You are here

Cần tìm lối đi hiệu quả

Tác giả: 
Cẩm Thy

Nghệ thuật truyền thống đang gặp khó khăn là chuyện của nhiều năm nay. Tuy nhiên, chỉ nhìn thực trạng và than vãn cũng không thay đổi được gì. Những người tâm huyết đã cùng nhìn lại với những gợi mở...

Bệ đỡ cho người trẻ

Tiến sĩ - NSƯT Hải Phượng, Phó khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TPHCM đặt vấn đề trân trọng những người thầy: "Tôi nghĩ chúng ta cần trân quý những ông thầy giỏi, có chính sách ưu đãi để người thầy đó tận tâm truyền nghề, tiếp tục đào tạo ra những học trò giỏi như mình. Như vậy chúng ta mới có một lớp kế thừa đầy triển vọng để gìn giữ nghệ thuật truyền thống".

Có cơ hội đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới, Hải Phượng tâm đắc với cách bảo trợ tài năng nghệ thuật dân tộc của vài nước. Nghĩa là một công ty, mạnh thường quân nào đó nhận bảo trợ nuôi cho các sinh viên có năng khiếu về nghệ thuật dân tộc được học đến khi thành tài. Theo chị, đó là cách tuyệt vời để chắp cánh những tài năng về nghệ thuật truyền thống.

Chính vì quan điểm đó nên trong những cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc chị luôn ở vị trí bệ đỡ để giúp các học trò, đồng nghiệp trẻ thăng hoa. Chẳng hạn trong cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020 vừa qua, thầy và trò khoa Âm nhạc truyền thống đã xây dựng một chương trình có nhiều tính chất thử nghiệm để người trẻ có thêm cơ hội nâng cao tay nghề. "Chúng tôi không chỉ làm chương trình đi thi mà còn muốn xây dựng một dàn nhạc dân tộc, vì phải có dàn nhạc dân tộc quy mô thì chúng ta mới có những chương trình ngang hàng các nước trong khu vực. Bên cạnh đó chúng tôi còn chú ý ngoài việc dàn dựng những tiết mục, tác phẩm theo lối cổ truyền thì cũng phải có những tác phẩm mới nhằm bắt kịp thời đại để khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ yêu thích!" - Hải Phượng nói về tâm huyết dành cho người trẻ và phát triển khán giả trẻ.

Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, Chủ nhiệm CLB Tiếng hát quê hương, đã phối hợp cùng Cung Văn hóa Lao động cố gắng duy trì Liên hoan Em yêu đàn Tranh nhiều năm qua chỉ với mong muốn tiếng đàn dân tộc còn người theo học và còn người thương mến. Ở tuổi 79, bà vẫn tất tả ngược xuôi kêu gọi tài trợ và tổ chức liên hoan. Mỗi lần tổ chức là mỗi lần vất vả nhưng bà Thúy Hoan vui vì sự nỗ lực đó mà đã gây dựng được phong trào. Khá nhiều trường trong thành phố đã có giờ học năng khiếu là đàn Tranh. Cụ thể là trong Liên hoan Em yêu đàn Tranh đầu năm 2021, thì nguồn thí sinh đến từ nhiều trường trong thành phố như Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyễn Thị Nhỏ, trường Tây Úc...

Tạo cơ hội cho lực lượng trẻ

Soạn giả Hoàng Song Việt mong muốn sân khấu Cải lương TPHCM có thể tập hợp được sức mạnh tổng lực. Làm sao để những người tài ở đâu đó được huy động cùng làm việc và phát huy sức mạnh cho sân khấu Cải lương. Đạo diễn giỏi khai thác được thế mạnh của diễn viên. Diễn viên tài năng giúp cho tác phẩm mà tác giả viết ra, đạo diễn dàn dựng được thăng hoa, đạt chất lượng cao. Và trong đó, yếu tố trẻ phải được chú trọng. Người trẻ phải có cơ hội được làm việc trong môi trường hết sức chuyên nghiệp để có những kinh nghiệm, bài học quý giá để phát huy tài năng của mình.

Các bé tham gia Liên hoan Em yêu đàn Tranh lần 3

"Con đường nghề còn dài lắm, không bỏ công tôi luyện thì không thể gặt hái được thành quả. Đành rằng ai cũng phải kiếm sống, nhưng chỉ dựa vào 3 câu vọng cổ như một phương tiện kiếm tiền rồi cái nghề của mình sẽ đi về đâu?" - Hoàng Song Việt gởi lời tâm huyết đến người trẻ với niềm mong mỏi sân khấu Cải lương sẽ có những tín hiệu vui trong tương lai.

Không chỉ thường xuyên nhắn nhủ các bạn trẻ mà soạn giả Hoàng Song Việt còn là người tích cực đầu tư những vở cải lương chất lượng để nghệ sĩ trẻ có cơ hội cọ xát, học hỏi nghề từ những đạo diễn giỏi, các nghệ sĩ đi trước. Mới đây nhất là vở cải lương Nàng Xê Đa với kinh phí đầu tư hơn 700 triệu đồng với các vai diễn quan trọng trao hết cho các diễn viên trẻ như Võ Minh Lâm, Cao Thúy Vy, Lê Hồng Thắm, Lê Trung Thảo, Tú Sương, Hoàng Quốc Thanh, Phương Cẩm Ngọc...

NSƯT Hữu Danh, phụ trách mảng đào tạo diễn viên cho Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TPHCM cho biết, tín hiệu vui là mới đây Nhà nước đã quyết định hỗ trợ cho nhà hát tuyển người đợt mới với kinh phí hỗ trợ có tăng lên rất khả quan. Nhà hát đã tuyển được 5 diễn viên từ khoa Kịch hát dân tộc (trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) và một nhạc công. Hiện những người mới đang trong quá trình đào tạo được khoảng vài tháng và đã lên sân khấu vào vai quân sĩ, múa quạt...

Ông Hữu Danh tâm sự: "Giờ còn các em trẻ đến với Hát Bội là chúng tôi thương lắm. Nhà hát luôn cố gắng tạo điều kiện để các em có thể bám trụ với nghề. Không có những sân khấu lớn, hoành tráng nhưng nhà hát có tới mười mấy điểm diễn từ đình, chùa, miếu... Mỗi năm phải trên 140 suất diễn, rồi diễn sân khấu học đường, phục vụ chính trị. Nhìn chung thì Hát Bội không thiếu suất diễn nhưng thù lao nếu so với các bạn Cải lương chạy sô lẻ thì không thể bằng. Nhưng chúng tôi luôn động viên các em ít ra mình còn có cơ hội được diễn, được làm nghề. Với thu nhập đó, mình ráng gói ghém thì cũng có thể sống được".

Vẫn còn nhiều khó khăn để tìm một lối ra thật sự hiệu quả cho nghệ thuật truyền thống. Trong đó, ý kiến phát huy nghệ thuật truyền thống trong các chương trình phục vụ du lịch cũng là đề xuất được chú ý. Tuy nhiên, vẫn cần một nhạc trưởng biết cách khai thác để làm sao tôn vinh được giá trị của nghệ thuật truyền thống trong một show diễn ý nghĩa, hấp dẫn. Để các giá trị Việt Nam được lan tỏa không chỉ với người trẻ hôm nay mà còn tạo dấu ấn với bạn bè thế giới.

(Nguồn: http://congan.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.