You are here

Ca sỹ Trần Hồng Nhung: "Lửa đã cháy ở phía trước, lửa sáng mãi tình đất nước"

Tác giả: 
Triệu Phong

Năm 2009, khi đang học hệ đại học Thanh Nhạc Nhạc viện Hà Nội, Trần Hồng Nhung - học sinh cưng của cô Mỹ Bình khi học Trung cấp và của thầy - Giáo sư NSND Trung Kiên khi học Đại học đăng ký tham gia cuộc thi Sao Mai.

Mặc dù khi kết thúc, cô chỉ được một giải khiêm tốn là giải nhì dòng thính phòng, nhưng cũng là tiếng vang để đông đảo công chúng biết đến tiếng hát cô gái Kinh Bắc xinh đẹp này, và tạo đà để năm sau tốt nghiệp đại học, cô được về công tác tại một đoàn nghệ thuật rất có truyền thống là Nhà hát Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ca sỹ Trần Hồng Nhung

Tôi nhớ một đồng nghiệp của tôi ngày ấy đã bình luận về Trần Hồng Nhung: “Còn nhớ ở cuộc thi Sao Mai 2009, những cái tên Bùi Lê Mận, Mỹ Như, Lê Xuân Hảo, Trần Hồng Nhung đã là những nốt lặng đáng nhớ của khán giả khi theo dõi các vòng thi”. Ở cuộc thi chung kết năm đó, cái tên Trần Hồng Nhung đã được xướng lên ở vị trí Á quân phong cách thính phòng khiến không những Nhung mà cả bố mẹ Nhung cũng hết sức bất ngờ. Gia đình không có ai làm nghệ thuật, thậm chí bố mẹ còn làm nghề sắt thép xây dựng, chẳng dây mơ rễ má gì với nghệ thuật, thế nên con đường đến với ca hát của Nhung không mấy dễ dàng vì không được sự ủng hộ của gia đình. Thế nhưng có lẽ quê hương Bắc Ninh với những câu hát quan họ mượt mà, đằm thắm đã thấm vào tâm hồn cô bé từ nhỏ và rồi nó cứ ám ảnh, bám riết suốt tuổi thơ của Nhung. Cũng may, ông chú họ là NSƯT Quốc Hưng – Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQGVN) thuyết phục được gia đình và đã chắp cánh cho ước mơ của Nhung thành sự thật. Mảnh thủ mai, xinh xắn và đài các như một tiểu thư, nhưng nghị lực của cô gái này cũng đáng nể phục. Từ năm 2003 – 2009, Trần Hồng Nhung đã học xong hệ trung cấp và đại học tại HVANQGVN. Năm 2012, Nhung lại đỗ xuất sắc chuyên ngành thanh nhạc hệ cao học…

Cũng xin nói thêm là sau Sao Mai 2009, tại Nhà hát Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trần Hồng Nhung cùng những Đăng Dương, Đăng Thuật, Hoàng Tùng… là những giọng hát đơn ca của Nhà hát, xông pha dạn dày trên cả làn sóng phát thanh, truyền hình và các sân khấu ca nhạc cả nước với những hoạt động nghệ thuật sôi nổi: Ra mắt CD đầu tay rất xuất sắc là Huyền thoại lời ru, Xuân từ bi; MV và DVD: Trường Sa ơi; và bộ 3 CD: Công - Nông – Binh, bộ CD đã đoạt giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 2019, cô được vinh dự cử đi tham dự cuộc thi âm nhạc quốc tê tiếng hát ASEAN+3, và đã đoạt giải nhì của cuộc thi…

Tuyển tập CD Công - Nông - Binh

Năm 2010, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, tỉnh Thái Nguyên tổ chức đêm thơ nhạc “Tố Hữu với Việt Bắc” và mời nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng tham dự. Trong dự kiến ban đầu, chúng tôi có mời hai nghệ sỹ Quốc Hưng và Trần Hồng Nhung lên trình diễn bài hát Vinh quang hồn Tổ quốc do nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân phổ thơ anh Phạm Xuân Đương, khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, và bài hát này do hai giọng hát Quốc Hưng và Trần Hồng Nhung đã biểu diễn thành công ở Ngày Âm nhạc Việt Nam. Nhưng đáng tiếc do phút chót anh Phạm Xuân Đương ý tứ đêm thơ nhạc của nhà thơ lớn Tố Hữu chỉ nên có tác phẩm của ông, nên anh đã rút lui tiết mục của mình, và bởi thế người xem Thái Nguyên đã không có cơ hội thưởng thức tiếng hát Quốc Hưng và Trần Hồng Nhung…

Bản thân tôi cũng sau đận ấy, ngẫm rằng có nhẽ mình“ vô duyên” với nữ ca sỹ - thạc sỹ thanh nhạc xinh đẹp này. Nhưng may thay năm 2019, khi thu thanh bài hát Bản tình ca trong lửa đạn, kể lại một câu chuyện có thật rất cảm động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với vợ là nữ đồng chí Nguyễn Thị Cúc do Châu La Việt làm thơ và Nhạc sỹ Doãn Nguyên phổ nhạc, thì hai giọng hát “ vàng” của Nhà hát Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam được mời tham gia biểu diễn là nghệ sỹ Đăng Dương và nghệ sỹ Trần Hồng Nhung. Chỉ có thể nói rằng đó là một sự kết hợp tuyệt vời của những tài năng âm nhạc (Doãn Nguyên, Đăng Dương, Trần Hồng Nhung), khiến ai nghe cũng nổi  hết da gà xúc động. Ngay ca sỹ Trần Hồng Nhung cũng phát biểu cảm tưởng: “Bài hát đó với tôi và cả anh Đăng Dương, đều vô cùng xúc động. Khi hát, thú thật tôi đã rơi nước mắt, nhất là những tiếng gọi “Thanh ơi”, “Cúc ơi” nghe đến xé lòng, tiếng gọi của cuộc chia ly, mà biết rằng có thể sẽ mãi gửi vào vô vọng…” .

Cũng phải kể đến một kỷ niệm của tiếng hát Trần Hồng Nhung: Tháng 5/2013, nhà thơ Phan Hữu Tuấn đi công tác tại Trường Sa. Nhìn thấy những chiến sĩ trong gian khổ, thiếu thốn vẫn vững vàng tay súng bảo vệ Tổ quốc, anh đã ghi lại những hình ảnh, cảm xúc bằng thơ. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – đồng cảm nên đã phổ thành ca khúc cùng tên. Bài hát Trường Sa ơi! mang âm hưởng hào hùng trên nền giai điệu trữ tình. Lời ca chứa đầy tự sự, lồng ghép tình cảm của người dân ở đất liền gửi đến chiến sĩ ngoài biển đảo. Khi làm MV cho ca khúc này, ca sĩ Trần Hồng Nhung đã xây dựng một câu chuyện xuyên suốt, chứ không chỉ dừng lại ở những cảnh quay có tính minh họa. Chuyện kể về chàng trai tình nguyện từ giã mẹ cha, vợ trẻ lên đường bảo vệ hải đảo. Người vợ ở nhà cất tiếng hát động viên chồng cũng như các chiến sĩ hải quân. Phải nói đây là một CD rất thành công, một món quà tặng đầy ý nghĩa với các chiến sỹ Trường Sa…

*

“Ru con, mẹ ru con, tiếng ru cả cuộc đời

Ru con lời ru, cất lên từ ngàn đời”

Tôi vẫn nhớ mãi những bài hát ru do Trần Hồng Nhung thể hiện trong CD của chị mang tên gọi Huyền thoại lời ru rất công phu, sáng tạo. 10 bài trong album có nhiều bài quen thuộc, từng đóng đinh với nhiều giọng hát đàn chị như Ru con mùa đông (NS Đặng Hữu Phúc), Đất nước lời ru (NS Văn Thành Nho), Mẹ yêu con (NS Nguyễn Văn Tý), Quê hương (NS Giáp Văn Thạch), Huyền thoại mẹ (NS Trịnh Công Sơn)… nhưng Nhung với chất giọng cao mà không bị mảnh, có ý thức đưa âm hưởng dân gian vào trong các ca khúc trữ tình mang phong cách thính phòng, làm cho các ca khúc dù quen thuộc, nhưng qua giọng hát của Trần Hồng Nhung vừa tạo ra sự sang trọng, lại vừa gần gũi với người nghe. Sự cách tân trong hòa âm và cách hát của Trần Hồng Nhung không những không làm mất đi tinh thần vốn có của những ca khúc vang bóng một thời, mà còn làm cho nó đẹp hơn lên. Cách thức làm mới những ca khúc cũ chính là cách Trần Hồng Nhung thử thách bản thân để hòa mình vào dòng chảy của thời đại, mà không mất đi phong cách đã lựa chọn của mình. Màu sắc chủ đạo của Huyền thoại lời ru là trữ tình thính phòng, nhưng có bài lại phảng phất nét dân ca Bắc Bộ, Nam Bộ, có bài lại có âm hưởng ca trù. Và đặc biệt cả 10 bài hát ấy, đã được Trần Hồng Nhung thể hiện vô cùng tình cảm, bởi tình cảm, sự truyền cảm… là thế mạnh không phải giọng hát nào cũng có thể có như tiếng hát Trần Hồng Nhung…

(Nguồn: https://arttimes.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.