôi đọc báo Văn nghệ và gặp bài thơ Cô gái vót chông của Môlôyclavi. Bài thơ đã gợi nhiều cảm hứng cho tôi viết nhạc. Sẵn vốn chất liệu Tây Nguyên đã có từ trước, tôi phổ nhạc bài thơ tương đối nhanh. Bài hát sau khi ra đời đã được tốp nữ của Nhà hát Ca múa Trung ương dàn dựng, trong đó các diễn viên vừa hát, vừa tự đệm đàn t’rưng. Tiết mục đã được hoan nghênh, được đi biểu diễn ở một số nước châu Âu và được thu đĩa ở Pháp. Mấy năm sau, Cô gái vót chông lại được NSND Tường Vi trình bày một cách hết sức nghệ thuật và sáng tạo. Từ đó bài hát trở thành tiết mục “tủ” của Tường Vi, và không chỉ nhân dân miền Bắc, nhân dân miền Nam khi nghe bài hát này qua Đài Tiếng nói Việt Nam cũng rất thích”.

Cô gái vót chông là một tác phẩm tiêu biểu đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tạo ra trên cơ sở chất liệu âm nhạc dân gian của người Jrai ở Tây Nguyên. Cô gái vót chông được người dân Jrai và các dân tộc Tây Nguyên coi như một bài hát dân ca của “cha ông để lại” rồi đặt lời mới và “chuyển soạn” cho dàn công chiêng diễn tấu theo phương pháp cổ truyền, phục vụ nhu cầu tinh thần của cộng đồng trong nhiều năm qua rất hiệu quả.

Sau ngày thống nhất nước nhà, cùng với việc khắc phục hậu quả chiến tranh, các tỉnh Tây Nguyên đã khẩn trương củng cố và thành lập các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các hội văn học nghệ thuật, các trường văn hóa nghệ thuật, và nhiều cuộc hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên, không chuyên nghiệp được tổ chức hàng năm...., đã tạo điều kiện thuận lợi cho âm nhạc Tây Nguyên được vang lên rộn ràng hơn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Và lực lượng những người làm âm nhạc chuyên nghiệp các tỉnh Tây Nguyên ngày càng tăng trên tất cả các lĩnh vực: sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn và đào tạo.

Được thừa hưởng những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây nguyên và những sáng tác của các nhạc sĩ đi trước, đồng thời được sự quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt của các cấp chính quyền địa phương, sự cưu mang của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên..., Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuât (VHNT) Việt Nam và Hội VHNT các tỉnh Tây Nguyên đã liên tiếp mở nhiều trại sáng tác âm nhạc, động viên và thu hút hàng chục nhạc sĩ trong cả nước đến với Tây Nguyên. Kết quả hàng trăm ca khúc và khí nhạc được được ra đời góp phần đáng kể vào đời sống âm nhạc của nước ta. Trong đó đáng kể nhất là các tác phẩm: Tình ca Tây Nguyên của Hoàng Vân, Ngọn lửa Cao nguyên của Trần Tiến, Hát giữa đêm trăng Chư Prông của Vũ Thanh, Hỡi em, cô gái Ayun Pa của Minh Khang, Đêm xoang Tây Nguyên của Văn Chừng (thơ Đào Phong Lan), Bài ca trên đồi của Mạnh Trí, Hãy giữ lấy màu xanh Tây Nguyên của Lê Xuân Hoan, Tiếng hát đêm nhà rông của Ngọc Tường, Đi tìm lời ru mặt trời của Y Phôn Ksor, Đêm trăng Tây nguyên của Phạm Cao Đạt, Mặt trời trắng Cao nguyên xanh của Ngọc Minh, Nam Tây Nguyên nhớ Bác của Hà Huy Hiền, Mưa Cao Nguyên của Linh Nga Niê Kdăm.... Đặc biệt là hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Cường. Có thể nói, Nguyễn Cường là một “hiện tượng” âm nhạc đáng chú ý nhất của Tây Nguyên từ trước tới nay. Nghe tác phẩm của ông nhiều người cứ tưởng ông là người Tây Nguyên, nhưng thực ra tên khai sinh của ông là Nguyễn Mạnh Cường. Sinh ngày 1 tháng 12 năm 1943. Quê quán thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây. Trong hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Cường viết về Tây Nguyên thì xuất sắc nhất là những tác phẩm được ông khai thác từ chất liệu âm nhạc của người Ê đê. Đó là những tác phẩm: Hơ Zen lên rãy, Ơi MĐrắk, Ly ca phê Ban Mê, Có yêu nhau về Buôn Ma Thuật...

Trong trào lưu sáng tác âm nhạc Việt Nam thời gian gần đây, âm nhạc dân gian Tây Nguyên ngày càng được giới nhạc sĩ sáng tác quan tâm khai thác, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, thu hút được sự ngưỡng mộ của đông đảo người yêu nhạc trong cả nước.

Trong những năm qua, bằng tài năng và trí sáng tạo của mình, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam đã sáng tạo được nhiều tác phẩm âm nhạc tiêu biểu, thể hiện rõ âm hưởng và phong cách Tây Nguyên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những phác thảo bước đầu. Nếu có thời gian và công sức thì có lẽ mấy chục trang sách vẫn chưa thể nói hết được những gì mà các nhạc sĩ của chúng ta đã thể hiện trong các tác phẩm của mình. Số lượng tác giả và tác phẩm nêu trên chưa nhiều nhưng cũng đủ để một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên và trách nhiệm của các nhạc sĩ Tây Nguyên trong “sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Âm nhạc dân gian không chỉ là nguồn sữa ngọt lành nuôi dưỡng con người mà còn là nhu cầu thể hiện lẽ sống của con người, giúp con người vững bước tiến lên phía trước. Những giá trị của kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên, trong đó có các phương tiện diễn tả âm nhạc chẳng những có giá trị góp phần khẳng định bản sắc văn hóa của Tây Nguyên trong quá khứ, hiện tại và tương lai mà còn có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển chung của cả nước. Không phải ngẫu nhiên mà các nhạc sĩ đã khai thác và vận dụng chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên vào trong các tác phẩm để sáng tạo ra những bài ca đi cùng năm tháng như đã nêu trên.

Xuất phát từ giá trị nhiều mặt của những bài ca ấy, thời gian gần đây, những người quan tâm đến đời sống âm nhạc nước ta từ già đến trẻ ngày càng trân trọng, quý mến những bài ca được phát triển từ chất liệu âm nhạc Tây Nguyên. Theo đó, nhiều ca sĩ đã chọn và mang những ca khúc mang âm hưởng Tây Nguyên, đặc biệt là những tác phẩm: Bóng cây kơnia - nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Ngọc Anh, Cô gái vót chông - nhạc Hoàng Hiệp, thơ Môlôyclavi, Tình ca Tây Nguyên - Hoàng Vân, Ơi MĐrắk - Nguyễn Cường, và nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ Tây Nguyên vào các “đấu trường ca nhạc” danh tiếng trong và ngoài nước. Và, nhiều ca sĩ đã thành danh cũng bắt đầu khởi nghiệp từ việc thể hiện các tác phẩm âm nhạc Tây Nguyên mà Măng Thị Hội, Y Mon, Siu Blắk, Y Phôn Ksor, Thuý Hà, Ali Việt, Y Joel... là những người tiêu biểu. Điều đó một lần nữa khẳng định sức sống trường cửu của âm nhạc Tây Nguyên trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.