You are here

Ði tìm những hình hài mới của âm nhạc

Tác giả: 
Ðắc Linh

Sau bảy năm hoạt động, với việc tổ chức các khóa đào tạo nhạc sĩ, các chương trình phát triển âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Việt Nam, Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Ðom Ðóm lại vừa cho ra mắt dự án "Hình của nhạc" năm 2020 với sự tài trợ từ Quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh. Ðây được xem là chương trình dành riêng cho các hình thức âm nhạc mới để tìm kiếm tác giả, tác phẩm âm nhạc thể nghiệm.

Một buổi trình diễn âm nhạc thể nghiệm của Trung tâm Đom Đóm.

Thực tế cho thấy, trước sự vận động mạnh mẽ của dòng chảy âm nhạc và nhu cầu muốn được khám phá tới tận cùng những hình thái khác nhau của âm nhạc, những người thực hành âm nhạc đương đại đã không còn bằng lòng với việc đóng khung mình trong sự giới hạn của hệ thống ký âm cổ điển. Họ luôn khao khát đi tìm những cách thức biểu đạt mới của âm thanh trong sự kết nối với các loại hình nghệ thuật biểu diễn và thị giác khác, từ đó đánh thức những xúc cảm mới nơi người thưởng thức. Ðó là lý do thời gian gần đây, âm nhạc thể nghiệm ngày càng phổ biến hơn ở Việt Nam với sự xuất hiện của lớp nghệ sĩ tiên phong, không ngừng đổi mới chính mình để tạo nên những thanh âm mới. Và đó cũng là lý do "Hình của nhạc" được ấp ủ, lên kế hoạch thực hiện nhằm tạo ra môi trường để gieo trồng, nuôi dưỡng và phát triển những ý tưởng, thực hành âm nhạc thể nghiệm. Lấy tên "Hình của nhạc", dự án muốn đi tìm những hình hài mới cho nền âm nhạc Việt Nam. Trong nhạc cũng có thể có hình, bởi có những lúc hình dung qua đôi tai không chỉ còn là những tưởng tượng trong não bộ mà còn hiện ra trước mắt người nghe, đánh thức nơi họ những cảm thụ đa chiều.

Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đa phương tiện Trần Kim Ngọc, người sáng lập Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Ðom Ðóm cho biết: "Hình của nhạc" sẽ tập trung vào sự phát triển của các nghệ sĩ trẻ bởi họ là người làm nên hình hài của âm nhạc trong tương lai. Dự án trao cơ hội cho bốn đến năm nhạc sĩ hoặc nhóm nghệ sĩ trẻ làm việc có chiều sâu với các loại hình, yếu tố đa dạng của âm nhạc để triển khai ý tưởng, sáng tác và thực hiện tác phẩm mới trong sáu tháng lưu trú. Giai đoạn đầu tiên tập trung cho nội dung chia sẻ kiến thức và thực hành chuyên môn. Giai đoạn thứ hai dành thời gian để các nghệ sĩ sáng tác và thực hiện tác phẩm. Những tác phẩm mới sẽ được công diễn tại Hà Nội vào cuối kỳ lưu trú. Những nhạc sĩ hay nhóm nghệ sĩ có tác phẩm xuất sắc còn có cơ hội được chọn trình diễn tại Liên hoan Nhạc mới Hà Nội năm 2021.

Những người thực hiện "Hình của nhạc" quan niệm, các hình hài âm nhạc mới cũng cần được bắt đầu từ cội rễ, cho nên chủ đề của dự án năm 2020 được xác định là "Kết nối di sản". Những nghệ sĩ trẻ sẽ tìm ra hình dạng của nhạc trong tương lai bằng cách trở lại và kết nối với cội nguồn văn hóa và truyền thống âm nhạc nơi mình đã sinh ra, lớn lên. Theo đó, tham gia dự án, các nghệ sĩ sẽ có cơ hội được tìm hiểu và thực hành chuyên sâu với năm loại hình âm nhạc và nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam, gồm: Tuồng, chèo, quan họ, ca trù, chầu văn. Ðồng hành cùng họ có sự cố vấn, định hướng của các nhạc sĩ đã có bề dày hoạt động nghệ thuật với cách tiếp cận di sản đa dạng như: Nghệ sĩ Trần Kim Ngọc; nghệ sĩ nhạc truyền thống, đương đại và thể nghiệm đa phương tiện Nguyễn Xuân Sơn (Sơn X); nghệ sĩ dương cầm và trình diễn xuyên ngành Lan Cao; cùng một số nghệ sĩ quốc tế khác.

Trong bối cảnh âm nhạc thể nghiệm ở Việt Nam chưa được dành nhiều "đất" để phát triển, còn thiếu những sân chơi chuyên nghiệp và sự hỗ trợ, quan tâm đúng mức thì sự ra đời và vận hành của những dự án như "Hình của nhạc" cần được khuyến khích. Bởi đây là cơ hội để đội ngũ sáng tác âm nhạc trẻ của Việt Nam được tiếp cận đa dạng di sản và sáng tạo âm nhạc; từ đó góp phần kích hoạt, nâng cao nhận thức của công chúng về vị thế của âm nhạc thể nghiệm đương đại trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà.

(Nguồn: https://nhandan.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.