You are here

Âm nhạc Việt Nam và tinh thần hội nhập thế giới

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Cuộc xuất ngoại danh chính ngôn thuận đầu tiên sang châu Âu của nhạc Việt có lẽ là sự kiện tham dự Hội chợ Toàn cầu Paris cuối thế kỷ XIX (1890) của dàn nhạc Đại Nội Triều đình Huế (thời vua Đồng Khánh). Lần đầu mang chuông đi đánh xứ người, dàn nhã nhạc An Nam đã khiến Debussy hết sức ngỡ ngàng, rồi từ đó nhà soạn nhạc trường phái Ấn tượng Pháp bị cuốn hút dần vào hành trình khám phá phương Đông, kéo theo cả một xu hướng phương Đông (Orientalism) trong âm nhạc phương Tây. 

(Nguồn: internet)

Khát vọng hội nhập của “làng nhạc Việt” với tinh thần sẵn sàng tiếp nhận cái mới từ thế giới bên ngoài đã dẫn tới ba cuộc đổi thay lớn trong thế kỷ trước: thứ nhất - đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam với sự hình thành tân nhạc vào nửa đầu thế kỷ XX; thứ hai - “trình làng” các tác phẩm giao hưởng thính phòng với các thể loại lớn nhỏ khác nhau (giao hưởng thơ, liên khúc giao hưởng, kịch múa, opera…) vào giữa thế kỷ XX; thứ ba - mở ra thời kỳ mới trong phương thức hoạt động âm nhạc với sự lên ngôi của nhạc giải trí (thường được gọi là: nhạc nhẹ, nhạc trẻ, nhạc thị trường) vào cuối thế kỷ XX, cũng là lúc diễn ra các cơn lốc kỹ thuật: công nghệ điện tử (nhạc cụ, thiết bị âm thanh) và công nghệ thông tin (máy tính, internet).

Internet chính thức mở ra thời đại toàn cầu cho nhạc Việt thế kỷ XXI. Dù muốn hay không thì nhiều rào cản cũng được tháo dỡ trong “thế giới phẳng”. Mong muốn và cơ hội hòa nhập quốc tế ngày càng lớn. Điều này thấy rõ nhất trong lĩnh vực nhạc giải trí, nơi mà vai trò chính trong mọi hoạt động: sáng tác, biểu diễn, sản xuất và thưởng thức đều thuộc về giới trẻ - thế hệ dễ tiếp cận và nắm vững công nghệ thông tin. Song, cho tới nay, cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, xu hướng hòa nhập trong ca nhạc giải trí chủ yếu vẫn một chiều “nhập vào” chứ chưa đủ sức tỏa ra thị trường âm nhạc quốc tế, chỉ mới ở mức xuất hiện vài tín hiệu manh nha tiến tới thị trường khu vực mà thôi.

Tiếng nói chính thức của âm nhạc nước nhà trên diễn đàn quốc tế vẫn là khí nhạc chuyên nghiệp. Có thể điểm qua vài nét như sau: về sáng tác, số lượng tác phẩm giao hưởng thính phòng Việt Nam vang lên trong các phòng hòa nhạc thế giới tăng dần; về biểu diễn, các dàn nhạc giao hưởng Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực và ngày càng nhiều nhạc công Việt làm việc trong dàn nhạc quốc tế; về đào tạo, thí sinh Việt Nam tham gia và đoạt giải các kỳ thi quốc tế không còn là sự kiện hiếm hoi; về nhạc cổ, cần ghi nhận vai trò của giới lý luận nghiên cứu sưu tầm âm nhạc trong việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO để có sự công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc di sản cần được bảo vệ khẩn cấp cho 8 thể loại - nhã nhạc (2003), cồng chiêng Tây Nguyên (2005), quan họ (2007), ca trù (2007), hát xoan (2011), đờn ca tài tử (2013), ví giặm (2015), bài chòi (2017), chưa kể hồ sơ hát then đang chờ xét duyệt.

Từ vài nét phác trên cũng đủ thấy khái niệm hội nhập bao gồm cả hai chiều: nhập và xuất - tiếp nhận tinh hoa nhân loại từ thế giới bên ngoài và đưa nhạc Việt ra thế giới. Chiều nào cũng có khó khăn và thuận lợi, cũng như các tác động thuận và nghịch.

Khó khăn trước hết do ảnh hưởng từ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao. Trong thời kỳ chiến tranh kéo dài suốt mấy thập niên cộng thêm thời hậu chiến kinh tế kiệt quệ, chúng ta hầu như không có điều kiện để hướng tới hội nhập quốc tế trong nghệ thuật âm nhạc. Mối giao tiếp có được chủ yếu chỉ với các nước thuộc “phe Xã hội chủ nghĩa”, mà một phần non của thế giới khi ấy chẳng thể gọi là toàn cầu được.

Đầu thế kỷ XXI, cánh cửa ra nhìn ra thế giới bên ngoài mới mở ra dần: chưa bao giờ giới nhạc được tiếp xúc, học hỏi, quảng bá tác phẩm trong không gian rộng lớn đến vậy; chưa bao giờ các nhạc sĩ có nhiều lựa chọn trong hình thức âm nhạc và ngôn ngữ biểu hiện đến thế. Được tiếp cận với các trào lưu âm nhạc thế giới, các tác giả - đặc biệt thế hệ trẻ - có điều kiện thể hiện mình qua những phương thức biểu hiện mới mẻ. Nhạc giải trí phổ thông xuất hiện các nhánh khác nhau, như pop, rock, jazz, acoustic, hip-hop, rap, ballade…, thậm chí giới trẻ còn hướng đến cách thức thực hành âm nhạc phi truyền thống, cũng như các loại nhạc mới thịnh hành gần đây trên thế giới, như mash-up, underground, indie, EDM (electronic dance music). Chắc hẳn sự sôi động thị trường nội địa cũng tạo nên sức hút hợp tác quốc tế, để Việt Nam là điểm đến của nhiều nghệ sĩ quốc tế hơn, để các kênh digital tiếp tục là cầu nối giữa nghệ sĩ Việt với khán giả nước ngoài.

Sự khích lệ sáng tạo cũng mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực khí nhạc chuyên nghiệp để từ đó nảy mầm những yếu tố hiện đại, hậu hiện đại, nhạc đương đại, nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm, nghệ thuật sắp đặt…

Tác động tích cực thấy rõ nhất là các sự kiện âm nhạc chuyên nghiệp mang tầm quốc tế được tổ chức ngày càng phong phú và đều đặn. Riêng 2018 đã có: Liên hoan Âm nhạc Connection lần thứ 4 hội tụ hàng chục nghệ sĩ biểu diễn nhạc cổ điển đẳng cấp quốc tế tạo sân chơi cho nghệ sĩ, nhất là lớp trẻ trong mối liên kết Việt Nam với thế giới; Festival Piano quốc tế Hà Nội dành cho các nghệ sĩ không giới hạn tuổi từ nhiều quốc gia; Festival Nhạc mới Á - Âu lần thứ 3 cuối 2018 hội tụ hàng trăm nhạc sĩ Á - Âu - Mỹ, hàng chục chương trình hòa nhạc giao hưởng thính phòng, giới thiệu tác phẩm mới của các tác giả quốc tế cho công chúng Việt Nam, đồng thời quảng bá khí nhạc Việt Nam với đồng nghiệp quốc tế... Các sự kiện âm nhạc này có ý nghĩa lớn cho người yêu nhạc không lời, cũng là cơ hội cho giới nhạc chuyên nghiệp cập nhật âm nhạc thế giới và hiểu rõ ta đang ở đâu so với khí nhạc toàn cầu.

Chính tinh thần hòa nhập thế giới càng tăng thêm ý thức dân tộc và xu hướng về nguồn. Ở lĩnh vực nhạc cổ có sự chuyển biến lớn trong quan điểm, xóa bỏ dần những định kiến sai lầm. Nhiều tinh hoa cổ truyền từng bị phê phán cổ hủ, lạc hậu, thiếu tính chiến đấu, thiếu tính thời đại đã được “phục hồi danh dự”, trong đó có một số thể loại đã được UNESCO ghi nhận là di sản chung của nhân loại. Song từ đây cũng lại nảy sinh “tác dụng phụ”, chẳng hạn phong trào kinh doanh vốn cổ, đánh tráo giá trị thực - giả, nhất là với những thể loại nhạc cổ truyền đã được UNESCO vinh danh.

Đề cao tính dân tộc rất phù hợp với định hướng “dân tộc và hiện đại” cho văn học nghệ thuật trong suốt mấy thập niên qua ở Việt Nam. Với mong muốn “hòa nhập mà không hòa tan” trong mục tiêu hội nhập quốc tế, không gì bằng dựa vào chất liệu vốn cổ dân tộc để có được tiếng nói riêng không nhạt nhòa. Mọi sự tưởng như quá rõ. Tuy nhiên, từ phạm trù “dân tộc” qua cách nhìn thoáng hơn lại có thể đặt ra những vấn đề mang tính phản biện.

Ta vẫn biết rằng dân ca nhạc cổ các địa phương đều là tài sản quốc gia, nhưng viết về Bắc bộ mà dùng nét nhạc miền Trung hoặc Nam bộ thường bị phản ứng, tất nhiên là của công chúng Việt thôi, vì người ngoại quốc đâu có thông thạo địa lý vùng miền của ta. Có nên hẹp hòi vậy không, nếu đó là tác phẩm hay? Chất liệu dân tộc không chỉ thuộc về duy nhất cộng đồng chủ sở hữu. Nhạc sĩ người Kinh vẫn “xài xả láng” chất liệu âm nhạc của 53 dân tộc anh em đó thôi. Nhạc sĩ phương Tây từ lâu vẫn mượn chất liệu âm nhạc và âm sắc nhạc cụ phương Đông trong cả những tác phẩm hoàn toàn không nói về phương Đông, đâu có bị chỉ trích! Các nhạc sĩ của nhiều quốc gia, nhiều thời đại không cần định hướng theo tiêu chí “dân tộc” mà vẫn tạo nên những tác phẩm để đời. Nhiều thể loại của một dân tộc đã và sẽ còn được vinh danh là di sản âm nhạc nhân loại. Vậy thì, trong một thế giới có không ít quốc gia đa sắc tộc và không ít “công dân toàn cầu”, trong một thời đại mà vốn cổ dân tộc không còn là độc quyền của một dân tộc, liệu tiêu chí “dân tộc” có nhất thiết cần đặt ra như một nguyên tắc bắt buộc hàng đầu nữa không?

Với tiêu chí “hiện đại” cũng gặp không ít băn khoăn và ngộ nhận. Tâm lý “sính ngoại” thường dẫn đến quan niệm cứ phải giống nước ngoài mới là hội nhập. Môi trường càng mở rộng càng dễ gây tác động nghịch cho những ai thiếu bản lĩnh sáng tạo (cả trong sáng tác và biểu diễn), bởi họ có thêm nhiều cơ hội sao chép, đạo nhạc, đạo văn trong âm nhạc.

Hội nhập quốc tế không đồng nghĩa với bắt chước. Những bản sao sẽ chết yểu, vì đó chỉ là món ăn nhất thời cho cơn háo ngoại của công chúng nội địa, chứ với thế giới bên ngoài thứ hàng nhái đó chẳng có giá trị gì hết. Trái lại, hội nhập quốc tế đòi hỏi sự khác biệt trong mỗi cá thể sáng tạo. Muốn có sự khác biệt đó trước hết cần có cái tôi, cái tôi ấy sinh ra từ cảm xúc riêng chân thực và bản lĩnh sáng tạo; còn bản lĩnh sáng tạo là sự kết hợp của lòng tự trọng nghề nghiệp với vốn nghề; mà vốn nghề lại là sự kết hợp của kiến thức âm nhạc và kinh nghiệm sống.

Biểu hiện sính ngoại đã ảnh hưởng không ít đến đời sống âm nhạc, nhất là khi không chỉ ở mức cá thể, mà liên quan đến các tổ chức quản lý âm nhạc: tên gọi “dòng nhạc bolero” ở đâu ra? Phải chăng cần một tên gọi mới nghe rất kêu rất Tây để có cuộc trở lại rầm rộ trên các phương tiện truyền thông cho những bài hát lãng mạn trước 1954, tình khúc trước 1975, nhạc sến, nhạc vàng, nhạc tình tự quê hương của hải ngoại - kể cả những bài chẳng liên quan gì đến tiết điệu bolero?

Dù còn đó những nỗi lo về tình trạng loạn chuẩn, lệch chuẩn, thì hội nhập vẫn là xu thế chung của thời đại. Âm nhạc là để kết nối. Không hội nhập là tự giới hạn khả năng của âm nhạc, tự ta cô lập mình với thế giới bên ngoài. Một ngôi nhà cửa đóng then cài, không khí tù đọng không lưu thông đâu phải là môi trường sống tốt. Mở cửa thông thoáng đón khí tươi luôn có lợi cho sức khỏe, và con người có khỏe có kỹ năng sinh tồn khi bước ra ngoài mới đủ tự tin thể hiện mình, biểu đạt những gì mình có.

Để không tụt hậu và tránh tối đa những tác động nghịch, có rất nhiều việc cần làm liên quan đến các ngành khác nhau: giáo dục, đào tạo, truyền thông, báo chí, xuất bản, tổ chức biểu diễn… Tính liên ngành đòi hỏi trước hết người quản lý như một nhạc trưởng tạo nên sự cân đối hài hòa cho bức tranh chung. Bức tranh càng đa dạng càng tốt cho mọi lĩnh vực sáng tác, biểu diễn và thưởng thức, nhưng càng nhiều thách thức cho người quản lý.

Chưa thể gọi là quản lý hiệu quả, khi mà bệnh hình thức thành tích còn quá nặng nề (một trong vô số thí dụ là sự đầu tư tốn kém vào những chương trình lễ lạt cổ động hoành tráng mà ít tính nghệ thuật), khi mà các cơ quan chức năng luôn bị động và đối phó bằng các biện pháp thiếu niềm tin vào cộng đồng: quản không được thì cấm (chặn internet và các trang xã hội, đưa các quyết định xử phạt chỉ để chữa cháy sự đã rồi)…, tóm lại là không gây dựng được môi trường âm nhạc đích thực. Cũng chưa thể có môi trường âm nhạc tốt lành cho tương lai, khi hiện trạng vẫn còn đầy rẫy những biểu hiện dân trí thấp về văn hóa âm nhạc, khi các tiềm năng âm nhạc không được nuôi dưỡng tốt và luôn có hiện tượng “chảy máu nhân tài” (nhất là trong lĩnh vực biểu diễn nhạc cổ điển).

Môi trường âm nhạc thiện lành phải bắt đầu từ giáo dục phổ thông. Không thể để tư duy giáo điều thiếu trung thực tiếp tục làm hỏng nhiều thế hệ học trò nữa, không thể chỉ đổ tiền tốn kém vào cải cách giáo trình (thực tế càng cải càng lùi), mà phải thay đổi phương pháp giảng dạy (không chỉ dạy hát, mà quan trọng hơn thế: hướng dẫn các bé cảm thụ âm nhạc như một kỹ năng sống).

Môi trường âm nhạc lý tưởng luôn khích lệ sáng tạo bằng đầu tư cụ thể đúng chỗ, đúng mức và không chỉ để có tác phẩm hay, mà còn giúp tác giả đưa tác phẩm đến được công chúng. Một không gian âm nhạc rộng mở, kết nối, giao lưu với thế giới bên ngoài là điều kiện hấp dẫn cho các nghệ sĩ và dàn nhạc danh tiếng đến Việt Nam, đồng thời là môi trường thuận lợi nuôi dưỡng tác giả - tác phẩm hay và nghệ sĩ tài để hội nhập quốc tế.

Xưa nay âm nhạc Việt Nam được thế giới biết đến vẫn chỉ trong các chương trình giao lưu văn hóa mang tính hữu nghị hội hè. Mong đến ngày tác phẩm Việt Nam có mặt thường xuyên trong các chương trình hòa nhạc trên thế giới, không cần nhờ cậy vào yếu tố ngoại giao hiếu hỉ, mà hoàn toàn do đẳng cấp của chính mình.

18-03-2019

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.