CA SĨ TRÌNH BÀY
Ca khúc "Bản hùng ca một thời kiêu hãnh" là một sáng tác của nhạc sĩ Trần Nhật Dương, do ca sỹ Hoàng Tùng, Thu Lan và Hợp xướng Nhà hát Đài TNVN trình bày.
Bộ đội tên lửa (Nguồn: Internet)
THU LAN
Nghệ sĩ Ưu tú Phan Thu Lan, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1963, quê ở Hương Sơn, Thành phố Huế.
Nghệ sĩ Thu Lan đã học và tốt nghiệp Trung cấp Thanh nhạc Trường Âm nhạc Huế (1981-1985), Đại học Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (1985-1990), sau đó chuyển về Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi chuyển về Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ Thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, hiện giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc.
Bà thành đạt trên cả hai phương diện. Là nghệ sĩ với giọng hát mềm mại, trong sáng, truyền cảm, bà biểu diễn nhiều tác phẩm trên sóng phát thanh, truyền hình, những chương trình biểu diễn trên sân khấu ca nhạc, được công chúng mến mộ, và đã xuất bản băng nhạc Nỗi nhớ dòng sông. Là nhà giáo, bà luôn tận tình, có trách nhiệm, đào tạo được nhiều ca sĩ có chất lượng khi ra trường.
Bà được tặng Huy chương Vàng, Bạc trong các kỳ hội diễn và đoạt giải Ba cuộc thi Thính phòng toàn quốc lần thứ nhất (1996), được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007.
HOÀNG TÙNG
Ca sĩ Hoàng Tùng giành giải nhất Sao mai năm 2003, hiện là ca sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam. Thông tin về ca sĩ Hoàng Tùng đang được Ban biên tập Website Hội Nhạc sĩ tiếp tục cập nhật.
Ban biên tập
BẢN HÙNG CA MỘT THỜI KIÊU HÃNH
Ca khúc "Bản hùng ca một thời kiêu hãnh" của nhạc sĩ Trần Nhật Dương, lời thơ của nhà báo Trần Nhật Minh, tác phẩm đạt giải B Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013.
Một thời để nhớ (Nguồn ảnh: Internet)
Ca khúc được viết nhân dịp dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, với lời mời của NSƯT Lê Thụy của Đài Truyền hình TP.HCM, tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”. Bài hát với những nét giai điệu trữ tình, da diết phản ánh được ký ức của một thời chiến tranh, một thời anh dũng; cùng với đó là những nét nhạc mạnh mẽ, hào sảng thể hiện lòng quyết tâm, tinh thần chiến đấu anh dũng ngoan cường của quân và dân Thủ đô những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ cũng như 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Trong phần lời, nhà báo Trần Nhật Minh sử dụng những hình ảnh rất ấn tượng tạo thành điểm nhấn trong ca khúc như: “lửa soi sáng những câu thơ viết vội…những câu thơ như hoa nở điệp trùng. Mẹ sinh con trong bóng tối căn hầm giữa bom thù hủy diệt quê mình ”. Hay những câu thơ “Nước mắt Sông Hồng, trầm tích phù sa”, như những dòng chảy tự nhiên của cuộc sống còn lắng lại đến ngày hôm nay, những giá trị trầm tích văn hóa mà tất cả chúng ta không được phép quên lãng, không được phép làm cho nó vẩn đục đi.
Ca khúc như một lời tri ân của những người con được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội đối với các thế hệ cha anh đi trước đã chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ sự sống của chúng ta. Cho chúng ta một tương lai tươi sáng.
Ban biên tập
ĐĂNG BÌNH LUẬN