You are here

Hơn 1.000 ca khúc nhạc Phạm Duy ai sở hữu?

Tác giả: 
Thiên Hương

Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, có thể nói cố nhạc sĩ Phạm Duy thuộc vào hàng những người sáng tác nhạc "khỏe" nhất với hơn 1.000 bài hát. Tuy nhiên, khối lượng ca khúc đồ sộ này cũng để lại không ít rắc rối...

Gia tài âm nhạc đồ sộ

Gặp nhạc sĩ Phạm Duy vào tháng 10 năm ngoái, khi tuổi đã cao, sức đã giảm, ông vẫn "khoe" đã hoàn thành 10 bài Hương ca, 10 bài phổ nhạc từ thơ Bích Khê mang tên Dị khúc đồng thời hoàn tất Truyện Kiều với 37 khúc, dài gần 3 tiếng đồng hồ. Những tác phẩm này đều đang trong quá trình xin cấp phép để phát hành rộng rãi.

Tính đến này, "gia tài" mà nhạc sĩ Phạm Duy để lại phải có đến hơn 1.000 bài hát. Chính nhạc sĩ từng thú nhận rằng đến ông còn không nhớ chính xác đã sáng tác, phổ nhạc bao nhiêu ca khúc vì: “Sáng tác xong tôi phải quên ngay để không bị lặp lại trong các ca khúc sau. Nếu có ai hỏi đến bài nào thì tôi mới lục lọi lại trí óc của mình”.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chỉ có hơn 100 ca khúc, tức khoảng 1/10 trong gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Phạm Duy là được cấp phép phổ biến rộng rãi.

Đây cũng là nỗ lực của Công ty văn hóa Phương Nam và gia đình nhạc sĩ trong suốt nhiều năm qua. Từ năm 2005 đến nay, Công ty Phương Nam đã phải tiến hành gần 20 đợt gửi công văn xin phổ biến nhạc Phạm Duy (mỗi đợt thường xin từ 15-20 bài).


Cố nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh: Thiên Hương

Ai cũng biết nhạc sĩ Phạm Duy đã ký hợp đồng độc quyền các tác phẩm với Công ty văn hóa Phương Nam từ năm 2005 (thời điểm nhạc sĩ Phạm Duy hồi hương). Theo phía Công ty văn hóa Phương Nam thì đây là hợp đồng "trọn gói", nghĩa là độc quyền khai thác tất cả các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy (đã được cấp phép). Các tác phẩm bao gồm nhiều loại hình như ca khúc, sách biên khảo, hồi ký... Thời hạn khai thác tác phẩm là 20 năm, kể từ khi ca khúc đó được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo hợp đồng, quyền khai thác được định nghĩa là "đưa các tác phẩm vào đời sống xã hội dưới mọi hình thức" vì vậy các cá nhân, đơn vị nếu muốn khai thác các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy đều phải thông qua Công ty Phương Nam.

Tại thời điểm ký kết, có nguồn tin cho biết giá trị của hợp đồng lên đến 400.000 USD. Tuy nhiên, hợp đồng độc quyền này cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về tình trạng độc quyền ca khúc mặc dù đến thời điểm hiện tại, việc sử dụng các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy (đã được cấp phép trong nước) vẫn diễn ra khá suôn sẻ dưới hình thức ca sĩ, đơn vị tổ chức thỏa thuận trực tiếp với Công ty Phương Nam.


Nhạc sĩ Phạm Duy trong đêm nhạc mừng thọ của mình vào năm 2012 - Ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ với Thanh Niên Online, ca sĩ Đức Tuấn cho biết: "Không biết các ca sĩ khác thế nào, còn tôi thì thường trả khoảng vài chục triệu mỗi năm cho Công ty Phương Nam để sử dụng các ca khúc đã được cấp phép của nhạc sĩ Phạm Duy tại các chương trình ca nhạc trong suốt năm đó. Còn với những album riêng, tiền tác quyền mà tôi phải chi trả cho một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy vào khoảng 2 triệu đồng/bài. Với những nhạc sĩ khác thì tôi làm việc với VCPMC (Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - PV)".

Ca sĩ Ánh Tuyết đồng thời là chủ phòng trà ATB (TP.HCM) cũng cho biết xưa nay chưa gặp khó khăn gì nhiều trong việc chi trả tiền tác quyền mà phòng trà vẫn trả tiền tác quyền theo từng quý hoặc từng năm với mức giá thương lượng giữa hai bên.

Hơn 1.000 ca khúc thuộc về ai?

Thực tế, mọi chuyện sẽ không có gì rắc rối nếu không xuất hiện thông báo được cho là của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy tại Mỹ rằng: “Kể từ ngày thông báo này (ngày 23.3 - PV), tất cả các sáng tác, hình ảnh, nhạc, tên, thông tin cá nhân, tiếng hát, lời phát biểu của cố nhạc sĩ Phạm Duy và cố ca sĩ Duy Quang sẽ không được sử dụng trên mọi phương diện, trình diễn công cộng (show ca vũ nhạc, có thu hình hay không thu hình), phát thanh, phát tuyến truyền hình, internet, sách báo, quảng cáo và tất cả các hình thức sử dụng thương mại. Mọi sử dụng không được chấp thuận (trên văn bản) bởi gia đình Phạm Duy hay luật sư đại diện là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của gia đình Phạm Duy và sẽ bị truy tố trước pháp luật. Luật pháp Hoa Kỳ có hình phạt chính là 250.000 USD cho mỗi vi phạm và mức án tù”.

Kể từ sau khi nhạc sĩ Phạm Duy qua đời (ngày 27.1.2013), có lẽ khán giả trong nước vẫn đinh ninh rằng gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy vẫn do Công ty Phương Nam quản lý và có thay đổi chăng thì cũng chỉ có thể là chuyện nhạc sĩ Duy Cường, người con túc trực bên nhạc sĩ Phạm Duy những năm ông sống tại Việt Nam, sẽ đứng ra làm người đại diện cho phía tác giả.

Thế nhưng, trước thông báo này, người ta mới vỡ lẽ rằng thì ra tại Mỹ vẫn có một "gia đình nhạc sĩ Phạm Duy" cũng chịu trách nhiệm quản lý gia tài âm nhạc của ông.


Nhạc sĩ Phạm Duy và con trai, nhạc sĩ Duy Cường - Ảnh do gia đình cung cấp

Theo thông tin từ bà Ngọc Trâm, Giám đốc Dự án Phạm Duy (thuộc Công ty văn hóa Phương Nam), trong di chúc của nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Duy Cường sẽ là người trực tiếp làm việc với Phương Nam khi nhạc sĩ Phạm Duy mất, cũng như quản lý di sản của ông khi hợp đồng 20 năm giữa Phương Nam và nhạc sĩ Phạm Duy kết thúc. Chính nhạc sĩ Duy Cường cũng xác nhận với Thanh Niên Online rằng anh là người “được bố chỉ định quản lý di sản này”.

Còn với thông báo này, đại diện Công ty văn hóa Phương Nam khẳng định sẽ không ảnh hưởng gì đến hợp đồng giữa Phương Nam và cố nhạc sĩ Phạm Duy. Riêng chuyện khai thác, sử dụng các sáng tác của nhạc sĩ ở nước ngoài như thế nào thì đó là vấn đề của riêng gia đình nhạc sĩ.

Những cá nhân, đơn vị muốn sử dụng các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy tại Mỹ hoặc những quốc gia khác, có thể liên hệ với anh Phạm Duy Minh hoặc có thể liên hệ trực tiếp với tôi. Còn tại Việt Nam, xin thông qua Công ty Phương Nam

Nhạc sĩ Duy Cường

Tuy nhiên, nhiều người nhìn nhận rằng mọi chuyện không thể "không ảnh hưởng gì" được. Một số nguồn tin tại hải ngoại cho rằng thông báo gây chấn động này xuất phát từ mâu thuẫn liên quan đến tiền tác quyền giữa gia đình nhạc sĩ Phạm Duy tại Mỹ và một trung tâm băng nhạc ở hải ngoại.

Ngày 7.5, khi Thanh Niên Online liên hệ lại với nhạc sĩ Duy Cường, anh không nói về những rắc rối đã qua nhưng cho biết: "Những cá nhân, đơn vị muốn sử dụng các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy tại Mỹ hoặc những quốc gia khác, có thể liên hệ với anh Phạm Duy Minh (con trai của cố nhạc sĩ Phạm Duy hiện sống ở Mỹ - PV) hoặc có thể liên hệ trực tiếp với tôi. Còn tại Việt Nam, xin thông qua Công ty Phương Nam".

Anh Duy Cường cũng chia sẻ: "Từ sau khi vụ việc xảy ra, nhiều chương trình đã liên lạc với anh Duy Minh để được sử dụng các tác phẩm của Phạm Duy và không có vấn đề, trở ngại hoặc cấm cản gì".

Vụ việc xem chừng đã khép lại. Thế nhưng, người yêu nhạc Phạm Duy vẫn có quyền hoài nghi rằng sẽ còn có những thông báo tương tự nếu như ngay trong gia đình nhạc sĩ (ở Mỹ và ở Việt Nam) không sớm có sự thống nhất trong việc quản lý hơn 1.000 ca khúc của cố nhạc sĩ.

(Nguồnhttp://amnhac.thanhnien.com.vn)

BÌNH LUẬN

Bài viết này và một số bài viết của các tác giả khác về vấn đề bản quyền tác giả âm nhạc trên trang web của Hội NSVN, tôi nghĩ sẽ là những kinh nghiệm rất quý để các NS ở VN không còn "lơ là" đối với bản quyền những đứa con tinh thần của mình. 

Cùng là củ khoai tây: khoai trồng trên đất pha cát bán được giá, khoai trồng đất bùn cho lợn chẳng thèm ăn; khoai to loại 1 loại 2 bán được, khoai bi bằng đầu ngón tay lại xanh mướt mà mang ra cho cũng bị mắng xối xả vào mặt. Âm nhạc cũng thế, tùy từng tạng, từng người, từng thể loại mà tính đến chuyện bản quyền hay không bản quyền. Beethoven, Morzat bản quyền thì quá xứng đáng; nhạc vàng nhạc xanh của VN có người nghe cho đã là may mắn lắm rồi. Tôi đã gặp một nhà soạn nhạc nổi tiếng nước ngoài, thấy nhạc của họ hay nên có ý xin về làm quà cho bạn bè. Họ vui lắm nhưng ngặt nỗi ở nước họ bị "trói" vào bản quyền nên chính họ phải xin phép mà không được, muốn lấy thì phải mua, mà mua thì tôi dứt khoát không chịu. Nhạc sĩ đó cứ tiếc hùi hụi vì những đứa con tinh thần của họ sáng tác ra chủ yếu là "cất" đấy, không có dịp quảng bá. Và họ xui tôi hay là có cách nào đấy "ăn trộm" bản nhạc của họ, nếu xui được càng nhiều người ăn trộm càng tốt? Ta thì ngược lại, hàng xịn có nguồn gốc Anh - Pháp - Mỹ - Đức - Nhật đắt xắt ra miếng thì chả ai ngó ngàng. Hàng Tàu vừa rởm vừa độc hại thì lại đua nhau mua về chất đầy nhà để đầu độc nhau. Tâm lý bầy đàn là thế!

 Nhạc Tiền chiến, nhạc Phạm Duy... là gì? Nó cũng đồng nghĩa với "Thuý Nga Paris", với các ca sỹ bình dân như Hương Lan - Tuấn Vũ, Chế Linh (Chuyên hát bài hát của Phạm Duy).... Những sản phẩm như Thuý Nga Paris (hay tương tự) đối với những người làm nhạc chuyên nghiệp bây giờ là .... không thể "sực" được nữa. Lúc đầu thì thấy nó còn là lạ, xem thử nó thế nào, nay thấy nó là một thứ nghệ thuật thương mại, rẻ tiền, bình dân, từ người biểu diễn (ca sĩ) cho tới người dẫn chương trình và kể cả các tác giả bài hát. Sáng tác 1000 bài hát, ca khúc quần chúng ở Việt Nam bây giờ là chuyện quá phổ biến rồi

 Cái gọi là dòng “Tân nhạc”,  nên gọi cho chính xác là “Ca khúc phòng trà”. Đó là không gian thích hợp nhất để hát các ca khúc này, người ta vừa nghe vừa có thể trò chuyện với nhau, vừa thưởng thức trà, cafe, các món ăn nhẹ vv... Dòng Tân Nhạc "ca khúc phòng trà" này phát triển đến nay trở thành dòng “Ca khúc quần chúng” hay “Ca khúc phổ thông”, chiếm lĩnh hầu hết nhu cầu thưởng thức về ca hát của người Việt Nam Tôi cũng xin mạn phép được lướt  nhanh qua những điểm chính của nền ca khúc quần chúng ở Việt Nam mong các bạn hiểu được những ý chính. Hiện tượng Ca khúc quần chúng đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 30 với một số ca khúc mới được sáng tác và ghi theo ký âm pháp Tây phương. Trong những ngày đầu, hầu hết các tác giả ca khúc đều tự học hoặc chỉ có trình độ nhạc lý cơ bản. Tuỳ theo các nhu cầu xã hội và chính trị cụ thể, họ  pha thêm vào tác phẩm một chút thang âm ngũ cung bình quân luật trong giai điệu, và ít nhiều tính cách dân tộc chủ nghĩa và ái quốc chủ nghĩa trong lời ca. Đặc trưng của ca khúc thời Tân nhạc Việt Nam là việc sử dụng các yếu tố nhạc tính Tây phương trong hoà âm, trong thang âm bình quân luật, trong bố cục theo dạng A-B-A, trong việc sử dụng nhóm nhạc nhẹ để đệm cho giọng hát, và trong việc xây dựng tiết tấu trên sườn của các điệu khiêu vũ phổ thông như tango, valse, cha-cha, rumba, slow, v.v. Những nhạc sĩ đầu tiên của nền Tân Nhạc  vì vốn liếng âm nhạc rất hạn chế, nên tác phẩm của họ cũng chỉ để phục vụ trong các quán bar, phòng trà là chủ yếu. Sau một giai đoạn tình ca, ca khúc phổ thông được sử dụng để tác động vào tinh thần kháng chiến chống Pháp. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Ở miền Nam, nó được gia thêm hương vị của loại ca khúc thương mại của Mỹ và Pháp đương thời và trở thành một mặt hàng tiêu dùng cực kỳ phổ thông. Ở miền Bắc, nó được sử dụng tối đa như một phương tiện tuyên truyền chính trị rất hữu hiệu thôi thúc toàn dân ra trận đánh Mỹ. Như thế, sự ra đời của nó là sự ra đời của nền Ca khúc phổ thông, quần chúng, và từ đầu nó đã nhanh chóng nắm vai trò thống lĩnh trong hoạt động âm nhạc Việt Nam, và vẫn còn giữ vị trí ấy cho đến hiện nay. Quả thực, khán thính giả Việt Nam đã bị choáng ngợp bởi hiện tượng này đến độ, đối với đa số người, khái niệm "âm nhạc" hoàn toàn đồng nghĩa với khái niệm "ca khúc quần chúng". "Nhạc" chỉ còn có nghĩa là "bài hát." Theo cái nhìn của một người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, được đào tạo đầy đủ, nó chỉ là một thứ nghệ thuật nghiệp dư, Phạm Duy cũng không là ngoại lệ .

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.