You are here

Để Âm nhạc luôn đồng hành cùng dân tộc

Tác giả: 
Nguyễn Thụy Kha

Hội thảo khoa học “Từ Hội nghị Cứu Quốc tới Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam – Những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa văn nghệ”

Đặc điểm âm nhạc luôn đồng hành với dân tộc mình là đặc điểm chung của các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử âm nhạc đồng hành cùng dân tộc. Xa xưa, chiến binh Việt ra trận trong sự thúc giục của tiếng trống. Cũng xa xưa, âm nhạc mừng chiến thắng của cả dân tộc thật oai hùng. Chiến binh thời Đinh – Tiền Lê, chiến binh thời Lý – Trần, chiến binh thời hậu Lê – Quang Trung đã nâng trống trận Tây Sơn lên thành nghệ thuật của dàn gõ. Đến thời Nguyễn cũng là trống trận đồng hành. Trong thanh bình, âm nhạc luôn đồng hành cùng dân tộc trong các lễ hội ở mọi thôn làng. Đến thời nước Việt Nam mới của cách mạng chúng ta, những giai điệu yêu nước trong nhịp hành khúc như Tiến quân ca, Du kích ca, Diệt Phát xít, Lên đàng, Chiến sĩ Việt Nam, Tiếng gọi thanh niên, Phất cờ Nam tiến, 19 tháng 8… là tám quả bom âm nhạc đập tan dinh lũy thực dân, phá gồng xiềng nô lệ.

Cách đây 75 năm, cũng vào ngày 24 tháng 11 năm 1946, Đại hội Văn hóa toàn quốc đã họp tại Thủ đô Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã đến đọc diễn văn khai mạc trong không khí “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Nhờ thế, khi toàn quốc kháng chiến, âm nhạc lại đồng hành cùng dân tộc trên các nẻo đường chiến tranh, hun đúc lên sức mạnh đánh đuổi thực dân. Đấy là những tiếng trái phá Người Hà Nội, Trường Chinh ca, Lô Giang, Trường ca sông Lô, Chiến sĩ sông Lô, Bên bờ sông Lô, Ba Đình nắng, Du kích sông Thao, Bình Trị Thiên khói lửa, Bộ đội về làng v.v… Ai là người Việt Nam cũng bất khuất đứng lên cùng âm nhạc. Từ những ca khúc gọn ngắn đến những hợp xướng bề thế.

Trong mười năm hòa bình, cũng bên cạnh ca khúc miền Bắc lại thăng hoa với những năng lượng hòa bình của Ta đi tới, Ca ngợi Tổ quốc, Tiếng hát biên thùy, Hồi tưởng, Miền Nam anh dũng và bất khuất... Cả miền Bắc đã có “Ngày Âm nhạc” mà giờ đây là “Ngày Âm nhạc Việt Nam”. Ngày 3 tháng 9 năm 1960, ngày Bác Hồ cầm đũa chỉ huy âm nhạc giao hưởng và hợp xướng hát Kết đoàn.

Bom Mỹ dội xuống miền Bắc hòng đưa miền Bắc về thời đồ đá, thì cả miền Bắc lại bừng lên “Tiếng hát át tiếng bom”. Cùng với những ca khúc chất ngất khí phách dân tộc là những giao hưởng Thành đồng Tổ quốc, Quê hương, Tuyến đầu v.v…; nhạc kịch Cô Sao, Bên bờ Krong Pa, Người tạc tượng v.v… Quân Mỹ đổ vào miền Nam cũng phải khiếp sợ khí thế chiến binh Việt hừng hực trong lòng những giai điệu ra trận. Chiến thắng Mỹ không phải là chiến thắng của chiến tranh đè bẹp chiến tranh mà là chiến thắng của hòa bình chứa chất trong những bài ca khát vọng. Ngay đến khi hai miền đoàn tụ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, thì lòng người miền Nam chỉ thực sự được an lành khi nghe dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trình tấu giao hưởng số 5 của L.V. Beethoven tại Nhà hát Lớn Sài Gòn.

Thời hậu chiến với những giai điệu thanh bình chưa được bao lâu thì lại đến thời chiến tranh biên giới ở Tây Nam và phương Bắc của Tổ quốc. Âm nhạc vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc vừa giữ vững từng tấc đất quê hương, vừa giúp dân tộc láng giềng, bạn bè thoát khỏi họa diệt chủng. Âm nhạc còn cùng dân tộc trở trăn để rồi cùng đồng hành vượt thoát khỏi “thời quan liêu bao cấp” bước vào “thời đổi mới, mở cửa” 35 năm trước. Từ đấy cả đất nước trào lên giai điệu của niềm khát vọng xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Âm nhạc trên đường đồng hành cùng dân tộc đã cắm thêm những cột mốc vẻ vang trong lịch sử phát triển của đất nước. Bao ca sĩ đã thành công trong các sàn diễn khu vực và quốc tế. Bao nghệ sĩ được vinh danh trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế mà bây giờ trở thành bậc thầy của các thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục thành công như chính mình khi xưa. Đấy là trường hợp của nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn. Nguyện vọng đưa âm nhạc Việt Nam ra với quốc tế từ thời nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát mơ ước đã thành hiện thực. Nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam như Đàm Linh, Nguyễn Văn Nam, Đồ Hồng Quân, Võ Đăng Tín, Trần Mạnh Hùng, Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc v.v… đã vang lên trong các nhà hát quốc tế, riêng với chính nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát là các tác phẩm viết cho bộ gõ “siêu giai điệu”.

Ngay trong những lúc căng thẳng về chủ quyền trên biển Đông, âm nhạc cũng luôn truyền lửa trong muôn con tim tuổi trẻ kiêu hãnh đón nhận những thử thách. Và suốt hai năm qua, dịch Covid-19 đã bùng phát khó lường trên toàn thế giới như thế chiến thứ ba với kẻ thù vô hình. Âm nhạc lại tiếp tục khơi cháy trong lòng các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch giành lại sự sống cho từng số phận.

Để đạt được thành tựu trên, bên cạnh sự nỗ lực bản thân của từng nhạc sĩ sáng tác và biểu diễn, điều rất cần trong thời đại hôm nay là sự tương tác, liên kết, chia sẻ giữa các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, với các sở Văn hóa địa phương thì điều này không phải lúc nào cũng trơn tru đồng thuận. Đã có những lúc giữa các thông tư, chỉ thị của chính quyền không ủng hộ được năng lực sáng tác, biểu diễn của những người thực hiện trực tiếp. Bởi thế, chúng ta còn để những lỗ hổng để những chương trình phản cảm xuất hiện trên mạng của một số các bạn trẻ thích nổi tiếng, thích làm tên tuổi đã bị nhận dạng, bị phê phán, nhất là chuyện lùm xùm trong các động cơ từ thiện vừa qua của một số nghệ sĩ. Hơn nữa, chúng ta cũng cần mạnh dạn đầu tư hơn cho những tác phẩm có tâm, có tầm có thể lan tỏa trong đời sống, khơi dậy khát vọng cho dân tộc, nhất là lớp trẻ hôm nay rất dễ bị cuốn theo lối sống thực dụng, hưởng thụ dẫn đến những sai lạc trong thẩm mỹ, rất cần được chấn chỉnh, sửa sang để hướng đi, mục đích “Chân – Thiện – Mỹ” của nghệ thuật trong thời đại “Bình thường mới” hôm nay.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.