You are here

Nhạc sĩ Văn Cao và “Mùa xuân đầu tiên”

Tác giả: 
Hồ Bất Khuất

Cố nhạc sĩ Văn Cao

Đã bao lần say sưa thưởng thức bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của Nhạc sĩ Văn Cao, nhưng mãi tới khi có điều kiện ngồi uống rượu với họa sĩ Văn Thao (con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao), tôi mới tường tận về số phận của bài hát nổi tiếng này.

“Mùa xuân đầu tiên” bắt nguồn từ chiến thắng mùa xuân 1975

Anh Văn Thao kể hoàn cảnh ra đời, cảm xúc chủ đạo của bài hát bằng tất cả tình cảm yêu thương, kính trọng người cha tài năng của mình. Ngồi bên dòng suối (mà anh tự hào cho rằng bố anh chỉ có Suối Mơ”, còn anh thì có suối thực), anh nhẹ nhàng nói:

“Đây là tác phẩm nhạc sĩ Văn Cao viết trở lại sau 20 năm ngừng sáng tác. Cái thôi thúc ông sáng tác chính là sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Hôm đó, nghe tin đất nước hoàn toàn thống nhất, trong khi nhà nhà rộ lên tiếng reo vui thì Văn Cao im lặng.

Ông im lặng nhưng đôi mắt sáng lấp lánh. Trong ông có một điều gì đấy đang trào lên. Từ hôm đó, tâm trạng ông khác hẳn... Nhưng mãi tới một ngày giáp Tết năm 1976. Ngày đó thời tiết đẹp, trời nắng nhẹ và hơi se se lạnh. Bỗng tiếng đàn dương cầm vang lên. Một điệu valse hồ hởi, đằm thắm tràn ngập căn nhà. Giai điệu của bản nhạc mượt mà, lấp lánh như những hạt nắng xao động trên vòm cây.

...Hôm đó, Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào, âm vang đầy ắp căn phòng. Tôi ngồi xuống ghế, lặng nhìn đôi vai gầy guộc của ông phủ xuống cây đàn. Mái tóc bạc dài xõa phất phơ theo tiếng dương cầm thánh thót. Những vệt ánh sáng hắt qua ô cửa óng vàng chuyển động trên đôi bàn tay. Tiếng nhạc nhẹ dần, chậm chậm tan vào không gian, mênh mang. Đôi bàn tay gầy khẽ dâng lên khỏi bàn phím và bất động trong không trung. Lát sau, ông lặng lẽ đứng dậy, nhẹ nhàng rời khỏi cây đàn. Khuôn mặt ông bất động. Hình như tâm hồn ông vẫn còn bồng bềnh trôi theo những âm thanh của bản nhạc.

Tôi ngồi xuống bên ông. Hai cha con nhìn nhau. Tôi định nói một điều gì đó mà không được. Cổ họng cứ tắc nghẹn. Mãi lúc sau mới thốt được nên lời: “Lâu lắm con mới lại được nghe bố đánh đàn một cách say sưa như thế này. Giai điệu đẹp quá. Bài mới sáng tác của bố đấy à?”. “Ừ! Bố sáng tác bài hát này mừng Mùa xuân đầu trên đất nước mình thống nhất...”

Theo anh Văn Thao thì có một cái gì đó dường như đang chuyển động trong đầu ông cụ; Một âm thanh mơ hồ, mỏng mảnh như làn khói thoảng qua. Một tiếng gà gáy mênh mang. Một tia nắng lấp lánh, một cánh én vờn bay...

Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” vào đúng dịp tết Bính Thìn (1976) với ca từ mượt mà:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông gà đang gáy trưa

Bên sông một trưa nắng vui cho bao tâm hồn...

Ca khúc sau đó được in trên Báo Sài Gòn giải phóng. Và, không hiểu bằng cách nào, cũng trong năm ấy, ca khúc được dịch lời và in ở Liên Xô. Người Nga trả nhuận bút 100 rúp (mua được hơn 20 cái bàn là của Liên Xô lúc bấy giờ). Con gái ông đang học ở bên đó, gọi điện về thông báo như vậy. Ông bảo: “Cha ủy quyền để con lấy mà tiêu, cả đời bố đã bao giờ được lĩnh nhuận bút đâu!”.

Số phận “Mùa xuân đầu tiên” cũng long đong như chính tác giả

Ngày nay Mùa xuân đầu tiên đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam, là một trong những bài hát hay nhất về mùa xuân. Nhưng tuyệt phẩm này cũng có số phận long đong như chính người tạo nên nó. Phải mất 20 năm sau khi ra đời, nó mới được dàn dựng và công diễn. Lúc đó nhạc sỹ Văn Cao đã sang thế giới bên kia được 1 năm rồi.

Dù Mùa xuân đầu tiên được in công khai trên báo cả ở Việt Nam lẫn ở Liên Xô ngay từ lúc nó được sáng tác, nhưng được hát lên, được phát trên sóng phát thanh thì còn cả một chặng đường dài.

Ngày đó người ta vẫn quen nghĩ về Văn Cao như một người có liên quan đến “Vụ án văn nghệ Nhân văn Giai phẩm” nên những sáng tác của ông không được công diễn. Vì vậy viết xong Mùa xuân đầu tiên, Văn Cao buộc phải cất cẩn thận nó trong chiếc tủ cũ và chấp nhận thời gian dần dà phủ bụi.

Nhưng rồi người ta không thể quay lưng lại mãi với tác giả Quốc ca. Bài Tiến quân ca của ông được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Quốc ca vẫn vang lên trong những dịp trang trọng. Điều này nhắc nhở về một con người tài hoa đang bị vùi dập.

Mãi đến mùa thu 1983, sinh nhật 60 tuổi của Văn Cao được tổ chức tại căn gác nhà 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội. Lần đầu tiên sau nhiều năm, những tác phẩm Thiên Thai, Suối Mơ, Trương Chi... mới được hát trở lại. Năm đó, Đại hội Nhạc sĩ toàn quốc lần thứ 3 được tổ chức và Văn Cao được bầu lại là Ủy viên Ban chấp hành Hội. Đấy là sự kiện quan trọng cho việc hồi sinh một Văn Cao với những nhạc phẩm cuốn hút và lay động lòng người.

Tuy nhiên, lúc đó người ta lại chỉ quan tâm tới những tác phẩm tiền chiến của Văn Cao – những ca khúc đượm vẻ đẹp lãng mạn, mà chưa mấy quan tâm đến sáng tác mới của văn Cao.

Từ mùa xuân năm 1988, những “Đêm nhạc Văn Cao” được tổ chức trang trọng ở nhiều nơi, công chúng được thưởng thức nhiều tác phẩm thuộc loại đỉnh cao trong dòng âm nhạc hiện đại của Việt Nam, nhưng Mùa xuân đầu tiên vẫn chưa được hát. Quả là đây là một tác phẩm rất “cao số” của Văn Cao.

Mãi tới mùa thu 1993, trong đêm nhạc “Văn Cao – một đồng hành tuổi trẻ”, nhân kỷ niệm Văn Cao 70 tuổi, Mùa xuân đầu tiên mới được nữ ca sĩ Minh Hoa thể hiện. Rồi trong video ca nhạc “Văn Cao – Giấc mơ một đời người”, “Mùa xuân đầu tiên” cũng được vang lên qua trình diễn của ca sĩ Thanh Thúy. Nhưng dẫu sao đây cũng chỉ mới là những nỗ lực của một vài ca sĩ chưa có tiếng vang vào lúc bấy giờ. Do vậy Mùa xuân đầu tiên vẫn chưa được đồng bào cả nước biết đến một ách rộng rãi.

Như là một định mệnh, mãi cho đến khi Văn Cao tạ thế (10/7/1995), Mùa xuân đầu tiên của ông mới được dàn dựng công phu, được trình diễn ở những sân khấu hoành tráng, được đưa lên sóng phát thanh, truyền hình. Đến lúc này Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao mới thực sự “đóng đinh” vào đời sống âm nhạc Việt Nam.

Vị trí xứng đáng của ca khúc khải hoàn theo phong cách Văn Cao

Khác với những ca khúc Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng và những bài hát mang âm hưởng hào hùng được sáng tác trong dịp chiến thắng mùa xuân 1975, Mùa xuân đầu tiên cho ngày toàn thắng của Văn Cao có giai điệu mượt mà, sâu lắng, khắc sâu vào tâm hồn người Việt thứ tình cảm chan chứa yêu thương và niềm tự hào. Nhà thơ Thanh Thảo đã viết “Đi trong mùa xuân của Văn Cao”: “Cả một dòng sông vui, nhưng không trào cuộn ồn ào, mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn nhủ cái gì, báo trước điều gì. Chợt sáng, chợt nhòe, ấn tượng ấy chập chờn trong tôi, ám vào tôi day dứt. Cuộc đời này rồi sẽ ra sao, chúng ta rồi sẽ đi về đâu. Liệu cái thời khắc trẻ thơ kỳ diệu ấy có đủ sức nâng đỡ ta trong những ngày nặng nề của cuộc đời”.

Đặc biệt, ca từ của bài hát này có ý nghĩa rất sâu sắc: “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên/Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm...”/ “Từ đây người biết quê người/Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người...”

Hai chữ “Từ đây” được lặp lại nhiều lần nói lên mơ ước, khát vọng, niềm tin và cũng là lời nhắn nhủ của Văn Cao: Sau chiến thắng vĩ đại, con người phải biết yêu quê hương và biết yêu thương nhau. Chính điều này mới làm cho chiến thắng có ý nghĩa lớn lao hơn.

(Nguồnhttp://gdtd.vn)

BÌNH LUẬN

Sau khi đọc bài viết của ông Trần Mạnh Hảo nói về ca khúc "Ngày hòa bình đầu tiên" của Cụ Văn Cao, tôi đọc bài viết  này của tác giả HBK thấy nhạt quá. Mới hay thưởng thức một tác phẩm âm nhạc, nhất là những tác phẩm mang tâm thế thời đại thật không hể giản đơn chút nào. Xin dẫn một đoạn ông Trần mạnh Hảo đã viết :  " Đây là bài hát có số phận đặc biệt nhất trong cuộc đời sáng tác của Văn Cao. Đây cũng là bài hát mang nhiều tâm trạng đối lập, hòa trộn nước với lửa: vui ít, buồn nhiều, mừng ít, tủi nhiều, hoan ca ít, bi ca nhiều, tha thiết ít, nghẹn ngào nhiều, bâng khuâng ít, đau đáu nhiều, tự sự ít, ai oán nhiều, mê say ít, thở than nhiều, cứng cỏi ít, run run nhiều, da diết ít, nỉ non nhiều, cười ít, khóc nhiều, sum họp ít, cô đơn nhiều, yêu thương ít, đau thương nhiều, gặp gỡ ít, bơ vơ nhiều...". Có lẽ tác giả Hồ Bất Khuất nên tham khảo qua bài viết này chăng ?

Gửi Hà Định Vân Trước hết cám ơn bạn đã đọc bài viết của tôi. Tuy nhiên, tôi xin nói với bạn đôi điều. Tôi là người làm báo lâu năm (và lại cả đi dạy nữa), tôi hiểu  với đối tượng nào thì phải nói và viết như thế nào cho phù hợp. Mỗi một tờ báo đều có tôn chỉ, mục đích riêng, đối tượng bạn đọc riêng. Tôi viết bài về ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của Nhạc sĩ văn cao theo đơn “đặt hàng” của báo Giáo dục Và Thời đại nhân ngày 30/4. Trước khi viết bài này, tôi không chỉ đọc bài của ông Trần Mạnh Hảo, mà tôi còn đọc nhiều bài khác, trong đó có những bài rất ấn tượng như bài của ông Nguyễn Thụy Kha. Nhưng đấy là tôi đọc cho tôi, còn tôi viết cho độc giả của báo Giáo dục và Thời đại. Khi đọc bài của bạn, tôi hiểu sâu sắc thêm rằng, trong thời đại Internet, người ta không chỉ biết viết, mà còn cần phải biết đọc nữa. Bạn đọc bài trên mạng mà lại không quan tâm, không phân biệt nguồn thì cách hiểu sẽ bị lệch lạc. Tôi viết cho Tạp chí Gia đình và Trẻ em, khac;  viết cho báo Giáo dục và Thời đại, khác; viết cho Vietnamne, khác; viết cho tạp chí Văn hóa Nghệ An, khác; mà viết blog lại càng khác nữa. Vì vậy mong bạn học cách đọc cho đúng rồi đưa ra điều phán xét của mình. Cuỗi cùng, chúc bạn mạnh khỏe, đọc nhiều, đọc đúng!                                                                       Hồ Bất Khuất                                              

Thưa ông Hồ bất Khuất. cảm ơn ông đã phản hồi ý kiến của tôi. Thì ra ông cũng còn đi giảng dạy nữa, Cũng như ông tôi đã có khá nhiều năm trên bục giảng đường. Khi nghỉ hưu tôi vẫn được chỗ này chỗ kia mời  (cũng như là "đặt hàng" ấy mà)  lúc thì nói chuyện với sinh viên, với bộ đội mới nhập ngũ, với cán bộ hưu trí v.v... . Nay  ngồi  ngẫm lại   những điều mình nói "cho đúng đối tượng nghe" về một chủ đề nào đó , để lấy "cái bì thư" thù lao, mà lại lờ đi , ỉm đi cái cốt lõi của vấn đề đó, thì thấy mình bất nhân quá và pha cả chút lưu manh nữa ông ạ. Nói chuyện về NS Văn Cao một nhân cách lớn, một tài năng lớn thuộc lớp cha, ông cho thế hệ cháu con hiện nay mà  nói như ông, viết như ông tức là ông đã xúc phạm đến anh linh của cố NS Văn Cao đấy, thưa ông Hồ Bất Khuất. Kinh ông Hà Định Văn.

Lời cuối nói với ông Hà Định Vân! Trong bài viết này về ca khúc "Mùa Xuân Đầu Tiên" của Nhạc sĩ Văn Cao, chủ yếu tôi ghi lại ý kiến của anh Văn Thao - là con cả của cụ Văn Cao, vì vậy tôi không bình luận gì thêm. Con toi nói lời cuối với ông Hà Định Vân vì ông đã dùng đến từ "lưu manh" trong lời viết của mình. Tôi không quen bàn luận với những người như vậy. Xin chào.                                              Hồ Bất Khuất

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.