You are here

Có một "di sản" khác của Hà Tây

Tác giả: 
Ngô Khiêm

Hà Tây xưa được biết đến với đất trăm nghề Thường Tín, với áo lụa Hà Đông, với đất hai Vua Đường Lâm, với Hát Môn lịch sử… nhưng tôi thấy nơi đây còn có một "di sản" khác, đó chính là âm nhạc.

Ngẫm nghĩ về mấy chữ "nguồn tài nguyên thi ca" mà nhạc sĩ Đoàn Bổng đúc kết trong ca khúc "Về Hà Tây đi em" mới thấy mảnh đất thiêng này không chỉ sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều bài thơ, bài hát của nhiều tác giả ra đời.

Chẳng thế mà trong cuộc trò chuyện gần đây cùng nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Đào Hà (Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ sĩ xứ Đoài), ông tiết lộ Câu lạc bộ văn nghệ sĩ xứ Đoài đã có "tuổi đời" 27 năm với 4 đời chủ nhiệm (từ họa sĩ Phan Kế An, Thiếu tướng – nhà văn Hồ Phương, nhạc sĩ Hoàng Lân đến Đào Hà) và đến nay đã có đến 340 thành viên (tất nhiên con số này chưa là tất cả các văn nghệ sĩ của xứ Đoài).

Nhạc sĩ Đoàn Bổng - người con của đất Hà Tây (cũ). (Ảnh: Thu Trà).

Nhân tiện nhắc đến Đào Hà, vị Thượng tá Công an tâm huyết, "đáng yêu" và thích làm việc "bao đồng", tôi lại nhớ có lần ông đã say sưa hát ca khúc mới "toanh" của mình mang tên "Xứ Đoài quê tôi" mà có câu "Mênh mang mênh mang sông Đà huyền thoại/ "Lời thề non nước" ngàn năm" cứ ám ảnh tôi mãi.

Ông bảo, trong một lần ốm phải nằm liệt giường không thể về quê Đan Phượng như dự định, nỗi "thèm quê", nhớ quê dâng lên thành cảm xúc mãnh liệt để ông có được những ca từ và giai điệu rất đẹp trong ca khúc này.

Hai chữ "mênh mang" ấy thật đẹp, thật mộng mơ, huyền ảo làm sao. Nó cũng nhắc tôi nhớ đến tập sách mà mới đây nhà báo, nhạc sĩ Phan Phương tặng tôi với tựa đề "Hà Tây xưa dòng sông âm nhạc vẫn mênh mang".

Các Câu lạc bộ văn nghệ sĩ xứ Đoài chi nhánh Sơn Tây gặp mặt đầu xuân (Ảnh: Câu lạc bộ cung cấp).

Đó là công trình mà người Ba Vì "chính hiệu" này đã dày công nghiên cứu, sưu tầm để làm sáng hơn, đẹp hơn "kho báu" âm nhạc của quê hương mình.

Ở đó, tôi thấy các nhạc sĩ ngoài việc viết ca khúc riêng về các huyện, thị, thành của Hà Tây thì cũng đã khắc họa nên một Hà Tây nói chung với rất nhiều mỹ từ: "Hà Tây ơi đẹp làm sao" (Bùi Đình Thảo), "Quê hương những cánh cò" (Hoàng Lân), "Huyền thoại một vùng cổ tích" (Lê Gia Hiếu), "Về miền cổ tích" (Kiều Đình Kiểm), "Xứ Đoài mây trắng" (Đặng Hoàng Long)…

Và nhắc về dòng chảy âm nhạc của Hà Tây có lẽ không thể không nhắc đến những ca khúc, như: "Hà Tây quê lụa" (Nhật Lai), "Chiếc gậy Trường Sơn" (Phạm Tuyên), "Đi chơi chùa Hương" (nhạc Trần Văn Khê, thơ Nguyễn Nhược Pháp), "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" (nhạc Đoàn Bổng, thơ Lai Vu)… Đó chính là những ca khúc "chảy dài" trong suốt mấy chục năm qua và đã trở thành một phần ký ức của mỗi người trong chúng ta.

Có lẽ trong số các tỉnh, thành trên dải đất hình chữ S thì không nhiều nơi "may mắn" như Hà Tây khi có được số lượng ca khúc nhiều như vậy. Đặc biệt trong đó có những tên tuổi lớn của nền âm nhạc nước nhà, như: Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Vân, Lê Yên, Trần Hoàn, Trần Chung, Phạm Duy, Phạm Tuyên, Văn Ký… mà hầu hết họ không phải sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này.

Điều đó cho thấy sức cuốn hút lạ kỳ của dòng sông Đáy thơ mộng, của những bờ đê xanh ngút ngàn, của những làng nghề truyền thống, của những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… và nhất là sự chân thành, mến khách của người dân nơi đây đã là nguồn cảm hứng bất tận, dồi dào cho các nhạc sĩ viết lên những suy nghĩ, tâm tưởng của mình bằng chính khối óc và con tim bỏng cháy, khát khao vươn đến đỉnh cao nghệ thuật.

Từ năm 2008 khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, văn hóa tâm linh, văn hóa làng nghề và văn hóa các dân tộc của Hà Tây xưa lại giao thoa và hòa nhập với "văn hóa lõi" của Thăng Long để hình thành vùng văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc của Thủ đô.

Trong những "mảng màu" văn hóa của Thủ đô hiện nay, người ta nhắc nhiều đến văn hóa xứ Đoài – một nền văn hóa giàu tính bản sắc đang được những người dân nơi đây gìn giữ, bồi đắp mỗi ngày.

Dù Hà Tây không còn tên trên địa giới hành chính nhưng trong "bản đồ âm nhạc Việt Nam" thì nó vẫn là một địa chỉ mà không nhiều tỉnh, thành có thể vượt qua về số lượng cũng như chất lượng các tác phẩm.

Bìa Tập ca khúc “Hà Tây xưa - Dòng sông âm nhạc vẫn mênh mang” của Nhà báo Fan Fương sưu tầm và chọn. (Ảnh: NK).

Các nhạc sĩ đương đại vẫn đang tiếp tục "thai nghén", ấp ủ, sáng tạo để cho ra những tác phẩm âm nhạc xứng tầm ca ngợi con người, văn hóa, lịch sử của vùng đất "địa linh nhân kiệt" này.

Trong phút tĩnh lặng của tâm hồn tôi chợt nghĩ: Mỗi ca khúc về Hà Tây là một kỷ niệm riêng của các tác giả nhưng hơn hết họ đã biến cảm xúc, kỷ niệm riêng ấy thành những cảm xúc, kỷ niệm chung để tạo nên cơn "bão lòng" trong mỗi người nghe.

Mỗi ca khúc như một "bông hoa" nhỏ bé, xinh xắn, đẹp đẽ góp nên một "vườn hoa âm nhạc" rộng lớn, đầy hương sắc mà chỉ mới nghe qua ai cũng ao ước một lần đặt chân đến Hà Tây để được "đắm mình" trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc mà mỗi ca khúc như một "mảnh ghép văn hóa" phác thảo nên "bức tranh kỳ vĩ" đó.

Dù hiện nay tỉnh Hà Tây không còn tồn tại trên địa giới hành chính nhưng những ca khúc về vùng đất này thì hàng ngày, hàng giờ vẫn đang vang vọng trong tâm trí mỗi người, vẫn có sức sống lâu bền cùng thời gian và là niềm tự hào lớn lao của "người dân quê lụa" mỗi khi hát lên, mỗi khi kể với bạn bè về quê hương mình.

Chắc chắn "di sản" ấy sẽ không bao giờ bị "sáp nhập bởi địa giới hành chính" mà vẫn "thênh thang đường ta bước" trong thời kỳ hội nhập đầy biến động như hiện nay.

(Nguồn: https://danviet.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.