You are here

Đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc: “Tiếng Đàn Bầu”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đình Phúc (20/8/1919 - 20/8/2019), Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật “Tiếng đàn bầu” vào tối 17 tháng 10 năm 2019, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, như một lời tri ân người nghệ sĩ tài hoa.

Đêm nhạc đã tái hiện về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Khán giả được thưởng thức các sáng tác âm nhạc đa dạng, phong phú về nội dung và thể loại, mang đậm chất dân tộc, kể câu chuyện về một con người giản dị, đa tài, cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật. Dõi theo những chặng đường sáng tác của ông, chúng ta nhận thấy rằng chàng thi sĩ du tử u sầu, cô đơn trước cách mạng tháng Tám, đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống sôi động của đồng bào, đồng chí, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc gia nhập vào đoàn quân đi kháng chiến cứu quốc, và cho ra đời những tác phẩm âm nhạc thể hiện chí khí, tinh thần dân tộc hào sảng, đằng sau đó là sự nao nức của người nghệ sĩ dùng âm nhạc phụng sự Tổ quốc mình, nhân dân mình.

Bình Ca”, biểu diễn: ca sĩ Xuân Hảo và dàn hợp xướng Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, chỉ huy: Lê Bình Hưng

Giao hưởng số 1 (3 chương), biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, chỉ huy: NSƯT Kim Xuân Hiếu

Lệ Thu”, biểu diễn: ca sĩ Lan Anh, hòa âm phối khí: nhạc sĩ Đức Thụy

Cô lái đò”, thơ: Nguyễn Bính, biểu diễn: ca sĩ Lê Anh Dũng

Lời du tử”, biểu diễn: ca sĩ Đức Long

Hữu ngạn sông Thao”, biểu diễn: Nhóm Phương Bắc

Chiến sĩ sông Lô”, biểu diễn: Vũ Thắng Lợi

Nhớ anh giải phóng quân”, biểu diễn: Tốp ca nữ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam

Bô lão chúng ta còn dẻo dai”, biểu diễn: NSND Quang Thọ - NSƯT Quang Huy - NSƯT Dương Minh Đức - NSƯT Thanh Vinh

Nhớ quê hương”, biểu diễn: Thu Thủy và tốp múa

Những bông hoa Cheng-ret””, biểu diễn: Tốp nữ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam

Tiếng đàn bầu”, biểu diễn: ca sĩ Trọng Tấn

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc và vợ, bà Trần Thị Bảo

Nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đình Phúc (bút danh là Nguyễn Thơ, sinh ngày 20 tháng 8 năm 1919 tại huyện Thanh Oai, Hà Nội. Khởi đầu ông học hội họa Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng do say mê âm nhạc nên ông đã cùng lúc theo học đàn với nhạc sĩ người Nga lưu vong Sibirev.

Nguyễn Đình Phúc có tác phẩm âm nhạc đầu tay năm ông 22 tuổi “Lệ Thu” (1941), sau đó là “Cô lái đò" (1942) thơ Nguyễn Bính, “Lời du tử” (1944) là những ca khúc tiêu biểu của giai đoạn mở đầu nền tân nhạc Việt Nam. Năm 1946, Nguyễn Đình Phúc lên đường tham gia kháng chiến. Trong thời gian này ông có nhiều cảm hứng sáng tác, trong đó có các bài: “Quân tiên phong” (bài hát chính thức của Đại đoàn quân tiên phong), “Chiến sĩ sông Lô”, “Bình ca”…

Thời chống Mỹ, ông sáng tác: “Bô lão chúng ta còn dẻo dai”, “Nhớ anh Giải phóng quân”, “Gởi anh đi đầu quân” (Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu 1984), “Những bông hoa Cheng-ret”… đã khẳng định tài năng sáng tạo của một nhạc sĩ - chiến sĩ giàu lòng yêu nước.

Tiêu biểu nhất của Nguyễn Đình Phúc sau Cách mạng là “Tiếng đàn bầu”, phổ thơ Lữ Giang, được sáng tác năm 1969. Năm 1972 ca sĩ Kiều Hưng đã trình bày bài hát này và sau là Trọng Tấn thể hiện thành công.

Nguyễn Đình Phúc còn sáng tác khí nhạc, nhạc phim. Ông là nhạc sĩ viết nhạc phim đầu tiên của Việt Nam. Ông đã sáng tác nhạc bộ phim tài liệu đầu tiên là “Nước về Bắc Hưng Hải” và bộ phim truyện đầu tiên “Chung một dòng sông” của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ông còn viết nhạc trong phim hoạt hình “Nàng Ngà” (giải thưởng Bông Sen vàng của Liên hoan phim Việt Nam) và phim “Lửa trung tuyến”. Lĩnh vực khí nhạc, ông có những sáng tác giao hưởng “Việt Nam trên đường nở hoa”, Giao hưởng số 1, Concerto cho violon, Concerto cho cello, Giao hưởng số 2 cho dàn nhạc dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập tự do”...

Nguyễn Đình Phúc là thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III.

Nguyễn Đình Phúc còn là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông là một họa sĩ chuyên vẽ chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam, ông đã từng vẽ chân dung: Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Xuân Diệu, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng… tổng cộng khoảng 120 bức. Ông đã mở một triển lãm chân dung các văn nghệ sĩ và in một tuyển tập gồm 80 bức tranh.

Nhạc sĩ – Họa sĩ Nguyễn Đình Phúc mất ngày 28 tháng 5 năm 2001, hưởng thọ 82 tuổi. Ông để lại một kho tàng tác phẩm nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực: hội họa, thơ, kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, sách nghiên cứu và biên dịch. Trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, ông để lại 120 ca khúc thuộc các thể loại khác nhau, ca kịch, Giao hưởng, Tổ khúc giao hưởng, các tiểu phẩm cho nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ cổ truyền, nhạc cho phim tài liệu thời sự, phim truyện, phim hoạt hình, nhạc cho kịch, sân khấu cải lương, múa…

 Một số hình ảnh tại Đêm nhạc:

Ba ấn phẩm về tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc được gia đình cho ra mắt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông

Một góc triển lãm tranh “Trăm năm một thoáng”

Gia đình nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc cùng các nghệ sĩ

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.