You are here

Di sản hát Bả trạo “đỏ mắt” tìm người kế thừa

Tác giả: 
Xuân Sơn

Di sản phi vật thể quốc gia hát Bả trạo là hình thức diễn xướng dân gian xuất phát từ tín ngưỡng thờ cá Ông, có ảnh hưởng sâu sắc đến yếu tố an dân trong nghề biển và niềm tin về sự an cư lạc nghiệp của cộng đồng ngư dân ở Đà Nẵng nói riêng, các địa phương ven biển miền Trung nói chung. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ mai một khi thế hệ kế cận ngày một thưa thớt.

Bả trạo được trình diễn trong lễ hội Cầu ngư, xuất phát từ tín ngưỡng thờ cá Ông của cộng đồng ngư dân ven biển miền Trung Ảnh: Tư liệu bảo tàng Đà Nẵng

Theo tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng, hát Bả trạo còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như hát chèo bả trạo, chèo cầu ngư, chèo cạn, hò rước Ông, xuất phát từ tín ngưỡng thờ cá Ông (Đại Đức Ngư ông) của cộng đồng ngư dân ven biển. Bả trạo được hiểu, “bả” là nắm chắc, “trạo” là mái chèo. Hát Bả trạo là hát vững tay chèo theo động tác chèo thuyền. Hình thức diễn xướng nghi lễ này được trình diễn trong lễ hội cầu ngư truyền thống với ý nghĩa cầu quốc thái dân an, trời yên, biển lặng và những chuyến biển bội thu. Đồng thời cũng xuất hiện trong dịp đưa tang cá Ông của ngư dân hay tang lễ tiễn đưa người tạ thế.

Ngư dân Cao Văn Minh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là người có nhiều năm tâm huyết với những làn điệu Bả trạo. Ông biết đến Bả trạo từ thế hệ cha ông, những người gắn với đời sống sông nước nơi vùng Duy Nghĩa - Cửa Đại (thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Từ Duy Nghĩa về sinh sống ở Nại Hiên Đông, ông bắt tay phục dựng Bả trạo, lập đội trạo ở địa phương từ năm 1998, nghiên cứu kịch bản và sáng tác các bài Bả trạo phù hợp với hiện tại, nhằm làm phong phú hơn việc trình diễn trong các hoạt động truyền thống của làng chài. “Bả trạo mô phỏng chân thực, sinh động và gần gũi đời sống người dân miền biển, nó toát lên cái chất phác, cái “ăn sóng nói gió” của bà con mình. Chúng tôi coi đó là hồn cốt của làng chài và biển cả”, ông Minh chia sẻ.

Vì lý do đó, ông Minh và những thành viên đội trạo nỗ lực duy trì hát Bả trạo đến thời điểm hiện tại. Qua nhiều năm tháng, có người còn gắn bó, người vì sức khỏe và tuổi tác đã thôi cất tiếng ngân vang làn điệu di sản. Ông Nguyễn Thực, người giữ vai trò tổng lái của đội trạo ở phường Nại Hiên Đông chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi đều đã lớn tuổi nên điều lo lắng nhất là mai này không còn ai kế cận. Như vậy Bả trạo ở nơi này sẽ mai một đi”. Đó cũng là tâm tư của lão ngư Phùng Phú Phong, bậc cao niên ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Ông cho hay, những năm trở lại đây, Bả trạo đang dần vắng bóng trong các lễ hội, hoạt động của dân làng chài. Không còn thấy Bả trạo xuất hiện thường xuyên như trước. Ngay tại lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2022 tổ chức tại phường Mân Thái mới đây cũng “khuyết” mất phần hát Bả trạo. “Ở phường Mân Thái và rất nhiều nơi khác đang có sự thật đáng buồn, đó là số người hát Bả trạo còn lại rất ít. Số người ít nên không đủ lập một đội trạo nữa, dẫn tới Bả trạo vắng bóng trong các hoạt động truyền thống”, ông Phong kể. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, có 30 năm bám biển và được học hát Bả trạo từ bé, đồng thời giữ vị trí tổng thương ở đội Bả trạo địa phương, ông Phong đã chứng kiến những người cùng tâm huyết trong đội lần lượt ra đi. Thế hệ trẻ, những con trạo trưởng thành, lập gia đình, cũng xoay vòng theo áp lực mưu sinh, không còn mấy người mặn mà lâu dài với loại hình truyền thống.

Ông Cao Văn Minh cho hay, việc đào tạo diễn viên hát Bả trạo là cái khó nhất trong công tác khôi phục và duy trì loại hình này. Người hát cần thời gian tập luyện lâu dài, ai không đủ kiên nhẫn sẽ khó mà theo đuổi, khó mà truyền được cái “hồn” vào làn điệu. “Việc vừa hát vừa thực hiện các động tác múa suốt nhiều giờ đồng hồ cũng đòi hỏi người hát cần thể lực tốt. Ngay cả sự hòa hợp giữa nhạc công và người hát cũng là một vấn đề”, ông Minh cho biết thêm. Những người như ông Minh, ông Thực… sẵn sàng tham gia công tác đào tạo, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương duy trì, trao truyền Bả trạo cho thế hệ kế cận. “Lễ hội Cầu ngư là bản sắc, hồn cốt của văn hóa làng biển và Bả trạo là yếu tố then chốt làm nên sự đặc sắc của lễ hội. Chúng tôi rất mong Bả trạo có sự đầu tư xứng đáng từ chính quyền và sự chung tay của cộng đồng, được khai phá để lưu giữ được nét văn hóa truyền thống và lưu giữ nó cho thế hệ kế cận”, ông Thực chia sẻ.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng bày tỏ sự trăn trở trước nguy cơ mai một của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: “Rất nhiều yếu tố dẫn đến sự vắng bóng ngày một lớn của Bả trạo, đó là sự giảm hẳn về số lượng và quy mô của lễ hội Cầu ngư bởi nguồn lợi về kinh tế không lớn. Thứ nữa, thế hệ trẻ không quá mặn mà hay yêu thích loại hình này trong khi thế hệ cao niên ngày một lớn tuổi”. Theo ông Thiện, Bả trạo cần một đội ngũ hướng dẫn tâm huyết và những người trẻ thực sự có đam mê với loại hình diễn xướng dân gian này. 

(Nguồn: http://baovanhoa.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.