You are here

Vết thương phố: Từ bài thơ đến câu hát

Tác giả: 
Y Việt Sa

(HNS) - "Núi vẫn đứng chờ tôi" là ca khúc mang âm hưởng của dân ca Tây Nguyên, được nhạc sĩ Cát Vận phổ nhạc từ bài thơ "Vết thương phố" của nhà thơ trẻ Y Việt Sa. Sinh năm 1990 tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, Y Việt Sa mang trong mình hai dòng máu hòa hợp Kinh (mẹ) và Bana Rơngao (cha), hiện cô là cây bút trẻ của phong trào sáng tác văn học nghệ thuật Kon Tum. "Vết thương phố" là bài thơ có số phận đặc biệt, gắn liền với tâm tư tình cảm của cô bé Y Việt Sa khi từ giã núi rừng Tây Nguyên, nơi cô đã gắn bó suốt năm tháng tuổi thơ để về thủ đô theo học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ban biên tập Website Hội Nhạc sĩ xin trân trọng giới thiệu bài viết tâm sự của của nhà thơ Y Việt Sa về ca khúc "Núi vẫn đứng chờ tôi".

 

Ca khúc: Núi vẫn đứng chờ tôi
Nhạc: Cát Vận
Thơ: Y Việt Sa
Trình bày: Việt Hoàn

 

Nắng trên đỉnh núi (Ảnh Orient - Nguồn Flickr)

Tôi sinh ra trên mảnh đất Kon Tum, nơi chỉ có hai mùa mưa nắng. Nơi tôi sống, đó là một vùng đất với những con người bản địa chân chất, hiền lành, cả cuộc đời chỉ vui với vườn tược, rẫy nương. Tôi may mắn được sống giữa một cộng đồng mà ở đó không có sự tranh chấp, không có những bon chen. Tất thảy đều yêu thương và đùm bọc nhau như anh chị em trong một nhà. Cái tình người Bana Rơ Ngao hồn hậu, cái hoang dã của núi rừng đã đắp bồi và chảy trong tôi như một sự tất yếu.

Rồi tôi lớn lên, bước những bước chân vào một thế giới khác. Ở đó không giống như cái nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Con người – hình như họ không đến với nhau bằng tình yêu, không đến với nhau bằng sự chân thành. Ở lứa tuổi hai mươi, nhiều lúc cứ loay hoay trước những bài toán của cuộc đời mà không biết cách giải. Đã có lúc tôi nhận về những đau thương, tôi nhận về những nước mắt mà người mang lại những điều ấy chính là những người luôn gọi tôi là bạn. Tôi nhận ra, mình phải thay đổi, không thể sống như khi còn ở giữa cộng đồng tôi nữa. Rồi như một điều hiển nhiên, tôi dần bị cuốn vào cuộc sống xô bồ ấy.

Tôi bắt đầu biết cạnh tranh, tôi bắt đầu biết chen chân để tiến lên. Tôi chưa làm hại ai để có được điều mình muốn, chưa bao giờ đẩy đồng loại mình đến chỗ chết nhưng sao nhiều khi vẫn mệt mỏi quá? Nhiều đêm nằm giữa lòng phố thị xa hoa, giữa những tiếng còi xe inh ỏi, tôi nghe lòng mình lên tiếng. Đâu rồi tôi của núi rừng, đâu rồi tôi của bản làng thân yêu? Chỉ một thời gian thôi mà sao tôi đã bị biến thành ai thế này? Mỏi mệt quá! Và rồi tôi viết:

Tôi quên mình sinh ra từ núi
Để bây giờ, chợt nhớ mang mang

Quạt trời (Ảnh Orient Sea - Nguồn Flickr)

Đêm ấy, tôi trở dậy, đi và trải hết lòng mình qua những câu chữ. Như một lời xin lỗi đại ngàn, xin lỗi cố hương.

Tôi làm kẻ lang thang
Qua từng con phố
Nhà cao tầng điện đèn xanh đỏ
Chợt thương quá nhà rông

Bước chân tôi cứ đi giữa đêm xô bồ, giữa đêm tấp nập. Mỗi nơi tôi qua, đâu đâu cũng nhuộm màu của cuộc sống hiện đại. Điều đó làm tôi nhớ da diết góc rừng tôi sống, nhớ cái gió mơn man, dịu nhẹ, nhớ tiếng chiêng trầm bổng dưới mái nhà rông…

Tôi chạm vào hư không
Thấy tim mình hoang vắng
Nghe xập xình nhạc quán
Nhớ về từng nhịp chiêng ngân...

Tôi nhận ra, hình như mình quên mất rồi những điều đã một thời gắn bó với tuổi thơ

Bao năm mải mê giữa lòng đô thị
Ngủ những giấc chập chờn mộng mị
Tôi quên mất tiếng chiêng
Quên gõ tơ-rưng, quên vỗ đàn klông-pút
Tay quen cầm cây bút
Quên rồi con suốt con thoi
Quên giọt mồ hôi
Đồng bào mình vất vả…
Ơi, những hương rừng tiếng núi xa xôi…

Nhà Rông Tây Nguyên (Ảnh Orient Sea - Nguồn Flickr)

Và đau đớn, tôi nhận ra mình đã bị cuộc sống thị trường nhuộm thành con người khác. Có thể không cố ý nhưng tôi đã làm tổn thương ai đó, đã cướp đi nụ cười của họ mà trong lúc đang lao theo những tất bật, xô bồ của cuộc sống tôi không kịp nhận ra. Chỉ đến khi, tôi nhận về những nỗi buồn tương tự thì tôi mới hay mình đã đi xa quá cái hiền lương mất rồi. Và than ôi, tự lúc nào tôi đã cô độc giữa cuộc đời này?

Mỗi con người lại chọn cho mình một con đường để đi, chọn một cách sống để tồn tại giữa cuộc đời nhưng cuối cùng họ đều gặp nhau ở cái kết có hậu: “Qua nửa đời phiêu bạt, con lại về úp mặt vào sông quê”. Và tôi biết, ở Kon Tum xa xôi kia, núi rừng vẫn chờ tôi.

Đời tất bật xô bồ
Trôi dòng hối hả
Để chiều nay vấp ngã
Ơ kìa,
Núi vẫn đứng trông tôi!

Bài thơ “Vết thương phố” của tôi đã đăng trên một tạp chí. Có lẽ cảm nhận được “vết thương” ấy mà nhạc sỹ Cát Vận đã phổ nhạc và đặt cho nó một cái tên mới “Núi vẫn đứng chờ tôi”. Với tôi, đó là một niềm hạnh phúc, một niềm vui vì nỗi niềm của tôi đã được cất lên, tìm những sẻ chia giữa bề bộn cuộc đời này.

Đàn chim trở về (Ảnh Orient Sea - Nguồn Flickr)
 

Nhà thơ trẻ: Y Việt Sa

BÌNH LUẬN

 Chúc mừng em Vis Jenda! Núi rừng không thể nào vắng bóng em! Hôm nào Vịt nhớ khao nhé.

 dạ, em cảm ơn anh Tuấn Phong nhiều ạ. Nhưng mà có điều em chưa biết anh là ai rồi.  Anh vui lòng cho em biết về mình nhé! Rất vui vì anh gọi đúng biệt danh của em :D

 Bài thơ và bài viết của nhà thơ Y Việt Sa rất hay. Bài hát trữ tình sâu lắng. Mình thích bức ảnh nhà Rông. Cám ơn!

 Không thể không cảm động với những tâm sự sâu sắc của Nhà thơ trẻ Kontum  Chúc mừng Em đã được NS Cát Vận chia sẻ một phần. Nghe xong bài hát tôi như bị MỘT VẾT THƯƠNG LÒNG !   

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.