You are here

Dấu ấn Măng Thị Hội

Tác giả: 
Hoàng An

Tên tuổi của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) người Bana Chăm Măng Thị Hội gắn liền với những ca khúc: Bóng cây kơnia, Qua sông, Buổi sáng em làm rẫy, Miền Nam nhớ mãi ơn Người, Biết ơn chị Võ Thị Sáu…

NSƯT Măng Thị Hội.

Đặc biệt, bà còn là một giáo viên dạy thanh nhạc, đào tạo nhiều ca sĩ nổi tiếng, đạt các giải thưởng cao trong nước và quốc tế.

Duyên nợ với “Bóng cây kơnia”

Trước khi thành giảng viên thanh nhạc, Măng Thị Hội (năm nay 73 tuổi) đã là một giọng ca đẳng cấp, dù bà hát rất ít và cũng không xuất hiện nhiều trên các sân khấu.

Nói về cái duyên đến với nghệ thuật, NSƯT Măng Thị Hội chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đã được mẹ ru bằng những bài ca cách mạng cũng như được hòa mình trong những tiếng cồng chiêng dưới tán cây kơnia. Lớn lên, nghe lời cha, tôi thi vào Khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 1973, tôi tốt nghiệp đại học.

“Bóng cây kơnia của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là bài hát mà cô giáo Thúy Huyền (vợ NSND Trần Hiếu) chọn cho tôi làm bài thi tốt nghiệp, ca khúc đã giúp tôi nhận được điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp năm ấy. Và khi đó, nhà trường tổ chức đi biểu diễn ở Thái Nguyên, tôi hát “Bóng cây kơnia” thì Sân vận động Thái Nguyên như vỡ ra bởi những tràng pháo tay của khán giả”, bà nhớ lại.

Nghệ sĩ Măng Thị Hội bộc bạch: Lúc đó, tôi hát ca khúc “Bóng cây kơnia” bằng cả trái tim và tâm hồn gửi gắm đến các chiến sĩ đang chiến đấu ở miền Nam. Một chiến binh trong một trận đánh bị trọng thương được đồng đội khiêng vào tạm ẩn ở một hang đá sâu, trong một phút hiếm hoi tỉnh lại, anh quờ quạng ấn nút chiếc đài Orionton và tiếng hát “Buổi sáng em làm rẫy...” cất lên. Anh như tỉnh hẳn: đúng là cô em gái thân thương của mình... Sự mẫn cảm đến kỳ diệu của giác quan thứ sáu, bởi lúc anh được lệnh vào Nam chiến đấu, Măng Thị Hội chưa học hát! Như một liều thuốc cực mạnh, phút giây ấy đã giúp anh vượt qua ranh giới của cái chết và sự sống.

Đến năm 1974, Trưởng đoàn Ca múa nhân dân Tây Nguyên tới Trường Âm nhạc Việt Nam mời nghệ sĩ Măng Thị Hội về đoàn cộng tác. Và đến năm 1978, bà chính thức về giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc - Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Lúc biểu diễn trước công chúng, lúc dạy cho học trò, khi hát với bạn bè, ở đâu, khi nào chất giọng Soprano với âm vực rộng, trong sáng của nghệ sĩ Măng Thị Hội luôn cuốn hút lòng người. Với ca khúc “Bóng cây kơnia”, trong chương trình Con đường âm nhạc trên VTV3, sinh thời nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng nhận xét: “Chưa ai hát ca khúc này qua nổi Măng Thị Hội”.

Cảm về chất giọng đặc biệt của Măng Thị Hội - người ca sĩ được ví như “chim sơn ca” của núi rừng Tây Nguyên, nhiều ý kiến cho rằng, bản thu âm hay nhất của NSƯT Măng Thị Hội trong sự nghiệp là “Bóng cây kơnia” - bản thu âm thực hiện ngay sau bà mới tốt nghiệp. Có vài chỗ ngây ngô và non nớt trong xử lý, nhưng cái không khí rạo rực, bức bối và và những cơn sóng xúc cảm mãnh liệt, đầy da diết ấy thì không một nữ ca sĩ nào thế hệ sau có thể mang lại.

Có bản thu âm NSƯT Măng Thị Hội hát là “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” - giọng hát có độ vang ấn tượng, âm vực cao phát triển, chất núi rừng hoang sơ mãnh liệt. Đây hiển nhiên là giọng hát có thể gây ấn tượng mạnh mẽ ngay từ lần nghe đầu tiên.

Và thật đáng tiếc ở thời hoàng kim, NSƯT Măng Thị Hội cũng không thực hiện nhiều bản thu. Những bản thu hay clip thực hiện sau này khi đã luống tuổi thì giọng hát đã qua thời kỳ xuân sắc hoặc không được thực hiện chỉn chu, có thể gây những nhận định sai lạc về giọng hát bà.

NSƯT Măng Thị Hội (phải) hát vui cùng bạn bè.

Một giáo viên thanh nhạc tận tâm

Nhắc tới nghệ sĩ Măng Thị Hội, người ta hay nhắc đến vai trò một bà giáo thanh nhạc tài năng của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Từ năm 1978 tới nay, nhiều ca sĩ nổi tiếng đã được bà truyền dạy như: Tạ Minh Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Hiền Thục, Mỹ Tâm, Thanh Sử, Thanh Thúy, Thu Minh, Mai Thiên Vân, Phương Trinh…

Nhiều học trò nổi tiếng luôn nhắc tới bà với sự biết ơn sâu sắc. Ca sĩ Thu Minh bộc bạch: Người mà tôi chịu ảnh hưởng và không bao giờ quên chính là cô Hội. Có bất kỳ niềm vui nào, người đầu tiên tôi gọi điện báo tin vui chính là cô. Tôi luôn tâm niệm những lời cô dạy, trong kiến thức chuyên môn, cô không dạy cho các em tiểu xảo cho mau nổi bật, mà dạy căn bản vững vàng để các em đi dài lâu trên chính đôi chân của mình.

Là cô giáo rất mực yêu thương, tận tâm với học trò, nhưng cô Hội cũng nổi tiếng là người rất khó tính trong giảng dạy.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nhớ lại: Cô Hội hết sức nghiêm khắc nên ngày mới đến học lớp cô Hội, tôi sợ đến độ hát không ra lời. Nhưng cô giáo ấy lại có một cách truyền tải cuốn hút đến lạ kỳ. Vì thế mà tôi lao vào học, luyện giọng... Giờ lên lớp thì vậy, lúc nghỉ ngơi cô trò lại như mẹ con. Trước học trò, cô luôn có những nhận xét nhạy bén mà chuẩn xác, chỉ ra những chỗ yếu để học trò khắc phục.

“Cách dạy này rất dễ hiểu, chính xác về vị trí âm thanh cũng như cách biết điều tiết được hơi thở, có thể hát 10-15 bài một lúc nhưng vẫn bảo vệ được bền lâu giọng hát của mình bởi theo cô, luyện thanh trong âm nhạc cũng có phần giống như luyện khí công. Nhưng điều quan trọng hơn cả là cô luôn truyền cho học trò cảm xúc của từng ca khúc và hoàn cảnh sáng tác của từng tác giả”, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bày tỏ.

Sau khi nghỉ hưu, NSƯT Măng Thị Hội vẫn tiếp tục với công việc dạy nhạc tại nhà riêng. Nhìn bà say sưa truyền đạt những kinh nghiệm luyện thanh, phong cách biểu diễn, giao lưu với khán giả cũng như các tình huống gặp phải trên sân khấu cho học trò của mình, mới thấy hết được hình ảnh một nhà sư phạm tận tụy với nghề.

Thời gian qua, trong các cuộc thi ca hát của HTV, VTV, NSƯT Măng Thị Hội thường được mời làm ban giám khảo - một giám khảo rất khắt khe khi cho điểm bởi theo bà, các bạn trẻ phải có nội lực thật sự, phải hát bằng cả trái tim. “Bởi bản thân người thầy có giỏi đến đâu cũng không thể hóa phép cho một học trò có giọng ca tệ trở thành một ngôi sao”, NSƯT Măng Thị Hội quan niệm.

(Nguồn: http://daidoanket.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.