You are here

Bài hát Chiếc khăn Piêu có nguồn gốc dân ca Xá hay dân ca Thái?

Tác giả: 
Tề Vân

Chiếc khăn piêu là bài hát quen thuộc, nhưng gốc nguồn của bài hát này thì chưa mấy ai biết. Vì thế, xin cung cấp về cái điều “chưa mấy ai biết” ấy, để mọi người tường tận thêm về sự ra đời của bài hát mà trước đây, mỗi khi biểu diễn thì nơi giới thiệu là dân ca Xá, nơi lại giới thiệu là dân ca Thái, gần đây mới giới thiệu là của nhạc sĩ Doãn Nho.

Ai cũng biết chiếc khăn Piêu đội đầu là vật làm duyên của các cô gái dân tộc Thái ở Tây Bắc, nhưng bài hát ngợi ca về chiếc khăn Piêu lại khởi nguồn từ bài dân ca của anh con trai đa tình của dân tộc Cống Khao - dân tộc ở gần kề dân tộc Thái. Bởi lẽ, trong chiếc khăn Piêu có một motif hoa văn gọi là “dây tình”. “Dây tình” tiếng Thái gọi là “xai peng” (xai là dây - peng là tình), xai peng của người Thái cũng ví như dây tơ hồng của người Việt. Đó là sự cụ thể hóa về hai chất nguyên khí của Po Me (bố mẹ) - chất đã “tạo ra” con người - người Thái. Hoa văn xai peng được biểu tượng bằng hai sợi dây, nhưng được dứt ra từng đoạn như con bún, mà xoắn xuýt, chực bện vào nhau như cuộn thừng.

Đây là biểu tượng mang yếu tố tâm linh do thầy mo bảo trợ: nó là dây “Rồng”, dây “Tiên” (nòi giống), dây “bùa” hộ mệnh, dây của con tim, dây của tình cảm (xai chựa xai peng), dây trói buộc trái tim của đôi lứa (xai chưa kiệu, húa có nha mai). Người Thái trân trọng, yêu quý gìn giữ và nâng niu xai peng thể hiện trên nhiều hình thái đa dạng và phong phú. Do đó, xai peng trước hết là đặt tên cho một dòng dân ca lớn của dân tộc, gọi là “Khắp xai peng” (Hát tình yêu). Khắp xai peng là tiếng hát cửa miệng, vang lên mọi lúc, mọi nơi của cả người già và lớp trẻ. Vì thế, làn điệu Khắp xai peng là cơ sở đặt nền móng cho nền âm nhạc cổ truyền của người Thái ở Tây Bắc.

Hoa văn xai peng là hoa văn thổ cẩm, trang trí trên những đồ dùng, vật dụng của đời sống như: trên mặt chăn, riềm gối, đồ đan lát, đồ gỗ và trang trí trong nhà như: trên nóc đố, trên cửa chính, cửa sổ, v.v... Nhưng đặc biệt và hay được nhắc đến hơn cả, đó là hoa văn xai peng thêu trên khăn Piêu đội đầu của phụ nữ Thái, mang đầy đủ ý nghĩa và bản chất sâu xa của nó.

Ý nghĩa của xai peng là móc nối, đan xen, trao đổi tình cảm nhưng không hòa đồng giữa hai “chất” (trai gái). Ý niệm này được truyền nối trong tâm thức của từng thế hệ người Thái đến ngày nay và được thể hiện trong những hình thái khác nhau. Chẳng hạn ở lễ cưới, trong phòng hợp cẩn, cô dâu chú rể quỳ trước bà mối, bà mối tay trái cầm quả chuối, tay phải cầm nắm xôi, rồi chéo hai tay lại, nắm xôi trao cho chú rể, quả chuối trao cho cô dâu. Sự chéo hai tay của bà mối đó là tinh thần của dây tình xai peng của họ.

Tinh thần dùng hai tay vắt chéo nhau làm biểu tượng trong lễ thành hôn này, ngày nay ở người Việt được biểu tượng bằng việc dùng chữ cái tên cô dâu và chú rể viết “lồng” vào nhau làm biểu tượng trang trí trong phòng cưới. Đó là tâm thức về dây tơ hồng của người Kinh. Kiểu chữ viết “lồng” này của người Kinh phải chăng tiềm tàng tính “vật chất” rõ nét về mối quan hệ của đôi uyên ương hơn chữ “song hỷ” của Trung Quốc.

Trong khăn Piêu đội đầu của phụ nữ Thái, ở mỗi đầu khăn được trang trí bốn motif hoa văn biểu tượng về sự sống trong vòng đời của mỗi con người. Đây là một nửa bên trái của một đầu khăn, tính từ trên xuống: (ô số 1) dây xai khớ - kho nhiên liệu của sự sống, (ô số 2) dây tình xai peng - tơ hồng, (ô số 3 kút piêu) ngọn lửa hình ảnh của sự sống được nối với dây xai khớ kho nhiên liệu, (ô số 4) ta leo - ý nghĩa như cây nêu của người Kinh (ô số 5 hú piêu) nằm ở ngoài góc khăn, (ô số 6 viền khăn) ngang và dọc, (ô số 7 dây xai peng).  

Những hoa văn thêu trên khăn Piêu, được thiết kế trên những hình học: vuông hoặc chữ nhật, nằm ở hai đầu khăn. Do đó, khi đội, một đầu khăn trùm trên đỉnh đầu rủ xuống trán và một đầu khăn thả xuống sau lưng dưới gáy là những phần hở ngoài có trang trí hoa văn, còn đoạn giữa để nguyên vải chàm thô.

Ý nghĩa của xai peng trên khăn Piêu, khi trao tặng khăn Piêu cho bạn gái cùng, hoặc khác dân tộc là sự trao đổi tình cảm, nghĩa là con người tôi luôn luôn trong tâm tưởng của bạn và ngược lại, hình ảnh của bạn như chiếc khăn Piêu luôn luôn bên tôi. Còn xai peng thêu trên khăn Piêu đội đầu của cô gái luôn được nâng niu như gìn giữ niềm trung trinh, tình yêu chung thủy của lứa đôi. Cô gái Thái đội khăn Piêu trên đầu càng xinh duyên thêm, và xai peng là chiếc bùa yêu, chất men tình rạo rực, gợi cho tâm hồn nàng luôn nghĩ đến lời hẹn ước với bạn tình: đón nhận và hiến dâng.

Xai peng thêu trên khăn Piêu để cô gái đội lên đầu cất giữ, đó là biểu tượng của lứa đôi: tình yêu nồng nàn và sự sống sôi động, như hai sợi dây tình quấn quýt bện lấy nhau mãi mãi, như đôi sam ôm nhau không bao giờ rời xa, cho đến ngày tuổi già, xế bóng khi qua đời thì xai peng mới chia lìa. Khi ấy, chiếc khăn Piêu được cắt làm đôi, mỗi người một nửa đặt vào quan tài, gối lên đầu, đem theo sang thế giới bên kia. Nếu cụ ông đi trước thì khăn Piêu được cắt một nửa mang đi, còn một nửa kia cụ bà để dành, gối đầu giường. Phong tục này ở người Thái ngày nay vẫn còn nguyên ý nghĩa của nó.

Do tính chất của xai peng trên khăn Piêu của cô gái Thái, nên khi chiếc khăn đánh rơi bay theo gió cuốn, chàng trai người Cống Khao đa tình nhặt được, tâm trạng anh ta xao xuyến bồi hồi, hai tay nâng chiếc khăn Piêu lên trước ngực, hình dung đến người đẹp, xúc cảm làm bài hát (dân ca) ngợi ca, gửi tình theo gió, may ra được người đẹp để ý tới...

Đạo diễn - biên đạo múa Vũ Toản (Đoàn Ca múa Quân đội Tổng cục Chính trị) trong quá trình đi nghiên cứu đã sưu tầm được bài dân ca Tăng A Tim của dân tộc Xá (nay là Khơ Mú). Khi đó, ông đã trao cho người bạn của mình, là nhạc sĩ Doãn Nho. Ngay từ khi bắt gặp giai điệu bài dân ca Tăng A Tin, Doãn Nho đã say mê giai điệu này để từ đó tạo nên giai điệu trẻ trung sôi động của Chiếc khăn Piêu tươi trẻ đến tận ngày nay. Theo nhạc sĩ cho biết thì ông đã viết bài hát trong một buổi chiều của năm 1956, sau chiến thắng Điện Biên Phủ hai năm, khi đó nhạc sĩ mới 23 tuổi. Ban đầu, nhạc sĩ đặt tên ca khúc là Chiếc khăn rơi. Khi được hỏi, “Ông đã phát triển, khai thác bao nhiêu phần trăm chất dân ca của dân tộc Khơ Mú trong bài này?”, nhạc sĩ Doãn Nho không đắn đo: “50%”. Theo nhạc sĩ Doãn Nho, bài dân ca Tăng A Tim có giai điệu rộn ràng với nội dung: “Cái váy đẹp đánh rơi, gió bay đi, anh em nhặt được gửi cho nhau… Mặc cái váy cũ mà đi làm… Cái khăn đẹp/ Dây lưng đẹp… đánh rơi, anh em nhặt được…”.

Qua bài dân ca Tăng A Tim, hình ảnh về chiếc khăn của những cô gái vùng cao Tây Bắc hiện lên rõ nét trong tâm trí của nhạc sĩ Doãn Nho lúc ấy: “Thực ra lúc đó, mình ngay tới hình ảnh của khăn Piêu. Sau này mới biết khăn Piêu là của dân tộc Thái. Nhưng tôi nghĩ, chỉ cần nói về hình ảnh khăn Piêu thì những người con gái Tây Bắc đã hiện lên rồi”. Nhạc sĩ cho biết, nội dung bài Chiếc khăn Piêu nói rất chân thật tấm lòng của mình, nhất là qua câu hát: “Nghe con chim cúc cu, kìa nó hót lên một câu rằng: có một nàng ở trong rừng, tìm trong rừng, kiếm trong rừng chiếc khăn Piêu. Chiếc khăn Piêu thêu chỉ hồng để gió cuốn bay về đây vương trên cây... Á ơi có phải thắm thiết bên nhau chiếc khăn đây là mối nối duyên nhau thời tôi chờ. Tiếng tôi vang rừng núi, sao không ai trả lời, nhắn tin theo cùng gió khăn còn đây đợi người. A Chi ơi...”.

Người đầu tiên thể hiện Chiếc khăn Piêu là NSƯT Trần Chất, ông đã biểu diễn thành công cùng cây đàn accordeon của nghệ sĩ ưu tú Huy Luân và tạo được một dấu son trong lòng công chúng. Sau đó, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện thành công bài hát này: NSND Quý Dương, NSƯT Hoàng Chè và đặc biệt là danh ca Kiều Hưng đã gắn bó tên tuổi mình với ca khúc này. Những năm 80-90 của thế kỷ trước người nghe say đắm với giọng nam ngọt ngào ấm áp đượm chất dân ca của nghệ sĩ Kiều Hưng trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở bản thu này, Kiều Hưng hát nguyên bản theo ý tưởng của nhạc sĩ Doãn Nho, đoạn “A Chi ơi tới đây nhặt lấy chiếc khăn đẹp này…” trầm hẳn xuống để sau đó vút lên cao, tạo ra độ rộng trong âm hưởng cho bài hát.

Nếu Kiều Hưng để lại trong lòng người nghe dấu ấn đẹp về một giọng ca có “thương hiệu” thì những năm gần đây nữ ca sĩ Anh Thơ lại có cách “biến hóa” riêng để được khán giả đón nhận khi thể hiện ca khúc này. Cho đến năm 2012, khi ca sĩ Tùng Dương biểu diễn Chiếc khăn Piêu trên sân khấu “Bài hát yêu thích” thì thêm một lần nữa ca khúc này đã được khoác một bộ cánh hoàn toàn mới. Nhận xét về cách xử lý của Tùng Dương, nhạc sĩ Doãn Nho từng nói: “Ở bản phối này Tùng Dương không hát đoạn trầm quãng tám, khác so với một số ca sĩ khác. Đứng ở góc độ nào đó thì thấy mất đi một quãng trầm, mầu sắc, độ rộng của âm hưởng đó bị thu hẹp lại nhưng bù lại cách phiêu, nhả chữ cùng với trang phục, ánh sáng... của Tùng Dương rất độc đáo. Vì vậy, dù mất đi một đoạn trầm vẫn có sức hút của nó và tôi rất tôn trọng Tùng Dương. Bên cạnh đó có những cách đảo nhịp do Tùng Dương sáng tác ra, tạo ra nghịch phách, rất lãng mạn, bay bổng, rất hợp với thẩm mĩ giới trẻ.

Từ bài dân ca một câu nhạc với chất liệu ban đầu đã hay, đạt độ cao của thẩm mỹ, tiếp đến lại được bút pháp của nhạc sĩ tài năng Doãn Nho chắp nối sáng tạo thêm, nên bài hát Chiếc khăn Piêu sau nhiều năm vẫn luôn được đông đảo khán giả yêu thích.

Tài liệu tham khảo:

Bùi Anh Phương: Từ bài dân ca Tăng A Tim đến ca khúc Chiếc khăn piêu (báo Đại đoàn kết 14/7/2015).

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.