Ơi con sông Ngàn Phố

Tác giả: 
Trần Hoàn
Thông tin thêm về Tác giả: 

 

TRẦN HOÀN

 

Nhạc sĩ Trần Hoàn còn có bút danh khác là Hồ Thuận An, tên khai sinh là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928 - quê quán Hải Lăng, Quảng Trị. Nguyên bộ trưởng Văn hóa – Thông tin, phó ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương. Mất ngày 23 tháng 11 năm 2003 tại Hà Nội.

 

Nhạc sĩ Trần Hoàn

 

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

 

Nhạc sĩ Trần Hoàn sinh ra trong gia đình có bố là người rất yêu thích âm nhạc và sành sỏi về ca Huế, hát bội, nhạc Tây. Điều này có ảnh hưởng đến sự nghiệp âm nhạc của ông sau này.

 

Năm 1935 Trần Hoàn theo học tại Quốc học Huế. Ông tự học nhạc và bắt đầu sáng tác từ năm 16 tuổi. Năm 20 tuổi, khi đang ở chiến khu Quảng Bình, Trần Hoàn viết ca khúc "Sơn nữ ca" và bắt đầu nổi tiếng từ đây. Trong kháng chiến, Trần Hoàn đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo các tổ chức văn hóa của đảng, đầu tiên là Đoàn phó đoàn tuyên truyền văn nghệ Trung bộ và Liên khu IV. Năm 1948, Trần Hoàn được kết nạp vào đảng. Từ 1948 đến 1956, phụ trách công tác văn hóa văn nghệ Liên khu IV, Liên khu III, khu Tả ngạn.

Năm 1956 ông về làm giám đốc Sở Văn hóa Thành phố Hải Phòng. Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển văn hóa của thành phố Cảng. Là một trong những cán bộ đầu tiên tham gia tiếp quản thành phố và là Giám đốc đầu tiên của Sở VHTT Hải Phòng 10 năm. Ông đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân theo cách mạng, xây dựng đời sống mới, xây dựng chính quyền bằng các hình thức hoạt động văn hóa, nghệ thuật có hiệu quả. Trần Hoàn còn là nhà quản lý có nhiều công lao gây dựng, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ phát triển trong hoàn cảnh thành phố còn thiếu thốn và khó khăn nhiều mặt. Ông cũng là một trong những người đầu tiên xây dựng, tổ chức Hội văn nghệ Hải Phòng. Cuối năm 1963, Đại hội văn nghệ Hải Phòng lần thứ nhất, Chi hội trưởng là nhà văn Nguyên Hồng và Chi hội phó là Trần Hoàn. Với cương vị Giám đốc Sở ông đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của chi hội văn học nghệ thuật Hải Phòng lúc sơ khai như mở các lớp viết văn, làm báo, hướng dẫn, bồi dưỡng cây bút trẻ.

Năm 1964 ông trở lại chiến trường Bình Trị Thiên với bút danh Hồ Thuận An, thời gian này ông sáng tác những bài hát như Tiếng hát trên Gio Cam giải phóng, Lời ru trên nương...

Sau 1975, Trần Hoàn là trưởng Ty Thông tin Bình Trị Thiên.

Năm 1983, ông được điều động tham gia Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, giữ chức trưởng ban tuyên huấn, sau đó là Phó Bí thư Thành ủy. Đại hội Đảng lần thứ VI ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ thông tin và sau đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (1987 - 1996) và đến Đại hội VII của Đảng ông được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương đảng. Ông là đại biểu Quốc hội khóa VIII.

Từ 7/1996, giữ chức Phó trưởng Ban văn hóa tư tưởng Trung ương, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

 

SÁNG TÁC

 

Những sáng tác của Trần Hoàn khá phong phú, từ những ca khúc thời kỳ đầu mang tính trữ tình như Sơn nữ ca, Lời người ra đi... cho tới những bài hát Lời ru trên nương, Tình ca mùa xuân, Nắng tháng Ba, Một mùa xuân nho nhỏ... 
 

Giai đoạn sau, tác phẩm của ông càng trở nên dồi dào và càng gây chú ý cho đông đảo thính giả. Ông đã có những giai điệu mang đậm chất dân ca như Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Khúc hát người Hà Nội, Đêm Hồ Gươm, Lời Bác dặn trước lúc đi xa…

 

XUẤT BẢN

  • Tập ca khúc Lời ru trên nương;
  • Một mùa xuân nho nhỏ;
  • Tuyển tập 105 ca khúc Trần Hoàn;
  • Cùng nhiều album nhạc...
Thể hiện: 
Tố Nga
Thông tin thêm: 

 

TỐ NGA

 

Ca sĩ Tố Nga sinh năm 1977, quê ở Hà Tĩnh. Hiện ca sĩ Tố Nga là diễn viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.

 

Ca sĩ Tố Nga

 

SỰ NGHIỆP

 

Tố Nga đến với nghệ thuật ca hát bằng niềm đam mê và chút năng khiếu bẩm sinh. Ngay từ những năm chưa rời ghế trường VHNT Hà Tĩnh (1993 -1996), cô sớm được đông đảo công chúng biết đến khi giành được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ liên hoan ca nhạc: Huy chương vàng hội diễn học sinh, sinh viên chuyên nghiệp toàn quốc; Huy chương vàng liên hoan tiếng hát miền Trung tại Nha Trang; Huy chương vàng tiếng hát Làng Sen tại Nghệ An...

Năm 1997, Tố Nga được Sở VHTT và Trường VHNT Hà Tĩnh giới thiệu tu luyện thanh nhạc tại Nhạc viện Quốc gia Hà Nội và tiếp tục thi tuyển vào trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật Quân đội (1997 -1999). Sau khi giành giải 3 Cuộc thi giọng hát hay Hà Nội, Tố Nga được đặc cách vào Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

 

GIỌNG HÁT

 

Nhạc nhẹ là dòng nhạc lúc đầu Tố Nga hướng tới nhưng thông qua những cuộc thi, những lần đi diễn và sự góp ý của nhiều người chị phát hiện ra mình thức sự thích hợp với dòng nhạc trữ tình mang đậm âm hưởng dân ca Trung bộ. Có lẽ những tình cảm chứa chan, dặt dìu và ngọt ngào đã thấm đượm từ trong máu thịt, trở thành một nét riêng tạo nên thương hiệu “Tố Nga”. Và người nghe sẽ không bao giờ quên một Tố Nga đằm thắm, sâu lắng sau khi nghe những ca khúc do chị trình bày.

 

Với chất giọng mezzo soprano đẹp, trong sáng, giàu tình cảm, ca sĩ Tố Nga đã mang đến cho người nghe những cảm xúc khó nói thành lời khi thưởng thức các album: “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”; “Cảm xúc từ câu hò điệu ví”; “Mời anh về Hà Tĩnh” và “Dòng sông Đa Tình”. Sống và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, mỗi lần ra album là một lần ca sĩ Tố Nga trăn trở trong việc chọn bài, dồn hết tâm huyết, tình cảm nên album của chị được người nghe đón nhận, bán rất chạy và liên tiếp được tái bản. Tạm gián đoạn trong việc ra album, ca sĩ Tố Nga bận rộn với những chuyến lưu diễn cùng anh chị em trong Nhà hát. Những chuyến đi ra biển đảo Trường Sa, lên biên giới phía Bắc, đến vùng sâu, vùng xa... mang lại niềm vui cho biết bao người và đó cũng chính là cơ hội để chị gửi gắm tình yêu thương, những nỗi niềm qua lời ca tiếng hát. Đặc biệt, miền quê Hà Tĩnh với những chuyến đi về, nhận được niềm thương và đón đợi của bà con nơi đây, Tố Nga ấp ủ mong muốn có một show diễn của riêng mình ngay trên mảnh đất gió Lào cháy nắng. Dự định đó không biết đến bao giờ mới có thể thực hiện nhưng trong tâm tưởng, chị biết mình yêu quê hương và yêu những con người miền Trung vô cùng.

ca khúc: 

 

VÀI CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC "ƠI CON SÔNG NGÀN PHỐ"

 

Không biết tự bao giờ, tôi yêu những ca khúc viết về Hà Tĩnh quê mình đến vậy?! Có phải vì “duy ý chí” khi nghĩ mình là người Hà Tĩnh nên tôi cứ đồ rằng những ca khúc viết về mảnh đất và con người của núi Hồng, sông La hay đến mức mà hiếm một vùng quê nào trên đất nước này có được. Có thể liệt kê: Chào em cô gái Lam Hồng; Người con gái sông La;Gửi sông La; Một khúc tâm tình của người Hà Tình;Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh mình thương; Nơi ấy quê mình; Mời anh về Hà Tĩnh;Câu đợi câu chờ, Sông La ngày về; Núi Hồng Sông La…

 

Sông Ngàn Phố (Ảnh: Hồng Hải)

Duyên cớ nào mà một dải đất nhỏ hẹp của “khúc ruột miền Trung” nghèo lúa gạo mà giàu nghĩa tình cùng…thiên tai, hoạ địch , nắng lửa, bão giông lại có cả một kho tàng phong phú những ca khúc“vượt thời gian” như thế!? Câu trả lời xin được dành về phía các bạn… Nhưng có một điều chắc chắn rằng người Hà Tĩnh chúng ta dù làm gì và ở đâu cũng lấy làm tự hào bởi có rất nhiều những tình khúc viết về Hà Tĩnh như thế. Những bản tình ca ấy đã thấm sâu vào lòng người một cách tự nhiên và say đắm. Phải chăng đó chính là di sản nghệ thuật đích thực mà các nghệ sỹ như những con tằm miệt mài dứt ruột nhả tơ để dệt cho đời, cho Hà Tĩnh những tấm thảm nghệ thuật lộng lẫy, đa sắc màu và có sức công phá thời gian?!

Cảm ơn các nhạc sỹ đã ưu ái dành cho Hà Tĩnh cả những tấm lòng!

Quả thật, xưa nay, nhiều nhạc sỹ đã rất thành công khi viết về mảnh đất và con người Hà Tĩnh. Các tác phẩm ấy đã trở thành “Những bài ca đi cùng năm tháng”. Và cùng với nó là những tên tuổi cũng sống mãi với thời gian như Ánh Dương, Doãn Nho, Lê Việt Hoà, Nguyễn Văn Tý, An Thuyên, Hồ Hữu Thới, Mạnh Chiến, Ngọc Thịnh, Quốc Việt… và đương nhiên, trong đội ngũ sáng tác đông đảo ấy, chúng ta không thể không nhắc tới một nhạc sỹ đã gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây bằng nhiều ca khúc để đời. Đó chính là nhạc sỹ tài hoa - cố nhạc sỹ Trần Hoàn. Ông có những bài hát về quê hương Hà Tình đi vào lòng người đã từ rất lâu mà nổi bật là ca khúc “Mời anh về Hà Tĩnh”. Hình như Trần Hoàn duyên nợ với quê hương Hà Tĩnh mình lắm (?!) Bởi, những giai điệu, tiết tấu, âm sắc và ca từ trong các sáng tác của ông cứ trở đi trở lại và neo đậu trong trái tim cùng tình cảm của người dân xứ Nghệ nói riêng và nói chung cho tất cả mọi người. Trong số đó, có một nhạc phẩm mà gần đây, tôi tình cờ mới được nghe bởi chất giọng trong trẻo, sâu lắng mà ngọt ngào của một nữ ca sỹ, ca khúc: “Ơi con sông Ngàn Phố”a từ được thể hiện dưới hình thức của ngôn ngữ thơ:

 

Ơi con sông Ngàn Phố của tôi ơi
(chứ) Em sinh khi mô thì tui đây nỏ biết
Những chuyện ngày xưa kể mần răng cho hết
Chỉ biết bây giừ xanh biếc những bờ cây
Ơi con sông Ngàn Phố của hôm nay
Nắng ban mai nhuộm sông màu sáng
Và Ngàn Sâu như hai hàng lụa trắng
Để sông La chảy mãi lững lờ.
Tôi đi từ chợ Thượng, tôi ngược bến Tam Soa
Như con thuyền ngày xưa, tôi đi theo Ngàn Phố
Hương Sơn quê mình đó, với Nước Sốt, Cầu Treo
Dãy núi Nầm cheo leo, quanh năm trầm mặc.
Tôi đi giữa đồng lạc, qua viếng mộ Lãn Ông
Gặp đường Hồ Chí Minh, vắt ngang con đường Tám
Đường lên thăm nước bạn, cũng có gì đâu xa
Rừng thắm nở hoa chờ đợi anh trở về.
Ngàn Phố của hôm nay, gừng vẫn cay, muối vẫn mặn
Mà nghĩa tình càng sâu nặng, con cá Mát với bát chè xanh
Đã đến giờ xa nhau, đã đến phút chia tay
Mà răng đi nỏ được, mà răng đi nỏ được
Ơi Ngàn Phố của tôi...!
* * *

Hai khổ thơ mở đầu được phát triển trên nền nhạc nhẹ nhàng, êm êm, đậm âm sắc câu vè, điệu ví dân ca xứ Nghệ mà ngọt ngào như tiếng mẹ à ơi. Một là“con sông Ngàn Phố” của ngày xưa:“Em sinh khi mô mà tui đây nỏ biết” và một là “con sông Ngàn Phố của hôm nay, nắng ban mai nhuộm sông màu sáng”. Giọng nữ trung đầy mê hoặc của nữ ca sỹ dìu dặt, thướt tha, luyến láy như đưa tôi về với con sông Ngàn Phố thuở hồng hoang. Vượt qua không gian, băng qua thời gian cùng những biến cố, thăng trầm của năm tháng, của lịch sử để hôm nay, có một Ngàn Phố hợp lưu cùng với một Ngàn Sâu“như hai hàng lụa trắng”dệt nên một dòng La êm đềm “lững lờ” trôi, mà trên đó có rất nhiều chiến công đã đi vào huyền thoại.

Chất liệu dân ca hoà quyện trong mỗi ca từ. Cảm từ“Ơi”ở đầu mỗi khổ thơ kết hợp với động từ sở hữu“của”(“Ơi con sông Ngàn Phố của tôi ơi!”và“Ơi con sông Ngàn Phố của hôm nay) kết hợp với sự sáng tạo của ca sỹ, được chắp cánh từ giai điệu mang âm hưởng mượt mà, dịu ngọt của dân ca Nghệ - Tĩnh, tạo nên một âm ba du dương, lắng sâu và da diết; như đăm đắm, day dứt; như bâng khuâng, luyến nhớ và tự hào trước biến cố của thời gian“vật đổi sao dời” và cảm thức của lòng người. Rồi cũng từ chính hai khổ thơ ngắn ấy, người nghệ sỹ đã níu thời gian từ thuở hồng hoang trở về với hiện tại để cho“con sông Ngàn Phố” hôm nay không còn là một hiện tượng tự nhiên hoang sơ nữa mà thực sự trở thành một nhân vật trữ tình, được tác giả cách điệu hoá thành“Em” - Em sông Ngàn Phố . Một sự phi lý trong logic đời sống. Nhưng lại thật có lý trong nghệ thuật. Rất táo bạo mà cũng thật dễ thương! (chứ) “Em sinh khi mô thì tui đây nỏ biết”). Có lẽ (tất cả chúng ta) cũng chỉ có thể biết rằng sông Ngàn Phố khởi nguồn từ phía tây thuộc dãy Trường Sơn còn “sinh khi mô” thì ai mà biết được (?!). Cái quá khứ thuở “khai thiên lập địa” với hiện tại đã vượt lên không gian và thời gian vô định để xích lại gần nhau bởi cụm từ “chỉ biết”.“Chỉ biết bây giừ xanh biếc những bờ cây” mà thôi. Ngoài ra chỉ là sự tồn tại!

Mô típ “chứ” mà ta thường gặp trong ví giặm Nghệ - Tĩnh (giặm: chêm, thêm, xen, giặm vào những chỗ trống, thưa (giặm lúa) như: “Em ơi (chứ) khoan vội bực mình”; (chứ) “Giận thì giận mà thương thì thương”; (chứ) Khi tui chưa đánh thằng Mỹ, thì nghe đồn ngược đồn xuôi…” v.v…Và khi đến “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” đã được nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sử dụng rất “đắc địa” ở câu mở đầu: (chứ) “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh…” rồi lần này trong ca khúc “Ơi con sông Ngàn Phố” lại đượcTrần Hoàn phát triển thật linh hoạt. Mặt khác, việc đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “tôi” ở câu đầu được tác giả tinh tế chuyển ngay sang tiếng địa phương Hà Tĩnh “tui” ở câu thứ hai, kết hợp việc sử dụng với tần số cao các phương ngữ khác như “khi mô”, “nỏ biết” tạo nên tính đậm đặc của ngôn ngữ xứ Nghệ trong một câu hát, gây cảm hứng thích thú cho người nghe: (chứ) “Em sinh khi mô thì tui đây nỏ biết”.

Như vây, từ việc kết hợp tinh tế chất liệu dân đến cách vận dụng rất khéo những phương ngữ Nghệ - Tĩnh như “khi mô”,“nỏ”, “mần răng”,“bây giừ” v.v…, người nghệ sỹ đã cùng ta đi từ quá vãng xa xưa trở về với cuộc sống hôm nay bằng hai khổ thơ tiếp theo rất giàu tính tự sự và yêú tố kể nhằm “điểm danh” những vùng “địa linh”, những “nhân kiệt”, “hiền tài” đậm chất sử thi, đã đi vào sử sách; gợi nhớ về một thời chưa xa mà mảnh đất và con người Hà Tĩnh phải gồng mình lên, bám đất quê hương để mà tồn tại, để mà sống và làm nên lịch sử, làm nên Đất Nước. Hơn một lần chúng ta đã từng được gặp những địa danh, những con người như thế trong ca khúc “Mời anh về Hà Tĩnh”: “… vào tận Đèo Ngang rồi vòng lên Chu Lễ…ghé Đức Thọ, Hương Sơn; Can Lộc vào Cẩm Xuyên; Thạch Hà ra Hồng Lĩnh… qua huyện Nghi Xuân,… thăm mộ Nguyễn Du;… lên đồi Cụ Phan,… qua nhà Trần Phú…”.

Đây không phải là sự trùng lặp, mà là trước đó, trong “Mời anh về Hà Tĩnh”, nhạc sỹ muốn thể hiện cảm xúc trào dâng của mình, nhưng chưa nó ihết, đến ca khúc này, ông lại gợi nhắc và nhấn mạnh thêm một lần nữa như để khẳng định, để tự hào và thưởng thức:

Tôi đi từ chợ Thượng, tôi ngược bến Tam Soa
Như con thuyền ngày xưa, tôi đi theo Ngàn Phố
Hương Sơn quê mình đó, có Nước Sốt, Cầu Treo
Dãy núi Nầm cheo leo, quanh năm trầm mặc

Tôi đi giữa đồng lạc, qua viếng mộ Lãn Ông
Gặp đường Hồ Chí Minh, vắt ngang con đường Tám…

Những tên đất, tên người, tác giả nêu lên ở đây, đâu chỉ là những nơi ghi dấu chiến công trong quá khứ dựng nước và giữ nước. Đó còn là những địa chỉ văn hoá và những vùng kinh tế mở trong thời “hội nhập”, “mở cửa”. Đó là bến Tam Soa (ba dải lụa) nơi hợp lưu của Ngàn Sâu, Ngàn Phố để sông đổ vào sông La thuộc địa phận xã Tùng Ảnh, Đức Thọ - vùng “địa linh” với biết bao “nhân kiệt” như Phan Đình Phùng, Trần Phú… Rồi Nước Sốt, Cầu Treo là nơi khởi nguồn và là tiềm năng cho những vùng kinh tế mới. Giai điệu trầm lắng như thủ thỉ, tâm tình, như lời ru ngọt ngào da diết, như hoài niệm mà cũng rất mực tự hào muốn gọi mời khách thập phương hãy về với “Hương Sơn, Ngàn Phố, Nước Sốt, Cầu Treo…”
Nếu như ở đoạn trên là âm hưởng nhẹ nhàng dàn trải và lắng sâu thì ở đoạn này, nhịp điệu và tiết tấu nhanh, mạnh, dồn dập hơn như để khắc hoạ hình ảnh dòng sông nơi thượng nguồn, có độ dốc lớn, nước chảy xiết hơn, câu hát như được tách ra làm tư với nhịp 3/2 và 2/2 tạo sự dứt khoát, gấp gáp như nhịp chèo trên sông Ngàn Phố:

Tôi đi từ / chợ Thượng / tôi ngược bến / Tam Soa
Như con thuyền/ ngày xưa / tôi đi theo / Ngàn Phố
Hương Sơn/ quê mình đó /có Nước Sốt,/ Cầu Treo
Dãy núi Nầm / cheo leo / quanh năm / trầm mặc…

Ai đã từng lên Hương Sơn nếu đi đường bộ, sẽ phải qua ngã ba Nầm.Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyết mạch đã trở thành “túi bom” mà giặc Mỹ điên cuồng ngày đêm dội xuống hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.Giờ đây trên đỉnh núi Nầm toạ lạc một nghĩa trang Liệt sỹ lớn, nơi yên nghỉ cho những người con của quê hương Hà Tĩnh, của Mẹ Việt Nam đã hy sinh vì nước và vì nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nước bạn Lào. Bởi vậy mà dãy núi Nầm càng thêm “trầm mặc” và thiêng liêng! Chất liệu dân ca vùng quê Nghệ Tĩnh đã quyện lại, lắng sâu vào từng ca từ, được nhạc sỹ xử lý một cách linh hoạt và uyển chuyển tạo nên tiết tấu đậm đặc âm sắc chất giọng xứ Nghệ.

Khổ thơ cuối như một dấu lặng, khép lại cảm xúc trước lúc đạt tới cao trào và độ viên mãn khi người nghệ sỹ vận dụng chất liệu “gừng cay, muối mặn” trong câu ca dao “Muối ba năm, muối đang còn mặn; Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay” để chỉ một Ngàn Phố hay nói rộng ra là một Hà Tĩnh hôm nay đã đổi mới và đi lên cùng đất nước. Đã “đàng hoàng, to đẹp hơn” nhưng vẫn luôn giữ một điều không bao giờ thay đổi, đó là tình người sâu nặng, thuỷ chung, nghĩa tình, son sắt. Và ta bắt gặp ở đây một sự so sánh cũng thật đơn sơ, dung dị:

Ngàn Phố của hôm nay, gừng vẫn cay, muối vẫn mặn
Mà nghĩa tình sâu nặng, như con cá mát với bát chè xanh

Hương Sơn nổi tiếng với nhiều đặc sản quý hiếm như lộc nhung hươu, như cam bù, mật ong rừng cùng nhiều lâm sản quý…Vậy nhưng nhạc sỹ chỉ chọn hai sản vật bình dị nhất đó là “con cá Mát” và “bát nước chè xanh” để bộc bạch tấm lòng của người dân Hương Sơn, Hà Tĩnh mình chân quê mà nặng tình, chung thuỷ. Đơn sơ mà rất đỗi bền chặt, sáng trong. Điều đó đã cắt nghĩa vì sao đôi chân người nghệ sỹ cùng tất cả những ai đến với Hương Sơn, trong giờ phút chia xa cứ như bị níu giữ, không thể nào “dứt áo ra đi” nổi:
Đã đến giờ xa nhau, đã đến phút chia tay
Mà răng đi nỏ được! Mà răng đi nỏ được?

Điệp cú pháp hai lần: “Mà răng đi nỏ được?! Mà răng đi nỏ được?” đã được ca sỹ thể hiện bằng sự kéo dài và luyến láy không dứt âm ba đó, tạo nên sự dùng dằng, day dứt để cuối cùng bật lên cảm xúc dâng trào, trong niềm kiêu hãnh và tiếc nuối khi phải chia tay: “Ngàn Phố của tôi!”

Chưa có may mắn được biết danh tính của người thể hiện ca khúc này nhưng tôi thật sự xúc động, tự hào và cảm ơn cô gái - ca sỹ đã chắp cánh cho bài hát “Ơi con sông Ngàn Phố” được thăng hoa trong bầu trời âm nhạc. Bài hát đã ghi thêm vào danh sách những ca khúc tuyệt vời, hát về quê hương Hà Tình yêu dấu của chúng ta!

Có nhiều nhạc sỹ viết về những giòng sông và có nhiều giòng sông được các nhạc sỹ thể hiện và gửi gắm bằng nhiều cung bậc tình cảm say đắm khác nhau của lòng mình, nhưng “Ơi con sông Ngàn Phố” của nhạc sỹ Trần Hoàn là nhạc phẩm có một tiếng nói riêng, có một cảm xúc riêng, là bản tình ca sâu lắng mà trào dâng như những nhịp sóng, mãi vỗ dào dạt vào bến bờ tâm khảm của người nghe.

Vương Khả Sơn
(Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)

Ơi con sông Ngàn Phố

BÌNH LUẬN

làm sao có thể tải bài hát này ban biên tập ơi

Hiện tại giao diện Website Hội Nhạc sĩ chưa hỗ trợ tải nhạc tự động. Đợt nâng cấp tiếp theo, Ban biên tập sẽ xây dựng chế độ download các File Audio và Video để phục vụ nhu cầu của độc giả yêu nhạc. 1/ Để tải bài hát này, xin vui lòng làm theo hướng dẫn sau: Cài thêm phần mềm tải nhạc IDM (Internet Download Manager), đây là phần mềm được ưa chuộng nhất. Nếu đang mở trang web trên trình duyệt Chrome, click chuột vào biểu tượng IDM, mở Options, click vào Google Chrome, rồi dowload bài hát. 2/ Để nghe bài hát này trên trình duyệt Chrome đã cài IDM: Khi đã cài IDM, nếu mở bài hát mà thấy IDM hiển thị bắt download mới nghe được, nếu không muốn download thì làm các bước mặc định sau: click vào biểu tượng IDM, mở Options, xóa đánh dấu đã click trong ô Google Chrome. Trân trọng cám ơn! BBT

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
9 + 3 =