You are here

Ca khúc 'Paper Planes' của M.I.A: Bức biếm họa về định kiến xã hội

Tác giả: 
Thư Vĩ (tổng hợp)

Vào đầu năm 2008, khi thống trị các BXH là Katy Perry và Jonas Brothers cùng những bản nhạc pop đáng yêu, bỗng đâu nổi lên một ca khúc có giai điệu rất lạ tai và chủ đề vô cùng gai góc. Ca khúc được đông đảo khán giả yêu thích nhưng cũng gây không ít tranh cãi. Đó là Paper Planes (Máy bay giấy) của M.I.A.

Sau bao ngày chờ đợi, "Unholy" của Sam Smith và Kim Petras cuối cùng cũng chính thức được phát hành hôm 22/9. Ca khúc lập tức đạt được thành tích khá ấn tượng khi ra mắt ở vị trí No.3 trên Billboard Hot 100.

“Thật không có gì tệ hơn chuyện có ai nói những câu nhảm nhí như: Cái đây muốn là tới và cướp hết tiền của đằng ấy” - M.I.A nói về một câu trong Paper Planes - “Nhưng nước Mỹ quá ám ảnh với tiền bạc nên tôi chắc họ sẽ hiểu điều đó”.

Lạc quẻ giữa âm nhạc đương đại

Ngay từ khi ra mắt album đầu tay, Arular, năm 2005, M.I.A đã được các nhà phê bình ở cả hai bờ Đại Tây Dương đánh giá cao. Album nhạc dance rộn ràng mang chủ đề nặng ký về xung đột, lấy cảm hứng từ chính cuộc đời của bố cô. Thế nhưng, dù Arular nằm trong Top 10 của hầu hết các nhà phê bình, album chỉ bán được 100.000 bản ở Mỹ. Phải tới Paper Planes, sự nghiệp của cô mới vọt lên tầm cao mới.

Paper Planes là một ca khúc pop xuất chúng với ba phút hấp dẫn không ngớt, gần như có thể nghe thấy trên mọi đài phát thanh vào năm 2008. M.I.A bắt đầu làm ca khúc tại London với DJ Switch và DJ Diplo - người vào thời điểm đó vẫn ít người biết đến và cũng chính nhờ Paper Planes, anh mới đột phá, liên tiếp có hit như Look At Me Now với Chris Brown hay C’Mon (Catch ‘Em By Surprise) với Tiesto và tạo dựng chỗ đứng như hiện nay.

Bìa đĩa đơn “Paper Planes” của M.I.A

 

Giữa những giai điệu pop chiều tai đang thịnh hành khi đó, Paper Planes hoàn toàn lạc quẻ. Nó là kết quả tự nhiên của phong cách nghệ thuật hậu hiện đại có ý thức của M.I.A. Nó là ngã ba văn hóa, nơi M.I.A giải mã âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới: Một chút nhịp soca của người Trinidad ở chỗ này, nhịp trống bhangra của Ấn Độ ở chỗ kia; một sample ca khúc cũ của The Clash vào đoạn này, lại một điệu nhạc nhảy ngắn Jamaica vào đoạn kia. Các mảnh ghép này được sáng tạo lại thành một chỉnh thể mới kỳ lạ do M.I.A làm kiến trúc sư trưởng. Thế nhưng, đằng sau giai điệu thoáng đãng, âm trầm mạnh mẽ, nhịp đập rộn rã này là cả một thông điệp lớn u ám, khắc nghiệt.

Hiện nay, Paper Planes nằm thứ hạng cao trong danh sách những ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, thời điểm ra mắt, nó vấp phải rất nhiều tranh cãi. Từ MTV tới MC David Letterman phải kiểm duyệt tiếng súng, nhiều người khác kêu gọi dán nhãn “phản cảm” hay thậm chí là cấm sóng ca khúc.

Không quá ngạc nhiên bởi Paper Planes toàn những câu chuyện xã hội đen, từ trốn cảnh sát biên giới, làm thị thực giả, nổ súng, cướp bóc,… Nghe có vẻ đáng lên án hơn cả là M.I.A cho một dàn hợp xướng những em bé hát những lời: “Cái đây muốn là tới và cướp hết tiền của đằng ấy”. Tất cả bị xen vào bởi những tiếng súng và tiếng máy đếm tiền kêu rổn rảng.M.I.A bị cáo buộc tôn vinh bạo lực và tội phạm - thậm chí là ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Vậy điều gì khiến một ca khúc bị lên án như vậy được khán giả cổ vũ và được lịch sử tôn vinh? Bởi không ít người đã hiểu nhầm Paper Planes. M.I.A không nhằm mục đích ủng hộ hành vi chống đối xã hội mà ngược lại, đây là bức tranh châm biếm về những định kiến tiêu cực phổ biến về người nhập cư.

MV “Paper Planes”:

https://www.youtube.com/watch?v=ewRjZoRtu0Y&ab_channel=MIAVEVO

Luận án ba phút

Mọi việc bắt đầu từ khi M.I.A bắt tay vào làm album thứ hai Kala (2007). Cô rất muốn hợp tác với nhà sản xuất người Mỹ Timbaland nhưng đơn xin thị thực dài ngày của cô tới Mỹ liên tục bị từ chối. Chưa bao giờ có công bố chính xác về lý do chính phủ Mỹ làm khó một công dân Anh chưa từng có lịch sử phạm tội như M.I.A. Có tin đồn rằng đó là do vai trò của bố cô trong phong trào “Những con hổ Tamil”. Cũng có thể vì Mỹ không thích những thông điệp “nổi dậy” trong âm nhạc của cô. Hay như M.I.A nói là vì làn da tối màu và cái tên thật nghe lạ tai: Mathangi Arulpragasam? Hoặc có thể vì lý do cá nhân nào hoàn toàn không liên quan tới chính trị.

Dù thế nào thì trong suốt nhiều tháng chật vật, M.I.A vẫn chưa nhập cảnh Mỹ. Không khó để liên kết điều này với những câu đầu trong Paper Planes về trốn cảnh sát biên giới, sử dụng thị thực giả, bán ID giả,… Trong một cuộc phỏng vấn, M.I.A phàn nàn rằng các nhân viên biên phòng “luôn gây khó khăn cho tôi… và đó là lý do tôi viết Paper Planes, chỉ để tìm hiểu tại sao”.

Khi cuối cùng cũng sang Mỹ, cô sống tại khu của người Mỹ gốc Phi Bedford-Stuyvesant của Brooklyn, New York. Chính cuộc sống tại đây đã cho cô đoạn tiếp theo của Paper Planes: “Tôi nghĩ về việc sống ở đây, thức dậy mỗi sáng ở khu người gốc Phi. Tôi đi mua bánh ngọt ở gần chỗ ở và nghĩ thật không có gì tệ hơn chuyện có ai nói những câu nhảm nhí như: “Cái đây muốn là tới và cướp hết tiền của đằng ấy”. Mọi người không thấy dân nhập cư hay tị nạn có đóng góp gì cho văn hóa. Rằng họ chỉ là những con đỉa hút máu hay kiểu đó”.

“Paper Planes” là hồi đáp mạnh mẽ của M.I.A tới “Straight To Hell” của The Clash

 

Và như thế, nhân vật hư cấu trong Paper Planes, với tất cả những hành vi ngoài pháp luật, là tên côn đồ hư cấu đại diện cho tất cả những định kiến về người da đen bị cho là đe dọa xã hội phương Tây. Nó châm biếm cũng như bức Trận chiến của những người nô lệ da đen trong hầm ban đêm của Alphonse Allais. Sự thật về nó hoàn toàn ngược lại: M.I.A biết họ, những tài xế sống trong những căn hộ tồi tàn, sau 20 giờ làm việc cật lực, họ mệt tới mức chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi.

“Tôi không nghĩ dân nhập cư gây ra đe dọa nào cho xã hội. Họ đơn giản là vui vì đã sống sót qua những cuộc chiến tranh ở đâu đó” - M.I.A chia sẻ, có chút tự chuyện bởi chính cô cũng là người sống sót qua một cuộc chiến tranh - ở Sri Lanka - và sau đó phải chịu đựng những khó khăn của cuộc sống tị nạn trước khi trở thành ngôi sao quốc tế. Những đứa trẻ hát đệm trong Paper Planes cũng là trẻ đường phố M.I.A gặp ở Britox và mời tham gia điệp khúc.

Thế nên, rõ ràng không phải ngẫu nhiên khi M.I.A chọn lấy sample từ ca khúc Straight To Hell của The Clash. The Clash trong phong trào punk ở Anh giữ vị trí tương tự M.I.A ở hip hop đương đại: Họ đều là những người giương lá cờ cánh tả, đi ngược với các phong trào âm nhạc trước đây vốn chủ yếu nhấn mạnh vào khoái lạc, ma túy, bạo lực và tàn phá (trong khi Sex Pistols gào lên Anarchy In The UK (tình trạng vô chính phủ ở Anh) thì The Clash bảo vệ người nhập cư Jamaica, lên án sự tàn bạo của cảnh sát và đặt tên các bản thu theo tên chiến binh du kích Nicaragua).

Straight To Hell là một trong những ca khúc chậm nhất, tăm tối nhất và cảm động nhất của The Clash, một khúc thiền buồn về những cư xử tồi tệ của người Anh và Mỹ với người nhập cư từ thế giới thứ ba. Ca khúc của The Clash bắt đầu bằng cảnh các nhà máy thép ở miền Bắc công nghiệp nước Anh đóng cửa, đẩy những công nhân nhập cư “thẳng xuống địa ngục”, rồi tới khu ổ chuột ở New York, nơi người bản địa muốn đẩy những người nhập cư tới bước trở lại nơi họ ra đi.

M.I.A - với bố là nhà hoạt động người Sri Lanka - chắc chắn quen thuộc với quan điểm tiến bộ của The Clash, dường như viết Paper Planes để đáp lời Straight To Hell cho Paper Planes. Nó là phản ứng thất vọng của người nhập cư đối với thái độ không chào đón của người Anh và người Mỹ bản địa trong Straight To Hell. Một cơn hư vô chán nản của một người nhập cư mơ ước rời cuộc sống súng đạn mịt mù tới giấc mơ Mỹ nhưng bị dội gáo nước lạnh bởi thực tế nghiệt ngã về mức lương tối thiểu. Nhưng dù có bị bôi đen thế nào, thực tế - như video Paper Planes gợi ý - người nhập cư này vẫn tiếp tục công việc chân tay cả ngày dài bất chấp ánh mặt kỳ thị, thù địch pha sợ hãi của mọi người.

Tiếng súng vang lên trong Paper Planes hoàn toàn không phải từ người nhập cư mà là một ẩn ý sâu hơn nhiều: “Bạn nghĩ tiếng đó là từ đường phố, rằng bạn bị cướp và có kẻ nói sẽ lấy tiền của bạn. Nhưng, thật ra, nó mang ý tưởng lớn hơn: Ai đó bán súng cho bạn và làm tiền từ đó. Bán vũ khí và các công ty sản xuất súng - đó có lẽ là những kẻ làm tiền nhiều nhất thế giới. Thế nên, câu “Cái đây muốn là tới và cướp hết tiền của đằng ấy” chỉ là lời chỉ trích gửi tới phức hợp công nghiệp quân sự, những kẻ bán vũ khí qua thế giới thứ ba”.

Khi có một nhà báo choáng ngợp trước các tầng ý nghĩa của Paper Planes vì nó “có quá nhiều thứ cho một ca khúc pop”, M.I.A đồng ý, rằng đó như thể “bạn chỉ có ba phút cho viết luận án của mình”.

Paper Planes là thành công thương mại lớn nhất của M.I.A, lọt top 20 ở nhiều quốc gia và leo lên tới No.4 trên Billboard Hot 100.

Ca khúc cũng đạt nhiều chứng chỉ bạch kim ở Canada, Anh và Mỹ; thẳng giải Âm nhạc Độc lập Canada, Hiệp hội nhà soạn nhạc, tác giả và nhà xuất bản Mỹ cũng như nhận đề cử Grammy cho Bản thu của năm.

Nhiều ẩn phẩm uy tín như NME, Pitchfork và Rolling Stone, vinh danh Paper Planes nằm trong số những ca khúc hay nhất thập niên 2000 hay mọi thời đại. Trên danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, Paper Planes đứng thứ 46.

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.