You are here

Daniil Shafran (1923-1997)

Tác giả: 
cobeo (tổng hợp)

“Là một nghệ sĩ cello, Shafran không giống với bất kỳ ai khác. Vào thời điểm mà do các phương tiện truyền thông, nhiều phong cách âm nhạc đang hội tụ, tiếng đàn của Shafran vẫn khác biệt. Cách rung, cách ngắt câu, nhịp điệu của ông vẫn là duy nhất; kỹ thuật điêu luyện đáng kinh ngạc của ông đã truyền tải một cá tính âm nhạc đam mê, giản dị và đầy chất thơ của một tính cách Nga vĩ đại. Ông không có khả năng chơi một nốt nhạc nào thiếu chân thành: âm nhạc của ông ấy nói tiếng nói của tâm hồn”  – Steven Isserlis

Có lẽ cái tên Daniil Shafran không phải là cái tên quá nổi bật trong số những nghệ sĩ cello. So sánh với người đồng hương nổi tiếng Mstislav Rostropovich thì rõ ràng Shafran chìm khuất hơn hẳn. Nhưng trên thực tế, trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp, hai nghệ sĩ này luôn được nhắc đến cùng nhau với tư cách là những tài năng sáng chói của nền âm nhạc Xô viết. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, sự nghiệp biểu diễn của họ đã được khán giả đón nhận theo những cách khác nhau. Nhưng với những người yêu nhạc cổ điển nói chung và yêu tiếng đàn cello nói riêng, Daniil Shafran luôn được coi là nghệ sĩ xuất sắc, sở hữu những kỹ năng biểu diễn độc đáo và mang lại cho người nghe những cảm xúc tuyệt vời.

Daniil Shafran sinh ngày 13/01/1923 tại Petrograd (ngày nay là Saint Petersburg) trong một gia đình âm nhạc. Bố cậu, ông Boris là bè trưởng bè cello của Leningrad Philharmonic còn mẹ cậu, bà Frida là nghệ sĩ piano. Khi mẹ cậu bé bắt đầu chuyển dạ thì cha cậu (cả hai lúc này vẫn đang là sinh viên) đang cố gắng hoàn thành một câu nhạc đòi hỏi kỹ thuật khó trong bản Cello concerto số 2 giọng Rê trưởng của Haydn. Mãi rồi bố cậu mới chịu đưa vợ đến bệnh viện. Shafran hài hước nhớ lại: “Mỗi khi chơi đến đoạn này và không hài lòng với nó tôi lại tự an ủi mình, à mình sinh ra với đoạn nhạc chưa hoàn thiện này!”

Ngay từ nhỏ Daniil đã bắt cha dạy đàn cho mình nhưng ông từ chối vì cho rằng nó quá khó. Một ngày, khi cậu bé khoảng 8 tuổi rưỡi, cha cậu về nhà mang theo một cây cello nhỏ, ông khóc và nói: “Nào, ngồi xuống và chúng ta bắt đầu học”. Cậu bé vùng vằng vì đang chơi dở nhưng ông Boris không thoả hiệp và cây đàn cello bắt đầu gắn bó với Daniil từ đó.

Ông Boris là một nhạc công vô cùng nghiêm túc và một thầy giáo rất nghiêm khắc. Shafran nhớ lại: “Cha tôi luôn gây ấn tượng cho tôi rằng mọi bài học đều quan trọng. Âm nhạc, trước hết là lao động nặng nhọc. Một nghệ sĩ chỉ thu hoạch được phần thưởng xứng đáng khi họ đổ mồ hôi, sự nỗ lực và niềm cảm hứng vào tác phẩm. Nếu không thì con hãy quên việc học nhạc đi. Đó cũng chính là tín điều của tôi”. Cha Daniil có một số học trò, cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi tập bản Etude của Rodolphe Kreutzer, cậu bé cảm thấy rất tự hào vì thấy mình chơi tốt hơn hầu hết học trò của cha mình, kể cả những “người có râu”.

Sau khoảng một năm rưỡi dưới sự dạy dỗ của cha, cậu bé tiếp thu được nhiều giá trị mà anh luôn mang theo suốt cuộc đời: tập luyện thường xuyên, cần cù và luôn nỗ lực cho mục tiêu cao nhất. Một nguyên tắc được cậu đặt ra để vượt qua những trở ngại kỹ thuật là học cách chơi vượt qua đòi hỏi của tác phẩm đồng thời học cách “nghiêm khắc không nhân nhượng với bản thân khi tập luyện”. Trung thành với lời dạy của cha, trong suốt sự nghiệp kéo dài khoảng 60 năm của mình, Shafran luôn luyện tập với cường độ cao, khoảng 5-6 tiếng một ngày và giảm xuống 3 tiếng vào những hôm biểu diễn và thường là với tốc độ nhanh hơn yêu cầu để đảm bảo hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Bên cạnh đó, Shafran có thói quen là mặc trang phục biểu diễn trong các buổi tổng duyệt cuối cùng.

Năm 1931, cha cậu đưa cậu đến gặp giáo sư Alexander Shtrimer, cũng là thầy giáo của ông Boris và Daniil được nhận vào học tại trường năng khiếu âm nhạc dành cho trẻ em. Và chỉ hơn một năm sau cậu đến học tại nhạc viện Leningrad cũng dưới sự giảng dạy của giáo sư Shtrimer. Là một giảng viên tài năng, Shtrimer còn là một người rất am hiểu về luật, văn học, nghệ thuật. Vì vậy, ngay từ nhỏ, cậu bé đã được tiếp cận âm nhạc dưới nhiều góc độ khác nhau. Shtrimer là người có ảnh hưởng sâu sắc đến màu sắc âm nhạc của Shafran. Ông luôn nhắc nhở cậu rằng người nghệ sĩ phải luôn cảm nhận được mọi thứ xung quanh mình, phải nhận biết được màu sắc của ngọn cỏ, cây cối, bầu trời và hiểu được sự thể hiện của chúng. Shafran đưa ra một ví dụ cụ thể về bản Claire de Lune của Claude Debussy: “Shtrimer nói với tôi: Em đã bao giờ nhìn thấy ánh trăng chưa? Em phải thấy nó trước khi chơi tác phẩm này”. Và Shafran thường xuyên lựa chọn Claire de Lune làm tác phẩm bis trong các chương trình của mình.

Tại Leningrad, Daniil đã có buổi biểu diễn ra mắt của mình với 2 tác phẩm của David Popper: Spinnlied và Elfentanz. Ngay sau đó là lần công diễn đầu tiên với dàn nhạc của Daniil khi cậu biểu diễn Variations on a Rococo Theme, Op. 33 của Peter Ilyich Tchaikovsky cùng Leningrad Philharmonic dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng khách mời người Anh Albert Coates. Buổi biểu diễn đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi còn Coates đã đưa ra một lời khuyên rất hóm hỉnh với cậu bé: “Đừng bao giờ vội vàng đến và rời khỏi nhà ga mà hãy tản bộ như thể cậu đang đi dạo nhàn nhã trong công viên Hyde”.

Năm 1937, Shafran có bản thu âm đầu tiên của mình, cũng là với Rococo Variations. Cũng trong năm này, trên thực tế là chưa đủ tuổi nhưng Shafran đã được đặc cách tham gia và giành chiến thắng tại cuộc thi dành cho các nghệ sĩ trẻ toàn Liên bang Xô viết cho violin, piano và cello. Thật tuyệt vời cho một cậu bé mới 14 tuổi. Chiến thắng không chỉ mang lại danh tiếng trên phạm vi toàn quốc cho Shafran mà còn mang đến cho cậu phần thưởng là cây cello của Antonio Amati được làm vào năm 1630. Shafran đã biểu diễn chỉ trên cây đàn này trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình.

Những năm sau đó, cả thế giới lâm vào hỗn loạn với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tại Liên Xô, các hoạt động âm nhạc gần như đình trệ và mọi việc bắt đầu trở lại bình thường vào năm 1945 khi thế chiến kết thúc. Trong năm này, cuộc thi dành cho các nghệ sĩ trẻ toàn Liên bang Xô viết cho violin, piano và cello được tổ chức lại và một tài năng trẻ khác Mstislav Rostropovich đã giành giải nhất. Vô hình chung, sự so sánh giữa hai ngôi sao Shafran và Rostropovich đã bắt đầu từ đó. Danh tiếng nghệ sĩ cello trẻ hàng đầu Xô viết của của Shafran bị thách thức thật sự. Năm 1949, cả hai tham gia Liên hoan thanh niên dân chủ thế giới tại Budapest và năm 1950 là tại cuộc thi quốc tế tưởng nhớ Hanus Wihan tại Prague. Trong cả hai cuộc thi này, Shafran và Rostropovich đều giành đồng giải nhất. David Oistrakh, giám khảo tại cuộc thi tại Budapest đã nhận xét: “Cả hai nghệ sĩ đã làm chủ âm thanh cây đàn cello một cách hoàn hảo. Kỹ thuật nhẹ nhàng và thanh thoát của họ đã làm ganh tỵ ngay cả đối với các nghệ sĩ violin”.

Từ năm 1943, Shafran đã có những chuyến lưu diễn cùng với Moscow Philharmonic. Ngày 28/3/1946, Shafran có buổi biểu diễn đáng nhớ cùng Georges Enescu tại Romania. Họ đã biểu diễn các tác phẩm của Bach, Haydn, Beethoven. Tốt nghiệp nhạc viện năm 1950, Shafran chuyển đến sinh sống tại Moscow và một chặng đường mới bắt đầu.

Xa gia đình, thầy giáo, Shafran đã gặp một chút khủng hoảng. Chính người vợ đầu tiên của ông, Nina Musinian đã giúp đỡ ông rất nhiều. Bà khuyên ông hãy quên đi giai đoạn là một thần đồng và phải tìm một con đường nghệ thuật cho riêng mình. Không chỉ như vậy, Musinian còn là người đệm đàn piano cho Shafran trong các chương trình biểu diễn. Chính nhờ có bà, Shafran đã thoát khỏi cơn khủng hoảng và tránh được vết xe đổ đã từng xảy ra với rất nhiều thần đồng không bao giờ chịu lớn. Trong thời gian đầu ở Moscow, Shafran đã từng biểu diễn cùng Heinrich Neuhaus và Sviatoslav Richter. Shafran có những yêu cầu của riêng mình. Đối với nghệ sĩ piano, Shafran muốn họ phải chơi theo tinh thần âm nhạc mà ông đã lựa chọn. Phần piano phải tuân thủ theo ý đồ của Shafran từ nốt đầu tiên đến nốt cuối cùng. Có thể nói trong lĩnh vực này, Shafran là một người độc đoán và khắt khe. Nếu giữa hai người có sự mâu thuẫn, Shafran sẽ không chấp thuận và luôn yêu cầu phần piano phải tuân thủ mình. Chính vì vậy, Richter và Shafran chỉ hợp tác với nhau trong một thời gian ngắn ngủi. Richter nhận xét: “Tôi đã có khoảng thời gian ngắn khá thú vị với Shafran. Anh ấy là một nghệ sĩ cello lớn với âm sắc đặc biệt nhưng bất cứ khi nào chơi đàn, bạn có ấn tượng rằng anh ấy chỉ nghĩ đến thời điểm sẽ có một nốt cao duyên dáng mà anh ấy có thể giữ và tạo ra âm thanh lôi cuốn”. Từ năm 1951, Shafran thường xuyên biểu diễn cùng với Grigory Ginzburg và Anton Ginsburg cũng như với vợ mình.

Năm 1954, Shafran thu âm Cello concerto số 1 giọng Son thứ, Op. 49, của Dmitri Kabalevsky dưới sự chỉ huy của chính nhà soạn nhạc. Năm 1956, Shafran chơi bản Cello sonata giọng Rê thứ, Op. 40 của Dmitri Shostakovich với chính tác giả. Shafran nhớ lại: “Không quan trọng tôi đề nghị cái gì, Shostakovich đều lắng nghe và đồng ý với mọi chi tiết mới kể cả chúng có ngược lại với những gì đã ghi trong tổng phổ”. Chính sự kiện này đã mang lại sự tự tin rất lớn của Shafran đối với tư duy âm nhạc của mình.

Năm 1960, Shafran có chuyến lưu diễn đầu tiên tại Mỹ. Ông đã trình diễn Rococo Variations tại Carnegie Hall và giành được sự tán thưởng nhiệt liệt. Ngay sau đó, ông được mời ghi âm Cello sonata của Shostakovich và “Arpeggione” sonata giọng La thứ, D. 821 của Franz Schubert. Đây là một trong những bản thu âm hiếm hoi ông thực hiện bên ngoài Liên bang Xô viết. Ông ra mắt nước Anh vào năm 1964 với các buổi biểu diễn tại Wigmore Hall và Royal Festival Hall. Ngày 15/1/1965, đã trình diễn bản Cello concerto số 2 giọng Đô thứ, Op. 77 của Kabalevsky dưới sự chỉ huy của chính tác giả. Đây là tác phẩm Kabalevsky dành tặng cho chính Shafran.

Danh mục biểu diễn của Shafran khá đồ sộ. Ngoài những tác phẩm kinh điển của Bach, Beethoven, Schubert, Brahms… hay các tác phẩm của những nhà soạn nhạc Xô viết như Prokofiev, Shostakovich, Kabalevsky, Khachaturian… Shafran cũng thường xuyên biểu diễn các tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật, mang tính giải trí cao. Đây cũng chính là lời khuyên của Oistrakh dành cho ông: “Này Danny (tên gọi thân mật của Daniil), hãy luôn đưa những tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện vào chương trình của mình nhé!” Và Shafran đã luôn thực hiện điều này. Đó là những tác phẩm của Popper, Julius Klengel, Sicilienne và Rigaudon, Praeludium và Allegro của Fritz Kreisler hay Perpetuum mobile của Niccolo Paganini. Ông cũng quan tâm đến các nhạc sĩ đương thời như Samuel Barber hay Benjamin Britten, người mà Shafran cho rằng đã hết sức nỗ lực trong việc sáng tác cho cello.

Với quan điểm một nghệ sĩ đỉnh cao phải là người sở hữu kỹ thuật điêu luyện, Shafran luôn luyện tập kiên trì không ngừng nghỉ ngay từ khi mới bắt đầu làm quen với cello. Shafran sở hữu cách bấm ngón cực kỳ đặc biệt. Ông không lệ thuộc vào các nguyên tắc trước đó, điều này được thừa hưởng từ Shtrimer. Khi còn theo học, một lần Shtrimer khuyến khích Shafran thử thế tay mới khi chơi một Etude của Chopin được Glazunov chuyển soạn, Shafran làm theo và thấy hiệu quả hơn hẳn. Từ đó Shafran luôn tìm tòi cách để tạo ra âm thanh tuyệt vời nhất. Ông thường sử dụng ngón cái và ngón vô danh để bấm các nốt cao trên cùng của dây đàn. Shafran giải thích: “Nguyên tắc (của việc dùng ngón tay) rất đơn giản – mọi thứ đều được phép nếu đó là một âm thanh đẹp, nếu nó thoả mãn về mặt nghệ thuật. Nguyên tắc ngón tay này cho thấy không nên có những ngón tay nguyên tắc, giáo điều. Tất cả các ngón tay phải có sứ mệnh mang làm nổi bật nội dung và sự biểu cảm của tác phẩm, không bao giờ chỉ vì chúng thoải mái và tiện lợi hơn”. Có thể sự độc đáo này của Shafran một phần nhờ vào cây đàn Antonio Amati của mình, nó nhỏ hơn một chút so với kích cỡ tiêu chuẩn. Điều này giúp ông sử dụng các ngón tay một cách dễ dàng hơn. Nhưng Shafran khẳng định rằng kỹ năng này hoàn toàn có thể sử dụng trên các cây cello khác. Dù rất chú trọng đến kỹ thuật nhưng ông chỉ coi kỹ thuật là công cụ chứ không phải đích đến của việc trình diễn âm nhạc. Shafran vẫn luôn tập trung vào việc diễn giải và khai thác chiều sâu để tạo ra được một thứ âm nhạc hoàn hảo nhất. Dưới một góc độ nào đó, Shafran là một người sáng tạo. Ông cho rằng sứ mệnh bản thân là truyền tải thông điệp của nhà soạn nhạc nhưng ông cũng cho rằng thông điệp đó phải được tinh lọc qua tâm hồn của chính mình. Luôn nghiên cứu kỹ tổng phổ để hiểu tác giả muốn nhắn nhủ gì nhưng ông cũng cho phép chính mình được tự do cảm nhận và diễn giải tác phẩm. Càng về sau này, phong cách chơi đàn của Shafran ngày càng trở nên cá nhân hơn. Ông đơn giản là không quan tâm đến nhận xét của mọi người và chỉ chơi theo ý mình muốn. Theo quan điểm của Shafran, về tổng thể, một nghệ sĩ trước hết phải là giáo viên và nhà phê bình của chính mình.

Năm 1970, Shafran được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô. Năm 1974, ông làm trưởng ban giám khảo cuộc thi cello quốc tế mang tên Tchaikovsky và giữ vị trí này cho đến khi qua đời. Cả với tư cách người tham gia dự thi cũng như giám khảo, Shafran luôn nhắn nhủ những thí sinh rằng các cuộc thi chỉ mang tính thời điểm thay vì dựa trên tiềm năng của người nghệ sĩ đồng thời có những giới hạn như tác phẩm, tác giả và qua thời gian các bạn trẻ sẽ trưởng thành hơn và ngày càng hoàn thiện khả năng âm nhạc của mình; trên thực tế có rất nhiều trường hợp nhiều nghệ sĩ thất bại trong các cuộc thi nhưng sau đó trở nên nổi tiếng và ngược lại. Là người luôn trung thành với nguyên tắc của mình, với cương vị trưởng ban giám khảo, Shafran đã đứng ra bảo vệ và thuyết phục những giám khảo khác trao huy chương vàng cho tài năng cello trẻ người Mỹ Nathaniel Rosen tại cuộc thi Tchaikovsky vào năm 1978 trong khi nhiều người, kể cả quan chức Xô viết không muốn trao giải cho một nghệ sĩ Mỹ.

Dù biểu diễn khá nhiều các concerto cũng như các tác phẩm viết cho cello và piano nhưng hiếm khi Shafran chơi hoà tấu thính phòng. Khi đề cập đến vấn đề này, Shafran thường giải thích rằng do ông quá bận và tỏ ra khá tiếc nuối. Ông mong muốn được biểu diễn nhiều hơn trong các tác phẩm thính phòng. Tuy nhiên, với tính cách độc đoán và ít chịu thoả hiệp trong nghệ thuật, không dễ để Shafran tìm được tiếng nói chung với các nghệ sĩ khác. Như người thân của ông kể lại, Shafran là một người tương đối nóng tính và mặc dù cố gắng không để sự nghiệp ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình nhưng trước các buổi biểu diễn Shafran thường tỏ ra lo lắng và tránh tiếp xúc với tất cả mọi người.

Trong suốt một thời gian dài, Shafran không giảng dạy. Nhưng khi tiếp xúc với những nghệ sĩ trẻ, Shafran luôn vui lòng lắng nghe và đưa ra những lời khuyên dựa trên kinh nghiệm bản thân. Ông không nghĩ rằng mình có thể cân bằng được giữa việc giảng dạy và biểu diễn. Chỉ những năm cuối đời, khi số lượng các buổi biểu diễn giảm xuống thì Shafran mới tham gia dạy các buổi masterclass tại Nga, châu Âu và Nhật Bản. Sau khi chứng kiến việc giảng dạy tại một số quốc gia Shafran đã phàn nàn: “Tôi nghĩ rằng ngày nay các giảng viên luôn bị sự hoàn hảo về kỹ thuật ám ảnh bởi vì họ không nhận thức được tầm quan trọng của cảm xúc khi chơi nhạc, họ không thể truyền tải được chúng”.

Sau khoảng 30 năm, vào năm 1995 và 1996, Shafran đã quay lại London và có những buổi biểu diễn đáng nhớ tại Wigmore Hall cùng với Ginsburg trong các tác phẩm của Franck, Shostakovich, Britten, Brahms, Schnittke… Đây cũng nằm trong số những buổi biểu diễn cuối cùng của ông. Shafran qua đời ngày 7/2/1997 tại Moscow. Cây đàn Antonio Amati của ông được gia đình tặng lại cho Bảo tàng Glinka.

Là một nghệ sĩ độc đáo, đầy cá tính, thật đáng tiếc khi dường như tên tuổi Shafran được đón nhận chưa tương xứng với tài năng của ông. Dù luôn tránh đề cập đến Rostropovich nhưng có lẽ cái bóng quá lớn của Rostropovich đã phần nào che khuất ông dù rằng ở những khía cạnh nhất định, Shafran còn được đánh giá nổi trội hơn người đồng nghiệp. Theo những người thân của Shafran kể lại thì đương thời Rostropovich luôn được nhà cầm quyền ưu ái hơn.

Luôn coi Pablo Casals, Gregor Piatigorsky và Emanuel Feuermann là những nghệ sĩ yêu thích nhất của mình nhưng Shafran lại thú nhận nghệ sĩ ballet huyền thoại Galina Ulanova mới là người truyền cảm hứng cho ông bên cạnh Sviatoslav Richter và Dietrich Fischer-Dieskau: “Khi nhìn cô ấy múa trong “Romeo và Juliet” của Prokofiev, tôi chợt nhận ra rằng chưa bao giờ trước đây tôi đã thực sự “nghe”, rằng legato thực sự có nghĩa là gì. Buổi sáng sau khi khám phá ra điều này, tôi cảm thấy một nguồn năng lượng hoàn toàn mới”.

Với những người từng chứng kiến các buổi biểu diễn của ông thì ấn tượng với họ không đến từ cái bục ông ngồi cao hơn thông thường mà đến từ tiếng đàn thanh thoát, tràn đầy cảm xúc dựa trên một nền tảng kỹ thuật siêu đẳng. Ông đã mất đi nhưng di sản của ông để lại sẽ luôn được người yêu nhạc đón nhận và yêu mến.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.